Tháng 10 - Cùng Mẹ Maria sống thiên chức phụ nữ

Thứ bảy - 30/09/2023 22:13 639 0
 


Tháng 10 - Cùng Mẹ Maria sống thiên chức phụ nữ


Nơi xã hội đương đại khi nền văn minh phát triển, con người không còn chen nhau sống sau lỹ tre làng, quanh năm lam lũ với vườn rau ao cá...nhưng nó đã tiến xa, thay những cái cổ hủ tụt hậu sang một bước tiến văn minh hiện đại. Thay sức người bằng máy móc- cơ giới, và nhờ những phương tiện truyền thông hiện đại đã kết nối thế giới xạ thành thân thiết gần gũi.
  
Và , trong muôn vàn đổi thay ấy- quan niệm về phụ nữ cũng được thay đổi, người ta bắt đầu nhìn nhận vai trò đặc biệt của phụ nữ trong gia đình, đề cao những thành tựu đóng góp của phụ nữ cho xã hội, Giáo hội.
   
Thế nên, họ đã chọn những ngày đặc biệt trong năm để tôn vinh, đề cao, nhớ ơn phụ nữ:
    
Ngày 08. 03 ngày phụ nữ quốc tế.
Ngày 20.10 ngày phụ nữ Việt Nam.

Thật đáng trân trọng đối với ai đó đã nhớ đến mẹ, đến chị, đến những người phụ nữ đã âm thầm góp công sức làm nên cuộc đời và sự thành công của mình hôm nay. Những cánh hoa, những gói quà với những lời cầu chúc tốt đẹp gởi gắm ngàn yêu thương... đó là nghĩa cử của văn minh. Nhưng nếu biểu hiện văn minh chỉ dừng lại ở quà tặng, lời cầu chúc- thiết nghĩ nó còn thiếu, bị hỏng một khoảng rất lớn trong nhân cách làm người, trong văn hóa của nền văn minh tình thương.

Trong tháng 10, xã hội sẽ tưng bừng với lễ hội tôn vinh phụ nữ “ Ngày Phụ nữ Việt Nam”. Tôn vinh phụ nữ bởi xã hội nhìn nhận những đóng góp to lớn của giới này cho cộng đồng nhân loại! Vì :

  • Nếu gia đình được coi là tế bào của xã hội thì người phụ nữ được coi là hạt nhân của tế bào này. “Gia đình là sự nghiệp cuối cùng. Tất cả mọi sự nghiệp khác đều phục vụ cho một mục đích – đó chính là gia đình”. [1]

  • Nếu gia đình là xã hội và là Giáo Hội thu nhỏ thì vai trò của người phụ nữ thật lớn lao!

Người phụ nữ giữ vai trò trọng yếu trong việc điều hòa các mối quan hệ trong gia đình. Gia đình có được ấm êm, hạnh phúc, tràn ngập tiếng cười là nhờ sự khéo léo của người phụ nữ. Người phụ nữ không chỉ chăm lo cho gia đình về vật chất mà còn là người thắp lên ngọn lửa tình yêu, truyền niềm tin, gieo ước mơ hy vọng cho mỗi thành viên trong mái ấm. Cho dù theo thời gian, chuẩn mực về người phụ nữ có thay đổi nhưng vai trò “thắp lửa” và “giữ lửa” “ gieo hy vọng” cho gia đình của người phụ nữ thì không bao giờ thay đổi.   
Ngày nay, người phụ nữ có nhiều chỗ đứng quan trọng trong nhiều lãnh vực của xã hội, chính trị, kinh tế, khoa học... Thế nhưng, chính trong cái nền văn minh hiện tại vẫn còn nhiều hạn chế cần phải được khắc phục trong vấn đề bình đẳng giới, “Chúng ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng lan rộng, mà cũng liên quan đến đức tin. Vì một chủ nghĩa duy thế tục, nhân danh quyền tự trị cá nhân, đòi hỏi sự độc lập đối với mọi quyền bính và có mục tiêu sống như thể Thiên Chúa không tồn tại”. Mục tiêu của Năm Đức Tin là tạo cơ hội thuận lợi để đưa toàn Giáo hội bước vào một giai đoạn suy tư đặc biệt, tái khám phá đức “Tin” và muốn “nâng đỡ đức tin của các tín hữu, để trong những khó khăn hằng ngày, họ không ngừng hiến dâng, cách can đảm và xác tín, cuộc sống của mình cho Chúa Giêsu-Kitô” [2]

Làm thế nào để các bà mẹ, thanh thiếu nữ Công Giáo giữ vững đức tin, giữ mãi nét đẹp truyền thống “công, dung, ngôn, hạnh” “thủy chung, hiếu thảo, dịu dàng, thanh lịch” theo gương các thánh nữ xưa nay ?
   
Làm thế nào để các gia đình Công Giáo kiên trì vượt lên trên những khó khăn của cuộc sống để gìn giữ nét đẹp gia đình Kitô giáo, theo khuôn mẫu của gia đình Nazarét?
  
Làm thế nào để giáo dục, thông truyền cho giới trẻ nữ một phẩm chất cao đẹp, biết trân trọng phẩm giá của mình và chuẩn bị cho mình một tương lai tốt đẹp bằng việc trao dồi kiến thức, tri thức và phẩm chất đạo đức.
  
Làm thế nào để các gia đình Công Giáo sống niềm tin Kitô giáo, canh tân đời sống gia đình bằng đổi mới chính bản thân mỗi người nhờ việc riêng năng lãnh nhận các Bí Tích ?

Làm thế nào để các gia đình Công Giáo trở thành chiếc nôi trao ban sự sống và chia sẻ tình yêu? Sống sứ mạng Tông Đồ ?  

Làm thế nào để các gia đình Công Giáo không bị những tiện nghi vật chất lôi cuốn đến chỗ chỉ biết sống hưởng thụ ích kỷ, sống buông thả, từ đó làm gia tăng nguy cơ tan vỡ, ly dị và làm mất ý thức về phẩm giá sự sống?

Làm thế nào để các gia đình Công Giáo biết sắp xếp thời gian cho Chúa, cho nhau và cho con cái mình bằng giờ kinh tối sáng, tham dự Thánh lễ và bữa cơm chung đầm ấm trong gia đình ?

Làm sao để bố, mẹ, con cái tham gia vào các hội đoàn của giáo xứ: ca đoàn, Hiệp Hội TTG TT, dòng 3 Phan Sinh, Bà Mẹ Công Giáo...
   
Phải chăng mỗi người hãy nhìn về một gương mẫu, một chuẩn mực và là Đấng dẫn đường thánh thiện cho mọi giới đặc biệt là giới nữ bước theo ! Gương mẫu ấy chính là Đức Maria, Mẹ đã sống vai trò và thiên chức của người phụ nữ cách tuyệt vời.

Hình ảnh của Mẹ Maria đặc biệt trong hành trình sứ mạng của Đức Giêsu.Thật phù hợp: Giữa bữa tiệc linh đình, mọi người đang vui với rượu nồng, rôm rả tiếng cười nói thì một sự kiện không vui xảy ra. “rượu sắp hết”. Đây là dấu hiệu chẳng mấy tốt đẹp cho gia chủ nếu không muốn nói đó là một điềm không mấy hy vọng trong suy nghĩ của người đời về tương lai của đôi tân hôn hôm ấy. Sự bối rối, lo lắng của họ không ngoài ánh mắt quan tâm và tế nhị của Đức Mẹ. Mẹ đã đến nói với Đức Giêsu “Họ hết rượu rồi” (Ga 2,3). Câu nói ẩn chứa một niềm tin sâu sắc...một lời xin đầy tế nhị của Mẹ. Sau đó, Mẹ mời gọi con người thông chia đức tin với Mẹ và thể hiện niềm tin ấy bằng hành động để cho Đức Giêsu hướng dẫn: “Người bảo gì các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5). Đức Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này để Thiên Chúa bày tỏ vinh quang mình cho con người và con người nhận biết một Thiên Chúa quyền năng và giàu tình yêu thương qua trung gian của Mẹ.

Trọn tháng 10, Giáo hội dành để tôn vinh Đức Maria “người phụ nữ diễm phúc” và hãy sức mạnh của món quà quý giá là cầu nguyện với Mẹ bằng Kinh Mân Côi để trong Mẹ với Mẹ và Nhờ Mẹ Thiên Chúa sẽ ban hòa bình cho thế giới. “Hãy cho tôi một đội quân biết lần Chuỗi Mân Côi, tôi sẽ chinh phục được thế giới” (Giáo hoàng Piô IX).

Mọi thành phần dân Chúa hướng về Mẹ, để tôn vinh yêu mến, tạ ơn, cầu xin với Mẹ. Cùng để nhờ Mẹ - với Mẹ - trong Mẹ ngang qua chuỗi Kinh Mân Côi suy ngắm cuộc đời của Đức Giê-su Ki-tô nơi trần thế mà sống trọn thiên chức của mình.
  
Là nữ tu, thanh thiếu nữ, phụ nữ, người mẹ, người vợ trong gia đình, chúng ta nhận biết “ nữ tính” là hồng ân của Chúa trao tặng. Chúng ta được mời gọi theo Đức Kitô trong hành trình sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho con người trong thế giới hôm nay. Bởi:
Hành trình rao giảng Tin Mừng của Đức Giê-su 2000 năm về trước luôn có bóng dáng của những người phụ nữ : Một Maria âm thầm ngồi bên chân Đức Giêsu để lắng nghe Lời Người, một Matta khéo léo, tận tình phục vụ (Lc 10,38-42), Một Gioanna, Susana rất quảng đại giúp đỡ Chúa và các môn đệ trên mỗi hành trình đường dài (Lc 8,1-3)… Một Veronica can đảm vượt qua những hung hăng roi đòn của quân lính để thực hiện một nghĩa cử đầy nữ tính trên đường khổ nạn. Và , một Maria Madalena đầy tội lỗi đã được Chúa hoán cải bằng tình yêu để rồi bà trở thành người loan tin mừng Phục Sinh cho các môn đệ từ sáng tinh sương (Lc 7,36-50; Ga 20,11-18…)

Và hơn 350 năm, trước khi thành lập Hội Dòng Mến Thánh Gía - Đức Cha Lambert đã để ý đến vai trò của nữ giới trong việc rao giảng Tin Mừng tại cánh đồng truyền giáo Á Châu, Ngài đã để lại trong bút tích cho các nữ tu Mến Thánh Gía, Đấng sáng Lập muốn con cái mình: “Bổ túc cho sứ vụ hàng giáo sĩ trong những công việc phù hợp với đặc tính của người nữ tu, phát huy những nét độc đáo riêng của người phụ nữ Việt Nam trong cuộc sống hiến dâng để  sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc.” [3]
 
Công, dung, ngôn, hạnh” “thủy chung, hiếu thảo, dịu dàng, thanh lịch” nét độc đáo của người phụ nữ Việt Nam - đời tu hay đời thường vẫn luôn cần thiết. “Tứ đức” nó đã trở nên “khuôn vàng, thước ngọc” đối với mọi phụ nữ trong hành trình cuộc sống ở mọi thời.
 
Thiết nghĩ, Người phụ nữ sống thiên chức của mình không chỉ để được sự đề cao, tôn vinh, trân trọng của xã hội nhưng “ người phụ nữ diễm phúc” là người sống thiên chức ấy với “hạnh phúc” là biết sống tình người- biết quan tâm như Mẹ Maria, biết phục vụ như cô Matta, biết yêu thương, tế nhị như cô Maria, quảng đại như bà Gioanna và bà Susana…và bao nhiêu phụ nữ trong Giáo hội, xã hội đã, đang và sẽ còn âm thầm dâng hiến đời mình cho những sự nghiệp lớn lao trong các viện mồ côi, trường học, viện dưỡng lão, viện nghiên cứu khoa học...
 
Và, Người phụ nữ đẹp không phải làm cho mình trở nên những minh tinh màn bạc hay  làm sao cho giống những ngôi sao đang lên của giới sành điệu, ca sĩ, người mẫu...Bằng những đồ trang sức, thời trang hàng hiệu, đẳng cấp... nhưng hãy là ngôi sao của công cuộc Tân Phúc Âm Hóa. Một phong cách được tìm thấy nơi Mẹ, đó là “phong cách của người Nữ Tỳ hèn nọn-  phong cách khiêm nhường, dịu dàng, quan tâm tế nhị, kín đáo, trầm lặng, ít nói và hiền lành trong cách sống và sứ vụ của Mẹ” [4]. Ước gì mỗi chúng ta, những người nữ của thời đại luôn biết học nơi Mẹ cách sống này để làm vinh danh Chúa, trang điểm thêm cho sự xinh đẹp của Giáo Hội và xã hội hôm nay.

-----------------------


[1].       Trích trong những câu nói hay về gia đình theo Internet.
[2].       Đức cha Rino Fisichella, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về việc thăng tiến Tân Phúc Âm hóa . Trong lời giới thiệu chương trình của Năm Đức Tin (11/10/2012 - 24/11/2013)
[3.]     (  X. Hc dòng MTG Qui Nhơn – chương VI)
[4].       Số cuối của Tông Huấn Evangelli Gaudium  “Ngôi Sao của cuộc tân phúc âm hoá” [
287-288]

 

Tác giả bài viết: Nt. Anna Lê ( MTG/ QN )

 Tags: Phút suy tư

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây