Chuyện mới xảy ra về một bài viết nào đó được loan truyền trên mạng cách chóng vánh và mang tính thời sự. Bút tích bài viết đó khi được vị linh mục phụ trách về Truyền Thông của Giáo Phận viết thư minh định bài viết đó không phải là của Đức Cha Giuse thì mọi người mới vỡ lẽ.
Thật ra, sự kiện vừa qua cũng chỉ là giọt nước tràn ly cho thời buổi bùng nổ thông tin. Với cái không gian mạng rộng lớn bao la, người ta tha hồ mà nhiễu nhương trên đó để như đánh bóng tên tuổi của mình hay là vì lợi ích nhóm của mình.
Giữa thời đại thông tin bùng phát như thế này, có thể nói rằng khi nào nghe chính từ miệng của người đó nói ra (có video, có âm thanh, có hình ảnh) thì khi đó mới xác thực được người đó nói. Còn không, ta thấy cả một tập thể làm nhân viên cho đài cnn (có người nói)
Ta quá kinh nghiệm về cái chuyện bỏ vạ cáo gian hay chuyện thổi phồng sự việc trong công chúng. Có khi sự việc chả là gì cả nhưng rồi người này nói qua, người kia nói lại thì sự kiện nó bừng cháy lên lúc nào không biết.
Những câu chuyện buồn về cái chuyện "Phương Hằng tôi" có thấy có nhiều chuyện để nói. Những gì Cô ta đưa ra ánh sáng những sự gian dối hầu cảnh tỉnh cũng như tìm sự công bằng cho con người và xã hội. Thế nhưng rồi xung quanh Cô, có những người xem chừng ra không dính dự gì nhưng cứ cái kiểu "thừa giấy vẽ voi" để rồi thêu dệt lên những câu chuyện cho lâm ly bi dát.
Không phải chỉ một mình Cô Chủ Đại Nam nhưng ai ai trong chúng ta hơn một lần cay đắng về những câu chuyện thêu dệt không thành có và có thành không. Đúng là miệng lưỡi thế gian.
Ngay cả những người loan tin nhanh chóng, có khi thực sự họ chưa đọc, chưa suy về bản tin đó mà hễ cứ thấy là like và share.
Một Nữ Trợ Tá Tông Đồ lòng trầm buồn khi nói về ơn gọi Nữ Trợ Tá Tông Đồ mà mình đang theo. Cô muốn cho có nhiều ơn gọi nữa nhưng dường như không thấy dù đã dùng mọi kiểu mọi cách để quảng bá cho cái ơn gọi thầm lặng này. Dù in tờ bướm và phát nhưng nhiều năm qua ơn gọi không có. Đơn giản là người ta vẫn đi tìm vinh quang của thế gian, đi tìm cái bề nổi của cuộc đời. Và điều này dễ hiểu cho tâm lý đám đông
Nhiều khi hiệu ứng đám đông đã áp đảo những điều chưa kiểm chứng thậm chí bao che cho sự giả tạo.
Cuộc đời cũng thế ! Đâu phải thấy nước lặng là hồ không có sóng hay thấy gió hiu hiu lại cứ ngỡ không có gì. Có khi từ những ngọn gió hiu hiu ấy mang theo những luồng khí độc giết hại con người mà không ai hay biết. Có khi cái hồ nước tuy lặng nhưng bên dưới chất chứa những dòng nước xoáy sẵn chực nuốt chửng những con người ngây thơ vui vẻ.
Và ở đời, đôi khi người ta dán nhãn cũng như "bắt hình dong" cách quá đáng. Xã hội ngày hôm nay nhiều lần minh chứng cho chúng ta lung linh chưa hẳn là vàng và vàng nhìn thấy đó nhưng chưa hẳn là thiệt. Dựa vào tâm lý đám đông và ảo để rồi một số người tranh thủ lừa đảo niềm tin của người khác.
Ngay cả thực phẩm, thuốc, chất tạo mỡ rút dáng gì đó mà người quảng cáo có bao nhiêu phần trăm là thật. Thế nhưng rồi TV cứ nói tới nói lui riết người ta cứ nghĩ là thật.
Tiếc thay bao nhiêu lần TV nói nhưng thực tế như thế nào con người quá hiểu. TV nói là thịt heo giá 90 nhưng khi ra chợ là cứ phải 140. Tranh luận giữa người bán và người mua đến cực độ để rồi người bán nói : "Chị cứ lên TV mà mua". Điều hay là có nhiều người tin TV sái cổ.
Chúng ta thấy chưa bao giờ mà truyền thông lại chi phối đòi sống con người ngày hôm nay. Con người ngày hôm nay đã đánh mất rất nhiều thời gian cho mạng xã hội ảo và không chân thực.
Với tư cách là Kitô hữu, chúng ta hơn bao giờ hết và hơn ai hết phải thận trọng khi sử dụng về truyền thông. Cần có những kiến thức cơ bản về truyền thông cũng như có đầu óc để phân định trang nào giả trang nào thật, trang nào câu view câu like kiếm tiền quảng cáo. Những trang đó, họ chuyên đi xào nấu thông tin cũng như đưa ra những cái tít giật gân làm cho người ta bu vào để xem.
Ta thấy có những trang gọi là mang "mùi" Công Giáo hay những cây bút ghi là người Kitô hữu nhưng kỳ thực những trang đó là những trang xào nấu thông tin và giật tít thông tin. Còn mang danh là Kitô hữu nhưng người ta tìm đủ mọi cách để soi cũng như dèm pha đời tận hiết. Họ vui vẻ công kích đời tu để rồi một số người cứ vui vẻ nghe và tin theo.
Qua chuyện người ta để tên bài viết nào đó do Đức Cha Giuse chủ bút như một lần nữa nhắc nhở cho chúng ta về đạo đức truyền thông, về sự biện phân các trang mạng xã hội. Chúng ta cần và cần lắm ơn Chúa Thánh Thần trợ giúp để ta phân biệt tin nào là tin giả và tin nào là tin thật. Chỉ có mình Đức Kitô là tin thật và là Tin Mừng của Thiên Chúa. Đơn giản, mỗi Kitô hữu hãy đọc Tin Mừng, nghe Tin Mừng và sống Tin Mừng chứ đừng sống theo kiểu cnn hay kiểu xào nấu thông tin hay là vội vã thông tin khi thông tin chưa kiểm chứng.
Mỗi Kitô hữu phải ý thức và góp phần mình để làm trong sạch truyền thông giữa cơn bão xô của sự thật và sự giả. Mỗi Kitô hữu cần cân nhắc xem nguồn tin trước khi đọc và hơn thế nữa là trước khi share tin.