Bài giảng rất hay của Đức Thánh Cha Phanxicô trong đêm Vọng Phục sinh tại đền thờ thánh Phêrô năm 2022
Nhiều nhà văn đã gợi lên vẻ đẹp của những đêm đầy sao sáng. Thế nhưng, những đêm của chiến tranh bị cày xới bởi những vệt sáng đầy chết chóc. Anh chị em thân mến, trong đêm nay, chúng ta hãy để mình được nắm tay các phụ nữ trong Tin mừng, để cùng với họ khám phá ánh sáng của Thiên Chúa mọc lên, chiếu soi trong bóng đêm của thế giới.
Khi màn đêm thưa dần và những tia sáng đầu tiên của bình minh ló dạng, những người phụ nữ ấy đến mộ để xức xác Chúa Giêsu. Và ở đó họ thực sự sửng sốt: trước hết họ phát hiện ngôi mộ trống rỗng; và rồi họ thấy hai người y phục sáng chói, những người này nói với họ rằng Chúa Giêsu đã sống lại; và ngay lập tức các bà chạy đi báo tin cho các môn đệ khác (x. Lc 24, 1-10). Các bà thấy, nghe và loan báo. Với những hành động này, cả chúng ta nữa, chúng ta bước vào Lễ Vượt Qua của Chúa.
Những người phụ nữ nhìn thấy. Lời loan báo đầu tiên về sự Phục sinh không được trao bằng một công thức để hiểu, nhưng là một dấu chỉ để chiêm ngắm. Trong một nghĩa trang, cạnh ngôi mộ, nơi mà tất cả mọi thứ phải được xếp trật tự và yên tĩnh, những người phụ nữ ấy “thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ. Nhưng khi bước vào, họ không thấy xác Chúa Giêsu đâu cả” (c.2-3). Do đó, lễ Phục sinh bắt đầu bằng cách đảo ngược các kiểu thức của chúng ta. Nó kèm theo món quà hy vọng khiến chúng ta ngạc nhiên. Nhưng không dễ gì để nhận ra được điều đó. Đôi khi, - chúng ta phải thừa nhận-, niềm hy vọng này không có chỗ trong tâm hồn của chúng ta. Như những người phụ nữ trong Tin mừng, chúng ta cũng bị bao trùm bởi những thắc mắc và nghi ngờ và phản ứng đầu tiên khi đối mặt với dấu hiệu bất ngờ là sợ hãi: “cúi mặt xuống đất” (c. 4-5).
Chúng ta thường xuyên nhìn cuộc sống và thực tại với gương mặt cúi xuống. Chúng ta chỉ chăm chú nhìn một ngày trôi qua, chúng ta vỡ mộng về tương lai, chúng ta khép mình vào trong những nhu cầu của mình, chúng ta đồng ý giam mình vào ngục tù của vô cảm, trong khi chúng ta lại liên tục than phiền và nghĩ rằng mọi thứ sẽ không bao giờ thay đổi. Cho nên, chúng ta vẫn cứ bất động trước ngôi mộ của sự cam chịu, của chủ thuyết định mệnh và chúng ta chôn vùi niềm vui sống. Tuy nhiên, trong đêm nay, Chúa muốn ban cho chúng ta đôi mắt khác, được thắp sáng bởi niềm hy vọng, nỗi sợ hãi, đau đớn và cái chết sẽ không là lời cuối cùng đối với chúng ta. Nhờ sự Phục sinh của Chúa Giêsu chúng ta có thể thực hiện một bước nhảy từ hư không đến sự sống, “sự chết sẽ không còn có thể lấy đi cuộc sống của chúng ta” (K. Rahner, Phục sinh nghĩa là gì, Brescia 2021,8): nó hoàn toàn được bao bọc bởi tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Thật vậy, sự chết có thể làm cho chúng ta sợ hãi và tê liệt. Nhưng Chúa đã sống lại! Chúng ta hãy nhìn lên, hãy gỡ bỏ bức màn cay đắng và buồn sầu khỏi đôi mắt, hãy mở ra cho niềm hy vọng của Thiên Chúa.
Thứ hai, những người phụ nữ lắng nghe: Sau khi đã chứng kiến ngôi mộ trống, hai người đàn ông với y phục sáng chói nói với họ: "Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi” (câu 5-6). Thật tuyệt vời cho chúng ta khi nghe và lặp lại những lời này: Ngài không còn ở đây nữa! Bất cứ khi chúng ta cho rằng mình đã hiểu được mọi điều về Thiên Chúa, và có thể nhốt Ngài vào những kế hoạch của chúng ta thì lúc đó chính chúng ta đang lặp lại: Ngài không có ở đây! Bất cứ khi nào chúng ta chỉ tìm Ngài trong những cảm xúc, thường là thoáng qua, hoặc tìm Ngài trong những lúc cần, để rồi sau đó gạt bỏ Ngài sang một bên và bỏ quên Ngài trong những tình huống lựa chọn cụ thể của cuộc sống hằng ngày thì chúng ta đang lặp lại: Ngài không có ở đây!. Và khi chúng ta nghĩ đến việc giam cầm Ngài trong những ngôn từ, trong các công thức, trong các thói quen của mình mà quên đi tìm Ngài trong những góc tăm tối nhất của cuộc đời, nơi có người đang khóc, đang đấu tranh, đau khổ và hy vọng, thì chúng ta đang lặp lại: Ngài không có ở đây!
Chúng ta cũng hãy lắng nghe câu hỏi dành cho các phụ nữ: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?”. Chúng ta không thể bắt đầu lễ Phục sinh nếu chúng ta tiếp tục ở trong sự chết; nếu chúng ta vẫn là tù nhân của quá khứ; nếu trong cuộc sống chúng ta không can đảm để Thiên Chúa tha thứ cho mình, tha thứ tất cả, không can đảm để thay đổi, để đoạn tuyệt với những công trình của sự dữ, không dám quyết định vì Chúa Giêsu và vì tình yêu của Ngài; nếu chúng ta tiếp tục giảm thiểu đức tin thành tấm bùa hộ mệnh, biến Chúa trở thành kỷ niệm đẹp của một thời, thay vì gặp gỡ Ngài hôm nay như một Thiên Chúa hằng sống, Đấng muốn biến đổi chúng ta và biến đổi thế giới. Một Kitô giáo tìm kiếm Thiên Chúa trong số những mảnh vụ của quá khứ và giam giữ Ngài trong ngôi mộ của thói quen là một Kitô giáo không có Phục sinh. Nhưng Chúa đã sống lại rồi! Chúng ta đừng nán lại bên ngôi mộ mà hãy ra đi để tái khám phá Chúa, là Đấng Hằng Sống! Chúng ta cũng đừng ngần ngại tìm kiếm Chúa nơi khuôn mặt của anh chị em mình, trong câu chuyện của những người hy vọng và mơ ước, trong nỗi đau của người đang than khóc và khốn cùng: Chúa đang ở nơi những người đó!
Cuối cùng, những người phụ nữ loan báo. Họ loan báo điều gì? Niềm vui Phục sinh. Lễ Phục sinh không xảy ra để an ủi cách thân thiết những người đang khóc cho cái chết của Chúa Giêsu, nhưng để mở con tim loan báo về chiến thắng phi thường của Thiên Chúa trên sự dữ và sự chết. Vì thế, Ánh sáng của Sự sống lại không nhằm để giữ các phụ nữ đắm chìm trong niềm vui cá nhân, không ủng hộ những thái độ ù lì, nhưng để sinh ra những người môn đệ truyền giáo, “trở về từ ngôi mộ” (xem câu 9) và rao truyền Tin mừng của Đấng Phục sinh cho tất cả mọi người. Đó là lý do tại sao sau khi đã thấy, đã nghe, các phụ nữ đã chạy đi loan báo tin vui Phục sinh cho các môn đệ. Họ biết rằng có thể họ bị coi là điên rồ, đến nỗi Tin mừng kể rằng những lời họ nói có vẽ “là chuyện vớ vẫn” (c. 11), nhưng họ không bận tâm đến danh tiếng của mình, không bận tâm đến việc bảo vệ thể diện của mình; không so đo cảm xúc hay lời nói của họ. Họ chỉ có một con tim rực nóng để đem tin vui, loan báo: “Chúa đã sống lại rồi!”.
Và tuyệt vời biết bao khi một Giáo hội chạy theo cách này trên mọi nẻo đường thế giới. Không sợ hãi, không chủ nghĩa chiến thuật và cơ hội, chỉ với ước muốn mang niềm vui của Tin mừng cho tất cả mọi người. Chúng ta được mời gọi để làm điều này: tích lũy kinh nghiệm về Đấng Phục sinh và chia sẻ cho người khác; để lăn tảng đá ra khỏi ngôi mộ, nơi chúng ta vẫn thường giam giữ Chúa, để loan báo niềm vui của Ngài cho thế giới. Chúng ta hãy làm cho Chúa Giêsu, Đấng Hằng sống, sống lại từ ngôi mộ nơi mà chúng ta giam giữ Ngài. Chúng ta hãy giải thoát Ngài khỏi những thủ tục mà chúng ta thường giam cầm ngài. Chúng ta hãy thức tỉnh và bước ra khỏi giấc ngủ của cuộc sống yên bình của mình mà đôi khi chúng ta đã nằm lì vì không muốn bị quấy rầy và làm phiền thêm nữa. Chúng ta hãy đem Ngài vào trong cuộc sống mỗi ngày: bằng những cử chỉ hòa bình trong thời điểm bị đánh dấu bằng điều khủng khiếp của chiến tranh; bằng những công trình hòa giải trong mối tương quan bị đổ vỡ và với lòng từ bi đối với những người túng thiếu; bằng những hành động công bình giữa những bất công và bằng sự thật giữa những dối trá, nhất là bằng những công trình yêu thương và huynh đệ.
Anh chị em thân mến, niềm hy vọng của chúng ta được gọi với cái tên là Giêsu; Ngài đã vào trong ngôi mộ tội lỗi của chúng ta, đã đến vực sâu thăm thẳm nơi chúng ta bị thất lạc, đã bước qua những rắm rối của sợ hãi, đã mang lấy ách nặng nề của chúng ta, từ những vùng tối thăm thẳm của sự chết, đã thức tỉnh chúng ta về cuộc sống và biến than khóc của chúng ta thành vũ điệu. Chúng ta hãy cùng mừng lễ với Chúa Kitô! Ngài đang sống và hôm nay Ngài vẫn còn bước qua, biến đổi và giải phóng. Sự dữ không còn quyền chi đối với Ngài, thất bại không còn có thể ngăn cản chúng ta bắt đầu lại, cái chết trở thành con đường khởi đầu cho cuộc sống mới. Bởi vì với Chúa Giêsu Phục sinh, không có bóng đêm nào là vô tận, ngay cả trong đêm tối tăm nhất, trong đó ngôi sao mai vẫn tiếp tục tỏa sáng.
Thưa ông thị trưởng, các nghị viên, trong bóng đêm mà quý vị đang sống, bóng đêm tăm tối của chiến tranh và tàn ác, trong đêm nay chúng tôi cầu nguyện với quý vị và cho quý vị. Chúng tôi cầu nguyện cho những người đau khổ. Chúng tôi chỉ có thể mang đến cho quý vị tình bằng hữu của chúng tôi, lời cầu nguyện của chúng tôi. Và chúng tôi nói với quý vị rằng: “can đảm lên, chúng tôi cùng đồng hành với quý vị”. Và chúng tôi cũng đem đến cho quý vị điều vĩ đại nhất mà hôm nay được cử hành: Christòs voskrés ! [Chúa Kitô đã sống lại!]