Các tu sĩ nam nữ Ghana dấn thân đấu tranh chống ô nhiễm nhựa

Thứ tư - 09/10/2024 00:46 135 0


Các tu sĩ nam nữ Ghana dấn thân đấu tranh chống ô nhiễm nhựa

Bên cạnh nhiều hoạt động khác nhau, các tu sĩ ở Ghana dành thời gian để giúp cộng đồng rộng lớn hơn nhận ra nhu cầu bảo vệ Công trình sáng tạo, tập trung đặc biệt vào sự ô nhiễm của nhựa, điều vốn đã trở thành một vấn đề lớn, đặc biệt là ở các vùng ngoại ô gần thành phố.
 

Sơ Sylvie Lum Cho, MSHR


Vấn đề ô nhiễm dễ dàng được phát hiện ở Donkorkrom, Miền Đông của Ghana, Tây Phi. Khi đi dạo thư giãn ở Donkorkrom, từ bậc cửa qua các con phố đến các khu chợ, người ta có thể nhìn thấy những chiếc túi nilon nằm trên mặt đất. Người dân Donkorkrom thường có thói quen uống nước đóng chai, và thường ngay sau khi uống nước, họ vất chai nhựa ở bất kỳ chỗ nào trên mặt đất.


Không phải là điều lạ khi nhìn thấy nhựa bị vứt bừa bãi trong khuôn viên trường học hoặc khuôn viên nhà thờ, mặc dù các linh mục và tu sĩ đã nhiều lần kêu gọi mọi người chú ý hơn.
 

Sự tàn phá do ô nhiễm


Việc vứt rác nhựa bừa bãi xuống đất gây ra những tác động nghiêm trọng đến môi trường. Ví dụ, những trận mưa cuốn theo rác nhựa từ mặt đất, dồn chúng lại và chôn chúng vào lòng đất, và thường chỉ khi người dân cày đất để trồng trọt mới phát hiện chúng; và cả một vùng đất nơi có rác nhựa là vùng đất chết, không có cây gì có thể nảy mầm do bị ô nhiễm nhựa.


Một vấn đề khác của sự ô nhiễm nhựa là khi nhựa bị tắc trong rãnh nước và trời mưa, nước không thể chảy, dẫn đến ngập tràn và lũ lụt, gây ra thiệt hại lớn hơn cho cộng đồng.


Ô nhiễm nhựa không chỉ gây hại cho đất mà còn cho cả động vật, cũng là một phần trong Công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Một số loại nhựa trôi theo mưa hoặc lũ lụt và bám trên cỏ, và nếu các thú vật vô tình nuốt phải những thứ này, chúng sẽ bị chết.


Những người tìm kiếm giải pháp


Các tu sĩ đã lãnh trách nhiệm nâng cao nhận thức của cộng đồng về nhu cầu bảo vệ môi trường. Họ đang thực hiện điều này bằng cách thu hút cộng đồng vào các cuộc nói chuyện và các hoạt động khác về chủ đề này, nhưng chủ yếu là bằng thực tế sống của chính họ. Họ dấn thân đi đầu trong việc bảo vệ môi trường để những người khác sẽ noi theo.


Mục tiêu của các tu sĩ là tiếp tục thực hành chăm sóc môi trường trong các cộng đồng dòng tu và giáo xứ của họ, để khi các thành viên trong cộng đồng địa phương đến thăm nhà họ, họ sẽ thấy, có ý thức và làm theo.
 

Các tu sĩ cũng tin rằng để cuộc chiến này thành công, phải có một số loại thay thế để giải quyết tình trạng ô nhiễm nhựa. Theo quan điểm đó, họ có kế hoạch sản xuất túi mua sắm bằng sợi gai hoặc vật liệu có thể xử lý được, mà họ có thể sử dụng một cách có ý thức để mua sắm thay vì mang nhiều túi nhựa từ cửa hàng về nhà và điều này chỉ góp phần gây ô nhiễm nhiều hơn.


Các tu sĩ tin rằng nếu người dân thấy họ thực hiện việc này, chắc chắn người dân sẽ có sự thay đổi tích cực và sẽ có ý thức hơn trong việc bảo vệ trái đất.


Đoàn rước nến


Vào tháng 6 năm 2024, các tu sĩ của Hạt Đại diện Tông tòa Donkorkrom đã tham dự một cuộc rước nến qua thị trấn Donkorkrom, với các tấm áp phích và biểu ngữ ủng hộ việc bảo vệ môi trường.

Đoàn rước do Cha Bernard Adjei Appiah, Dòng Ngôi Lời, Chủ tịch Liên tu sĩ châu Phi, Ghana, và Giám quản Nhà thờ chính tòa của Nhà thờ Công giáo Thánh Phanxicô Xavier, Donkorkrom.


Cuộc rước nến là một trong những hoạt động được Hội các Bề trên Cao cấp của các dòng tu Ghana khởi xướng để cử hành Năm Thánh và năm đặc biệt dành cho các tu sĩ do Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố, với chủ đề “Xin hãy sai Thánh Thần của Chúa đến và đổi mới bộ mặt trái đất” (Tv 104,30).


Trong bài phát biểu kết thúc cuộc rước, Cha Bernard cho biết: “Khi tất cả chúng ta đang cùng nhau hành trình, Thiên Chúa ban cho chúng ta một điều rất đẹp, đó là Trái đất. Chúng ta phải chăm sóc nó chứ không phải phá hủy hay hủy hoại nó”.

Cha cũng kêu gọi các em học sinh và giáo viên có mặt hãy coi việc nhặt bất kỳ loại nhựa nào mà các em thấy vương vãi trong khuôn viên trường học là nhiệm vụ, đồng thời gọi một đại diện từ mỗi nhóm và tổ chức của Giáo hội có mặt trong cuộc rước, mỗi người cầm một tấm biển và yêu cầu họ cam kết bảo vệ Trái đất.


Quá trình nâng cao nhận thức đang diễn ra


Quá trình nâng cao nhận thức về vấn đề ô nhiễm nhựa là một quá trình đang diễn ra và cho đến nay, nó đã mang lại một số thành quả. Trong số đó có thực tế là một trong hai trẻ em trong lớp mẫu giáo có ý thức vứt nhựa hộp bánh quy của mình vào thùng rác chứ không phải trên mặt đất. Trẻ em Trường Chúa Nhật cũng biết rằng các em nên nhặt bất kỳ loại nhựa nào mà các em tìm thấy trên mặt đất.

Trong bước tiếp theo trong nỗ lực nâng cao nhận thức, các tu sĩ có kế hoạch mang theo thùng rác để nhặt nhựa trên đường phố thay vì biểu ngữ, nhằm truyền tải thông điệp đến cộng đồng dễ dàng hơn.


 

Tác giả bài viết: Sơ Sylvie Lum Cho, MSHR

Nguồn tin: https://www.vaticannews.va

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây