Suy niệm về sự chết nhân tháng Các Linh Hồn

Thứ ba - 31/10/2023 21:11 677 0
 
SUY NIỆM VỀ SỰ CHẾT
NHÂN THÁNG CÁC LINH HỒN

            
Chúng ta bước vào tháng 11 là tháng mà toàn thể Giáo hội dùng và nhắc cho chúng ta nhớ cầu nguyện cho Các đẳng Linh hồn. Thành thử thiết tưởng đây là dịp để chúng ta cùng nhau suy niệm về sự chết.
             
Đạp dưới chân hai con người vừa sa ngã là tổ tiên của nhân loại, từ Địa đàng, Thần Chết đã vụt đứng lên một cách đắc thắng, cất tiếng thét vang, rúng động cả Thiên đình, và bắt đầu tung lưỡi hái của y, gieo khắp thế gian một mùa khủng khiếp, vô tận.

            
1- Thấy bóng Thần Chết, con cháu Evà đã có những thái độ nào?

            
Thưa trước hết, có lắm người thầm nhủ : Cuộc đời qua nhanh, phải mau mau hưởng thụ. “Chơi xuân kẻo hết xuân đi. Cái già sồng sộc nó thì theo sau”. Họ tìm cách thỏa mãn tối đa ba bản năng của con người : bản năng quyền lực, bản năng truyền sinh và bản năng sinh tồn, có khi bằng cách bất chính đáng, vô đạo đức. Họ đắm chìm trong muôn lạc thú cõi trần, có khi một cách thô bỉ đê tiện: Vục mõm chúi đầu, cuồng yêu vội sống !

            
Có những kẻ lại nhìn Thần Chết với vẻ triết lý, ra chiều anh dũng. Họ cho rằng ý nghĩa cuộc đời là trở nên điểm tựa cho bánh xe lịch sử tiến tới 
: ta chết đi nhưng nhân loài tồn tại! Ý nghĩa cuộc đời là để tiếng muôn năm, lưu danh thiên cổ, bằng những việc kinh thiên động địa, như nhà bác học vô thần Stephen Hawking từng phát biểu: “Tôi không sợ chết, song tôi không vội chết. Tôi có quá nhiều thứ muốn làmNhưng những kẻ tìm ý nghĩa sống-chết theo kiểu ấy phải chăng sẽ vẫn bình thản tâm hồn khi Tử thần đã lấp ló ngoài cửa ? Hay là họ vẫn sẽ có thái độ dưới đây như tất cả mọi phàm nhân lúc cận kề cái chết ?

            
Thái độ đó là tâm hồn tê tái vì bao dứt bỏ đớn đau : dứt bỏ những ước vọng thiết tha, những lạc thú trần đời; từ giã những thân thuộc luyến thương, những công trình còn dang dở. Thái độ đó là tâm hồn hoảng sợ trước những lỗi lầm quá khứ, trước cảnh vô định tương lai. Lịch sử từng ghi nhận triết gia vô thần nổi tiếng Voltaire đã trải qua giờ chết cách khắc khoải, kinh hoàng và tuyệt vọng
[1].

            
Tất cả những tâm tình tiêu cực này đi liền với việc chấm dứt hơi thở, phân rã thể xác, làm nên hành vi nhân linh tối hậu của mỗi cá nhân mà người ta gọi là cái chết, hậu quả của tội lỗi. Đang khi đó thì con vật cũng đi tới chỗ tiêu vong thân thể nhưng chẳng hề có những tâm tình như vậy, nên các nhà thần học, chẳng hạn linh mục Karl Rahner SJ, không gọi đó là chết mà chỉ gọi đó là ngã quỵ, lụi tàn, tiếng Pháp là succomber (xem 
Karl Rahner, Herbert Vorgrimler, Petit Dictionnaire de Théologie catholique. Tủ sách Livre de Vie, mục từ Mort). 

           
 2-
 Đứng trước Sự Chết, loài người đã có những ý nghĩ nào?

            
Trước hết, qua kinh nghiệm trước mắt, nhiều người cho đó là cùng đường, mạt vận ; là sự kết thúc phi lý của cuộc đời (nhất là đối với những ai đang trên đường chiến thắng hiển hách, thành công rực rỡ, hưởng thụ tràn trề). Nhiều kẻ cho đó là phát súng hạ gục người đang tiến bước, là lưỡi kéo cắt dây sinh mạng đang kéo dài, theo như thần thoại Hy-lạp về ba nữ thần số mệnh: Họ 
có trong tay cuộn chỉ số mệnh của mỗi người, một bà quay cuộn chỉ, một bà quyết định độ dài sợi chỉ và một bà cắt chỉ.

            
Người ta cũng hình dung Sự Chết như một hữu thể linh thiêng, gọi là Tử thần, xưa nay chỉ biết xây tù nhốt muôn thế hệ, tạo dựng một vương quốc vốn chỉ là bóng tối đêm đen, trong đó các vong hồn sống vất vưởng chập chờn, ôm mối sầu đến thiên thu bất tận, như từng là lối hình dung của Cựu Ước trước thời các sách Khôn ngoan, của đa phần tôn giáo hay của tín ngưỡng bình dân. Hoặc người ta hình dung trong đó, được gọi là cõi âm, chỉ có những cô hồn, những ma đói ngày đêm mong chờ thân thuộc ở cõi dương cúng quẩy thức ăn và đốt hàng mã các vật dụng, như lối suy nghĩ của những kẻ mê tín dị đoan hiện thời.

           
 Người ta cũng chỉ thấy bàn tay của Thần Chết luôn mải mê tiêu diệt. Y ngày đêm đưa muôn loài trở lại cõi hư vô, chôn tấm thân giá lạnh xuống đáy mồ, vùi kỷ niệm vào hố sâu quên lãng. Mà quả thật như vậy, vì nào ai thoát được móng vuốt của Thần Chết, vì nào ai chẳng thấy lưỡi hái của y soàn soạt khắp ruộng đời, gặt một mùa bội thu những tử thi, nhất là trong những cuộc đại chiến thế giới hay đại dịch toàn cầu ? Bản thân Tử Thần vì thế luôn đắc chí, tưởng mình chiến thắng mãi, cho đến một hôm…

            
3- Nhìn về Sự Chết, Kitô hữu đã có những quan niệm nào?

           
Cho đến một hôm Tử thần đã bất ngờ gục ngã ! Nơi ngực y, một gươm thần đã đâm thâu. Gươm thần Thập giá ! Trên mình y, một chiến thắng thần đã đạp mạnh. Chiến thắng thần mang tên Giêsu Kitô, khi Người sống lại sáng ngày Phục sinh, ra khỏi huyệt mộ cho Tử thần vào thế chỗ. Khi bước vào chỗ chôn vùi mình, y còn nghe sau lưng tràng cười khanh khách và giọng nói chế diễu: “Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi?” (1Cr 15,55).

            
Và kể từ giây phút đó, Chúa Kitô biến chốn ngục tù gớm ghiếc mà Tử thần đã xây từ muôn vạn thuở thành phòng ngủ, phòng đợi. Xin nhớ lại, chữ “nghĩa trang” tiếng Việt dịch từ chữ “cimetière” tiếng Pháp. Chữ “cimetière” lại dịch từ chữ “c
oemeterium” tiếng La-tinh. Chữ “coemeterium” lại dịch từ chữ “koimeterion” tiếng Hy-lạp, vốn có nghĩa là phòng ngủ, phòng đợi.  Ngủ thì có lúc người ta thức dậy, đợi thì có lúc sự việc xảy ra. Đấng Phục Sinh đã biến ngục tối của Tử thần thành phòng đợi khang trang cho những ai tin Người, nơi đó họ chờ sống lại cả xác hồn trọn vẹn, để vui hưởng hạnh phúc đến muôn đời. Còn nấm mộ, đồng minh thân thiết của Tử thần, thì nhờ Chúa Kitô mà trở thành vườn ươm hạt giống phục sinh, sẽ nở thành cây trong ngày xuất hiện Trời mới Đất mới. Như hình ảnh con sâu nằm trong cái kén, chờ đến lúc chui ra hóa thành con bướm xinh đẹp bay trong bầu trời rực rỡ. Một hình ảnh Chúa dùng để giúp hiểu rõ sự sống lại mà những kẻ để ý không nhiều. Người ta đọc thấy trên bia mộ của thi sĩ Công giáo thời danh Paul Claudel người Pháp (1868-1955) có ghi hàng chữ: “Nơi đây lưu giữ di hài và mầm sống của Paul Claudel”.

            
Cái chết, mà nhân loại tưởng là bức tường sắt mà cuối đường cuộc sống ai nấy phải đụng vào, đầu vỡ toang, thân nát bét, thì nay trở thành ngưỡng cửa dẫn vào chốn vĩnh cửu thiên thu, nơi thế giới của Thiên Chúa chí từ, để con người bắt đầu một cuộc đời bất diệt. 
Như lời nhạc sĩ tài hoa Amadeus Mozart từng nói: “Tôi cảm ơn Chúa đã độ lượng ban cho mình cơ hội để hiểu rằng cái chết là chìa khóa mở cánh cửa dẫn tới chân hạnh phúc. Chúa Giêsu đã từng nói Người là cửa. Ai qua Người, tức là chết trong niềm tin vào Người, thì được sống lại và đạt tới sự sống, sự sống đích thực.

            
Là đột ngột chấm dứt, khiến có kẻ phải thốt lên : phi lý không cùng, rồi nguyền rủa “Con Tạo đa đoan”, “Ông Trời không có mắt”, thì cái chết nay trở nên sự kết thúc, hoàn thành của mọi công trình tốt đẹp mà chúng ta đã nỗ lực thực hiện chốn trần gian, để ung dung đi vào nơi ân thưởng, hưởng niềm vui của Chủ mình, như dụ ngôn các Nén bạc mà chúng ta vừa nghe hôm Chúa nhật 33 Thường niên năm A (Mt 25,14-30)

            
Nhờ sự phục sinh của Chúa Kitô, cái chết không còn là sự chôn vùi vĩnh viễn muôn giá trị tinh thần ta từng thủ đắc, nhưng là lúc kiện toàn viên mãn, bước thăng hoa triển nở đến vô cùng của tài năng, của tình yêu. của đức hạnh, Lúc đó chúng ta không còn than vãn theo nhạc sĩ Thành Tâm trong bài hát “Làm sao dám mơ” : “
Làm sao dám mơ rằng có, một tình yêu sẽ không phai nhòa. Một mùa xuân không tàn úa, một hạnh phúc muôn năm vững bền”. Thưa rằng trong vĩnh cửu, tức trong thế giới của Thiên Chúa, chỉ có Tình yêu trọn vẹn, Mùa xuân bất tận, Hạnh phúc toàn mãn mà thần học gọi là Toàn phúc (Béatitude). Đó là chưa kể thể xác phục sinh của chúng ta sẽ lành lặn và trở nên mỹ miều. Nhiều người trải qua “Kinh nghiệm cận tử” đã nhìn thấy thân thuộc quá vãng và tàn tật của mình lại trở nên đầy đủ tứ chi và xinh đẹp như những thiên thần. 

            
Trước niềm tin đầy lạc quan phấn khởi và có cơ sở vững vàng của chúng ta như vậy, Thần Chết sẽ xuất hiện thế nào? Chắc chắn không phải trong dạng một bộ xương người mặc áo choàng đen phủ từ trên xuống dưới, chỉ lộ cái đầu lâu trắng hếu, tay cầm lưỡi hái sáng loáng và sắc ngọt. Không, Thần Chết sẽ xuất hiện dưới hình hài ông Gioan con Dacaria, nghĩa là dưới dạng vị Tiền hô loan báo Chúa đến. Nên chúng ta sẽ thanh thản đón chờ. Vì sau lưng Thần Chết sẽ là thánh Phêrô tay cầm chìa khóa mở cửa Thiên Đàng, và sau lưng Thánh Phêrô là Thiên Chúa cứu độ của chúng ta, Đấng là Chân Thiện Mỹ tuyệt đối, Ánh Sáng tuyệt vời và Hạnh phúc tuyệt diệu.

            
Trên đây là những suy tư suy niệm của chúng ta về cái chết, sự chết, thần chết. Nhưng hy vọng đó là những gì mà các Đẳng linh hồn đang cảm nghiệm thực sự. Nếu e rằng họ chưa cảm nghiệm được vì còn phải thanh luyện, thì chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho họ.

 


HỠI THẦN CHẾT, CHIẾN THẮNG NGƯƠI ĐÂU?

Đạp dưới chân hai con người sa ngã,
Từ Địa đàng, ngươi đã vụt đứng lên,
Tiếng thét vang, rúng động cả Thiên đình,
Tung lưỡi hái, gieo một mùa khủng khiếp.
Thấy bóng ngươi, cháu con Evà rên siết,
Tê tái lòng bởi dứt bỏ đớn đau :
Kẻ luyến thương, công cuộc mới khởi đầu,
Ước vọng thiết tha, bao niềm vui thú.
Nghĩ đến ngươi, có lắm người thầm nhủ :
Đời qua nhanh, mau hưởng thụ tuổi xuân.
Đắm chìm trong muôn lạc thú cõi trần,
Vục mõm chúi đầu, cuồng yêu vội sống!
Có kẻ nhìn ngươi ra chiều anh dũng :
Ý nghĩa đời là để tiếng lưu danh,
Nên “điểm tựa cho lịch sử” tiến dần
Ta chết đi nhưng nhân loài tồn tại !?!
Ngươi xây tù nhốt muôn thế hệ mãi ;
Vương quốc ngươi là bóng tối đêm đen,
Bao bóng ma đi vất vưởng chập chờn
Ôm mối sầu đến thiên thu bất tận.
Ngươi là dấu chấm than, cùng đường, mạt vận,
Là kết thúc phi lý của cuộc đời,
Lưỡi kéo cắt dây sinh mệnh làm đôi,
Là phát súng hạ gục người đang bước.
Bàn tay ngươi chỉ mải mê tiêu diệt,
Đưa muôn loài trở lại cõi hư vô,
Chôn tấm thân giá lạnh xuống đáy mồ,
Vùi kỷ niệm vào hố sâu quên lãng.
Ngươi đắc chí tưởng mình luôn chiến thắng,
Bởi nào ai thoát được móng vuốt ngươi ?
Lưỡi hái ngươi soàn soạt khắp ruộng đời,
Cho đến hôm ngươi bất ngờ gục ngã !
Ngực đâm thâu bởi gươm thần Thập giá,
Trên mình ngươi, Đấng chiến thắng khải hoàn,
Khi Người sống lại buổi sáng tinh sương,
Ra khỏi huyệt cho ngươi vào thế chỗ.
Người đã biến ngươi trở thành ngưỡng cửa,
Dẫn đưa vào chốn vĩnh cữu thiên thu,
Nơi thế giới của Thiên Chúa chí từ
Để bắt đầu một cuộc đời bất diệt.
Người đã biến chốn ngục tù gớm ghiếc
Ngươi dựng xây, nên phòng đợi khang trang
Chờ phục sinh trọn vẹn cả xác hồn,
Để vui hưởng muôn đời cõi hạnh phúc.
Là phi lý, là đột ngột chấm dứt,
Ngươi trở nên sự kết thúc, hoàn thành
Của công trình lao động chốn trần gian,
Để ung dung đi vào nơi ân thưởng.
Ngươi đánh dấu lúc kiện toàn viên mãn,
Bước thăng hoa, triển nở đến vô cùng,
Của tài năng, đức hạnh, của tình thương
Muôn giá trị tinh thần từng thủ đắc.
Và nấm mộ, đồng minh ngươi thiết cốt,
Trở thành vườn ươm hạt giống phục sinh,
Nên lữ quán tạm qua giấc an bình,
Chờ phút giây xuất hiện Đất Trời mới.
Với niềm tin đầy lạc quan phấn khởi,
Ta đón ngươi trong thanh thản an bình,
Như tiền hô của Chúa tể quang vinh,
Sẽ đến lại đưa ta về cõi phúc.
 
            Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi, Tổng Giáo phận Huế.
            Tháng Các Linh Hồn.
 


 

Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây