SUY NIỆM CÁC MẦU NHIỆM MÂN CÔI
CẦU NGUYỆN CHO VIỆC TRUYỀN GIÁO
Truyền giáo là thông đạt cho tha nhân hồng ân đức tin quý báu mà chúng ta đã lãnh nhận và hồng ân ấy liên hệ tới hạnh phúc của mọi người là được mời gọi thông phần vào sự sống của Thiên Chúa nhờ hồng ân cứu độ của Chúa Kitô. “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ mang gặt lúa về (Lc 10,2). Lệnh truyền này cho thấy sứ mạng truyền giáo đặt nền tảng trên cầu nguyện; Chúng ta cùng cầu nguyện với tràng chuỗi Mân Côi kết hợp những hy khó nhọc trong cuộc sống, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria xin Chúa ban muôn phúc lành trên sứ vụ truyền giáo và những nỗ lực của từng thành phần dân Chúa trong việc sống đức tin và làm chứng tá cho Tin Mừng.
MẦU NHIỆM 5 SỰ VUI
Mầu nhiệm Thứ nhất: Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai (Lc 1,38).
“Bấy Giờ Ðức Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền” (Lc 1,38).
Trong cuộc sống đời thường có nhiều tiếng mời gọi, có lời mời gọi ta nghe rõ ràng những cũng có những lời mời gọi đầy bất ngờ phải cần đến niềm tin và phân định. Đức Maria đã tự đặt mình dưới quyền sử dụng của Thiên Chúa, trước lời mời gọi của Ngài, Mẹ luôn thưa “xin vâng” trong mọi hoàn cảnh.
Xin cho mọi Kitô hữu luôn biết xin vâng như Mẹ, xin vâng trong mọi hoàn cảnh. Để nhờ sống kiên trung trong đức tin của dân Chúa mà Hội Thánh ngày một lớn mạnh - trở thành muối đất và ánh sáng cho trần gian. Cho Nước Cha trị đến, danh Cha thể hiện khắp nơi. Amen.
Mầu nhiệm thứ hai: Đức Bà đi viếng Bà Thánh Isave
“Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường , đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlizabét.” (Lc 39,40).
Đi ra là một sứ mạng: đem niềm hạnh phúc đến cho người khác. Đến với nhau không đơn thuần là ăn uống, vui chơi mà chính là gặp gỡ. Đức Maria đã đi thăm người chị họ Isave. “Đẹp thay trên đồi núi, bước chân người loan báo Tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ” (Is 52,7).
Trong cuộc sống có những cuộc gặp gỡ mang lại bình an và niềm vui, nhưng cũng có những cuộc gặp tạo ra sự buồn phiền lo lắng.
Xin Mẹ dạy con sống nhân đức khiêm nhường, bác ái để giữa những giao tiếp tương quan hằng ngày con biết sống hiền hòa, điềm đạm…để có thể giới thiệu Chúa cho anh chị em mình. Bởi khi thực sự sống khiêm tốn và yêu thương con mới có khả năng lôi kéo, cảm hóa người khác trong sứ mạng phục vụ, mục vụ mỗi ngày.
Mầu nhiệm thứ ba: Đức Bà sinh Chúa Giêsu nơi hang đá Lời Chúa
“Bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ.” (Lc 2,6-7) Đức Maria đã sinh Chúa Giêsu cho nhân loại. Con Thiên Chúa được sinh ra bởi người phụ nữ khiêm hạ, sinh ra trong cảnh nghèo khó, “không có nơi tựa đầu”.
Xã hội ở mọi thời không ai chủ trương sống nghèo, nhất là trong xã hội hiện tại, người ta đang nỗ lực để “xóa đói giảm nghèo”. Thế nhưng, Tin Mừng lại mời gọi con cái mình sống nghèo. Chúng ta được mời gọi sống nghèo là từ bỏ những giá trị vật chất để đạt đến giá trị vĩnh cửu; sống nghèo để được thanh thoát mà dấn thân cho một lý tưởng cao đẹp hơn.
Xin Mẹ dạy chúng con tinh thần sống nghèo thực sự để dám sống cho những giá trị thuộc về Nước Trời; nghèo vì Tin Mừng của Chúa; nghèo để thuộc trọn về Chúa; nghèo để yêu mến Chúa trong sự đồng cảm với chị em những người đang gặp khó khăn, bế tắt trong đời sống. Amen.
Mầu nhiệm thứ bốn: Đức Bà dâng Chúa Giêsu trong đền thánh
“Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa như đã chép trong Luật Chúa rằng: ‘Mọi con trai đầu lòng phải đuợc gọi là của thánh, dành cho Chúa.” (Lc 2,22-23).
Mẹ Maria và Thánh Giuse luôn tuân phục lề luật, Mẹ Maria đến đền thờ để thanh tẩy như tất cả các bà mẹ phàm trần, và dâng con đầu lòng theo luật Môsê: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa” (Lc 2,23).
Xin cho mỗi người chúng con luôn noi gương Mẹ “không lấy gì làm hơn Đức Kitô”, để nhờ Mẹ, với Mẹ và trong Mẹ chúng con thuộc trọn về Đức Kitô. Biết dùng cả đời sống của mình làm hy tế tạ ơn và cầu nguyện xin ơn nhận biết Chúa cho lương và ơn hoán cải cho các tín hữu đang sống xa lìa Chúa. Amen.
Mầu nhiệm thứ năm: Đức Bà tìm được Đức Chúa Giêsu trong đền thánh
“Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Ðền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi.”(Lc 2,46)
Chúng ta không thể hiểu được nỗi đau khổ của Mẹ Maria và thánh Giuse khi các ngài bị lạc mất Chúa Giêsu, các ngài bị thử thách nặng nề về lòng tin. Nhưng thánh Giuse và Đức Maria vẫn kiên nhẫn tìm kiếm suốt hai ngày, đến ngày thứ ba mới gặp lại được Giêsu. Thử thách là thế đó, khi chúng ta phải tìm kiếm Đức Giêsu trong khô khan, mệt mỏi, cô đơn… và trung thành là chấp nhận tin đang khi không hiểu, không thấy, không có bằng chứng nào cụ thể.
Xin Mẹ dạy chúng con kiên nhẫn trong cầu nguyện, vì có những lúc đời sống cầu nguyện của chúng con thật khô khan. Xin giúp chúng con kiên trì cầu nguyện như khi xưa Mẹ đã dạy các Tông đồ cầu nguyện trong nhà tiệc ly.
Xin Mẹ thương đến anh chị em đang sống trong lầm lạc, tội lỗi mà hướng dẫn họ trở về với Chúa qua mẹ Hội thánh. Amen.
MẦU NHIỆM 5 SỰ THƯƠNG
Mầu nhiệm Thứ nhất: Đức Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu
“Người đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống, cầu nguyện rằng: Cha ơi, nếu được xin cho chén này rời khỏi con, nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” ( Mt 26, 39)
Đứng trước cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu cầu nguyện để vượt thắng những cám dỗ tháo chạy, buông xuôi, than van. Cuộc đời theo Chúa của chúng ta cũng có lúc phải đối diện với thử thách, khổ đau, buồn phiền…chúng ta hãy cùng với Đức Giêsu cầu nguyện để có đủ sức mạnh thắng vượt sợ hãi, hầu đứng vững - xin thể hiện ý muốn của Chúa Cha trong cuộc đời của chúng ta.
Cuộc tử nạn của Đức Giêsu là luỡi gươm đâm thấu lòng Mẹ, Mẹ đã chịu đựng và vượt qua tất cả nhờ luôn suy gẫm Lời Chúa. Xin Mẹ cầu nguyện cho chúng con và mọi thành phần dân Chúa giữa lúc gặp thử thách, khổ đau của kiếp người và giúp chúng con cầu nguyện luôn để vâng theo Ý Chúa.
Mầu Nhiệm thứ hai : Đức Chúa Giêsu chịu đánh đòn
“Bấy giờ, tổng trấn phóng thích tên Ba-ra-ba cho họ, còn Đức Giêsu thì sau khi truyền đánh đòn, ông trao cho họ đóng đinh vào Thập Giá” (Mt 27, 26)
Sau khi chịu xử án bất công, Đức Giêsu lại gánh chịu những trận đòn. Đánh đòn là cách hành xử của luật Roma trước khi đóng đinh người tử tội. Phải chăng những đòn roi ấy là tội lỗi của loài người: kiêu căng, gian dối, hận thù, bất công…vì không biết Đức Giêsu là Con Thiên Chúa nên người Do Thái đánh đòn và đóng đinh Người, chúng con biết Người là ai, nhưng cũng có lúc đã chống lại Người vì những bất tuân, mù quáng, đam mê của cải, danh vọng, địa vị, vật chất.
Xin cho chúng con biết chiêm ngắm Đức Giêsu như Mẹ để sống đời nội tâm sâu lắng, kiên tâm cùng với Mẹ thực hiện những việc lành phúc đức, để giới thiệu khuôn mặt đầy thương xót của Thiên Chúa cho anh chị em mà mình đang phục vụ.
Mầu Nhiệm thứ Ba: Đức Chúa Giêsu chịu đội mão gai
“Chúng lột áo Người ra, khoác cho Người áo choàng đỏ. Rồi kết một vòng gai làm vương miện đặt trên đầu Người, và trao vào tay mặt Người một cây sậy. (x. Mt 27, 27 – 30)
Chúng ta chiêm ngắm đức Giêsu trên con đường khổ giá. Chúng ta thấy Người “bị biến dạng đến nỗi không còn giống hình tượng người ta nữa” (Is 52, 4). Nhưng Người đã làm Người và mãi mãi làm người ở giữa những khắc khoải lo âu, vui mừng và hy vọng của loài người chúng ta. Chính trong Đức Giêsu, Đấng đã cảm nếm sự yếu đuối của chúng ta, ngoại trừ tội lỗi, mà chúng ta tìm được ơn chữa lành cho tâm hồn và thân xác. Chúa Giêsu đã nhẫn nhục chịu đựng: im lặng, không phẫn nộ, không hận thù.
Và, Mẹ cũng đã thầm lặng dưới chân Thánh Giá. Xin Mẹ chuyển cầu cho chúng con luôn sống gắn bó với Chúa và lấy tình yêu đáp trả tình yêu mà Thiên Chúa đã yêu thương chúng con.
Mầu Nhiệm thứ tư: Đức Chúa Giêsu vác cây Thánh Giá
“Bấy giờ ông Phi-la-tô trao Đức Giê-su cho họ đóng đinh vào thập giá. Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Híp-ri là Gôn-gô-tha.”(Ga 19,16-17a).
Người vô tội chịu bản án như người có tội, để nói lên rằng nhân loại còn nhiều toà án bất công, người ta nhân danh công lý để có thể bẻ cong lề luật mà xét xử, kết án sai lầm về con người. Thập Giá là câu trả lời cho tất cả những ai đang chịu đối xử bất công, phán đoán sai lầm, đau khổ trên toàn thế giới. Khi không cảm thức về tình yêu, thiếu dinh dưỡng chân lý, mất cảm giác về nhân vị nhân phẩm, thiếu tinh thần quảng đại, bao dung con người trở nên bệnh hoạn, suy nhược và tàn bạo.
Trong thế giới con người chỉ biết đề cao giá trị vật chất, lấy sự dữ làm thiện, lấy sai lầm làm chân lý, dựa trên quyền lực để chiếm đoạt quyền lợi. Xin Mẹ dạy chúng con trung thành bước đi theo Đức Kitô bằng một lòng trung tín, biết sống theo sự hướng dẫn của Thần Khí để luôn được bước đi trong chân lý, sự thật và tình thương. Amen
Mầu Nhiệm thứ 5 : Đức Chúa Giêsu chịu chết trên cây Thánh Giá
“Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài lỡ bỏ con!” Nghe vậy một vài người đưng đó liền nói: “Kìa hắn kêu cứu ông Êlia”. Rồi có kẻ chạy đi lấy miếng bọt biển, thấm đầy giấm cắm vào một cây sậy, đưa lên cho Người uống và nói: “Để xem ông Êlia có đến đem hắn xuống không”. Đức Giêsu lại kêu một tiếng lớn rồi trút hơi thở.” (Mc 15,33-34)
Mẹ Maria dưới chân Thánh Giá, Mẹ sầu bi khi nhìn thấy con mình thân xác không còn hình dạng, không còn sinh khí. Ngày nay cũng có nhiều bà mẹ đau khổ, các bà cũng đang nhận những đứa con thân xác không hồn, những đứa con nghiện ma túy, nhiễm HIV, tàn phế do chiến tranh, bạo lực, khủng bố…Cuộc sống thiếu chân lý, tình yêu thương…con người sống theo bản năng của mình, muốn thống trị người khác, không còn biết tôn trọng sự sống và phẩm giá của bản thân và đồng loại…vì thế, con người đang sống trong âu lo, bất an.
Lạy Mẹ Maria, Xin cầu cùng Chúa ban cho chúng con tình yêu đầy tràn, đặc biệt cho các nhà lãnh đạo các quốc gia, cho họ biết đem tình yêu xây dựng hòa bình, biết dùng chân lý mà lãnh đạo để phẩm giá con người được tôn trọng và sống xứng là con cái Chúa.
MẦU NHIỆM 5 SỰ MỪNG
Mầu nhiệm thứ 1: Đức Chúa Giêsu sống lại
“Nếu Đức Kitô đã không chỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật là hảo huyền… Chúng ta là những kẻ đáng thương hơn tất cả mọi người” (1Cr 15,17-19). Chúa đã sống lại là niềm vui là hy vọng của cả nhân loại. Niềm vui, niềm hy vọng đã được kiểm chứng qua đời sống và cái chết của các Tông đồ, các thánh tử đạo.
Vì sự Phục Sinh vinh quang của Chúa, Xin cho lương dân được ơn nhận biết Chúa và các tín hữu sống trong lầm lạc được ơn hoán cải, được giao hòa với Thiên Chúa qua việc lãnh nhận các Bí Tích và đời sống đạo trung thành.
Mầu nhiệm thứ 2: Đức Chúa Giêsu lên trời
Chúa về Trời, nhưng vẫn ở với chúng con mọi ngày cho đến tận thế. Chúa không còn bị giới hạn bởi không gian và thời gian nữa. Ngài hiện diện mọi nơi với quyền năng và tình thương. Xin cho chúng con không nhìn trời như người Galilê, nhưng trở về với bổn phận với hết lòng yêu mến và tận tâm để làm chứng cho mọi người về sự hiện diện của Chúa đang ở giữa chúng con.
Ngưỡng vọng về trời cao, chúng con xin Chúa thương đến những anh chị em đang sống trong lầm lạc cho họ được ơn hoán cải cùng thương đưa các linh hồn đã qua đời vì dịch Covid-19, vì chiến tranh, thiên tai… về hợp hoan bên Chúa trên quê trời.
Mầu Nhiệm Thứ 3: Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống
Lạy Chúa, Chúng con đang sống trong kỷ nguyên của Chúa Thánh Thần. Giáo hội, cộng đoàn tu sĩ và các gia đình đang mong chờ những lễ Hiện Xuống mới, xin cho người mọi thành phần dân Chúa luôn biết sống và thể hiện tình hiệp thông, yêu mến, tôn trọng, lắng nghe nhau trong mọi hoạt động sống và sẵn sàng thực thi sứ mạng của mỗi người trong khiêm tốn để Chúa Thánh Thần luôn ở lại mãi và hướng dẫn mọi công việc của chúng con, nhờ đó cuộc sống sẽ luôn trổ sinh hoa trái là niềm vui và ơn bình an.
Mầu nhiệm thứ 4: Đức Chúa Trời cho Đức Mẹ lên trời
Thiên Chúa đã giữ gìn Đức Maria không lây nhiễm nguyên tội, nay cũng giữ gìn Mẹ không phải hư nát trong mồ. Khi hoàn tất cuộc đời tại thế, Đức Maria, thụ tạo duy nhất được lên trời cả hồn lẫn xác.
Lạy Mẹ Maria Hồn xác về trời, Mẹ được cất nhắc lên trời, chúng con nghĩ đến các nhà lãnh đạo các quốc gia, các nhà cầm quyền là những người có vai trò quan trọng trong gia đình nhân loại. Xin Chúa thương nâng đỡ, ban nhiều sức khỏe và muôn ơn lành cho họ trong khi hi sinh xả thân phục vụ công ích chăm lo cho mọi công dân trong đất nước cũng như cả thế giới, cho họ biết tin nhận Chúa là chủ tể của muôn loài muôn vật trên trời dưới đất để cũng sẽ được hưởng hạnh phúc quê trời.
Mầu nhiệm thứ 5: Đức Chúa Trời thưởng Đức Mẹ trên trời
Để được hưởng cùng Đức Mẹ trên Nước Thiên Đàng, phải là những Kitô hữu khôn ngoan luôn đổ dầu đầy bình, là những đầy tớ trung tín, tỉnh thức, sẵn sàng biết làm cho sinh lợi những nén bạc được trao phó.
Lạy Mẹ Maria, Xin Mẹ dạy chúng con trung thành trong những việc nhỏ, để có thể trung thành trong những việc lớn, làm những việc bình thường với cung cách không tầm thường. Lạy Mẹ, Mẹ muốn mỗi người trong nhân loại được hạnh phúc đời này đời sau, xin Mẹ an ủi các gia đình đang gặp khó khăn vì thiên tai, nghèo đói, bệnh tật, chiến tranh…cùng ban ơn thánh giúp họ luôn nhẫn nại, giữ vững niềm tin trước thách đố này, để giữa những thăng trầm của cuộc sống, họ vẫn một lòng tín trung vào Thiên Chúa toàn năng.
MẦU NHIỆM 5 SỰ SÁNG
Mầu nhiệm thứ nhất: Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan
Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì kìa các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và kìa có tiếng từ trời phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.”(Mt 3,16-17)
Lạy Chúa Giêsu, qua việc Chúa chịu phép rửa tại sông Giođan, Xin cho chúng con mặc lấy tâm tình của những người con thảo hiếu, biết hiến dâng trọn cuộc sống cho Chúa để Chúa sử dụng chúng con theo Thánh Ý Người .
Lạy Nữ Vương Mân Côi, xin cho anh chị em lương dân được ơn nhận biết Chúa và các tín hữu sống trong tội lỗi, lầm lạc được ơn hoán cải. Amen.
Mầu nhiệm thứ hai: Chúa Giêsu làm phép lạ tại tiệc cưới Cana
Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana miền Galilê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giêsu. Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự.(Ga 2,1-2)
Lạy Chúa Giêsu, qua việc Chúa làm phép lạ tại tiệc cưới Cana, Chúa muốn chúng đem tình yêu Chúa là thứ rượu ngon vào thế gian, làm cho thế gian thấm nhuần tình yêu, niềm vui, và hạnh phúc. Xin cho chúng con học nơi Chúa gương khiêm tốn, quảng đại để trở nên môn đệ nhiệt thành giới thiệu về Chúa cho anh chị em chung quanh.
Lạy Nữ Vương Mân Côi, xin cho anh chị em lương dân được ơn nhận biết Chúa và các tín hữu sống trong tội lỗi, lầm lạc được ơn hoán cải. Amen.
Mầu nhiệm thứ ba: Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời và kêu gọi sám hối
Sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”(Mc 1,14-15)
Lạy Chúa Giêsu, khi loan báo Tin Mừng cứu độ, Chúa nói: “Thầy đến không phải là để bãi bỏ nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17). Xin cho chúng con là những môn đệ của Chúa biết sống và rao giảng những giá trị của Tám Mối Phúc Thật trước tiên bằng chính đời sống nghèo khó, hiền lành, thương xót, trong sạch và nhiệt tâm xây dựng bình an nơi môi trường mình sống và phục vụ.
Lạy Nữ Vương Mân Côi , xin cho anh chị em lương dân được ơn nhận biết Chúa và các tín hữu sống trong tội lỗi, lầm lạc được ơn hoán cải. Amen.
Mầu nhiệm thứ tư: Chúa Giêsu biến hình trên núi
“Đang lúc Đức Giêsu cầu nguyện [trên núi], dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà. Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Môsê và ông Êlia. Hai vị hiện ra rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem”.(Lc 9,28-31)
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con ơn đức tin mạnh mẽ và sống động như hai môn đệ làng Emmau, để chúng con hiểu lời Kinh Thánh Chúa “phải chịu khổ hình rồi mới vào vinh quang” (x. Lc 24,26), và xin cho chúng con sống và rao giảng mầu nhiệm thập giá bằng đời sống hy sinh, khổ chế, khiêm nhường hiến thân phục vụ Chúa nơi anh chị em ngang qua bổn phận hằng ngày.
Lạy Nữ Vương Mân Côi , xin cho anh chị em lương dân được ơn nhận biết Chúa và các tín hữu sống trong tội lỗi, lầm lạc được ơn hoán cải. Amen.
Mầu nhiệm thứ năm: Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể
Điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: Trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Đây là Mình Thầy, hiến dâng vì anh em; anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy.” Cũng thế, sau bữa ăn, Người cầm lấy chén rượu và nói: “Chén này là Giao Ước Mới, lập bằng Máu Thầy; mỗi khi uống, anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy.”(1Cr 11,23-25)
Lạy Chúa Giêsu, Xin cho việc suy niệm, chiêm ngắm Chúa trên Thánh Giá và kết hiệp liên lỉ với Chúa trong bí tích Thánh Thể trở nên động lực giúp chúng con hăng say loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho những người chúng con tiếp xúc hằng ngày.
Lạy Nữ Vương Mân Côi , xin cho anh chị em lương dân được ơn nhận biết Chúa và các tín hữu sống trong tội lỗi, lầm lạc được ơn hoán cải. Amen.