Suy niệm chủ đề tuần 4 Mùa Vọng C

Thứ hai - 16/12/2024 19:32 239 0
 

Suy niệm chủ đề tuần 4 Mùa Vọng C
Chủ Đề:
Hy vọng là tin Chúa sẽ thực hiện điều Chúa hứa.

Lời Chúa: “Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”. (Lc 1, 45)


Lời nguyện mở đầu:

Lạy Chúa là Chúa tể trời đất, tất cả những điều kỳ diệu trong chương trình sáng tạo và cứu chuộc đều do tình yêu thương nhưng không của Chúa.
Chúng con chúc tụng, ngợi khen và yêu mến Chúa. Chúng con cảm phục trước muôn kỳ công Chúa đã dành cho nhân loại. Đặc biệt, điều lạ lùng và vĩ đại là Chúa đã chọn Đức Maria một thụ tạo để làm Mẹ con Thiên Chúa. Maria là phụ nữ Diễm Phúc, là tạo vật đáng yêu của Chúa, được Chúa trao cho vai trò tiên phong trong kế hoạch cứu độ nhân loại. Mẹ là tạo vật đẹp lòng Chúa và đại diện cho con người đón nhận Ngôi Lời. Lời xin vâng của Mẹ cũng là lời Mẹ thưa lên thay cho cả trần gian.Từ giây phút ấy, Mẹ đã trở nên Evà mới, trở nên Mẹ hiền của đoàn con nơi trần thế. Và lời ngợi khen của bà Êlisabét “Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” đã  cất lên ngày nào cũng là lời ngợi khen mà muôn thế hệ ca khen Mẹ. Chúng con cảm tạ Chúa.

Lạy Chúa, Chúa biết chúng con sinh ra trong tội nguyên tổ, vốn yếu đuối, bất toàn, bất trung, cuộc đời vướng tội lụy triền miên, nên Chúa đã cho chúng con một sự bảo trợ vững chắc. Đấng đẹp lòng Chúa mọi đàng sẽ chuyển cầu cho chúng con là đức trinh nữ Maria. Xin Chúa ban cho chúng con niềm tin mạnh mẽ và lòng yêu Chúa sắc son như Mẹ. Xin dạy mỗi chúng con biết thưa “xin vâng” như Mẹ trong mọi hoàn cảnh, để mỗi người có thể làm tỏa niềm tin yêu hy vọng Chúa sẽ thực hiện nơi những điều tốt đẹp nhất cho con người ngang qua đời sống và sứ vụ của chúng con như lời Ngài đã hứa.

Suy gẫm:

Lời thưa “xin vâng” của mẹ Maria là lời đáp trả đẹp nhất, ngọt ngào nhất, huyền nhiệm nhất và đó cũng là điều Thiên Chúa chờ đợi nơi con người. Với lời xin vâng, Mẹ đã bày tỏ sự tuân phục hoàn toàn ý muốn của Thiên Chúa và xác tín nơi kế hoạch của Ngài. Cũng từ đó, Thiên Chúa đã thành toàn mọi lời hứa với Mẹ: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Chính lúc này, Đức Maria đã trở thành bà Evà mới, là Mẹ của chúng sinh, như thế niềm hy vọng của bao thời  đã thành hiện thực (Giáo lý, số 511). Đức Maria nổi lên như một vì sao sáng rực rỡ phát xuất từ nguồn sáng là Đức Kitô bởi Mẹ đã tin và dâng hiến bản thân mình, sẵn sàng phục vụ cho sáng kiến của Thiên Chúa. Qua hành động vâng phục và đón nhận kế hoạch của Thiên Chúa, Mẹ đã trở thành khuôn mẫu tuyệt vời, là niềm hy vọng cho những kẻ mà Đức Giêsu tuyên bố là có phúc, vì họ “lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,28). Thế nên, niềm tin, niềm vui, niềm hy vọng của Mẹ mang lại niềm tin, niềm vui, niềm hy vọng cho mọi kẻ tin.

Ngay sau khi lời Thiên Chúa hứa với mẹ được thành toàn, với hồng ân đầy tràn, Đức Maria đã vội vã lên đường đến thăm chị họ của mình là bà Êlisabét. Mẹ đã ở lại nhà ông Dacaria “độ ba tháng” (Lc 1,56). Sự hiện diện của Đức Maria không chỉ khiến cho bà Êlisabét được vui mừng, mà đứa con trong lòng bà cũng “nhảy lên” hân hoan vui sướng. Mẹ không những mang đến niềm vui mà còn khiến hai mẹ con bà Êlisabét được biến đổi, được tràn đầy Thánh Thần và nhờ đó nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Mẹ. Như vậy, gia đình bà Êlisabét là gia đình đầu tiên được Chúa Cứu Thế viếng thăm. Hơn nữa, chuyến viếng thăm của Đức Maria còn mang một ý nghĩa đặc biệt: “Thực vậy, với việc thăm viếng bà Êlisabét, Đức Maria đã thực hiện việc khai mào sứ vụ của Đức Giêsu. Mẹ đã cộng tác vào công trình cứu chuộc của con mình ngay từ lúc bắt đầu chức vụ làm mẹ; do đó, Đức Maria trở nên gương mẫu cho mọi tín hữu trong việc lên đường để mang ánh sáng và niềm vui của Thiên Chúa cho con người mọi thời mọi nơi”[1] .  

Từ những năm tháng gia đình Thánh gia sống ẩn dật ở Nazarét cho đến suốt hành trình hoạt động công khai của Đức Giêsu, hình ảnh Đức Maria là một người Mẹ âm thầm khiêm hạ, hiện diện phía sau và luôn dõi theo con của mình. Thế nhưng khi cần, Mẹ lại xuất hiện đúng lúc để nâng đỡ và hướng dẫn chúng ta trong đời sống đức tin. Điều này được minh chứng bằng sự tế nhị trong tiệc cưới ở Cana, Mẹ đã nhận ra nhu cầu của đôi tân hôn cũng như khách dự tiệc và Mẹ đã nói với Đức Giêsu: “Họ hết rượu rồi” (Ga 2,3). Đây là bảo đảm cho niềm hy vọng cậy trông của chúng ta. Mẹ vẫn đang hiện diện rất tinh tế và hằng quan tâm, nâng đỡ chúng ta. Kế đến, lời của Mẹ nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5). Từ kinh nghiệm đức tin của bản thân, Mẹ Maria đã nêu gương hoàn hảo cho chúng ta trong việc lắng nghe và thi hành lời Chúa. Và giờ đây, Mẹ như ngôi sao soi sáng chỉ cho chúng ta tâm tình tín thác không chút do dự vào Thiên Chúa, ngay cả khi chúng ta không hiểu hoặc chưa hiểu điều mà Đức Giêsu truyền dạy. Mẹ mời gọi chúng ta hãy trông cậy và luôn đặt tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Quả vậy, khi chuyên tâm thực thi ý Chúa trong đời sống thường ngày, chắc chắn chúng ta sẽ không sợ lạc bước, chúng ta sẽ có một hướng đi đúng đắn và một niềm hy vọng về tương lai cho cuộc đời của mình.

Nếu như trong biến cố truyền tin, nhờ ơn đức tin đã khiến Đức Maria sẵn sàng và mở lòng đón nhận thánh ý Thiên Chúa thì cũng nhờ sự trung tín đã dẫn đưa Mẹ bước tới đỉnh đồi Canvê. Dưới chân Thánh Giá, lời của Đức Giêsu nói với ông Gioan và qua ngài nói với tất cả các môn đệ: “Đây là mẹ anh” (Ga 19,27). Từ lúc này, Mẹ trở nên một người Mẹ trong một cách thế hoàn toàn mới, là người Mẹ của tất cả những ai tin và muốn theo Đức Giêsu con Mẹ. Lúc này, Đức Maria thật sự trở thành Mẹ của mọi tín hữu, Mẹ Giáo Hội. Mẹ ở lại với các môn đệ như người mẹ của họ, người mẹ của niềm hy vọng. Và hơn hết, hình ảnh Đức Maria hiện diện giữa các tông đồ, chìm sâu trong lời cầu nguyện, được thánh Luca kể lại trong sách Công vụ Tông đồ cho thấy chúng ta không cô đơn, vì luôn có Mẹ đồng hành nâng đỡ ủi an trên mọi nẻo đường cuộc sống (Cv 1,12-14).

Trong lịch sử nhân loại, nhiều lần Giáo Hội đã nhìn nhận sự hiện diện của Mẹ như là Sứ Giả Tình Yêu của Thiên Chúa. Từ thiên quốc, Mẹ đã luôn đồng hành để an ủi, nâng đỡ, khuyên bảo và dạy dỗ con cái loài người. Và cứ mỗi lần như thế, Mẹ đều biểu lộ tình mẫu tử yêu thương bằng những lời mời gọi và thôi thúc chúng ta lên đường loan báo Tin Mừng Tình Thương của Thiên Chúa trong tâm tình của những người hành hương của hy vọng.“Thật vậy, sau khi Mẹ được lên trời, nhiệm vụ cứu độ của mẹ không chấm dứt nhưng vẫn tiếp diễn qua việc liên lỉ chuyển cầu của mình. Mẹ tiếp tục đem lại cho chúng ta những hồng ân của ơn cứu độ vĩnh cửu. Vì vậy, trong Hội Thánh, Đức Trinh Nữ diễm phúc được kêu cầu với tước hiệu là Trạng Sư, Đấng Cứu Giúp, Đấng Phù Hộ, Đấng Trung Gian” [2]

Hôm nay, trong hành trình dương thế và trong cuộc lữ hành đức tin của mình. Mỗi người chúng ta cần chiêm ngắm và dõi theo cuộc đời của Mẹ, xin Mẹ giúp chúng ta hiệp thông sâu xa hơn với Đức Kitô, gắn bó với Người bằng đức tin sống động, đặt hết niềm tin tưởng nơi Người và yêu mến Người với trọn cuộc sống của mình. Hằng ngày chúng ta được mời gọi đến dự bàn tiệc Lời Chúa, đón rước Mình và Máu Thánh là thần lương nuôi dưỡng linh hồn, được sai đi loan báo Tin Mừng cho nhân loại. Do đó, người Kitô hữu, người sống đời thánh hiên cũng được“cưu mang” chính Đức Kitô trong tâm hồn mình. Theo gương Mẹ Maria, chúng ta cùng tiến bước hăng hái ra đi đem niềm vui Tin Mừng đến cho tất cả mọi người. Đức Thánh Cha Phanxicô đã từng nhắn nhủ với mọi Kitô hữu rằng:“Mọi người đều phải có thể cảm nghiệm được niềm vui vì được Thiên Chúa yêu thương, niềm vui ơn cứu độ! Đó là một tặng phẩm mà người ta không thể giữ cho riêng mình, nhưng phải được sẻ chia. Nếu chúng ta muốn giữ nó cho riêng mình, chúng ta sẽ trở thành những người Kitô hữu cô lập, cằn cỗi và ốm yếu. Rao giảng Tin Mừng là một phần của việc là môn đệ Đức Kitô và đó là một dấn thân liên lỉ làm sống động trọn vẹn đời sống trong Giáo Hội”.
[3]

Là người môn đệ của Đức Kitô, là những người hành hương của hy vọng, chúng ta phải biết “vui với kẻ vui, khóc cùng kẻ khóc” (Rm 12,14), cùng “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm, đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng, dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu.”[4] Hãy dang rộng đôi bàn tay, mở rộng tấm lòng quảng đại và đôi chân miệt mài ra đi trao gửi tình thương đến tất cả mọi người quanh ta. Bởi vì “con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa” (St 1,27) và tình thương chính là căn tính, là bản chất của con người. Và qua chứng tá đời sống yêu thương cũng chính là lời rao giảng hữu hiệu cho hết thảy mọi người tin vào chính Thiên Chúa là tình yêu tuyệt đối.

Cùng với Mẹ Maria ta hãy hăng hái tiến bước trên đường hữ hành của hy vọng, con đường nên thánh mà chính Thiên Chúa đã dọn sẵn cho từng người trong chúng ta. Mẹ Maria sau khi hoàn tất ơn gọi của mình ở trần thế, đã được Thiên Chúa đưa cả xác cả hồn lên trời chung hưởng vinh quang. Mẹ chính là hình ảnh báo trước và bảo đảm cho ơn cứu độ cho tất cả con cái của Mẹ còn đang trong cuộc lữ hành trần thế. Nhờ lời Mẹ chuyển cầu, chúng ta sẽ luôn trung thành sống trọn vẹn ơn gọi Kitô hữu với một đức tin kiên cường, đức cậy vững vàng và tiến xa hơn nữa trong đức mến. Tin chắc rằng mai này sẽ chúng ta sẽ được sum họp với Mẹ chung hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên thiên đàng.

Lời nguyện kết:

Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa đã cho chúng con một gương mẫu sống động về đức tin, niềm trông cậy, lòng tin yêu, hy vọng phó thác hoàn toàn đời sống mình cho Chúa là Đức Maria. Khi sống ơn gọi làm người của mình, Mẹ đã chọn phần tuyệt hảo là lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa. Mẹ luôn tin rằng Chúa sẽ làm những điều tốt nhất cho Mẹ và nhờ đó, Mẹ đã yêu Chúa mỗi ngày mỗi hơn. Xin Chúa cho chúng con biết noi gương Mẹ Maria, tin yêu Chúa cách vững vàng và đầy lòng yêu mến, để chúng con luôn bước đi trong hy vọng. Quyết tâm trở thành người môn đệ trung tín của Đức Kitô, quảng đại dâng hiến cuộc đời mình để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân...nhờ đó mỗi ngày sống của chúng con là bài ca cảm tạ Chúa và trở nên chứng nhân của niềm hy vọng. Và cộng đoàn nơi chúng con đang sống là nơi lan tỏa yêu thương, xua tan hận thù, chia rẽ, độc đoán, tham quyền, ích kỷ, kiêu căng, giả dối và nhiều tội ác khác nữa đang là nguyên nhân gieo rắc đau thương khắp mọi nơi khiến con người không thể có được hạnh phúc.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn hiểu rằng: “Con người không thể sống mà không có tình yêu thương. Con người sẽ là kẻ không thể hiểu được đối với chính bản thân mình, cuộc sống con người mất ý nghĩa nếu không nhận lấy mạc khải về tình yêu, nếu không gặp tình yêu, nếu không kinh nghiệm tình yêu và không nhận lấy kinh nghiệm đó làm của mình và dự phần vào đó cách mãnh liệt”.
[5] Amen

---------------------------------------------

[1] (Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Mầu Nhiệm Thăm Viếng Khai Mào Sứ Mạng Của Đấng Cứu Thế, Lm. Phan Tấn Thành O.P chuyển ngữ, (1999).Trang 129
[2](CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, số 62). 
[3] Đức Phanxicô, Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo (2013), số 1.
[4] Thánh Phanxicô Assidi, Kinh Hòa Bình.
[5]. Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Đấng Cứu Chuộc con người, số 10.

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây