SÀI GÒN SAU NGÀY GIÃN CÁCH - CÒN ĐÓ NHỮNG NỖI LO
Điều gì đến sẽ đến ! Sau nhiều ngày phong tỏa hay nói chính xác là 123 ngày thì nay Sài Gòn gỡ phong tỏa.
1.10 như ngày ghi dấu mốc lịch sử cho một Sài Gòn phồn hoa đô thị.
Tất cả mọi hoạt động bình thường đều dừng lại để nhường chỗ cho quyết tâm chống dịch.
123 ngày qua với biết bao nhiêu tâm trạng. Có lẽ âu lo, buồn chán và không còn ý lực sống ủ ấp trong tâm của biết bao người. Trong thời gian đó, lòng bảo lòng, người bảo người chung chia chút gì đó cho anh chị em rơi vào cảnh khó. Mà chẳng lẽ cứ ngồi đó để "chờ sung rụng" sao ?
Nan giản cho cuộc sống đè nặng biết bao người trong nhiều ngày tháng qua. Ở cũng không nổi mà về cũng không xong.
Câu chuyện ở không nổi là vì còn việc đâu để mà làm trong khi cái đói nó cứ muốn ôm chầm lấy con người. Doanh nghiệp thì rơi rụng như lá mùa thu vì không trụ nổi trong thời gian giãn cách. Khi không còn kế sinh nhai nữa thì ở lại cũng bằng không.
Chú bé quen với gia đình quyết định bỏ phố về quê. Đơn giản là sau nhiều năm trụ ở Sài Gòn nhưng đến nay coi như không còn ngẫu hứng cũng như nguồn sống. Nếu như trước đây đi bỏ nước Yến cũng đắp đổi qua ngày nhưng trong và sau cái đợt phong tỏa này thì mấy ai còn có khả năng để tiêu thụ như trước,
Nghe Sài Gòn mở phong tỏa là chú khăn gói lên đường và dự định sẽ về quê ngay sáng sớm mùng 1. Gia đình giải thích chuyện rất khó để về quê nên thuyết phục chú ở lại thêm thời gian nữa.
Chuyện chẳng lành cũng đến. Mới sáng sớm mở máy thì thấy đoàn người rời Sài Gòn trên cung đường quốc lộ 1 thuộc Bình Chánh. Nhìn cảnh người dân phá rào để vượt qua không ai không khỏi chạnh lòng. Những người giữ nhiệm vụ trực chốt dường như cũng đành lánh đi vì không chịu nổi áp lực của người dân. Nhìn cảnh tượng đó sao đau lòng quá ! Cũng là đồng bào. cũng là người thân quen của mình đó thôi nhưng sao lại như vậy.
Đắng lòng khi nghe tâm sự : “Lột đôi bông của vợ, bán được bốn trăm rưỡi ngàn, xét nghiệm mỗi người hết hai trăm, còn năm chục đổ xăng”
Chắc chắn ai ai cũng biết được chuyện mong mỏi về quê sinh sống của nhiều người. Tiếc thay là không có đường lối để lên danh sách cho họ về từng nhóm người cũng như cho đến nơi nào đó ở tập trung trước khi cho họ hòa nhập cuộc sống. Chính vì lẽ không có đường hướng hay như là như thế nào đó nên mới có cảnh tượng hãi hùng như xem trên video clip.
Khi và chỉ khi mình ở trong hoàn cảnh của những anh chị em đó thì mình mới thấu hiểu lòng họ. Dẫu biết rằng Sài Thành là nơi đã từng ủ ấp và cưu mang họ thế nhưng rồi đến giờ Sài Thành như kiệt sức.
Theo như dự định mở cửa, nhiều công ty và nhà máy lại rộ lên tình trạng thiếu công nhân. Theo đó, những công nhân đã về quê đợt trước nay lại nóng lòng trở lại với công việc thân quen.
Thật sự cái chuyện bỏ phố về quê cũng là chuyện chẳng đặng đừng vì mùa màng và công việc hiện nay dường như quá khó. Ngay như cái miền quê nơi tôi đang ở đây thì dân cũng chả biết làm gì hơn với cây mì cây mía trong khung cảnh thời tiết khô hạn và đất dường như cũng không còn. Nghèo quá nên họ đã bán đi phần đất mà họ có để tìm đường sống mà giờ đường sống lại mong manh.
Và như vậy, ta lại thấy quá nhiều nghịch lý, quá nhiều bất cập trong câu chuyện quản lý con người sau giãn cách. Người thì muốn quay đi và kẻ thì muốn trở lại. Tất cả cũng chỉ vì kế sinh nhai chứ không vì chuyện gì khác.
Câu chuyện tháo giãn cách cũng như cho đi đường như bình thường vẫn là câu chuyện nan giải. Chưa hẳn mở lại là cuộc sống sẽ bình yên. Rồi những ngày tới đây cuộc sống sẽ ra sao nếu như biến động về con số ca nhiễm.
Sài Gòn không như Hà Nội là túa ra đường để đón Trung Thu sau nhiều ngày phong tỏa. Sài Gòn tìm cách trở về nhà để tìm chốn dung thân.
Nhìn dòng người đổ về quê sao thấy nhói lòng. Họ tranh thủ đến mức có thể chỉ để được về quê dù phía trước còn quá nhiều rào cản.
Người thân trêu chọc hôm nay là mùng 1 Tết nên đi kiếm tiền lì xì ! Chọc thì chọc cho vui vậy thôi chứ tương lai đàng trước xem chừng như khó đoán. Chỉ thấy tội và thương những người tất bạt thôi.
Lòng dặn lòng đừng nghĩ gì nữa hết nhưng sao không nghĩ được. Quanh mình còn và còn nhiều lắm những mảnh đời bơ vơ vất vưởng. Và rồi cũng thầm mong và nguyện cầu sao cho sau cái ngày 1 tháng 10 định mệnh này mọi chuyện được ổn thỏa. Đơn giản là nỗi đau đã quá lớn và không có gì bù đắp nỗi cho những mất mát trong khoảng thời gian qua.
1.10.2021