Suy Niệm và Sống Mùa vọng Năm C

Chủ nhật - 24/11/2024 01:56 311 0
 
SUY NIỆM VÀ SỐNG MÙA VỌNG NĂM C
CHỦ ĐỀ: “HY VỌNG KHÔNG LÀM THẤT VỌNG” (Rm 5,5)
 
Kính thưa cộng đoàn!
Trong thư mục vụ Hội nghị thường niên kỳ II năm 2024 của HĐGMVN gửi cộng đoàn dân Chúa ngày 20 tháng 9 năm 2024 đã viết:
“Trong thời gian Hội nghị, với ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, chúng tôi đã cầu nguyện, chia sẻ nhằm đưa ra định hướng mục vụ cho Hội Thánh tại Việt Nam trong năm 2025, là năm “Cùng nhau loan báo Tin Mừng”. Đây là chủ đề thứ ba, trong lộ trình ba năm mà Đại hội của Hội đồng Giám mục năm 2022 đã xác định. Loan báo Tin Mừng là lệnh truyền của Đấng Cứu thế: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19). Công đồng Vaticanô II đã khẳng định: “Tự bản tính, Hội Thánh lữ hành là truyền giáo” (Ad gentes 2). Năm 2025 cũng là Năm Thánh thường lệ, kỷ niệm 1700 năm Công đồng Nicêa, là Công đồng đại kết đầu tiên. Đây là cơ hội quan trọng để cụ thể hóa mô hình hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ. Hai năm qua chúng ta đã cố gắng 
“củng cố sự hiệp thông” và “thúc đẩy tham gia vào đời sống Giáo hội”, nay chúng ta cùng hướng tới sứ vụ căn bản của người tín hữu. Đó là việc đến với người xa Chúa và những anh chị em chưa biết Chúa, để nói với họ về Ngài.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn khẩu hiệu cho Năm Thánh 2025 là 
“Những người hành hương của hy vọng”. Khi cùng nhau loan báo Tin Mừng, chúng ta làm chứng cho niềm hy vọng Kitô giáo. Đức Thánh Cha mong ước Năm Thánh là một thời điểm gặp gỡ Chúa Giêsu cách sống động và cá vị, Người là “cánh cửa” ơn cứu độ (x. Ga 10,7.9), là “niềm hy vọng của chúng ta” (1Tm 1,1). 
(trích thư mục vụ của HĐGMVN khóa họp kỳ II năm 2024, tại Tà Pao, ngày 20/9/2024.)

Sau đây là gợi ý sống niềm “Hy Vọng Không Làm Thất Vọng” (Rm 5,5) trong Mùa Vọng năm C, 2025, đặc biệt, trong tư cách là người đi theo Chúa.

TUẦN I MÙA VỌNG
Chủ Đề: Hy vọng vì sắp được cứu chuộc.
 Lời Chúa: Lc 21, 28.
“Anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc”.

1. Thánh Luca đã nhắc cho chúng ta niềm hy vọng: “vì anh em sắp được cứu chuộc”. Niềm hy vọng của chúng ta là sắp được cứu chuộc, khi Đức Kitô ngự đến trong vinh quang. Thái độ cần có của chúng ta trong khi chờ đợi ơn cứu chuộc đó là: “Anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên!”
Đứng thẳng và ngẩng cao đầu là tư thế của một con người được đổi mới! Vâng, chúng ta chỉ có thể đứng thẳng và ngẩng cao đầu khi không bị lối sống đam mê theo của cải trần gian, buông theo xác thịt hay chạy theo vinh dự ở đời kéo ghì cuộc sống của chúng ta? Để có thể đứng thẳng và ngẩng cao đầu, chúng ta phải xem xét lại: niềm hy vọng của chúng ta là gì? Có phải là niềm hy vọng được cứu chuộc không? (Rm 8,24). Theo niềm tin Kitô giáo, “ơn cứu độ không chỉ đơn giản là một điều được trao ban. Nhưng ơn cứu chuộc được ban cho chúng ta, là chúng ta đã được trao cho hy vọng, một niềm hy vọng đáng tin cậy.”
2. “Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng.  Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa.”(Ep 4, 4-5)
Thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu Êphêxô và đặc biệt là những người dâng hiến. Chúng ta đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Điều này có nghĩa là chúng ta được kêu gọi trong cùng một ơn gọi, một đặc sủng, để sống trong cộng đoàn, ngõ hầu giúp nhau sống trọn vẹn niềm hy vọng, và cùng nhau mong đợi ngày Chúa cứu độ tất cả chúng ta. Chúng ta có nhận ra Ơn Chúa vẫn luôn giúp ta mỗi khi được chị em nhắc nhở, được chị em chỉ bảo hướng về niềm hy vọng? Chúng ta có vui vẻ đón nhận những khổ chế để loại bỏ những vướng víu khiến chúng ta không thể hướng về niềm hy vọng cứu độ? Chúng ta có nhận ra chị em là món quà, là ơn Chúa ban cho chính chúng ta trong cuộc sống hiện tại này, để cùng chia sẻ một niềm hy vọng không? Chúng ta có cố gắng làm cho niềm hy vọng này lan tỏa đến với mọi người, hay chúng ta lại làm thui chột niềm hy vọng của họ, vì chúng ta chưa sống niềm tin và niềm trông đợi được cứu độ.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con hãy đứng thẳng và ngẩng cao đầu vì chúng con sắp được cứu chuộc. Đó chính là niềm hy vọng Chúa trao cho chúng con. Chúng con cảm tạ Chúa về ơn cao quý này. Tuy nhiên, chúng con xin Chúa ban trợ giúp để chúng con can đảm từ bỏ những vướng víu, khiến chúng con không thể đứng thẳng và ngẩng cao đầu. Chúng con cũng nài xin Chúa ban cho chúng con nhận biết rằng: tất cả chúng con được mời gọi sống cùng một niềm hy vọng duy nhất, để chúng con giúp nhau đón nhận niềm hy vọng cứu độ Chúa dành sẵn cho mình. Amen.

Quyết tâm thực hành trong tuần I:
- Sử dụng đồ dùng, của cải, thời gian cách hợp lý.
- Quan tâm giúp đỡ chị em, an ủi chị em gặp âu lo, nhắc nhở chị em tuân giữ kỷ luật Dòng để cùng nhau sống niềm hy vọng đón Chúa đến.


TUẦN II MÙA VỌNG

Chủ Đề: Hy vọng là chờ đợi ngày quang lâm của Đức Kitô.
Lời Chúa: Pl 1, 10b. “Tôi cũng xin cho anh em được nên tinh tuyền và không làm gì đáng trách, trong khi chờ đợi ngày Đức Kitô quang lâm”.


1. Đối tượng của hy vọng là những điều tốt lành của thời cánh chung: Các Kitô hữu được định nghĩa như là những người “có niềm hy vọng” (1Tx 4,11)”. Chúng ta là những người đi theo Chúa Kitô, được sống với Đức Kitô ngay trong cuộc sống thường ngày tại cuộc đời dương thế này, để hướng đến một ngày được gặp gỡ, được ở với Đức Kitô mãi mãi. Chính vì thế, niềm hy vọng trông đợi ngày Chúa Kitô quang lâm, phải là niềm hy vọng không bao giờ phai mờ và càng không bao giờ tàn lụi trong chúng ta. Chính vì thế, chúng ta được mời gọi phải “tái sinh”, tức là phải đổi mới luôn để nhận lãnh niềm hy vọng là được cứu rỗi. Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta không muốn thay đổi cuộc sống theo hướng đi với Chúa Kitô, chúng ta không dám từ bỏ những vinh hoa phú quý, những lợi lộc thấp hèn nơi trần thế này. Để sống niềm hy vọng, trông đợi ngày Đức Kitô quang lâm, chúng ta cần hoán cải mỗi ngày để niềm hy vọng của chúng ta ngày càng vững vàng hơn.

2. Thánh Phaolô rất thực tế. Ngài biết rằng cuộc sống có cả niềm vui lẫn nỗi buồn, rằng tình yêu chịu thử thách khi khó khăn chồng chất và đau khổ dường như làm cho hy vọng tan biến. Dẫu vậy, ngài vẫn viết: “Chúng ta tự hào trong nỗi gian khổ, vì biết rằng gian khổ sinh ra kiên trì; kiên trì sinh ra nghị lực; nghị lực sinh ra hy vọng” (Rm 5,3-4).

Thật vậy, nhiều khi chúng ta ngã lòng, mất dần niềm hy vọng, nhất là những lúc gặp đau khổ, bệnh tật, những khi không có được điều mình mong muốn… Thánh Phaolô khuyên nhủ chúng ta hãy kiên nhẫn và hãy xin Chúa cho chúng ta được thông dự vào những đau khổ với Đức Kitô để chính sự kiên nhẫn giúp chúng ta vượt qua những thử thách và giúp ta bền chí đến cùng, tức là vẫn vững vàng cậy trông. Chính những khi chúng ta vượt qua được những nản lòng, những thất vọng… chính là chúng ta lan tỏa niềm hy vọng cho người khác, giúp họ vững tin vào Thiên Chúa nhiều hơn. 

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, chúng con tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con niềm hy vọng, để chúng con chờ đợi ngày Chúa đến trong vinh quang, ngõ hầu chúng con được gặp gỡ, được ở với Chúa luôn mãi. Tuy nhiên, nơi trần thế này, nhiều khi chúng con mất kiên nhẫn, niềm hy vọng của chúng con phai nhạt dần, nhất là những khi chúng con gặp đau khổ, gặp những gian nan… Xin Chúa cho chúng con có niềm hy vọng vững vàng, đề chúng con luôn trông chờ ngày Chúa quang lâm. Amen.

Quyết tâm thực hành trong tuần II:
  • Kiên trì cầu nguyện, nhất là khi mệt nhọc, gặp khó khăn hay thất bại.  

TUẦN III MÙA VỌNG
Chủ Đề: Hy vọng là vui trong niềm vui của Chúa, vì Chúa đã gần đến.
Lời Chúa: Pl 4, 4-5. “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hòa rộng rãi, Chúa đã gần đến”.

1. Đặc tính của hy vọng là niềm vui (Rm 15,13). Những đau khổ đời này ví như cơn đau quặn của bà mẹ lúc sinh nở, nhưng sự thâm tín của một sự sống mới mang lại niềm an ủi (Rm 12,12), và là nguồn sức mạnh và can đảm. Cách riêng, đối với Thánh Phaolô, niềm hy vọng gây ra sự bạo dạn can đảm làm chứng cho Đức Kitô (2Cr 3,12), sẵn sàng đương đầu với mọi vất vả (1Tm 4,10).

Sống niềm hy vọng là sống niềm vui, cách đặc biệt là trong cuộc sống của người dâng hiến. Có thể nói, nếu cuộc sống thường ngày của người tu sĩ mà không có niềm vui thì người tu sĩ đó đang đi dần đến chỗ tuyệt vọng, không có niềm hy vọng. Dĩ nhiên, trong cuộc sống hàng ngày, ai cũng có những khó khăn và cả những đau khổ, nhưng chính niềm hy vọng về ơn cứu độ sẽ giúp chúng ta có thể vượt qua những khó khăn và có lại niềm vui trong cuộc sống. Thánh Phaolô còn dạy chúng ta biến niềm hy vọng trở thành động lực giúp ta trở nên chứng nhân cho Chúa, khi lướt thắng những gian khổ cách tươi vui.

Sứ vụ Loan báo Tin Mừng hay đem niềm hy vọng, niềm vui đến cho người khác là chúng ta không chỉ chấp nhận những gian khổ, đớn đau, bất trắc… mà còn vượt qua những gian nan đó với niềm vui, vì chúng ta luôn hy vọng vững vàng  vào ơn cứu độ Chúa hứa ban. Xin Chúa cho chúng ta sống trong niềm vui của Chúa, không phải niềm vui chóng qua nơi trần gian này.

2. ĐTC Phanxicô cũng chỉ cho chúng ta phương cách để thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng là sống niềm vui vì có niềm hy vọng và lan truyền niềm hy vọng tới những người khác. Thế nhưng, trong cuộc sống hàng ngày, do nhiều lý do, chúng ta luôn sống trong sự căng thẳng, đánh mất nụ cười và rất khó khăn trong việc thực hiện một cử chỉ thân ái với chị em, với người khác. ĐTC Phanxicô đã dạy chúng ta hãy gieo những hạt giống của niềm hy vọng khi chúng ta trao cho nhau và cho mọi người một ánh mắt yêu thương, một nụ cười, một cử chỉ thân tình… những hành động này không chỉ giúp chúng ta sống niềm hy vọng mà còn giúp chúng ta bày tỏ niềm vui, vì luôn được Chúa yêu thương.
 
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, chúng con tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con niềm hy vọng được cứu rỗi; đó cũng chính là niềm vui mà Chúa muốn chúng con thể hiện trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, chúng con khó trao cho nhau niềm vui đích thực từ nơi Chúa, nhưng chúng con chỉ muốn sống và trao cho người khác niềm vui chóng qua của trần gian. Xin Chúa cho chúng được sống trong niềm vui của Chúa và luôn hy vọng, trông chờ ngày Chúa đến. Amen.
Quyết tâm thực hành trong tuần III:
-  Vui vẻ khi tham dự cử hành phụng vụ hay việc đạo đức.
-  Thể hiện cử chỉ thân ái, nở một nụ cười… với mọi người mình gặp trong ngày, nhất là với người mình không ưa thích.

TUẦN IV MÙA VỌNG
Chủ Đề: Hy vọng là tin Chúa sẽ thực hiện điều Chúa hứa.
Lời Chúa: Lc 1, 45. “Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”.

Gợi Ý:

1. Hy vọng (đức cậy) cùng với đức tin và đức mến kết thành bộ ba “nhân đức đối thần”, diễn tả điều cốt lõi của đời sống Kitô hữu (x. 1 Cr 13,13; 1 Tx 1,3). Trong tính năng động không thể tách rời của ba nhân đức này, có thể nói rằng, hy vọng định hướng hoặc vạch ra phương hướng và mục tiêu cho đời sống của người tín hữu.[1]

Trông chờ ngày Chúa đến với niềm hy vọng được cứu độ đòi chúng ta phải có niềm tin và lòng yêu mến Chúa. Tin yêu diễn tả lòng trông cậy của chúng ta vào tình yêu thương và quyền năng của Chúa. Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta không vững tin vào tình yêu thương của Chúa và cũng không yêu mến Chúa cho thật; vì chúng ta vẫn còn tin vào quyền lực của thế gian, cậy vào sức mình cùng những niềm vui chóng qua nơi trần thế này. Chính vì vậy, chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta ơn can đảm để chúng ta hoán cải, quay về với Chúa với niềm tin yêu dạt dào thắm thiết vì luôn hy vọng và trông đợi ơn cứu độ Chúa hứa ban.
2. Nơi Mẹ Maria, chúng ta thấy niềm hy vọng không phải là sự lạc quan hão huyền, mà là một món quà ân sủng trong hiện thực cuộc sống. Mẹ vẫn lặp lại tiếng “xin vâng”trong mọi biến cố cuộc đời mà không đánh mất niềm hy vọng. Một sự chấp nhận thiếu thốn, thiệt thòi, biến tình trạng cơ cùng, quẫn bách của mình thành cơ hội mang lại hạnh phúc và niềm hy vọng. Noi gương Mẹ Maria, chúng ta hãy nài xin Chúa cho chúng ta luôn có niềm hy vọng, vì tin rằng Chúa luôn làm những điều tốt đẹp nhất cho tôi, dù đó là điều tôi không muốn, không thích hay đem lại đau khổ cho tôi.

3. Loan báo Tin Mừng hay gieo niềm hy vọng nơi mọi người đều phải cậy dựa vào Chúa Thánh Thần, chính Ngài giúp chúng ta can đảm làm chứng về niềm hy vọng Chúa đã ban, cho dù ở trần gian này, chúng ta đang là những người lữ hành tiến về quê hương đích thực là Nước Trời nhưng nhờ Chúa Thánh Thần, chúng ta là những người hành hương của niềm hy vọng.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa đã cho chúng con có một người Mẹ luôn sống trong niềm hy vọng, vì Mẹ luôn tin rằng Chúa sẽ làm những điều tốt nhất cho Mẹ và nhờ đó, Mẹ đã yêu Chúa mỗi ngày mỗi hơn. Xin Chúa cho chúng con biết noi gương Mẹ Maria, luôn tin yêu Chúa để chúng con trở nên những người lữ hành của niềm hy vọng, cho mọi người trong cuộc sống thường ngày. Amen.

Quyết tâm thực hành trong tuần IV:
- Thực hiện một việc khổ chế mỗi ngày để sống tâm tình hoán cải, trông đợi Chúa đến.
-  Đón nhận mọi hoàn cảnh, biến cố xảy đến… dù tốt hay xấu, dù vui hay buồn…với niềm tin phó thác.

Thực hành chung:
  1. Thực hiện một số việc hy sinh, bỏ mình, phục vụ, yêu thương, bác ái cụ thể để dọn đường đón Chúa.
  2. Mỗi cộng đoàn tuỳ hoàn cảnh, dọn đài để nhắc nhớ chị em sống tâm tình Mùa Vọng.
  3. Mỗi sáng thức dậy và sau giờ kinh tối hát: “Xin cho lòng chúng con luôn mở rộng chờ mong Chúa đến. Xin cho lòng chúng con luôn thắm nồng một tình yêu mến. Xin cho lòng chúng con luôn khát khao, luôn ước ao một thế giới sướng vui dạt dào, một thế giới không còn khổ đau.
ĐK:  Ðể Chúa đến trong cuộc đời, để Chúa đến mang ơn Trời, nguồn hạnh phúc cho con người, mùa cứu rỗi cho mọi nơi” (VGS trang 130)
 
 

[1] ĐTC Phanxicô, Sắc Chỉ công bố Năm Thánh, số 18.
 
 

Tác giả bài viết: Vung Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây