Trinh Vương Dấu Yêu!

Thứ hai - 09/12/2024 22:45 111 0

Trinh Vương Dấu Yêu!
 
Nhật Ký Cali : Có Những Niềm Riêng 
Trinh Vương Dấu Yêu, 
Tháng mười hai về rồi đó, thời gian qua nhanh quá phải không Trinh Vương, mới thoáng mà một năm nữa đã lại sắp kết thúc, thời gian cứ lặng lẽ chất chồng lên vai chúng mình thêm chút mệt mỏi muộn phiền của tuổi . . . Và chúng mình lại thêm được một lần đón chào “Ngày của Trinh Vương”, “Ngày của Chúng Mình” 8/12, Ngày Lễ Đức Trinh Nữ Vương. Với Giáo Hội Công Giáo nếu ngày lễ rơi vào Chúa Nhật, vì là “Ngày Của Chúa” nên Mẹ phải dời qua ngày hôm sau, mặc dù vẫn được kính trọng thể, vẫn là Lễ Trọng và Buộc . . . Nhưng với riêng mình ( và có lẽ với nhiều cô bé Trinh Vương Ngày Xưa) cho dù rơi vào ngày nào trong tuần đi nữa thì 8/12 vẫn là Ngày Lễ Hội riêng trong lòng, đơn giản vì đó là ngày “Lễ Bổn Mạng”, ngày gợi lại vô vàn kỷ niệm. Những kỷ niệm không chỉ chung cho trường, cho bạn bè các lớp. . . Mà rất có thể lại là một kỷ niệm ấp ủ cho riêng mỗi cô bé Trinh Vương, với những hoạt động đặc biệt, mà có thể qua những sinh hoạt đó đã có những kỷ niệm, những nỗi niềm có thể đến tận bây giờ vẫn chưa phai mờ trong ký ức, có những hình ảnh, những tên tuổi bạn bè ghi khắc trong tâm cho mãi đến tận hôm nay, sau hơn nửa thế kỷ với những đổi thay, bôn ba, trắc trở, hay đau khổ đắng cay trong cuộc sống; vẫn luôn mãi là những vệt màu nóng trong bức tranh ký ức của tâm tưởng đời người, và với riêng mình, có những điều đã trở thành những “Niềm Riêng” luôn khắc khoải trong lòng, mỗi khi nhớ về những sinh hoạt Văn Nghệ, những tiết mục trò chơi trong hội chợ, để rồi từ những thành quả gặt hái được lại làm nên những hoạt động xã hội riêng cho trường, vào Noel hay Tết Nguyên Đán như Ủy Lạo thương Binh trong Quân Y viện,, hay thăm và tặng quà cho tù nhân . . . Và từ những hoạt động đó đã để lại những kỷ niệm khó phai mờ trong trí nhớ của mỗi người, tùy thuộc những kỷ niệm đó được ghi dấu lần đầu hay thường xuyên trong lòng mỗi cô bé Trinh Vương của một thời mới lớn. . . Trinh Vương Dấu Yêu, Dường như năm nay kỷ niệm lại chợt ào ạt đổ về cho chúng mình ( hay có lẽ chỉ riêng cho một mình mình) Kỷ niệm ào ạt và dai dẳng không chỉ như cơn mưa dầm của miền trung mà cứ ầm ào như cơn mưa lũ của Năm Thìn Bão Lụt, cơn bão tàn phá và mang theo những thiệt hại cho Con Người và Vật Chất . . . Kỷ niệm cũng vậy, cứ xoáy vào lòng những nỗi nhớ, nỗi đau mà tưởng chừng năm tháng đã khiến chúng mình nguôi quên. Mấy hôm nay ngày nào mở Facebook cũng bắt gặp thật nhiều hình ảnh gợi nhớ của một thời đã xa và rất nhớ, khi nhìn thấy các cô em Trinh Vương xưa ríu rít bên nhau với những sắc màu, những bài hát những điệu múa đơn giản nhưng dịu dàng của những Bà Nội, Bà Ngoại đang “ Cưa Sừng” để trở về thời “Mười bảy bẻ gẫy sừng trâu” của gần nửa thế kỷ đã qua trong ngày “ Về Nguồn 4, những hình ảnh đã khiến cho mình và những bạn ở xa không về được cũng thấy nao nức trong lòng. Mình nhớ lần hội chợ lớn đầu tiên của trường chúng mình, ngoài những trò chơi thông thường giống như những Hội Chợ Tết hay được tổ chức vào thời đó, còn có một trò chơi lần đầu tiên đươc trường tổ chức, cửa hàng “Ném Vòng Bàn Tay Ngọc” Lớp mình được chọn phụ trách trò chơi đó, thế là có một màn “So Tay” giữa các nàng để “tuyển chọn”. Kết quả có hai bàn tay được chọn làm “ Nhân Vật Chính” thay phiên nhau ngồi trong khung kính mờ đưa “ Bàn Tay Năm Ngón Kiêu Sa”( dĩ nhiên cũng có những “Bàn Tay phụ Tá” ngồi thay khi hai nhân vật chính cần đươc nghỉ ngơi đôi chút). Các “phụ tá” là An, Trang và ai nữa mình không nhớ Hai Bàn Tay Ngọc của trường, đâu tiên là một người cao, gầy, thường tự xưng danh là “Khô Trúc Lão Bà” ( dù trong lớp cũng có vài “ cây tre miễu” khác), đó là cô bạn cùng học với mình một vài lớp ở trường Tiểu Học Pleiku, cô bạn được xem như là Ca Sĩ của lớp mình, bạn Thanh Bình. Ngược lại với KTLB thì Bàn Tay Ngọc Đồng Hành chẳng hiểu sao lại là mình, người được xem là “Chubby”* của lớp, và KTLB thường nói đùa hai đứa mình là số 10 khi ghép lại, mà thực ra khi xem lại số Kg hồi đó với bây giờ thì bây giờ mình nặng hơn thời “Bẻ Gãy Sừng Trâu” đó tới 5kg mà mấy người ở đây cứ chê mình “Bé Tí xíu”. Hồi đó chắc tại mình hay mặc áo dài lụng thụng không có eo nên bị gọi là “ Thu Ù”, có người lịch sự hay không thân thiết thì gọi mình là “Thu Tóc Dài” ( hồi đó các bạn cùng trường nếu không uốn tóc thì tóc cũng chỉ ngang vai hay gần ngang lưng, và người nào cũng để mái phía trước. Riêng mình tóc không để mái, rẽ ngôi giữa và dài quá eo luôn ( có lẽ là người có mái tóc dài nhất trường). Đó là hậu quả của một lần dại dột đi ra tiêm hớt tóc Thăng Long ( cuối góc đường Võ Tánh - Nguyễn Huệ) cắt băng mái tóc dài ngang lưng, cắt ngắn đến độ trở thành thành Garcon luôn, chứ không chỉ Demi-Garcon; thế nên về nhà bị Mẹ phạt cấm không cho tự ý cắt tóc nên từ đó tóc cứ tha hồ dài tới đâu thì dài. Mình cũng không thấy buồn hay ngại ngần gì với cái danh xưng “Ù” đó. Thậm chí bây giờ lâu lâu mình còn thấy nhớ cái Nick Name: “ Thu Ù” và thấy nó dễ thương làm sao . . . và có lẽ những lần hội chợ sau cũng có những Bàn Tay Ngọc của những khóa đàn em, sau khi mình đã rời trường xa lớp; bởi thỉnh thoảng cũng thấy nhiều anh chàng U 70 hay U 80 khoe bạn gái mình ngày xưa là Bàn Tay Ngọc của Trinh Vương . . . Niên khóa này có rất nhiều tiết mục rất hay trong dịp lễ Bổn Mạng của trường, lần sau mình khoe tiếp nha . .. Trinh Vương thương nhớ Chỉ còn chưa tới nửa năm nữa là cả trường chúng minh đã chính thức tròn Nửa Thế Kỷ rời trường xa lớp ( với mình thì hơn nửa thế kỷ + rồi). Nhưng mình chỉ tính chung cho tất cả các cô bé Trinh Vương, bởi kể từ tháng Ba năm đó, trường mình đã vĩnh viễn mất tên. Chính thức thay tên đổi họ, nhưng với mình, và với nhiều cô bé Trinh Vương xưa thì vẫn mãi “Một Ngày Trinh Vương, Một Đời Trinh Vương” như Slogan được treo trước Hội Trường trong lần “Về Nguồn I” vào tháng 3 năm 2019. Nghe đâu vào năm 2025 này, Bé Hà của “Em Pleiku, mà đỏ môi hồng” có đưa ý kiến kỳ Về Nguồn năm tới nên tổ chức vào tháng Ba, tròn Năm Mươi Năm trường mất tên, và hình như có nhiều bạn cũng đồng ý như vậy. Bởi rất nhiều bạn đã đồng ý, lấy ngày trưởng mất tên đó làm ngày “Lễ Tốt Nghiệp Trong Nước Mắt” của tất cả các chị em, không tính Lớp Lớn Nhỏ gì. Cứ giống như hồi nhỏ đi coi Cine vé đồng Hạng vào mỗi chiều thứ năm, cho học sinh. Mong là BTC sớm đưa ra quyết định để mọi người có thể sắp xếp về tham dự, và nhất là nên tổ chức lần này tại phần khuôn viên còn lại của trường. Nay là trường mẫu giáo . . . Mình thấy nên như vậy, dù không có máy lạnh như thuê chỗ ngoài nhà hàng, nhưng chắc chằn sẽ ý nghĩa hơn nhiều, và nhất là những kỷ niệm này sẽ ghi đậm trong lòng hơn, vì giờ này, đa số chúng ta cũng đã ở vào lứa tuổi U 70 và U 80 cả rồi, những năm sau không biết còn đủ sức khỏe để về thăm lại trường xưa nữa hay không, với riêng mình, dù chỉ là một khung cửa cũ, hay một ngạch cửa xưa còn sót lại, thì vẫn là kỷ niệm, nhìn lên ngôi nhà Nguyện xưa mình cũng thấy cả một trời dĩ vãng đã xa đang hiện về . .. Nhìn tháp chuông nhỏ của Ngôi Nhà Nguyện, mình vẫn thấy và nghe được âm thanh của Soeur Hiệu Trưởng Gabriel, nghe được tiếng bước chân rất nhẹ nhàng của các Soeur, các chị Đệ Tử mỗi buổi sáng thinh lặng xếp hàng đôi đi từ Nhà Nguyện xuống nhà ăn, tiếng đọc sách, tiếng cầu Kinh mỗi sáng mỗi trưa . . . Tiếng Cha Hoàng Trọng Xuân, hiền từ nói “ Ta nói cho chúng mình nghe . . . ”, và cả giọng của Cha khi gặp lại mình ở nhà thờ Bắc Ninh, họ Từ Đức, Thủ Đức nơi cha về nghỉ hưu, khi mình và một số bạn cũ hỏi cha “ Cha nhớ con không?,” và cha đã trả lời “ Ta chả nhớ chúng mình là ai”, riêng mình khi hỏi “ Cha nhớ con không?” thì cha đã khiến mình vỡ oà trong hạnh phúc khi cha nói :” Mình là cái Thu chứ ai” . . . Với mình Hạnh phúc chỉ nhỏ nhoi và đơn giản thế thôi. Hạnh Phúc khi một người thầy đã lớn tuổi, sau nhiều năm không còn dạy dỗ mà còn nhớ được tên đứa học trò nhỏ ngày nào . . . Mình rất mong và ao ước được Về Nguồn vào Tháng Ba hay cùng lắm là tháng Tư ở khuôn viên trường cũ, vào tháng đó, nếu biết trước mình sẽ cố gắng thu xếp để được tìm về chốn cũ . . . Mong lắm thay . . . Cho Tôi Lại Ngày Nào . . . Cho Tôi Lại Ngày Nào 
Tạm biệt Trinh Vương yêu dấu đến muôn đời nhé 


 



 

Tác giả bài viết: Phạm Thiên Thu

 Tags: Suy tư

Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 2.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây