Thiên Chúa sẽ nhân đôi niềm vui cho những ai biết cho đi tất cả

Chủ nhật - 07/11/2021 18:10 214 0
 
Suy niệm bài Tin Mừng hôm nay, trong buổi đọc Kinh Truyền Tin, ĐTC Phanxicô chia sẻ về hai thái độ khác nhau của các kinh sư và một bà góa nghèo, người đã dâng cúng tất cả những gì mình có. Cử chỉ của góa phụ thể hiện một niềm tin xuất phát từ nội tâm, không mang hình thức bên ngoài, được thực hiện bằng tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân.

 


Anh chị em thân mến

Tin mừng của Phụng vụ hôm nay mô tả khung cảnh bên trong đền thờ Giêrusalem. Chúa Giêsu quan sát những gì đang xảy ra nơi đây, nơi thiêng liêng nhất, và Ngài thấy cách các kinh sư ưa thích đi lại để được chú ý, chào hỏi và kính trọng cũng như để có được vị trí danh dự. Chúa Giêsu nói thêm rằng : “Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn" (Mc 12,40). Đồng thời, Ngài thoáng nhìn thấy một khung cảnh khác: một bà góa nghèo, là một trong những người bị bóc lột bởi những người quyền thế, bỏ vào trong thùng tiền của Đền thờ “tất cả những gì bà có để nuôi sống mình” (c. 44). Tin mừng kể, bà bỏ vào thùng tất cả những gì bà có để nuôi sống mình. Tin mừng đặt chúng ta trước sự tương phản chói tai: những người giàu có cho đi những gì dư thừa để người khác nhìn thấy, và một người phụ nữ nghèo, ẩn mình, cho đi tất cả những gì mình có. Hai biểu tượng của hai thái độ con người.

Chúa Giêsu quan sát hai khung cảnh này. Và chính động từ - “quan sát”- này gồm tóm giáo huấn của Chúa: những người sống đức tin cách giả dối giống như các kinh sư kia, “chúng ta phải cảnh giác” để không trở nên như họ; trong khi chúng ta phải nhìn vào “bà góa” để xem bà như một mẫu gương. Chúng ta hãy chú ý điều này: hãy coi chừng những kẻ giả hình và hãy nhìn vào bà góa nghèo.

Trước hết, hãy coi chừng những kẻ đạo đức giả, nghĩa là đừng đặt cuộc sống vào việc thờ phượng theo kiểu hình thức bên ngoài, chăm sóc quá mức hình ảnh của mình. Và trên hết, hãy chú ý để không bẻ cong niềm tin vì các lợi ích của chúng ta. Các kinh sư đã che đậy, nhân danh Chúa, tính tự đắc của họ, và tệ hơn, họ dùng tôn giáo để vun vén việc kinh tài của họ, bằng cách lạm dụng quyền lực và bóc lột những người nghèo. Ở đây chúng ta thấy thái độ tồi tệ đến nỗi ngay cả ngày nay, ở rất nhiều nơi, nhiều địa điểm, chủ nghĩa giáo sĩ đứng trên những người hèn mọn, khai bóc lột họ, “đánh đập” họ, cảm thấy mình hoàn hảo. Đây là tệ nạn của chủ nghĩa giáo quyền. Đó là lời cảnh báo cho mọi thời đại và cho tất cả mọi người, Giáo hội và xã hội: đừng bao giờ lợi dụng vai trò của mình để đè bẹp người khác, đừng bao giờ kiếm chác trên da thịt của những người yếu đuối nhất! Và hãy tỉnh thức để không rơi vào sự phù phiếm, để chúng ta không gắn chặt mình với hình thức bên ngoài, làm mất đi bản chất và sống hời hợt. Chúng ta tự hỏi, điều đó sẽ giúp gì cho mình: trong những điều chúng ta nói và chúng ta làm, chúng ta muốn được đánh giá cao và hài lòng hay chúng ta muốn phục vụ Chúa và tha nhân, đặc biệt là những người yếu đuối nhất? Chúng ta ta hãy cảnh giác với sự giả dối của con tim, thói đạo đức giả, là một căn bệnh nguy hiểm của tâm hồn. Đó là một suy nghĩ nước đôi, xét đoán nước đôi, như chính từ này diễn tả: “xét đoán mặt dưới”, xuất hiện một đàng và “ipo”, phía dưới lại có một suy nghĩ khác. Hai mặt, người có tâm hồn hai mặt, tâm hồn lọc lừa.

Và để chữa khỏi căn bệnh này, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nhìn vào bà góa nghèo. Chúa tố cáo sự bóc lột đối với người phụ nữ này, người đã dâng của lễ, phải trở về nhà mà không hề có chút gì để sống. Điều quan trọng là giải phóng cái thiêng liêng khỏi các mối ràng buộc với tiền bạc. Về điều này có lần Chúa Giêsu đã nói: không ai có thể làm tôi hai chủ; hoặc là bạn phục vụ Thiên Chúa hoặc tiền bạc – chúng ta nghĩ rằng Chúa nói “hoặc là ma quỉ”. Tiền bạc là chủ nhân, Chúa Giêsu nói rằng chúng ta không nên phục vụ nó. Nhưng đồng thời Chúa khen ngợi việc bà góa này đã bỏ vào thùng tất cả những gì mình có. Bà ấy không còn gì cả, nhưng trong Thiên Chúa bà đã tìm thấy được mọi thứ cho mình. Bà ấy không sợ mất đi những gì mình có, vì bà rất tin tưởng vào Chúa, và chính điều này Thiên Chúa sẽ nhân đôi niềm vui cho những ai biết cho đi. Điều này khiến chúng ta liên tưởng đến bà góa khác, bà góa thời tiên tri Êlia, người đã làm một chiếc bánh bằng bột cuối cùng với chút dầu cuối cùng. Êlia nói với bà: “Bà hãy cho tôi ăn đi” và bà ấy đã làm; và hũ bột sẽ không bao giờ cạn, đó là một phép lạ (x. 1V 17, 9-16). Trước lòng quảng đại của con người, Thiên Chúa luôn đi xa hơn và rộng lượng hơn. Nhưng đó là Thiên Chúa chứ không phải như tính hà tiện của chúng ta.

Đây là lý do mà Chúa Giêsu đề nghị người đàn bà này như là người thầy của đức tin: Bà không đến đền thờ để làm cho lương tâm mình dễ chịu, bà không cầu nguyện để được người ta nhìn thấy, bà không phô trương đức tin của mình, nhưng bà đã cho đi với trọn cả tấm lòng, quảng đại và hào phóng. Những đồng tiền của bà có âm sắc hơn những đồng tiền dâng cúng kếch xù của những người giàu, vì chúng thể hiện một cuộc đời tận hiến cho Thiên Chúa với lòng chân thành, một đức tin không sống bằng dáng vẻ bên ngoài nhưng với một niềm tin vô điều kiện. Chúng ta hãy học nơi bà: một niềm tin không mang vẻ bề ngoài, nhưng với lòng chân thành bên trong; một niềm tin được tạo nên từ tình yêu khiêm nhường dành cho Thiên Chúa và tha nhân.

Và giờ đây, chúng ta hướng về Đức Trinh Nữ Maria, người đã biến cuộc đời mình trở thành một món quà cho Thiên Chúa và cho dân tộc của mình bằng tâm hồn khiêm nhường và trong sáng.

 

Tác giả bài viết: Giuse Võ Tá Hoàng

Nguồn tin: https://hoangcatholic.blogspot.com

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây