Cứ chưa đầy 4 giờ sáng, lọc cọc, lọc cọc chiếc xe đẩy thơm lừng mùi thức ăn đi tới từ phía sau đường Bạch Đằng làm Nó thức giấc.
Đứng trên hành lang ngó xuống, bóng dáng của một người phụ nữ đứng tuổi, gầy gò, gương mặt sạm nắng - dần tiến gần hơn trên đường Hàn Thuyên ra hướng Trần Hưng Đạo. Dù nắng hay mưa, chị vẫn kiên nhẫn với chiếc xe đẩy - chất trên đó bao nhiêu thứ để phục vụ bữa ăn sáng cho khách với món “bún cá” đặc sản của Qui Nhơn, món “khoái khẩu” dầu có đi đâu vẫn nhớ của người dân xứ nẫu.
Những lúc thời tiết bất thường, ngày hè nóng bức khi mọi người còn đang yên giấc trong căn phòng mát lạnh, hay cuộn mình trong chiếc mền ấm áp giữa mùa đông rét buốt, mặc kệ mưa gió, nắng nóng, lạnh giá chị vẫn lầm lũi đẩy chiếc xe ra cái hiên nhà quen thuộc, đứng “nhờ” để mưu sinh.
Cơn nóng bức kéo dài cả đêm qua đến lúc này vẫn còn nóng gây khó cho chị , mồ hôi tuôn xuống cay xè đôi mắt làm cho ánh sáng lập lòe, mờ nhạt lúc tối - lúc sáng; chị phải dừng chân gần cổng tu viện để quẹt vội “dòng mồ hôi” đang lăn dài trên trán… không thể tiếp tục quan sát, chị đã xa dần.
Chưa đầy một phút, cũng từ phía sau đột nhiên có những tiếng nổ như sấm, đinh tai nhức óc phát ra từ chiếc pô của hai xe gắn máy lao tới … thót tim, nhìn xuống đường thì ra là xe của hai cặp đôi nam nữ. Hai người thanh niên lái xe có cái đầu “nửa vàng, nửa hoe”; hai cô gái ngồi phía sau “tội nghiệp” mang đồ “thiếu vải” trống trước trống sau… Bực bội vì thái độ của những chàng trai cô gái kia không biết gì về lịch sự tối thiểu, các bạn ấy có biết bây giờ là mấy giờ, có biết qui định về việc “sử dụng còi không đúng quy chuẩn kỹ thuật cho từng loại xe, bấm còi xe, hú xe trong khu dân cư trước 5 giờ sáng là bị phạt”[1] không ?
…“keng - keng, keng- keng ” tiếng chuông báo thức mời gọi !
---
Hình ảnh người phụ nữ ốm nhom, chầm chậm dùng sức đẩy chiếc xe và bước theo sau, chiếc xe qua để lại làn khói bốc lên “thơm mùi chả cá”; hình ảnh của các chàng trai cô gái kia cứ trộn lẫn trong dòng suy nghĩ theo Nó đi vào giờ nguyện gẫm.
Mấy người trẻ kia chắc con nhà đại gia ! Cha mẹ chúng có của ăn của để nên chúng chẳng cần lao động, chẳng cần đổ mồ hôi vẫn có cuộc sống sung túc, thế nên giờ này không biết là thời điểm nào trong ngày mà vẫn lang thang lêu lỏng ? Bọn chúng đang ở độ tuổi đến trường mà, tương lai của chúng sẽ ra sao !
Hai lối thể hiện phong cách sống diễn tả giá trị con người xảy ra trong khoảnh khắc của thời gian; không bình luận, không phê phán thêm về các cặp đôi nam nữ kia, chỉ thương cho chúng vì sự bồng bột thiếu suy nghĩ mà có những hành động thiếu văn minh; chúng đang lao vào lối sống không lành mạnh… Dầu sao, hình ảnh người phụ nữ đẩy chiếc xe vẫn để lại cho tâm hồn nhiều xúc động, cảm thương hơn! Bóng dáng của cô cho Nó một đánh giá cao về giá trị của con người với kế mưu sinh thật sáng tạo. Có lẽ gia đình cô nghèo, cô không dựa vào ai, cô dựa vào nội lực và đứng đôi chân của mình. Cuộc đời cô thật ý nghĩa, cô thật cao thượng, Nó nhận xét như thế theo lời của Đức Gioan Phaolô II - Thông điệp “Về việc lao động của con người”, số 6: “Nền tảng để xác định giá trị việc làm của con người không chủ yếu dựa trên loại công việc đó”.
Thật vậy, giá trị của con người trong cuộc sống không dựa trên công việc, chắc chắn cũng không dựa trên vẻ bề ngoài được thể hiện với quần áo, mũ nón, giày dép…
Giá trị của con người nơi cuộc sống không nằm ở việc sở hữu bao nhiêu tiền, bao nhiêu đôi giày, giỏ xách, đồ dùng mình sử dụng thuộc loại hàng hiệu, đắt giá như thế nào, hoặc được ở trong ngôi nhà lớn, sang trọng, đẹp, đầy đủ tiện nghi đến đâu, di chuyển bằng phương tiện gì…?
Giá trị đích thực của một con người phải chăng nằm ở huy chương, bằng cấp, chứng chỉ, mà người đó nhận được ?
Giá trị của con người nơi cuộc sống, có chăng nằm ở địa vị và quyền lực ? Thoạt nhìn, người có quyền lực sẽ có tiếng nói, tiếng nói của họ nặng ký lắm ! Họ được “săn đón”, “trọng vọng”, không ai dám làm mất lòng bao giờ ? Họ luôn là “number one” dưới con mắt của những kẻ dưới quyền ?
Giá trị của con người trong cuộc sống dựa vào đánh giá, nhận xét từ những người xung quanh ? Cũng có thể - nhưng chưa hoàn toàn, đối với người có thiện cảm với người này thì họ sẽ đánh giá theo hướng tích cực. Ngược lại, nếu ngay từ đầu không có thiện cảm với ai đó, người này đã làm gì chướng mắt thì lời đánh giá sẽ không khách quan. Vì thế, những lời khen, tiếng chê từ người nọ người kia chưa phải là thước đo chính xác nhất về giá trị của một con người.
Giá trị của con người được thể hiện khi mỗi người là chính mình. Không một điều gì, không ai có thể làm thay đổi giá trị con người thật của mình. Giá trị của con người nằm ở : kỹ năng sống, tâm hồn đạo đức, nhân cách, giao tiếp lịch thiệp…
Người có giá trị là người biết nỗ lực không mệt mỏi trước khó khăn, không buông xuôi trước nghịch cảnh, biết chấp nhận thiệt thòi hay đau khổ để hoàn thành bổn phận của bản thân đối với gia đình, xã hội … Người có giá trị luôn biết tôn trọng phẩm giá của mình và của người khác, tôn trọng mọi người cũng như được người khác tôn trọng. Giá trị con người trong cuộc sống còn ở nơi Thiên Chúa, người tìm kiếm giá trị đích thực luôn muốn họa lại hình ảnh của Đức Giêsu nơi cuộc sống của mình: khiêm nhường, yêu thương, quảng đại… họ xây đời mình trên nền đá là nhận biết mình được yêu thương để rồi sẵn sàng hy sinh cho người khác bằng tình thương theo gương Chúa Giêsu. “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã trao tặng người Con duy nhất của Người, để bất cứ ai tin vào Người thì không chết nhưng có sự sống đời đời.” (Ga 3,16).
30 phút suy gẫm trôi qua thật nhanh, hình ảnh gây xúc động của người phụ nữ và chiếc xe đẩy cho Tôi hiểu thêm phần nào về giá trị của con người trong cuộc sống nằm ở đâu ? Bản thân cần rèn luyện giá trị nào để giúp mình thăng tiến toàn diện, hoàn thiện hơn mỗi ngày.
Xã hội phát triển, công nghệ 4.0 đang làm thay đổi nhiều phương diện của cuộc sống. Nhưng sao vẫn còn đó nhiều người mẹ, người cha; người đàn ông, phụ nữ phải lặn lội suốt ngày với chiếc xe đạp cọc cạch, chiếc xe hon đa cũ kỹ, hoặc phải cuốc bộ với xe đẩy hoặc quang ghánh trên vai loanh quanh hết hẻm này đến xóm kia. Họ làm việc trong sự thanh thản, bình an dù phải đổi mồ hôi, bán sức khỏe để mua lấy cuộc sống cho mình, cho con cái… để xây đắp hạnh phúc gia đình, góp phần làm cho xã hội bớt đi cái nghèo đói, giảm đi bao thứ tệ nạn… Tưởng chỉ ở Sài Gòn phồn vinh mới có cảnh người bán hàng rong, với tiếng rao “mua - bán” đồ ăn vặt, thu gom đồ phế liệu nhưng nay ở thành Phố Qui Nhơn vẫn dày đặc những tiếng chào mời như thế!
Những người cha, người mẹ, người đàn ông, đàn bà,… đã nhận ra giá trị đích thực của cuộc sống. Để có được cuộc sống tốt hơn, họ phải luôn phấn đấu, nỗ lực hết mình không để cho số phận đưa đẩy. Họ đang tạo cho mình một giá trị thật tuyệt vời “Mỗi chúng ta cần có những suy nghĩ tích cực hơn, phải sống có ước mơ và lao động một cách nhiệt tình, vui vẻ sáng tạo để hoàn thành ước mơ đó, có như thế cuộc sống mới trở nên ý nghĩa và tốt đẹp hơn cả”. ( M.Gorki)
Và, được biết người phụ nữ gầy ốm ngày ngày đẩy chiếc xe lọc cọc để kiếm sống kia là góa phụ - mẹ của hai người con ưu tú, một cháu sẽ tốt nghiệp đại học trong năm nay, một cháu sẽ vào đại học sau kì thi sắp tới. Thật cảm kích về những đứa trẻ ngoan, trưởng thành nhờ được nuôi dưỡng, giáo dục bằng sự nhọc nhằn, lao khổ của mẹ, của cha. Ước gì những người con luôn sống trọn tình thảo hiếu dù đời vẫn còn đó những bất công,“kẻ ăn không hết người lần chẳng ra”. Có lẽ các bạn trẻ thành công họ đã thuộc lòng và thực hành câu ca dao “Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy, Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao”.
Tôi thầm nguyện cầu cho các bạn trẻ dù đã thành danh, đã là ông kia bà nọ trong xã hội, dù đã làm chủ được chiếc máy vi tính, chiếc điện thoại thông minh, sống trong “thời đại choáng ngợp thông tin”… luôn biết nhìn nhận rằng tất cả những phương tiện đó không phải “thời của sự khôn ngoan tuyệt đỉnh”, sự khôn ngoan tuyệt đỉnh vẫn là sự khôn ngoan được xây dựng trên nền tảng nguyên tắc trật tự của Đấng Tạo Hóa trong vũ trụ, thực hiện những giá trị luân lý trong đời sống. Và luôn nhớ lời dạy của sách châm ngôn “Hãy lắng nghe cha con đấng sinh thành ra con, đừng khinh dễ mẹ khi người già yếu, chân lý khôn ngoan, nghiêm huấn và hiểu biết con hãy mua lấy chứ đừng bán đi. Thân phụ người khôn sẽ vui mừng, đấng sinh thành người công chính sẽ hỷ hoan và người sinh ra con được vui mừng” (Cn 23), có như thế mỗi người sẽ được lãnh nhận bao nhiêu phúc lộc ở đời này lẫn đời sau. Cầu nguyện cho bạn cho tôi, cho chúng ta được ơn sống các điều cao cả đó! Amen.
-------------------
Tác giả bài viết: Nt. Anna Lê (Dòng MTG QN)
Ý kiến bạn đọc