Nhật Ký Cali: Thời Gian … Không Ngừng Đâu

Chủ nhật - 11/12/2022 04:14 431 0
 

Nhật Ký Cali: Thời Gian … Không Ngừng Đâu
 
Trinh Vương thương yêu,

Quả thật thời gian qua nhanh quá, thoáng đó mà  một năm đã lặng lẽ dần trôi hết nữa rồi, những tờ lịch  ngày càng vợi đi, và block lịch đã mỏng, chỉ còn lại vỏn vẹn vài mươi tờ nữa là phải thay quyển lịch khác, và trong lúc một năm mới nữa bước ngang qua đời, thì nghịch lý thay chúng ta lại trở nên cũ mèm cùng với thời gian, với những cơn đau nhức của tuổi tác và với nỗi buồn ngày càng dầy thêm theo cùng sự vắng bóng của những người bạn thân yêu . . . Và một lần nữa ngày mai chúng mình, những  học sinh của ngôi trường yêu dấu xưa cùng với  Hội Thánh Công Giáo chào đón Ngày Sinh Nhật Thánh của Trinh Vương, một ngày mà có lẽ tất cả những ai đã từng có thời gian ngồi dưới mái trường thân yêu này cũng đều không thể quên, ngày lễ “Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, ngày 8, tháng 12” Lễ hội của Ngôi Trường Thương Yêu Xưa . . . Những ngày không chỉ Đón mừng Mẹ Maria trong Thánh Lễ, mà còn là lúc những sinh hoạt rộn ràng cho các Nàng Tiên Áo Trắng Trinh Vương được dịp trổ tài với chương trình Văn Nghệ, Hội Chợ, Nữ Công Gia Chánh được thực hiện để gây quỹ, góp cho  “ Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ”, thăm Thương Bệnh Binh ở Quân y Viện, và ủy lạo những tù nhân trong Trung Tâm Cải Huấn.
Mơ màng nhớ về những ngày tháng cũ mà quên cả thời gian dần trôi, chợt sáng nay nhìn lên tờ lịch mình mới thảng thốt giật  mình, và chợt một câu hát về mùa hè xưa của nhạc sĩ nào đó mình không nhớ, bỗng cứ vang vang trong đầu mình “ Thời gian trôi qua mau không ngừng đâu,  mỗi mùa hoa phượng đầu, tiếng ve kêu gợi sầu, phút chia tay rầu rầu, tiếc thương riêng  mình biết, hoặc tìm trong mắt nhau . . .”. Trường mình là trường Nữ, hơn nữa lại là trường Soeur nên chắc việc “ Tìm trong mắt nhau” bị “Nhầm địa chỉ” rồi phải không Trinh Vương, nhưng cho dẫu thời gian có phai mầu trên mái tóc, và trí nhớ có nhạt nhòa với thời gian chăng nữa thì hình ảnh đầu tiên của ngày bước chân vào ngôi trường Công Giáo, sau những năm phải học ở các trường công lập vì theo ba đi những nơi xa xôi không có trường Công Giáo cũng không thể nào phai mờ trong gia tài ký ức của mình.
Hôm ấy là một ngày của mùa Thu Tháng Tám ( cho dù người ta nói Miền Nam Việt Nam không có mùa Thu), lần đầu tiên mình xúng xính trong bộ áo dài mầu trắng và được ba mẹ đưa đến văn phòng của trường để nhận lớp, mình được vào lớp Đệ Thất B ( Lớp theo sinh ngữ chính là Anh văn, lớp A là theo môn Pháp văn), người đầu tiên mình gặp trong văn phòng hôm ấy là thầy giám thị Bùi Tấn Ba, và soeur thư ký dáng người nhỏ nhắn đeo kính trắng, và mãi sau này, khi vào ở nội trú trong trường mới biết đó là soeur Angria. Mặc dù có lạ lẫm và bỡ ngỡ nhưng mình cũng rất vui vì gặp được Thanh Bình ( hai đứa cùng học chung lớp ba và lớp nhì ở trường Tiểu Học Công Lập trên Pleiku), gặp Trần thị Phúc của trường Ấu Triệu, nhưng Phúc học lớp Pháp văn và bây giờ đã là Soeur Thérèse Phúc của Dòng Mến Thánh Gía ( vẫn còn đang ở lại ngôi trường Trinh Vương đã mất tên ngày nào, cũng như sắp lãnh nhận Kim Khánh trong cuộc đời Đi Theo Jesu và Yêu Thập Giá Chúa Jesu).À quên còn học chung lớp với Lại Thị Ánh Tuyết, cũng là một nhỏ bạn, giống như Trần thị Phúc không những học chung lớp mà còn ngồi chung bàn ở lớp nhất B, trường Ấu Triệu.
Sau khi xếp hàng chào cờ, nghe soeur Hiệu Trưởng Gabriel Lê Thị Phi Hường nói lời đón chào học sinh, và mừng năm học mới, đặc biệt cho bọn lính mới chúng mình, những cô bé lần lần đầu tiên bước vào  nấc thang mới trên con đường học vấn . ..  Học sinh các lớp thứ tự xếp hàng hai, nối đuôi nhau đi lên lầu, mình nhớ lớp mình là phòng đầu tiên của dãy lớp học nhìn ra hướng cổng trường; Người Thầy Đầu Tiên chúng mình găp là Soeur Cố Vấn của lớp, và đồng thời là người thầy phụ trách môn Toán của lớp, Soeur Christine ( Soeur cũng vừa mừng Lễ Sáu Mươi Năm khấn Dòng trong tháng Tám năm nay 2022). Lần đầu bước vào Trung học Đệ Nhất Cấp mình cũng thấy lạ lẫm và hơi sợ vì lẽ sẽ được học với nhiều thầy cô khác nhau cho từng môn học. chứ không chỉ học với một người thầy như ở Tiểu Học, và thầy cô ở trung học không còn gọi là “ Giáo Viên” mà được gọi là “ Giáo Sư”, khuôn mặt nghiêm nghị và dường như hơi ít cười của soeur cố vấn ( Hình như bây giờ họ gọi là Giáo Viên chủ nhiệm) khiến mình khá e ngại và không dám nói chuyện với ai . . .Mình còn nhớ cái cảm giác sợ soeur cố vấn ngày ấy như thế nào, nhất là soeur lại dạy môn Toán, mà toán ở đây lại chia làm hai loại khác nhau chứ không như hồi Tiểu học, đó là hai môn Số Học và Hình Học, học riêng từng giờ khác nhau, và tuy sợ nhưng mình cũng thấy rất thú vị vì soeur cũng có nốt ruồi trên khóe môi giống mình . . .
Mình cũng vẫn còn nhớ nhiều người thầy dạy mình năm đầu tiên đó, như soeur Josepha dạy môn Vạn Vật, hiện soeur vẫn đang sống ở San Jose, trong ngôi nhà nhỏ bé các Soeur đã chung tay tạo dựng cho Dòng Mến Thánh Giá Gò Thị- Qui Nhơn. Soeur Madeleine day môn Nữ Công, và Giáo Lý, soeur Jane Francois dạy Nhạc, hai soeur giờ này đã cùng với Soeur Gabrielle rời bỏ chúng mình để rong chơi trên cõi Thiên Đàng rồi . . . Ngày ấy, có lẽ  Soeur dạy môn Anh Văn là người mình “Mê” nhất vì soeur rất trắng và không chỉ hiền mà soeur còn đẹp ơi là đẹp nữa chứ, đó là Soeur Goretti, nhưng mình cũng chỉ học được soeur có mỗi một năm lớp đệ thất rồi sau đó mình không còn gặp lại soeur sau khi nghỉ hè lên Đệ Lục, chỉ nghe nói soeur đã về với gia đình ở Nha Trang, bỏ lại chiếc áo Dòng và lũ học trò nhỏ như mình trong nỗi nhớ vô bờ  . . . Môn Công Dân Giáo Dục được học với thầy Giám Thị Bùi Tấn Ba, môn Sử Địa soeur Madeleine dạy.
Cũng cần phải nói rằng lớp đệ thất B của chúng mình vô cùng may mắn khi được học môn Việt Văn với thầy Vũ Linh Châu ( lớp A thì học với thầy cô hay soeur nào mình không biết nên không có thể nhớ và  nhắc tên ở đây). Năm Đệ Thất có học về truyện cổ tích VN của tác giả Nguyễn văn Ngọc, thế nên tụi mình được nghe truyện đã đời luôn, ngoài truyện của NVN, tụi mình còn được nghe nguyên bộ truyện “Ngàn Lẻ Một Đêm” mà hồi đó không phải học sinh nào cũng có đủ tiền để mua nguyên bộ truyện đó để đọc, và cũng không phải học trò nào cũng mê đọc sách, cho dù thời chúng mình cũng không có nhiều trò giải trí như thời “Văn Minh Hại Điện” ngày nay. Cũng nhờ được học môn Việt Văn với thầy suốt hai niên khóa Đệ Thất và Đệ Lục mà mình đã biết nhà thơ Nhất Tuấn của “ Chuyện Chúng Mình”, và nhà văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh qua tác phẩm, “Đời Phi Công” để rồi sau này đã có cơ duyên gặp gỡ với cả hai vị này và trở nên thân thiết như chú cháu, thầy trò. Giờ thì hai vị đã ra người thiên cổ, nhưng vẫn không sao quên được bữa cơm với nhà Thơ Nhất Tuấn và Thầy Vũ Linh Châu năm nào nơi nhà mình, cũng như nụ cười héo hắt và giọt nước mắt của thầy Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh trong những ngày gần cuối đời khi mình đến thăm và nắm bàn tay gầy guộc của Thầy. . .
Thời gian cứ êm đềm trôi, và mùa hè đầu tiên trong đời cô nhỏ Nữ Sinh Trung Học đã đến. Đó cũng là lần đầu tiên mình học thêm trong mùa hè, những năm tiểu học thì tha hồ rong chơi, mình còn nhớ người thầy dạy thêm môn anh văn mùa hè ấy, (mình đoán có lẽ là một giáo sinh sư phạm, vì sau đó mình không còn gặp lại thầy lần nào nữa) thầy khá cao, da ngăm đen, và tên thầy là Thịnh, thầy nói giọng Bắc, thời gian học hè cũng không lâu, chắc có lẽ cũng chẳng còn mấy đứa học trò ngày ấy nhớ đến thầy nữa. Riêng mình vẫn không hiểu sao vẫn còn nhớ thầy, thật ra cũng có chút lý do, nhưng thôi mình sẽ kể vào lần khác, khi nào mình nhắc đến những truyện nghịch ngợm nơi mái trường Trinh Vương xưa nhé
Năm Đệ Lục lại bắt đầu với những thay đổi chút xíu về các người thầy. Môn anh văn do Soeur Modestine dạy, và học với soeur thì không an nhàn như hồi còn học với soeur Goretti và bộ sách của tác giả Nguyễn Đình Hòa, năm nay sách của chúng mình không có một chữ tiếng Việt nào, và còn phải học những bài  English Grammar với những Rules xa lạ đầu đời, những Intonation được vẽ sẵn trong bộ sách “ Practice Your English” của tác giả Audrey LWright, mình còn nhớ cuốn sách bìa màu hồng, gáy bọc vải màu đen ( Sách gốc in ở ngoại quốc, sách VN in lại cũng vậy nhưng gáy là giấy bìa cứng màu đen), Môn Toán thì học với cô Lý ( soeur Mary Paul sau này) . Nhạc thì học với soeur Sophie, soeur cũng là người dạy kiêm luôn môn Vạn Vật, Văn vẫn là thầy Vũ Linh Châu, và nếu mình nhớ không lầm thì sử địa cũng được học với thầy, và dĩ nhiên môn Công dân vẫn luôn là thầy Bùi Tấn Ba suốt từ năm Đệ Thất tới Đệ Tứ, soeur cố vấn vẫn là soeur Christine. Và dĩ nhiên môn Nữ công vẫn là Soeur Madeleine
Thời gian cứ thế lặng lẽ trôi cách yên bình đối với những cô bé học trò ở thành phố như chúng mình, trong lúc chiến tranh Bảo Vệ Miền Nam Việt Nam bất ngờ leo thang . . . Lính Mỹ, rồi cả Đại Hàn đổ về Miền Trung Nước Việt, thế nên năm Đệ Ngũ mình được gửi vào ở Nội Trú trong trường để không bị ảnh hưởng bởi những xáo trộn trên đường đến trường, vì lính Mỹ lúc bấy giờ đi đầy đường, thật ra họ cũng lịch sự, nhưng những quán Bar mở nhạc ồn ào trên những con đường chúng mình đi qua cũng khiến các bậc phụ huynh e ngại ; có lẽ tâm lý của người Việt ảnh hưởng những việc đã xảy ra trước Hiệp định Geneve, thời lính viễn chinh Pháp trong những năm trước đó ở Việt Nam.
Năm Đệ Ngũ môn Anh văn chúng mình học quyển sách “Let’s Learn English”, hình như cũng cùng tác giả với quyển “Practice Your English” của năm Đệ Lục, và người thầy dạy học của chúng mình là thầy Trần Tử Viên, thầy vừa làm việc ở đài Kiểm Soát Không Lưu của Air Việt Nam, vừa dạy bên trường Trung học Kỹ Thuật, dĩ nhiên người thầy nào thì cũng có đủ khả năng về chuyên môn của mình mới được mời giảng dạy, nhưng thầy Trần tử Viên ngoài kỹ năng sư phạm thầy còn có khá nhiều kiến thức phong phú về chuyên ngành công việc của thầy và thầy rất sẵn lòng chia sẻ cho học sinh những kiến thức đó. Thế nên bọn mình cũng biết thêm nhiều điều từ nơi thầy. Thầy cũng rất gần gũi và thân tình với học trò. Năm 2012 mình  vô cùng ngậm ngùi  khi tình cờ biết tin Thày đã qua đời từ nhiều năm trước ở Chicago, qua lời của một người học trò cũ của thầy ở trường Kỹ Thuật là nhạc sĩ Ngô Tín. Môn Toán chúng mình được học với thầy Lâm Quang Tuyến, thầy người Huế, thầy thuộc dạng “Mình hạc xương mai”, và hút thuốc nhiều, thường hay thả những vòng khói thuốc hình chữ O, mỗi khi thầy ngồi canh bọn chúng mình làm bài kiểm tra; nhà thầy ở đường Lê Lợi và mình có đến học thêm toán ở nhà thầy vào mùa hè chờ lên Đệ Tứ, mình thích ẵm và chơi với thằng nhóc con trai thầy lúc đó chắc độ hơn một năm tuổi, nên cũng được xem như học trò thân thiết với thầy cô, nhưng sau khi vào Sài gòn học, khi về thăm lại trường mình ít khi gặp được thầy. Mãi cho đến sau tháng 4/1975 hay đầu năm 1976 thì đúng hơn, mình tình cờ nhìn thấy Thầy, mình nói “nhìn thấy ” vì lúc đó thầy đang đi cùng một người lính bộ đội Miền Bắc, đi vào khu “Làng Thương Phế Binh Phước Bình”,Thủ Đức, thoạt trông thấy thầy mình mừng quá, và định chào hỏi thầy nhưng rồi lại thôi, bởi lúc đó mình vừa chợt nhận ra thầy có nhìn thấy mình, vì ánh mắt hai thầy trò giao nhau, nhưng đôi mắt thầy lạnh tanh như không muốn biết mình là người học trò cũ năm xưa, cách ăn mặc của thầy thấy cũng lạ, dù cũng là chiếc áo chemise trắng ngà như ngày nào, chỉ khác là tay không cài Manchette như ngày đi dạy học, mà lại xắn lên gần khủy tay, chiếc quần ống nhỏ và ngắn, chân đi dép, tóm lại nhìn thầy giống với người anh em của Miền Bắc hơn là người thầy của Miền Nam Việt Nam Cộng Hòa năm xưa. Tự dưng mình thấy ngao ngán trong lòng quá đỗi, mới đó mà con người cũ hôm qua đã thay đổi cách lạ thường đến thế sao?! Và không hiểu sao cứ mỗi lần nhớ đến những ngày tháng cũ thì mình lại nhìn thấy khuôn mặt và bộ dạng của thầy lúc ấy, cho dù mình không hề muốn, và mình luôn cố nhớ lại hình ảnh của thầy trong những tháng ngày xa cũ ở Trinh Vương, nhưng cũng không thể nào hiện ra được hình dáng của người thầy thân yêu xưa, không biết giờ này thầy còn sống ở nơi nào trên thế gian này, nếu thầy có tình cờ đọc được những dòng chữ này, xin thầy thứ lỗi cho em vì đã nói thẳng và thật lòng mình nha thầy
Môn Việt Văn năm Đệ ngũ chúng mình học với soeur Felicienne, năm này chúng mình đươc học và thực hành “Trần Thuyết”, nghĩa là đọc một tác phẩm nào đó rồi lên bục giảng, trình bày cho cả lớp nghe về tác giả và tác phẩm, sau đó các bạn sẽ đặt câu hỏi và người thuyết trình phải giải thích các câu hỏi đó một cách Logic, ngay từ ngày đầu học với Soeur Felicienne, dường như không chỉ có mình mà có rất nhiều bạn trong lớp rất thương quý Soeur; cho đến tận bây giờ, Soeur luôn là người thầy mình yêu thương và kính trọng  . . . yêu thương vì sự thật thà và thật tình của soeur đối với tất cả mọi học trò, nhất là bây giờ khi thầy trò đã già gần bằng nhau, có lẽ phải có một bài viết riêng về những kỷ niệm, những tình cảm của mình và các soeur, các người thầy mới có thể tạm đủ . . . Cũng như thầy Tuyến dạy chúng mình hai năm Toán, Soeur Josepha phụ trách môn Lý Hóa cho lớp mình trong hai năm Đệ Ngũ và Tứ, Soeur tuy nhỏ con và mảnh khảnh nhưng tụi mình cũng rất sợ vì cây roi to bản như cây thước của thợ may hay thợ bán vải luôn lăm le trên tay, và không ngại ngần quất vào mông các cô nàng học trò mỗi khi cân bằng phản ứng hóa học sai hay giải bài toán lý viết lộn Volt, và Ampere với nhau, mạch điện đấu sai là coi chừng, cây roi không thương tình nương tay cho em nào cả, cho dù sau giờ học soeur sẵn sàng cười đùa vui vẻ, nhưng vào tới lớp thì hãy coi chừng …
Cứ bình yên chăm chỉ học hành giỏi hay trung bình gì rồi cũng như kiến tha mồi, chúng mình lại ung dung bước vào lớp Đệ Tứ, may mắn cho chúng mình là năm đó học sinh nào đủ điểm trung bình là khỏi phải thi Trung Học Đệ Nhất Cấp ( Ngày xưa gọi là bằng Brevet). Năm đệ Tứ chúng mình lại được học môn văn cùng với thầy Châu, và lại được nghe thầy phân tích tác phẩm cổ văn  “ Đoạn Trường Tân Thanh”  của Nguyễn Du, cũng  như học thơ của Tản Đà, Cao Bá Quát, và Kim văn với những tác phẩm của Tự Lực văn Đoàn, Sử địa thì học với thầy Xuân ( Nguyễn Văn Xuân ?!, giáo sư của trường Cường Để), học với thầy Sanh môn gì thì lâu năm quá rồi mình không nhớ rõ môn các thầy phụ trách nhưng tên và khuôn mặt của các thầy thì mình vẫn nhớ, và cả một thầy dạy nhạc của trường Nữ Trung Học cũng hướng dẫn môn âm nhạc cho chúng mình năm lớp Đệ Tứ . khuôn mặt thầy đến giờ mình vẫn hình dung ra trong đầu, tiếc thay lại không nhớ nổi tên của Thầy, mình còn nhớ ngày ấy thầy dạy cho tụi mình hợp ca bài “ Viễn Du” của Phạm Duy “ Ra khơi, thấy lòng phơi  phới, thấy mộng ngày mai thấy niềm tin mới . . .’’ Riêng môn Anh Văn thì năm Đệ Tứ, theo chương trình cập nhật hóa   của Bộ Giáo Dục Quốc Gia, tất cả đổi sang  học bộ sách “English For Today”  và chúng mình được  học ngay vào quyển thứ ba, với tựa cùa  quyển sách là “ The Way We Live”, do một nhóm tác giả biên soạn và người chủ biên cuốn sách này là William R. Slager. Mình còn nhớ bìa cuốn sách màu xanh lá cây, và bài “Reading” đầu tiên là bài “ Life In A Small Town”, mô tả cuộc sống êm đềm, và dường như quen thuộc đến nỗi chỉ cần nhìn thấy một người nào đó của thị trấn đi ngang qua địa điểm nào đó, là có thể không cần nhìn vào đồng hồ cũng có thể biết lúc đó là mấy giờ. Đó là một thị trấn nhỏ và êm đềm bên Bờ Đông của Nước Mỹ, cái thị trấn mang tên Fairfax đó đã đi vào tâm trí mình cho đến tận bây giờ, nên khi có dịp đến Virginia, ngang qua Fairfax thì những câu chữ của bài học cũ như một cuốn film, bỗng hiện  ra ngay  trong đầu mình. Năm Đệ Tứ chúng mình lại được học với soeur Modestine, cùng với một thày người Mỹ, thầy Robert Lessila. Là thầy giáo bên Mỹ, bị động Viên đi lính qua Việt Nam cùng dạy với Soeur Modestine, nhờ học với thầy nên chúng mình rất dạn dĩ trong giao tiếp, và học với soeur Modestine mà giờ này hơn năm mươi năm trôi qua,mình vẫn có thể dạy văn phạm lại cho các cháu mà không cần phải xem qua sách vở . . .
Nói tóm lại những năm tháng dưới mái trường Trinh Vương là những tháng năm đẹp nhất đời người của chúng mình. Thế nên giờ này cho dù tóc đã có nhiều Muối hơn Tiêu, chúng mình cũng không thể nào quên được Ngôi Trường, thầy cô, các Soeur và bạn bè, những người đã tận tụy với nghiệp dĩ “Đưa Đò”. “Những Người Đưa Đò Thầm Lặng” ấy đã cho chúng mình một kho tàng kiến thức để chúng mình an tâm vững bước vào đời, và không chỉ kiến thức, mà còn đạo đức làm người. Và với mình thì “ Trinh Vương Một Ngày, Trinh Vương Một Đời”, Phải thế không các bạn?!

Phạm Thiên Thu (còn tiếp)
 Cali 7/12/22


 

Tác giả bài viết: Phạm Thiên Thu

 Tags: Suy tư

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây