Thứ sáu tuần I Thường niên C

Thứ ba - 14/01/2025 20:42 15 0


Thứ sáu tuần I Thường niên C

Chiêm ngắm gương tha thứ của Đức Giêsu trên thánh giá
“Lạy Cha, xin Cha tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc. 23, 34)

Lời nguyện mở đầu:

Lạy Thiên Chúa là cha của chúng con, chúng con thờ lạy, chúc tụng và yêu mến Chúa. Chúng con tin mầu nhiệm Cứu độ của Chúa được thực hiện qua Đức Giêsu, Người đã Nhập thể làm Người và ở giữa chúng con. Chúng con bắt đầu đi vào mùa Phụng vụ Thường Niên, chúng con được mời gọi suy niệm về cuộc đời công khai của Người. Nhờ việc chiêm ngắm Chúa Giêsu trong đời sống của Ngài, các Kitô hữu sẽ từng bước làm tăng trưởng đời sống thiêng liêng của mình trong tương quan với Ngài.

Hôm nay, chúng con muốn chiêm ngắm Đức Giêsu trên thánh giá và học với Ngài về tình yêu tha thứ khi Ngài cầu nguyện với Cha, xin cha tha cho những kẻ vu khống, kết án và giết mình. “Lạy Cha, xin Cha tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc. 23, 34).

Lạy Chúa Giêsu, chúng con chẳng sao hiểu hết được mầu nhiệm Chúa chịu đau khổ và chịu chết trên thập giá dù chiêm ngắm, suy niệm cả đời. Giờ này, xin Chúa giúp chúng con chiêm ngắm dung nhan bình tĩnh, hiền từ của Chúa trong lúc Chúa đau đớn tột cùng trong những giờ phút hấp hối. Chúa vẫn không nghĩ đến bản thân nhưng lại xin ơn tha thứ cho những tội nhân, những người mang danh công lý, lề luật đã xử bất công với Chúa, để phần nào chúng con hiểu được lòng Chúa quảng đại thương xót nhân loại chúng con đến mức quên mình. Xin Chúa cho mỗi chúng con cảm nhận được tình yêu Chúa lớn hơn tội lỗi của mình, Chúa không nhớ, cũng chẳng chấp tội chúng con. Chúa thật sự yêu thương, rộng lượng tha thứ tội lỗi của mỗi người chúng con từ lâu lắm rồi. Xin cho mỗi chúng con cũng hãy học với Chúa về tinh thần khiêm nhường và hãy đặt để vào tâm hồn con tâm tình bao dung của Chúa, sẵn sàng bỏ qua những điều người khác làm mình tổn thương, đau buồn. Xin cho chúng con cảm nhận cách sâu xa rằng rằng: chỉ khi nào mỗi người nhận ra tình thương của Chúa nơi sự mỏng giòn, tội lỗi của mình- chúng con mới có thể sống quảng đại với những người chung quanh chúng con.

Suy gẫm:
 
Trên thánh giá, Chúa Giêsu đã xin Chúa Cha tha cho những ai? Cho đám dân chúng ô hợp ba phải, cho tên đầy tớ đã vả mặt Chúa trong dinh thượng tế Caipha? cho Philatô, một nhà chính trị nhiều mưu mô, xu thời và tàn ác, đã lên án tử cho Chúa Giêsu để giữ tình nghĩa với Xêda, Chúa sẵng sàng tha cho Hêrôđê, một tên bạo chúa đã khoác cho Con Thiên Chúa cái áo của kẻ dại dột, điên khùng? Chúa còn tha cho những tên lính dã man đã đánh đòn và treo Vua các vua trên cây thập tự? Chúa sẵn sàng tha cho họ hết thảy, vì Chúa cho rằng họ không biết việc họ làm, họ không đủ ý thức việc họ làm là một tội ác. Chúa đã không xét đoán, không biện hộ cho mình, dù Chúa có quyền và có thể làm điều đó. Trong lời tha thứ này đã thể hiện rõ nét Tình Yêu của Chúa Cha dành cho nhân loại nơi tinh thần khiêm tốn, tuân phục của Ngài. Nhờ lời cầu xin tha thứ này mà tình yêu thánh thiện của Thiên Chúa được thực hiện để tháo gỡ tội lỗi cho nhân loại.

Tha thứ, là bằng chứng hùng hồn về tình yêu vô vị lợi và sự thánh thiện tuyệt đối của Thiên Chúa. Ngay trong những khổ đau vì đối xử công nhất, tàn ác, tàn bạo của quyền lực dù không thấy tội gì để kết án Đức Giêsu nhưng Philatô vẫn làm ngơ “ Bấy giờ ông Phi la tô trao Đức Giêsu cho họ đi đóng đinh vào Thập Giá” ( Ga 19,16). 

“Lạy Cha, xin Cha tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc. 23, 34). Tha thứ, là một sứ điệp yêu thương của Đấng Cứu Độ trần gian.

Sau Chúa Giêsu, qua mọi thời đã có rất nhiều người thực hành việc tha thứ như Ngài. Thánh Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi. Câu chuyện về việc ném đá ngài được ghi lại trong sách Công vụ Tông đồ (x. 6,8-12; 7,54-60) và trình bày cho chúng ta thấy lúc sắp chết, ngài cầu nguyện cho những kẻ giết mình. Và điều này khiến chúng ta phải suy ngẫm: thực ra, chúng ta thấy thánh Stêphanô dường như bất lực trước bạo lực, nhưng thực tế, với tư cách là một người thực sự tự do, ngài vẫn tiếp tục yêu thương cả những kẻ giết mình và hiến mạng sống mình cho họ, như Chúa Giêsu trên thập tự giá (x. Ga 10,17-18; Lc 23,34); Ngài hiến mạng sống mình để họ ăn năn và được tha thứ, có thể nhận được sự sống đời đời như một món quà.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ở giữa ranh giới của sự sống và sự chết, ngài không nghĩ đến mình, nhưng nghĩ đến người muốn sát hại mình. Ngài đã tha thứ. Với giọng yếu ớt được thu từ giường bệnh ở bệnh viện, những lời đầu tiên của Đức Gioan Phaolô II sau khi bị bắn là: “Tôi cầu nguyện cho người anh em, người đã tấn công tôi, người mà tôi chân thành tha thứ. Hiệp nhất với Chúa Kitô, Linh mục và Nạn nhân, tôi xin dâng những đau khổ của tôi cho Giáo hội và cho thế giới.”

Sứ điệp tha thứ này còn được thể hiện mạnh mẽ hơn khi vào ngày 27/12/1983, Đức Gioan Phaolô II đã đến nhà tù Rebibbia ở Roma, vào phòng giam của Ali Agca, ôm lấy anh thanh niên muốn sát hại ngài.( x. tấm gương tha thứ : 40 năm ngày thánh Gioan Phao-lô II bị ám sát)

Chúa đã đến trần gian để sống cùng sống với chúng ta và dạy chúng ta hãy biết tha thứ cho nhau. “Hãy tha thứ cho kẻ làm hại ngươi, thì khi ngươi cầu nguyện, ngươi sẽ được tha”.“Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.

Và trong cơn đau đớn tột cùng trên Thập giá, trái tim thương cảm của Chúa lại thổn thức trước sự dữ đang đè nặng trên nhân loại, Ngài đã dâng lời nguyện cầu xin ơn tha thứ thật xúc động “Lạy Cha xin Cha tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm”. Giây phút tuyệt vời của một vị Thiên Chúa tình yêu, Ngài đã biến bạo lực thành nghĩa của của bao dung, tha thứ và cảm thông.

Chiêm ngắm gương tha thứ của Đức Giêsu trên thánh giá chúng ta học được gì nơi tình yêu lớn lao của Ngài?

Chúng ta có cảm nhận được tình yêu và lòng bao dung tha thứ Ngài dành cho chúng ta không? Chúng ta có cảm nhận và rút tỉa cho mình bài học trong đời khi hiểu rằng: để có tự do, thanh thản thực sự trong cuộc sống thì mỗi người cần phải thật lòng buông bỏ những cay đắng, oán giận, ghen ghét, đố kỵ, hơn thua, được mất mà mình đang chất chứa, mang vác trong lòng?

Nhìn ngắm Chúa trên thánh giá xin cho ta sống những biến cố đau thương trong cuộc đời với lòng tin yêu phó thác. Người chiến thắng là người tin rằng Thiên Chúa vẫn ở với mình ngay lúc mình cảm thấy như Thiên Chúa hoàn toàn vắng bóng. Kẻ chiến thắng là kẻ trải qua những kinh nghiệm cùng cực nhưng vẫn xác tín rằng mình đang được vòng tay đầy yêu thương của Thiên Chúa che chở, bảo vệ. Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta, “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46). Chúa Giêsu đã qui hướng mọi sự về Cha, đã trao phó tất cả cho cha, và cuối cùng dâng trong tay Cha chính sự sống của mình, và qua đó cũng chính là sự sống của mỗi người chúng ta. Rồi “Người gục đầu xuống và trao Thần Khí” (Ga 19, 30).

Lạy Chúa Giêsu Đấng lòng con yêu mến và quyết tâm bước theo - Xin Chúa thương xót con, xin cho con biết học với Chúa từng ngày, từng giờ trong đời sống mỗi ngày để con được ơn bình an, thanh thản mà hưởng ơn cứu độ Chúa tặng ban qua sự tha thứ, bao dung, yêu thương trong cuộc sống.

Lời nguyện kết:

Lạy Chúa Giêsu, con sẽ chẳng bao giờ hiểu được sự tha thứ của Chúa đối với những người đã vu khống, cáo gian và kết án một người không hề phạm tội và bắt Ngài phải chịu bản án bất công, dã man, tàn nhẫn. Con sẽ mãi mãi không hiểu được, bởi con chỉ là con người, con chưa cảm thấu được sự tha thứ, lòng thương xót vô biên của một vị Thiên Chúa dành cho cuộc đời con.

Lạy Chúa Giêsu! Hôm nay, con tin rằng Chúa đã tha thứ cho đám đông dân chúng nhẹ dạ, a dua...trong đó có con. Bởi không ít lần con đã hùa theo người khác ăn nói hung hăng, thô bạo, hành động theo cảm xúc...đã làm tổn thương người khác mà vẫn vô tư cho mình là đạo đức thánh thiện. Con cũng tin rằng Chúa đã bỏ qua cho con vì tính cách Philatô trong con, bởi nhiều lần con đã không đủ can đảm, không dám sống theo lương tâm ngay thẳng, vì sợ người khác đánh giá, coi thường mà làm những chuyện tầm thường, trái với đạo lý, có khi làm mất đi phẩm chất đời tu của mình. Con cũng xin Chúa tha thứ cho khuynh hướng Hêrôđê trong con, vì không ít lần con không nghe theo tiếng lương tâm, biện minh để nuông chiều bản thân, sống theo sự dễ dãi. Con cũng nài xin Chúa đừng chấp nhất mà quên đi sự nông nổi, nóng nảy, hèn nhát của con....Xin biến đổi con, để con cũng có thể cầu xin Cha ơn tha thứ và sẵn lòng tha thứ cho người khác, mỗi khi có ai đó gây thiệt hại hay làm tổn thương con, khiến con rơi vào đau khổ, và cảm thấy mệt mỏi, chán chường. Bởi chỉ có sự tha thứ, mà con học được nơi Chúa, sẽ mang lại cho bản thân và cộng đoàn con đang sống sự bình an và hạnh phúc thật.  Amen.

 

 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây