Ngôi Mộ trống nói gì ?

Chủ nhật - 09/04/2023 20:19 1.046 0
 
NGÔI MỘ TRỐNG NÓI GÌ !



Sau hành trình dài 33 năm buồn vui trong phận người nơi dương thế, cùng với sứ mạng yêu thương bằng con đường tự hạ từ Bêlem đến Núi Sọ. Giờ đây, chàng thanh niên mang tên Giêsu người Nazaret đã thực sự yên nghỉ và quên đi những nỗi khổ của cuộc sống trần gian. Chúa quên đi những thờ ơ vô tình của các môn đệ thân tín đã từng thề non hẹn biển với Thầy, quên đi nụ hôn phản bội của Giuđa nơi Vườn Dầu, quên đi lời la ó vu khống cùng với bản án bất công, lời phỉ nhổ, chế nhạo của đám đông dân chúng trên đường lên Gongotha, tiếng va đập đáng sợ của chiếc búa đóng vào từng thỏi đinh xuyên qua xương thịt của con người vô tội. Nhất là quên đi nỗi cô đơn tột cùng trong cơn hấp hối mà tưởng chừng Chúa Cha cũng bỏ rơi mình “ Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa  của con, sao Ngài bỏ rơi con?” ( Mt 27, 46). Chúa đã yên nghỉ, không còn nhìn thấy đồi Canvê loang máu, Chúa đã an giấc với tấm vải gai liệm và“được đặt trong một ngôi mộ còn mới chưa chôn cất ai bao giờ “(x. Ga 19, 41)
 
Mọi sự trở nên yên ắng, tưởng chừng như chấm dứt nơi phiến đá lấp cửa mộ. Nhưng mới sớm tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, cảnh vật còn chìm sâu trong giấc ngủ, “Người đã chỗi dậy ra khỏi mồ” Cô Maria Madalena đã phát hiện điều này.“Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ, và chúng tôi chẳng biết họ để người ở đâu”. (Ga 20, 2). Tâm trạng hốt hoảng, lo lắng, nghi ngờ, sợ hãi của Maria và mấy phụ nữ càng làm cho Phêrô, Gioan bị tác động, được thúc bách muốn đi ngay đến mộ để tìm hiểu sự thật: “Bấy giờ, người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20, 8).


Chứng nhân của buổi sáng ngày đầu tuần thuở ấy không ai khác là bà Maria, các phụ nữ khác cùng với ông Phê-rô, Gioan mà Tin Mừng kể lại: (Ga 20, 1-10);(Mt 28, 1-7);(Mc16,1-7); ( Lc 24, 1-11).
Và …Thánh Phaolô quả quyết: “Tôi đã rao truyền cho anh em trước tiên điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Ðức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng theo như lời Kinh Thánh. Người được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi sau với mười một vị. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em trong một lúc, nhiều người trong số anh em đó hãy còn sống tới nay, nhưng có vài người đã chết. Thế rồi Người hiện ra với Giacôbê, rồi với tất cả các Tông đồ. Sau cùng, Người cũng hiện ra với chính tôi như với đứa con đẻ non”( 1Cr 15, 3-8)

Đức Giês Kitô Chúa chúng ta đã sống lại, biến cố này là niềm tin và sức sống mãnh liệt cho nhân loại suốt dòng lịch sử cứu độ. Hơn hai ngàn năm qua, biết bao thế hệ người tín hữu đã sống với niềm tin này, muôn ngàn chứng nhân anh dũng đã hy sinh mạng sống để minh chứng cho niềm tin ấy.

Ngôi mộ trống nói gì với người Kitô hữu, người sống đời thánh hiến trong thế giới hiện tại ?

Chúng ta cũng đã tìm Chúa với niềm tin, lòng khao khát và cả những xúc cảm có được như Maria Madalena khi cảm nhận sự hiện diện của Ngài trong các cử hành phụng vụ, và vui mừng muốn chạm vào Ngài khi nghe Ngài gọi tên trong những lần tĩnh tâm sốt sắng, những lúc cầu nguyện riêng tư bên Thánh Thể…? Muốn gặp được Chúa Giêsu cần có niềm tin, ngoài những yếu tố tình cảm cần dấu hiệu của sự trải nghiệm khi ở với Chúa, sống với Chúa và thực thi Lời của Ngài ; phản ứng tự nhiên hăm hở chạy ra mộ mà Phêrô, Gioan đã thực hiện năm xưa mà Kinh Thánh hôm nay  kể lại diễn tả điều đó!

Sống đức tin, đôi lúc cần có chút tình cảm ủy mị như Cô Maria, lòng xác tín như Phêrô và tình yêu nhẹ nhàng sâu lắng như Gioan. “Ông đã thấy và đã tin”.

Ngôi mộ trống lặng yên nói cho ta biết “Đức Giêsu đã Phục Sinh” vì “Nếu Chúa Kitô đã không sống lại, thì chúng ta là những người vô phúc nhất, ngu đần nhất, vì chúng ta đặt tin tưởng vào một chuyện hão huyền. Nếu Chúa Kitô đã không sống lại thì chúng ta vẫn còn mang tội lỗi ở trong mình và không ai giải cứu được chúng ta, không ai đem chúng ta đến gặp Thiên Chúa được. Nếu Chúa Kitô không sống lại, thì thập giá chỉ là dấu hiệu của nhục nhã, đau khổ của con người sẽ không có lối thoát và cái chết của con người sẽ là đường cùng, là ngõ cụt. (x. 1Cr 15,12)

Ngôi mộ trống cho chúng ta biết, mỗi người hãy để tâm hồn mình trở nên ngôi mộ trống của ngày Phục Sinh và lấp đầy bằng tình yêu, niềm tin của Đấng chịu đóng đinh. Chúng ta dừng để thất bại, đau khổ, hiểu lầm, chỉ trích, yếu đuối, buồn phiền, chia ly, chết chóc niêm phong chúng ta lại. Không nên để những lợi lộc riêng tư, những dự án của cá nhân, những thói hư tật xấu, đam mê… như phiến đá che lấp Tình Yêu và sự giải thoát. 

Ngôi mộ trống nói với mỗi người, hãy có tình cảm như Maria đã dành cho Chúa Giêsu, xin cho mình có được niềm tin của Phêrô, và cố gắng giải thoát mình khỏi mọi vướng bận để có một tình yêu cao thượng, trong sáng như tình yêu của Gioan dành cho Thầy Giêsu. Để từ đây mọi hành động, suy nghĩ và lối sống của mình chứng minh cho con người nhận biết chúng ta đang tin yêu và theo đuổi Đấng Kitô, Người đã chết và đã sống lại.
   
Ngôi mộ trống còn nói với chúng ta về quyền năng của Thiên Chúa,
Đấng quyền năng, không bị giới hạn bởi thời gian và không gian: Con có lên trời, Chúa đang ngự đó. Nằm dưới âm ty, vẫn gặp thấy Ngài” (Tv 139,8). Chúng ta tin đời sống người tín hữu không kết thúc ở nấm mồ, nấm mồ của mỗi người chỉ là khởi đầu cho sự sống lại cùng Đức Kitô. Tuy nhiên, dù được sống lại, số phận của mỗi người lại không giống nhau: “Trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ trỗi dậy: người thì để hưởng phúc trường sinh, kẻ thì để chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời” (Đn 12,2). Vì thế, hãy cùng nắm tay nhau để sống và giới thiệu về một Thiên Chúa quyền năng đang hiện diện nơi cuộc sống mỗi người, Ngài đang điều khiển và đưa dẫn thế giới trong bình an và hạnh phúc, để cùng xây dựng tương lai tốt đẹp từ bây giờ, ngay hôm nayđể những ai đang sống, không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình1 . Amen


1.(.Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 655).
 

Tác giả bài viết: Nt. Anna Lê ( MTG/ QN )

 Tags: Phút suy tư

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây