Xóa mình đi để Chúa Kitô ở lại

Thứ ba - 13/05/2025 22:35 7 0


XÓA MÌNH ĐI ĐỂ CHÚA KITÔ Ở LẠI

Trong những lời đầu tiên của Đức Lêô XIV, có một chỉ dẫn quý giá về đời sống của Giáo hội.
 

 

Có những từ ngữ được dùng để đánh dấu tiến trình của sự việc. Trong bài giảng đầu tiên của Đức Lêo XIV với tư cách là Giáo hoàng, trước hết phần mở đầu rất gây ấn tượng, với lời tuyên xưng đức tin nhiều lần của Phêrô, những lời mà Đức Gioan Phaolô I cũng muốn lặp lại vào cuối bài giảng trong Thánh lễ đầu tiên của ngài: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Nhưng cũng có một cái nhìn về Giáo hội, và về việc thực hiện mọi phục vụ trong Giáo hội, được hé lộ trong các câu kết luận. Đây là câu trích dẫn Thánh Inhaxiô thành Antiokia: “Vì thế, tôi sẽ thực sự là môn đệ của Chúa Giêsu Kitô, khi thế gian không còn nhìn thấy thân xác tôi nữa.” Vị Giáo Phụ này muốn ám chỉ đến việc bị thú dữ ăn thịt, nhưng cách diễn đạt này soi sáng cho mọi khoảnh khắc và mọi hoàn cảnh của đời sống Kitô hữu: Đức tân Giám mục Rôma nói, “những lời của ngài nhắc lại, theo nghĩa chung hơn, một dấn thân mà bất kỳ ai trong Giáo hội đang thi hành thừa tác vụ quyền bính không thể từ bỏ: xóa mình đi để Chúa Kitô ở lại, trở nên nhỏ bé để Người được biết đến và tôn vinh, hiến mình mà không tính toán để không ai bỏ lỡ cơ hội biết đến và yêu mến Người“. Xóa mình đi, trở nên nhỏ bé, để Người có thể được biết đến. Từ bỏ mọi não trạng nhân vật chính, mọi niềm tin tưởng trần tục vào quyền lực, cấu trúc, tiền bạc, các dự án tiếp thị tôn giáo, để phó thác bản thân cho Đấng dẫn dắt Giáo hội, mà nếu không có Người – như chính Người đã nói – chúng ta không thể làm gì được. Hãy phó thác cho hành động của ân sủng Người, vốn luôn đi trước chúng ta.

Trong tầm nhìn ​​này của Đức tân Giáo hoàng cũng có tính liên tục rõ ràng với vị tiền nhiệm của ngài là Đức Phanxicô, người đã nhiều lần trích dẫn mysterium lunae (huyền nhiệm mặt trăng), hình ảnh mặt trăng mà các Giáo Phụ dùng để mô tả Giáo hội, vốn sẽ tự lừa dối nếu nghĩ rằng mình có thể tỏa sáng bằng chính ánh sáng của mình, vì Giáo hội chỉ có thể phản chiếu ánh sáng từ một Đấng khác. Khi bắt đầu cuộc hành trình của mình, Đức tân Giáo hoàng, một nhà truyền giáo sinh ra tại Hoa Kỳ và sống ở vùng ngoại vi của thế giới như một người mục tử “mang mùi chiên“, dường như làm vang vọng lại lời của Thánh Gioan Tẩy Giả về Chúa Giêsu: “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại“. Mọi thứ trong Giáo hội đều tồn tại vì sứ mạng. Mọi thành viên của Giáo hội – từ Đức Giáo hoàng cho đến người rốt hết trong những người chịu phép rửa tội – phải trở nên nhỏ bé để Chúa Giêsu có thể được biết đến, để Người là nhân vật chính. Ở đây có mối quan tâm của thánh Augustinô đối với việc tìm kiếm chân lý, tìm kiếm Thiên Chúa, vốn trở thành mối quan tâm được biết Người ngày càng nhiều hơn, và ra khỏi chính mình để làm cho người khác biết đến Người, để khát vọng về Thiên Chúa được hồi sinh trong mỗi người.
 

 

Việc chọn tông hiệu Lêô XIV thật ấn tượng, gắn liền nó trực tiếp với truyền thống vĩ đại và tính thời sự của học thuyết xã hội của Giáo hội, với việc bảo vệ người lao động, với lời kêu gọi về một hệ thống kinh tế và tài chính công bằng hơn. Sự giản dị trong lời chào đầu tiên của ngài có ý nghĩa quan trọng, lời cầu xin bình an Phục Sinh, sự bình an mà chúng ta rất cần, và sự cởi mở với tất cả mọi người vang vọng lại lời “todos, todos“(tất cả mọi người, tất cả mọi người) của Đức Phanxicô. Mong muốn tiếp tục con đường hiệp hành thật gây ấn tượng. Nhưng cũng như việc đọc Kinh Kính Mừng hôm qua cùng với dân Thiên Chúa, vào ngày Cầu xin Đức Mẹ Pompeii, và lời cầu xin cuối cùng trong bài giảng đầu tiên của ngài, một ơn được cầu xin “với sự giúp đỡ chuyển cầu dịu dàng của Đức Maria, Mẹ Hội Thánh.”

Vào thứ Năm, ngày 8 tháng Năm, một lần nữa, chúng ta đã có sự xác nhận về điều đó: tại thời điểm “extra omnes” (xin mọi người ra ngoài), có điều gì đó đã xảy ra tại Nhà nguyện Sistine mà không thể giải thích hoàn toàn bằng lôgic và các sơ đồ của con người. Sự kiện 133 Hồng y từ khắp nơi trên thế giới, nhiều người trong số các ngài chưa từng gặp nhau trước đây, đã đến để bầu chọn, trong vòng 24 giờ, Giám mục Rôma và Mục tử của Giáo hội hoàn vũ, là một dấu hiệu tuyệt đẹp của sự hiệp nhất. Cây gậy của Người kế vị Thánh Phêrô, tỏa sáng cách đây vài ngày trong sự mong manh của Đức Phanxicô và trong phép lành Phục Sinh cuối cùng của ngài dành cho mọi người, giờ đây đã được truyền cho một Giám mục truyền giáo khiêm nhường, người con của Thánh Augustine. Giáo hội sống động vì Chúa Giêsu sống động và hiện diện, dẫn dắt Giáo hội bằng những môn đệ rất mong manh, sẵn sàng xóa mình đi để Người, và chỉ mình Người, có thể ở lại.

Andrea Tornielli

———————————

Tý Linh chuyển ngữ

Tác giả bài viết: Tý Linh chuyển ngữ

 Tags: Giáo Hoàng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây