Quản trị tài sản trong Giáo hội

Thứ hai - 01/11/2021 04:38 1.736 0
 
QUẢN TRỊ TÀI SẢN TRONG GIÁO HỘI 
 
 



Với Tông hiến PASCITE GREGREM DEI, công bố hôm 1/6/2021, và sẽ có hiệu lực từ ngày 8/12/2021, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho canh tân quyển VI về hình phạt trong Bộ Giáo Luật 1983. Luật canh tân có thêm những khoản hình phạt liên hệ đến tài chính, trong đó đáng chú ý đến điều 1376 §1 số 2, quy định "phải" phạt: "Người nào mà không có sự tham khảo ý kiến, sự đồng ý hoặc cho phép theo quy định, hoặc không thỏa mãn yêu cầu khác do pháp luật áp đặt về tính hữu hiệu hoặc hợp pháp, mà chuyển nhượng những của cải thuộc Giáo hội hoặc thực hiện một hành vi quản trị trên chúng" (đ. 1376§1,2).

Trường hợp người quản trị tài sản: Bản quyền, Bề trên, Cha sở, Giám đốc... khi chuyển nhượng tài sản của giáo phận, giáo xứ, nhà dòng... mà không tham khảo ý kiến hay, hoặc sự đồng ý (của Hội đồng kinh tế, Ban tư vấn, Hội đồng dòng...), hoặc sự cho phép (của Bản quyền, Bề trên...) theo quy định, đã rất thường xảy ra.

Để tránh những trường hợp đáng tiếc trong tương lai, từ ngày luật canh tân có hiệu lực, bài viết này tìm hiểu một cách tổng quát và cung cấp một số điều cần biết trong việc quản trị tài sản trong một giáo phận, giáo xứ, dòng tu...

 
QUẢN TRỊ TÀI SẢN TRONG GIÁO HỘI
 

Giáo Hội được nhìn nhận như một cộng đoàn dân Thiên Chúa, là Nhiệm Thể Chúa Kitô, nhưng được thiết lập với cơ cấu tổ chức có phẩm trật ở giữa trần thế.  Vì vậy, Giáo hội cũng phải điều hành về kinh tế bằng ấn định những nguyên tắc pháp lý của việc quản trị tài sản vật chất. Việc ấn định này đã được Giáo hội thực hiện trong quyển V của bộ Giáo luật (đ. 1254-1310).

1. CHỦ THỂ QUẢN TRỊ

Quyền và mục đích

Trước hết Giáo luật khẳng định quyền và mục đích  của việc quản trị tài sản trong Giáo hội:
Điều 1254

§l. Giáo hội Công giáo, do bẩm sinh, có quyền, một cách độc lập với quyền bính dân sự, thủ đắc, duy trì, quản trị và chuyển nhượng tài sản vật chất, để theo đuổi những mục đích riêng của mình.

§2. Những mục đích riêng chính yếu là: tổ chức việc thờ phượng Thiên Chúa, trợ cấp thích đáng cho hàng giáo sĩ và các thừa tác viên khác, làm việc tông đồ và bác ái, nhất là đối với những người nghèo.

Chữ "Giáo hội" trong phần quản trị tài sản, không được hiểu theo nghĩa Giáo Hội phổ quát nhưng được hiểu là các pháp nhân công trong Giáo hội (đ. 1258). Tài sản của Giáo Hội cũng có nghĩa là tài sản của các pháp nhân công trong Giáo Hội. Việc quản trị tài sản của Giáo hội, thuộc về quản trị tài sản của các pháp nhân công trong Giáo hội.

Pháp nhân công

Những "pháp nhân công" trong Giáo hội là những pháp nhân nào?

Pháp nhân trong Giáo hội được hiểu là những tập hợp người hay sự vật nhằm mục đích phù hợp với sứ mạng của Giáo Hội và là những chủ thể có những quyền lợi và nghĩa vụ (đ. 113§2, đ. 114§1). Những pháp nhân có thể là công hay tư.
Có tư cách pháp nhân công nếu pháp nhân đó do chính luật hay do nhà chức trách có thẩm quyền minh nhiên thành lập (đ. 116§2). Ví dụ: giáo phận (đ. 373), giáo xứ (đ. 515§3), đại chủng viện (đ. 238), tu hội đời sống thánh hiến (đ. 634§1), hiệp hội công (đ. 313). Ngoài các pháp nhân công còn các pháp nhân tư. Tuy nhiên, không phải tất cả hiệp hội hay tập hợp người hay sự vật nào cũng có tư cách pháp nhân. Chỉ khi nào hiệp hội đó có quy chế được  nhà chức trách có thẩm quyền phê chuẩn thì mới có tư cách pháp nhân (đ. 117), và là một pháp nhân tư.

Một hiệp hội, ví dụ hiệp hội các tín hữu theo đuổi một mục đích thiêng liêng như làm việc tông đồ, bác ái, cầu nguyện... do một linh mục hay tu sĩ thiết lập và được nhà chức trách có thẩm quyền cho phép hoạt động thì chưa thể có tư cách pháp nhân.
Ngoại trừ nhà của đan viện tự quản (sui iuris) hay kinh sĩ dòng, từng nhà hay cộng đoàn của một tu hội đời sống thánh hiến chưa có tính cách pháp nhân, trừ khi nhà đó được nhà chức trách có thẩm quyền phê chuẩn (đ.117).[1]

Chủ thể quản trị

Điều 1255 quy định, Giáo hội toàn cầu và Tông Toà, các Giáo hội địa phương và tất cả mọi pháp nhân công hay tư, đều là những chủ thể có khả năng thủ đắc, duy trì, quản trị và chuyển nhượng tài sản vật chất chiếu theo quy tắc của luật (đ. 1255).
Theo nguyên tắc của điều 1255 nói trên, các giáo xứ, tu hội... với tư cách pháp nhân công, mặc dù là thuộc một giáo phận, họ vẫn là một chủ thể có quyền thủ đắc, duy trì, quản trị và chuyển nhượng tài sản vật chất riêng của mình chiếu theo quy tắc của luật. Nhà thờ nhà, nhà nguyện, bất động sản... của những pháp nhân thuộc về chính pháp nhân đó, chứ không thuộc về Bản quyền địa phương, chỉ thuộc sự giám sát của Bản quyền địa phương (đ. 1276).

Theo đó, Giám mục giáo phận không có quyền sở hữu trên tài sản của giáo xứ: nhà thờ, đồ vật thánh dùng phụng tự, đất đai, công trình nghệ thuật... Ngược lại, Giám mục giáo phận không bị buộc phải trả nợ cho giáo xứ hay cha sở, cho dù là nợ do xây cất nhà thờ giáo xứ. Cũng không hợp với Giáo luật khi cho rằng nhà thờ là của Giám mục nên Giám mục phải lo xây cất và trả nợ, còn cha sở chỉ phụ giúp Giám mục!

2. NGƯỜI QUẢN TRỊ  VÀ HỘI ĐỒNG KINH TẾ

Người quản trị, quản lý

Người có thẩm quyền quản trị tài sản trong pháp nhân công, gọi là người quản trị (administrator), chính là người lãnh đạo trực tiếp pháp nhân có tài sản đó (đ. 1279§1). Đối với một giáo phận, Giám mục giáo phận là người có quyền quản trị tài sản giáo phận; và tương tự, cha sở đối với một giáo xứ, cha Giám đốc đối với đại chủng viện, Bề trên đối với một tu hội đời sống thánh hiến...

Tuy nhiên, nhưng vị lãnh đạo một pháp nhân công, là người quản trị, lại thường không trực tiếp quản trị, mà nhờ một viên chức khác giúp mình; đó là vị quản lý (oeconomus). Giáo luật không buộc tất cả các pháp nhân phải có một vị quản lý riêng biệt với người lãnh đạo hay cấp trên, chỉ trừ hai pháp nhân công quan trọng là giáo phận và tu hội đời sống thánh hiến.

Trong mỗi giáo phận, sau khi tham khảo ban tư vấn và Hội đồng kinh tế, Giám mục bổ nhiệm một vị quản lý, nhiệm kỳ 5 năm, có nhiệm vụ quản trị tài sản giáo phận dưới quyền Giám mục theo cách thức đã được Hội đồng kinh tế ấn định. Cuối mỗi năm, vị quản lý phải tính sổ chi thu cùng Hội đồng kinh tế (đ. 494).

Trong bất cứ tu hội nào cũng như trong bất cứ tỉnh dòng nào, phải có một người quản lý khác với Bề trên cấp cao. Vị này quản trị tài sản dưới sự điều khiển của Bề trên. Vào thời kỳ và theo luật riêng ấn định, các quản lý và các người quản trị khác phải báo cáo cho thẩm quyền về việc quản lý đã chu toàn (đ. 636).

Đại chủng viện, cũng cần có vị quản lý khác biệt với cha giám đốc nhưng không luôn buộc phải như vậy (đ. 239§1). Các giáo xứ, là những pháp nhân công, cũng không buộc phải có người quản trị tài sản riêng biệt với cha sở.

Khi một pháp nhân công không có người quản trị, do luật hay do quy chế, hay do điều lệ thiện quỹ, thì  Đấng Bản quyền mà pháp nhân ấy trực thuộc phải chỉ định những người có khả năng lo việc quản trị với nhiệm kỳ 3 năm và có thể tái bổ nhiệm (đ. 1279§2).

Những pháp nhân công mà không có người quản trị nói trên, thường là những thiện quỹ, được lập thành pháp nhân sự vật, gồm tiền bạc hay cơ sở vật chất dâng cúng cho Giáo hội và Giáo hội phải chu toàn những nghĩa vụ, như dâng Thánh Lễ. Ví dụ như Hội Hữu Phaolô Châu ở Quy Nhơn, Gia đình Phanxicô Savie ở Nha Trang, là thiện quỹ có tư cách pháp nhân công, có nhiệm vụ dâng Thánh Lễ cầu cho những người đã qua đời. Đấng Bản quyền có nhiệm vụ bổ nhiệm một vị quản trị cho những pháp nhân này để thu nhận những của dâng cúng dùng vào những mục đích của pháp nhân, như truyền giáo, giúp ơn gọi, bác ái xã hội... và sắp xếp việc chu toàn nghĩa vụ dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho người đã dâng cúng.

Hội đồng kinh tế
Theo quy tắc chung, Giáo luật đòi buộc pháp nhân nào  cũng phải có Hội đồng kinh tế hay ít nhất hai người cố vấn, để giúp người quản trị chu toàn nhiệm vụ chiếu theo quy chế (đ. 1280).

Cách riêng, Giáo luật quy định phải lập Hội đồng kinh tế của giáo phận và của giáo xứ:

Điều 492

§1. Trong mỗi giáo phận phải thiết lập một Hội đồng kinh tế mà chủ tịch là chính Giám mục giáo phận hoặc là người được ngài uỷ nhiệm; Hội đồng này gồm ít nhất là ba Kitô hữu thực sự thông thạo trong lĩnh vực kinh tế cũng như trong luật dân sự và nổi tiếng là thanh liêm, do Giám mục bổ nhiệm.

§2. Các thành viên của Hội đồng kinh tế phải được bổ nhiệm với nhiệm kỳ là năm năm, nhưng khi mãn hạn, họ có thể được tái bổ nhiệm cho những nhiệm kỳ năm năm khác.

§3. Không được bổ nhiệm vào Hội đồng kinh tế những người có họ với Giám mục do huyết tộc hoặc do họ kết bạn tới bậc thứ tư.
Điều 537

Mỗi giáo xứ phải có một Hội đồng kinh tế được điều hành không những theo luật phổ quát, mà còn theo các quy tắc do Giám mục giáo phận ban hành; trong Hội đồng ấy, các Kitô hữu được tuyển chọn theo các quy tắc này phải giúp cha sở trong việc quản trị tài sản của giáo xứ, miễn là vẫn tôn trọng những quy định của điều 532.

3. THỦ ĐẮC TÀI SẢN

Tài sản của Giáo hội phần lớn do các tín hữu đóng góp dâng cúng. Giáo hội xác nhận các Kitô hữu có trọn quyền đóng góp tài sản vật chất để giúp Giáo hội (đ. 1261§1) và Giáo hội cũng có quyền  đòi hỏi các Kitô hữu những gì cần thiết cho các mục đích của Giáo Hội (đ. 1260).

Sau đây là một số điểm đáng lưu ý về thủ đắc tài sản.

Quyền được đòi buộc đóng góp hay đóng thuế

Điều 1263 quy định, Giám mục giáo phận, sau khi đã tham khảo ý kiến của Hội đồng kinh tế và Hội đồng linh mục, có quyền đòi buộc các pháp nhân công thuộc quyền lãnh đạo của ngài phải nộp một khoản đóng góp vừa phải và cân xứng với hoa lợi của họ, để đáp ứng những nhu cầu của giáo phận; còn đối với các thể nhân và pháp nhân khác, trong trường hợp hết sức cần thiết và với những điều kiện như trên, ngài chỉ được đòi một khoản thuế ngoại thường vừa phải.

Hạn chế lạc quyên

Về việc lạc quyên, Giáo hội cấm các tư nhân, pháp nhân quyên góp tiền bạc cho bất cứ tổ chức nào hay mục đích nào có tính cách đạo đức hay của Giáo hội, trừ khi có phép bằng văn bản của Bản quyền địa phương (đ. 1265§1).

Đấng Bản quyền có quyền mở một cuộc lạc quyên trong các nhà thờ hay trong nhà nguyện cho những chương trình nhất định của giáo xứ, giáo phận, của quốc gia hay toàn cầu. Số tiền ấy phải gởi về Tòa giám mục (đ. 1266).

Của dâng tặng

Các của dâng tặng (oblatio, offering) cho các Bề trên hay cho các người quản trị của bất cứ pháp nhân nào trong Giáo hội (giáo phận, giáo xứ, tu hội...), dù là pháp nhân tư, thì được kể là dâng biếu cho chính pháp nhân ấy, chứ không cho riêng Bề trên hay người quản trị, trừ khi thấy rõ ngược lại (đ. 1267).

Áp dụng thời hiệu

Các bất động sản, các động sản quý giá, các quyền lợi... thuộc về Tông Toà, được thủ đắc nhờ thời hiệu sau một trăm năm, nếu thuộc về một pháp nhân công khác của Giáo hội, thì được thủ đắc nhờ thời hiệu sau ba mươi năm (đ. 1270).

4. QUẢN TRỊ TÀI SẢN

Trong mỗi giáo phận, một cách chung, Giáo hội trao trách nhiệm cho các Đấng Bản quyền, là phải ân cần để ý đến việc quản trị tài sản của các pháp nhân công thuộc quyền mình: đại chủng viện, giáo xứ, tu hội... trong giáo phận; và còn phải lo liệu xếp đặt toàn thể việc quản trị tài sản của Giáo hội bằng những huấn thị (đ. 1276).
Ngoài nhiệm vụ giám sát của Giám mục giáo phận đối với việc quản lý tài sản của các pháp nhân công trong giáo phận, Giám mục còn là vị quản trị (administrator) tài sản của giáo phận (đ. 1279§1). Tuy nhiên, luật của Giáo hội không cho phép một Giám mục giáo phận luôn được hành động một mình trong việc quản trị tài chính. Ngài phải tham khảo ý kiến của những người khác, và thậm chí đôi khi cần sự đồng ý của họ.

Nhà chú giải Giáo luật Robert T. Kennedy cho rằng, lý do cho điều trên, là để bảo vệ khỏi tác hại nguy hiểm đối với tình hình tài chính của một giáo phận từ những quyết định vội vàng của Giám mục khi còn thiếu những thông tin chính xác và đầy đủ từ phía chuyên môn. Kế đến, là để giúp các Giám mục giáo phận khỏi phải dành quá nhiều thời gian cho vấn đề tài chính, khiến sao nhãng trách nhiệm của mình trong giảng dạy và thánh hóa.[2]

Điều 1277 quy định về sự quản trị tài sản giáo phận với mối liên hệ với sự liên hệ với Hội đồng kinh tế và Ban tư vấn:
Xét theo tình hình kinh tế của giáo phận, Giám mục giáo phận  phải tham khảo ý kiến của Hội đồng kinh tế và Ban tư vấn để thực hiện những hành vi quản trị quan trọng hơn; nhưng ngài cần có sự ưng thuận của Hội đồng kinh tế và Ban tư vấn để thực hiện các hành vi quản trị ngoại thường, trừ những trường hợp đã được luật phổ quát hoặc điều lệ thiện quỹ xác định cách đặc biệt. Hội đồng Giám mục ấn định những hành vi nào được coi là những hành vi quản trị ngoại thường.
Điều 1277 nói đến hai trường hợp: hành vi "quản trị quan trọng hơn" và hành vi "quản trị ngoại thường".

Hành vi quản trị quan trọng hơn

Thế nào là hành vi quản trị quan trọng hơn?

Nhìn chung, các hành vi quản lý thông thường là những hành vi diễn ra thường ngày hoặc có thu nhập hay chi tiêu tài chính ở mức độ vừa phải. Sự "quan trọng hơn" của hành vi có ý so sánh với hành vi quản trị thông thường, hoặc có ý nói đến hành vi có thu nhập hay chi tiêu ở mức độ cao. Hành vi quản trị quan trọng hơn này có nghĩa tương đối, vì còn tùy thuộc vào tính trạng kinh tế của mỗi giáo phận. Các quy chế của giáo phận nên được soạn thảo kỹ lưỡng (lý tưởng là kết quả của việc tham khảo ý kiến rộng rãi) để chỉ ra những loại giao dịch tài chính thông thường nào và trên những giới hạn nào, được coi là có tầm quan trọng lớn hơn trong giáo phận.
Điều luật trên quy định Giám mục giáo phận  phải tham khảo ý kiến của Hội đồng kinh tế và Ban tư vấn để thực hiện những hành vi quản trị quan trọng hơn. Nếu không tham khảo ý kiến, hành vi quản trị tài sản bị vô hiệu (theo nguyên tắc của điều 127 §1).

Hành vi quản trị ngoại thường

Hành vi quản trị ngoại thường, nói chung là hành vi quản trị không thông thường, được thực hiện hàng ngày, hoặc hàng tháng hoặc hàng năm; hoặc là hành vi có hệ quả tài chính cao đáng kể. Ví dụ, xây dựng công trình nhà cửa, mua hay chuyển giao bất động sản, cho di dời thay đổi một tòa nhà, nhận một thừa kế nhưng với những nghĩa vụ nặng nề kèm theo.

Điều 1277 nói trên quy định Giám mục giáo phận khi quyết định thực hiện hành vi quản trị ngoại thường, cần có đồng ý của cả hai Hội đồng kinh tế và của Ban tư vấn. Nếu không có sự đồng ý đó, hành vi sẽ bị vô hiệu (theo nguyên tắc của điều 127 §1).

c- Việc quản trị không thành sự

Nói chung cho các pháp nhân công trong giáo phận, Giáo luật quy định, khi thực hiện những hành vi quản trị, như mua bán, chuyển nhượng, trao tặng... mà vượt quá giới hạn và cách quản trị thông thường, để được hữu hiệu, thì phải có phép bằng văn bản trước của của Đấng Bản quyền, trừ khi quy chế của pháp nhân đã quy định cách khác (đ. 1281§1).

Căn cứ theo điều 1281§1 nói trên, vị quản trị của một pháp nhân công như cha sở, Bề trên tu hội... xây dựng nhà thờ nhà nguyện, mua bán hay chuyển giao một tài sản lớn như nhà cửa, đất đai, công trình nghệ thuật giá trị cao cho một người hay một pháp nhân khác, hay ký kết một hợp đồng tài chính có giá trị cao... thì cần phải có phép bằng văn bản của Giám mục giáo phận; nếu không những hành vi đó sẽ vô hiệu.
Khi pháp nhân bị thiệt hại do những hành vi quản trị không thành sự và ngay cả khi thành sự mà trái luật, pháp nhân đó có quyền khiếu tố hoặc thượng cầu lên cấp trên chống lại người quản trị đã thực hiện hành vi đó (đ. 1281§3).


d- Nhiệm vụ người quản trị

Ngoài những nghĩa vụ luân lý như sự cần mẫn, liêm chính, trung thành nhiệm vụ, người quản trị tài sản thuộc Giáo hội phải chu toàn một số nghĩa vụ pháp lý như sau:
1- Trước khi bắt đầu nhiệm vụ của mình, các người quản trị phải làm một bản kiểm kê chính xác và chi tiết các bất động sản, động sản quý giá hoặc có giá trị văn hoá cách nào đó cũng như các tài sản khác, cùng với sự mô tả và thẩm định giá trị của những tài sản ấy, và họ phải ký tên vào đó; một khi đã được thực hiện, bản kiểm kê này phải được xác nhận bởi cấp trên (đ. 1283,10).

Theo quy tắc trên, các vị quản lý của giáo phận, của dòng tu phải luôn làm một bản kê khai tài sản, được xác nhận bởi cấp trên và để có thể bàn giao cho vị tân quản lý được bổ nhiệm kế tiếp. Các bản kê khai này phải được lưu giữ trong văn khố của pháp nhân và Tòa giám mục (đ. 1283,30).

2- Tuân giữ những quy định của Giáo luật cũng như của luật dân sự, hay những quy định mà người sáng lập, hoặc người dâng cúng, hoặc quyền bính hợp pháp đã đặt ra, và nhất là phải ý tứ đừng để Giáo hội bị thiệt hại vì không tuân giữ luật dân sự (đ. 1284,30).

3- Trả tiền lời do vay mượn hoặc do thế nợ vào thời hạn quy định, và phải hoàn lại vốn đúng lúc (đ. 1284,50).

4- Giữ sổ thu chi được ghi chép rõ ràng (đ. 1284,70).

5- Cuối năm phải làm bản tường trình về việc quản trị (đ. 1284,80).

Đối với pháp nhân giáo phận, vị quản lý phải tường trình sổ chi thu cho Hội đồng kinh tế (đ. 434§4).

Nói chung đối với các pháp nhân, những người quản trị bất cứ tài sản nào của Giáo hội, dù là giáo sĩ hay giáo dân, mà không được miễn trừ cách hợp pháp khỏi quyền lãnh đạo của Giám mục giáo phận, thì hằng năm buộc phải nộp bản tường trình cho Đấng Bản quyền địa phương, để ngài trao cho Hội đồng kinh tế xét duyệt; mọi tục lệ trái ngược đều phải bị huỷ bỏ (đ. 1287§1).

Những người quản trị phải tường trình cho các tín hữu về việc sử dụng những tài sản mà những người này đã dâng cúng cho Giáo hội, theo những quy tắc do luật riêng ấn định (đ. 1287§1).

5. CHUYỂN NHƯỢNG TÀI SẢN

Chuyển nhượng là hành vi qua đó quyền sở hữu một tài sản, được chuyển sang một người khác. Việc chuyển nhượng có thể thực hiện dưới hình thức cho tặng hoặc hình thức trao đổi, mua bán.

Người quản trị không được tự do quyết định đối với những chuyển nhượng có giá trị đáng kể. Nếu việc chuyển nhượng vượt quá luật định thì sẽ không thành sự. Điều 1291 quy định;

Để chuyển nhượng thành sự những tài sản đã tạo thành gia sản cố định của một pháp nhân công do sự chỉ định hợp pháp, và giá trị của những tài sản ấy vượt quá mức luật định, thì phải có phép của nhà chức trách có thẩm quyền chiếu theo quy tắc của luật.

Khung mức tiền tối thiểu và tối đa

Trong việc chuyển nhượng hoặc các giao dịch ngoại thường, "vượt quá mức luật định", có nghĩa là giá trị tài sản chuyển nhượng vượt một mức tiền được luật định. Những mức này thường được ấn định bởi một khung hạn, bởi mức tiền tối  thiểu và tối đa (đ. 1292§1). Chuyển nhượng từ mức tối thiểu trở lên thì phải xin phép thẩm quyền và trên mức tối đa thì phải xin phép thẩm quyền cao hơn.
Dưới mức tối thiểu thì pháp nhân tự do quyết định theo luật riêng của mình, nhưng từ mức tối thiểu trở lên thì phải xin phép nhà chức trách có thẩm quyền, là Giám mục giáo phận (đ. 1292§1); còn trên mức tối đa, thì phải xin phép Tòa Thánh (đ. 1292§2).
Ví dụ, khung mức việc chuyển nhượng ngoại thường của một pháp nhân công trong giáo phận, như giáo xứ, dòng tu, giả sử được ấn định là khoảng từ 500 triệu đồng (mức tối thiểu) cho đến 8 tỷ đồng (mức tối đa). Khi đó,  thì phải xin phép Giám mục giáo phận, nếu việc chuyển nhượng  từ 500 triệu đến 8 tỷ đồng (đ. 1292§1); phải xin phép Tòa Thánh nếu chuyển nhượng vượt trên mức 8 tỷ đồng (đ. 1292§2).

Thẩm quyền cho phép việc chuyển nhượng

 Theo quy tắc của điều 1292§1, nếu  pháp nhân thuộc quyền Giám mục giáo phận, như tu hội thuộc luật giáo phận, thì thẩm quyền cho phép thuộc về Giám mục giáo phận với sự ưng thuận của Hội đồng kinh tế và Ban tư vấn giáo phận và những người liên hệ (đ. 1292§1).  Những người liên hệ có thể là người đã dâng tặng tài sản, người thiết lập thiện quỹ, người được hưởng lợi hợp pháp từ tài sản sắp được chuyển nhượng đó...[3]

Trong hạn mức chuyển nhượng ngoại thường đó, nếu không xin phép Giám mục, và nếu Giám mục cho phép mà không có sự ưng thuận của Hội đồng kinh tế và Ban tư vấn giáo phận và những người liên hệ thì sự chuyển nhượng bị vô hiệu theo nguyên tắc của điều 127 §1.

Đối với pháp nhân không thuộc quyền Giám mục giáo phận, thẩm quyền cho phép chuyển nhượng là do quy chế của pháp nhân đó ấn định (đ. 1292§1).

Mức tối thiểu và tối đa được ấn định là bao nhiêu?

Hội đồng Giám mục có nhiệm vụ ấn định mức tối thiểu và tối đa trong việc chuyển nhượng ngoại thường cho miền của mình (đ. 1292§1). Khi HĐGM ra sắc lệnh chung ấn định thì cần có sự đồng ý của 2/3 Giám mục liên hệ và sẽ không có hiệu lực khi chưa được được Tông Tòa xem xét. Hiện nay HĐGM Việt Nam chưa có ấn định con số trên.

Năm 1985 HĐGM Hoa Kỳ, xin Tòa Thánh chấp thuận mức tối đa là 5 triệu  đô la và mức tối thiểu là 500.000 đô la. Tòa Thánh không chấp nhận, đề nghị hạ mức tối đa xuống 1 triệu đô la. HĐGM Hoa Kỳ, sau khi đã bàn thảo và bỏ phiếu, ấn định vào năm 1993, được phép định khung mức tối đa là 3 triệu, tối thiểu là 500 ngàn đô la.[4]
Hội đồng Giám mục Hoa kỳ, ngày 1-12-2011, đã nâng định mức lên như sau:[5]
Phù hợp với các quy định của điều luật 1292 §1, Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ ra sắc lệnh rằng:

1- Giới hạn tối đa cho việc chuyển nhượng và bất kỳ giao dịch nào, theo quy tắc luật, có thể làm suy giảm đi tình trạng tài sản, là 7.500.000 đô la đối với các Giáo phận có dân số công giáo từ nửa triệu người trở lên. Đối với các Giáo phận khác, giới hạn tối đa là 3,500,000 đô la (xem đ. 1295).

2- Giới hạn tối thiểu cho việc chuyển nhượng và bất kỳ giao dịch nào, theo quy tắc luật, có thể làm suy giảm đi tình trạng tài sản là 750.000 đô la đối với các Giáo phận có dân số công giáo từ nửa triệu người trở lên. Đối với các Giáo phận khác, giới hạn tối thiểu là 250.000 đô la.

3- Đối với việc chuyển nhượng tài sản của các pháp nhân khác thuộc quyền của Giám mục Giáo phận, giới hạn tối đa là 3.500.000 đô la và giới hạn tối thiểu là 25.000 đô la hoặc 10% thu nhập hàng năm thông thường của năm trước, tùy theo mức nào cao hơn.
Sắc lệnh nêu trên, đưa ra mức tiền không những cho việc chuyển nhượng mà còn cho cả các giao dịch khác.

a- Đối với giáo phận:

Khung hạn, trên nữa triệu tín hữu, là: 750.000 - 7.500.000 đô la, tương đương khoảng 1,7 tỷ - 13 tỷ đồng.
Khung hạn, dưới nữa triệu tín hữu, là:  250.000 - 3.500.000 đô la, tương đương khoảng 575 triệu - 8 tỷ đồng.

b- Đối với pháp nhân trong giáo phận: giáo xứ, tu hội... khung hạn là 25.000 -3.500.000 đô la, tức là khoảng 57 triệu - 8 tỷ đồng. Mức tối thiểu 57 triệu, hoặc dựa theo thu nhập hàng năm, là 10% của thu nhập, nếu  nó cao hơn 57 triệu.

 Xin phép Tòa Thánh

Trường hợp tài sản có giá trị vượt mức tiền tối đa, hoặc những tài sản đã được dâng cúng cho Giáo hội do một lời khấn, hoặc những tài sản có giá trị nghệ thuật hay lịch sử, thì buộc phải có phép của Toà Thánh để việc chuyển nhượng được thành sự (đ. 1292§2).

Nếu tài sản phân chia được

Trong trường hợp tài sản được chia ra để chuyển nhượng, thì khi xin phép chuyển
nhượng, phải nói rõ những phần trước đây đã được chuyển nhượng rồi, nếu không, thì phép cho chuyển nhượng sẽ không có giá trị (đ. 1292§3).

Cẩn thận góp ý hay ưng thuận

Những người được hỏi ý kiến hay sự ưng thuận trong việc cho phép chuyển nhượng tài sản cần phải biết một cách  căn kẻ về tình trạng kinh tế của pháp nhân có tài sản được dự định chuyển nhượng, cũng như về những việc chuyển nhượng đã được thực hiện rồi trước khi cho ý kiến hay ưng thuận (đ. 1292§4).

6. QUẢN TRỊ TÀI CHÍNH TRONG TU HỘI ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

Các tu hội đời sống thánh hiến ở đây được hiểu là các hội dòng, đan viện, tu hội đời và tu đoàn đời sống tông đồ.

Cần có một quản lý khác biệt với Bề trên

Giáo luật quy định trong mỗi tu hội, cũng như mỗi tỉnh dòng do một Bề trên cấp cao lãnh đạo, phải có một người quản lý, phân biệt với Bề trên cấp cao, để quản trị tài sản dưới sự hướng dẫn của Bề trên đó. Ngay cả trong các cộng đoàn địa phương, trong mức độ có thể, cũng phải đặt một người quản lý khác với Bề trên địa phương (đ. 636§1).


Đệ trình bản kê khai tài chính hằng năm

Các quản lý và các người quản trị khác phải đệ trình bản kê khai quản trị tài chính cho nhà chức trách có thẩm quyền vào khoảng thời gian và theo cách thức do luật riêng ấn định (đ. 636§1).

Theo quy tắc luật này, các tu hội đời sống thánh hiến thuộc luật giáo phận phải đệ trình bản kê khai quản trị tài chính cho Bản quyền địa phương hằng năm. Các đan viện tự quản (sui iuris) thuộc quyền chăm sóc của Giám mục, theo nguyên tắc của điều 615 cũng phải đệ trình như vậy (đ. 637).

Bản kê khai quản trị tài chính nói trên, không chỉ kê khai những việc chi thu hàng tháng do lao động sản xuất hay chi tiêu cho nhu cầu đào tạo, từ thiện, bác ái, tông đồ... của tu hội, mà còn phải kê khai những tài sản thủ đắc do sự dâng tặng, những hành vi giao dịch tài chính như vay mượn, hợp đồng tài chính, những chuyển nhượng tài sản... thông thường hoặc ngoại thường.

Tu hội không cần phải đệ trình kế toán tài chính của từng nhà hay từng cộng đoàn, chỉ nên làm một đệ trình tổng quát cho cả tu hội hay một phân chi của tu hội. Chỉ khi nào Bản quyền địa phương đòi hỏi, thì mới kê khai việc kế toán tài chính của một nhà hay một cộng đoàn nào đó mà ngài muốn biết, vì theo luật, ngài có quyền biết (đ. 637).


Xác định những hành vi quản trị thông thường và ngoại thường

Luật riêng của mỗi tu hội có quyền, trong khuôn khổ của luật phổ quát, xác định hành vi nào là vượt quá giới hạn và thể thức quản trị thông thường và việc ấn định những điều cần thiết để thực hiện cách thành sự một hành vi quản trị ngoại thường (đ. 638§1).

Theo luật, ngoài Bề trên ra, vị quản lý thực hiện thành sự chỉ những chi tiêu và những hành vi quản trị thông thường trong giới hạn chức vụ của mình (đ. 638§2).
Vị quản lý khi chuyển nhượng hay làm bất cứ việc gì khiến cho tình trạng gia sản của pháp nhân bị thiệt, để được hữu hiệu, phải có phép bằng văn bản của Bề trên có thẩm quyền, với sự chấp thuận của hội đồng của ngài (đ. 638§3).
Ví dụ, luật riêng của một tu hội có thể quy định:

Để thực hiện thành sự hành vi quản trị ngoại thường:

a- Bề trên tổng quyền cần có sự đồng ý của Ban cố vấn (hay Hội đồng) khi quyết định cho chuyển nhượng hay giao dịch tài chính có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; từ 500 triệu đồng trở lên cần sự đồng ý của Hội đồng tu hội và phải xin phép Giám mục giáo phận.

b- Bề trên của nhà hay cộng đoàn khi quyết định cho chuyển nhượng hay giao dịch tài chính có giá trị từ 20 đến 50 triệu cần có sự đồng ý của Bề trên tổng quyền; từ trên 50 triệu đến 500 triệu cần có sự đồng ý của Bề trên tổng quyền và ban cố vấn (hay Hội đồng).

c- Chị tổng quản lý phải có phép của Bề trên mới có thể chi dụng hay mua sắm những gì ngoại thường, tức là những gì không phải là do nhu cầu hay sinh hoạt thông thường, với mức từ 5 triệu đồng trở lên.

d- Chị quản lý hay thủ quỷ của cộng đoàn phải có phép Bề trên cộng đoàn mới có thể chi dụng hay mua sắm những gì ngoại thường, tức là những gì không phải là do nhu cầu hay sinh hoạt thông thường, với mức từ 3 triệu đồng trở lên.
Ví dụ (áp dụng theo luật riêng trên):
- Bề trên khi quyết định mua một mãnh đất giá 600 triệu đồng để thiết lập một cộng đoàn, thì cần có sự đồng ý của Ban cố vấn (hay Hội đồng) và của Giám mục giáo phận.
- Bề trên hay chị phụ trách của một cộng đoàn khi quyết định cho mua một xe Honda giá 25 triệu cho cộng đoàn, thì phải xin phép Bề trên tổng quyền.

Nên đề nghị HĐGM, định khung mức chuyển nhượng và các giao dịch ngoại thường cho các pháp nhân trong giáo phận, như giáo xứ, tu hội đời sống thánh hiến... mà phải xin phép Giám mục giáo phận (đ. 1292§1) là 1 tỷ đồng (tối thiểu) và 8 tỷ đồng (tối đa).

Nợ và nghĩa vụ

Nói chung, pháp nhân, nghĩa là chính tu hội, chứ không phải cá nhân nào như là Bề trên hay quản lý, buộc phải chịu trách nhiệm về các khoản mắc nợ hay nghĩa vụ (đ. 639§1). Tuy nhiên nếu một thành viên được phép Bề trên ký hợp đồng liên quan đến tài sản riêng tư của mình, thì chính tu sĩ đó phải chịu trách nhiệm về hợp đồng ấy (đ. 639§2); và nếu tu sĩ kết lập một khế ước mà không có phép của Bề trên thì chính tu sĩ đó chịu trách nhiệm chứ không phải tu hội (đ. 639§3).

Các Bề trên phải thận trọng đừng cho vay nợ hay cho phép vay nợ, trừ khi biết chắc rằng có thể trả tiền lãi nhờ hoa lợi thông thường và có thể hoàn lại tiền vốn bằng cách trả góp một cách chính đáng trong một thời gian không quá lâu (đ. 639§3).

7. QUẢN TRỊ GÂY THIỆT HẠI DO SAI LẦM

Trong quản trị tài sản Giáo hội, đôi khi do người quản trị lầm lẫn hay không biết về luật nên có những hành vi quản trị gây thiệt hại cho pháp nhân của mình. Vậy, người này có tội không, có phải đền bù không? Nếu hành vi theo luật là không thành sự, sự lầm lẫn hay không biết có thể khiến cho hành vi trở nên thành sự hay hữu hiệu không?
Một người được coi là vô tội, chiếu theo nguyên tắc luân lý cơ bản, khi hành động trái luật do sự không biết hay lầm lẫn. Giáo luật cũng quy định rằng trong trường hợp hồ nghi về luật thì luật không buộc (đ. 140).

Tuy nhiên, nếu hành vi mình gây thiệt hại cho người khác, thì phải đền bù, ngay cả khi hành vi thực hiện trong vô ý, không biết hay lầm lẫn (đ. 128).


Hành vi không thành sự

Nếu hành vi, chiếu theo luật định là không thành sự, thì hành vi đó vẫn là không thành sự cho dù có sự lầm lẫn hay không biết của chủ thể thực hiện hành vi (đ. 15). Ví dụ, một người tuyên khấn tạm mà chưa đủ 18 tuổi trọn thì vô hiệu, cho dù người ấy không biết hay lầm về tuổi của mình, chiếu theo điều 656, 10: "Để được hữu hiệu, việc khấn tạm đòi buộc: 10 người sắp tuyên khấn phải được 18 tuổi trọn".
Tương tự, giả sử theo luật riêng ấn định: "Bề trên tổng quyền cần có sự đồng ý của Ban cố vấn khi chuyển nhượng hay giao dịch tài chính có giá trị từ 50 triệu trở lên", thì Bề trên tổng quyền sẽ hành động vô hiệu nếu chuyển nhượng tài sản có giá trị từ 50 triệu trở lên mà không có sự đồng ý của Ban cố vấn.

Cần biết là, theo nguyên tắc chung của Giáo luật, nếu vi phạm những điều luật có những quy định liên quan đến thành sự hay hữu hiệu một cách minh nhiên như: "để được hữu hiệu", "không thành sự"... thì hành vi bị vô hiệu hay không thành sự (đ. 10), cho dù người vi phạm không biết hay lầm lẫn (đ. 15§1).

Một luật có đòi hỏi là phải "hỏi ý kiến" hay "có sự ưng thuận" của một hiệp đoàn hay một nhóm để thực hiện một hành vi mà người thực hiện hành vi lại không hỏi ý kiến hoặc không có sự ưng thuận của hiệp đoàn thì bị vô hiệu, chiếu  theo nguyên tắc của điều 127§1:

§1. Khi luật ấn định rằng, để thực hiện các hành vi, Bề Trên cần có sự ưng thuận hay ý kiến của một hiệp đoàn hoặc của một nhóm người, thì hiệp đoàn hay nhóm người đó phải được triệu tập chiếu theo quy tắc của điều 166, trừ khi luật địa phương hay luật riêng đã dự liệu cách khác trong trường hợp chỉ cần hỏi ý kiến; nhưng để các hành vi được hữu hiệu, Bề Trên cần phải có sự đồng ý của đa số tuyệt đối những người hiện diện hoặc phải hỏi ý kiến mọi người.

Sự đền bù

Ở đây, xin thử đưa ra giải quyết cho trường hợp cụ thể mà có sự lầm lẫn hay không biết của cả hai bên, khi chuyển nhượng bất động sản:

Giám mục hay cha sở đã tự ý chuyển một khu nhà đất cho tu hội, vì nghĩ rằng mình có quyền chuyển nhượng cho tu hội và có ý tốt, là để các tu  sĩ có điều kiện thuận lợi giúp việc mục vụ, giảng dạy giáo lý... Bên nhận, là tu hội, cũng nghĩ rằng mình đã được quyền sở hữu và vì vậy đã xây cất nhà cửa trên mãnh đất được chuyển nhượng.
Đến nay, giáo phận, giáo xứ lại có nhu cầu mục vụ, xây nhà xứ, nhà giáo lý, sinh hoạt... đòi lại chủ quyền.

Vấn đề nên được giải quyết ra sao?

Theo nguyên tắc luật nói ở phần trên, việc Giám mục hay cha sở đã tự ý chuyển nhượng tài sản của một pháp nhân công là không thành sự, và vì vậy pháp nhân có quyền thu hồi phần tài sản đã chuyển nhượng.

Tuy nhiên, bên nhận là tu hội đã lỡ xây cất nhà cửa, cơ sở sản xuất, sản xuất... trên mãnh đất đó. Khi trả lại mãnh đất tu hội sẽ bị thiệt hại khá lớn.
Ngoài sự không biết hay vô tình nói trên, đôi khi cũng có  có sự cố ý chuyển nhượng trái luật hoặc có sự cố ý hay lạm dụng của bên tu hội khi xây dựng. Trong trường hợp này giáo phận hay giáo xứ bị thiệt hại nếu không thu hồi được mãnh đất.

Điều 128 quy định sự đền bù cho cả hai trường hợp, khi có gian ý và cả khi do không biết hay lầm lẫn:
Bất cứ ai gây ra một thiệt hại cho người khác cách bất hợp pháp bằng một hành vi pháp lý hoặc bằng một hành vi nào khác được thực hiện với gian ý hay lầm lẫn, thì buộc phải bồi thường thiệt hại đã gây ra.
Thiết nghĩ đôi bên, cần có cuộc bàn bạc, thỏa thuận hợp tình hợp lý, đền bù cho cân xứng cho bên bị thiệt hại theo lẽ công bằng. Trong mọi sự, cần hướng đến lợi ích chung của Giáo Hội, sẵn sàng chịu hy sinh thiệt thòi, theo đuổi mục đích thờ phượng Thiên Chúa, phát sinh nhiều hoa quả cho Giáo hội (đ. 1254§2).

8. ÁP DỤNG THỜI HIỆU

Giáo hội cho phép áp dụng thời hiệu vào việc quản trị tài sản, chiếu theo điều 1268: "Giáo Hội chấp nhận thời hiệu như là phương thế để thủ đắc và để tự giải thoát trong lĩnh vực tài sản vật chất, chiếu theo quy tắc của các điều 197-199".

Điều 1270 quy định:
Các bất động sản, các động sản quý giá, các quyền lợi và các tố quyền đối nhân hay đối vật thuộc về Tông Toà, được thủ đắc nhờ thời hiệu sau một trăm năm, nếu thuộc về một pháp nhân công khác của Giáo Hội, thì được thủ đắc nhờ thời hiệu sau ba mươi năm.
Chiếu theo quy định trên, trong vấn đề vừa nói ở phần trước, tu hội có thể thủ đắc hay có quyền sở hữu nhà đất đã được giáo phận hay giáo xứ cho tặng sau ba mươi năm, cho dù việc cho tặng là không thành sự theo luật.

Tuy nhiên thời hiệu chỉ hữu hiệu khi dựa trên sự ngay tình trong suốt thời gian quy định.

Điều 198

Không thời hiệu nào có hiệu lực, nếu không dựa trên sự ngay tình, chẳng những lúc khởi đầu, nhưng còn suốt thời gian mà thời hiệu đòi hỏi, vẫn phải giữ nguyên những quy định của điều 1362.
Vì vậy, thời hiệu chỉ có hiệu lực, khi pháp nhân giáo phận, giáo xứ đã mặc nhiên đồng ý cho tặng, cho dù đã không thực hiện đúng luật để được thành sự, và trong suốt 30 năm đã không có lần nào đề cập đến vấn đề đòi lại chủ quyền.

9. PHẠT VẠ NGƯỜI GÂY THIỆT HẠI

Điều 1376 luật canh tân năm 2021 thêm những trường hợp phạt mới, liên hệ tới tài sản vật chất; phạt người: lấy cắp tài sản thuộc Giáo hội; người đã bỏ qua việc tham khảo ý kiến hay sự chấp thuận mà luật đòi hỏi khi chuyển nhượng tài sản Giáo hội. 
 
Ðiều 1376

§1. Phải bị phạt với những hình phạt ở điều 1336 §§2-4, và vẫn phải giữ bó buộc bồi thường thiệt hại:
10 Người nào lấy cắp tài sản thuộc Giáo hội hay cản trở việc thu nhận những hoa lợi;
20 Người nào mà không có sự tham khảo ý kiến, sự đồng ý hoặc cho phép theo quy định, hoặc không thỏa mãn yêu cầu khác do pháp luật áp đặt về tính hữu hiệu hoặc hợp pháp, mà chuyển nhượng những của cải thuộc giáo hội hoặc thực hiện một hành vi quản trị trên chúng.

§2. Phải chịu hình phạt thích đáng, không loại trừ bị tước bỏ giáo vụ, vẫn phải giữ bó buộc bồi thường thiệt hại:
10 Người nào do lỗi nghiêm trọng của mình phạm đến tội nói tới ở §1, 20;
20 Người nào được nhận thấy, theo cách thức khác, là đã chểnh mảng nghiêm trọng trong quản trị tài sản của Giáo hội.
Triệt 1 số 2 của điều 1378 nói trên quy định rằng, người chuyển nhượng tài sản bất hợp pháp,  "phải bị phạt với những hình phạt được nói ở điều 1336 §§2-4". Những hình phạt này được kể là: 

Điều 1336

§2. Buộc:
10 Phải cư ngụ tại một nơi hay một địa hạt nhất định;
20 Phải nộp phạt hay nộp một số tiền cho các mục đích của Giáo hội, theo như những quy định được Hội đồng Giám mục ấn định.

§3. Cấm:
10 Không được cư ngụ tại một nơi hay một địa hạt nhất định;
20 Không được thi hành, ở khắp mọi nơi, hay trong một nơi hay một địa hạt nhất định hay bên ngoài địa hạt, tất cả các hay một số giáo vụ, công việc, thừa tác vụ hay nhiệm vụ hay chỉ một bổn phận gắn liền với giáo vụ hay một số công việc.
30 Không được thi hành tất cả hay một số hành vi thuộc thánh chức;
40 Không được thi hành tất cả hay một số hành vi thuộc quyền lãnh đạo;
50 Không được áp dụng một số quyền lợi hay đặc ân hay sử dụng phù hiệu hay tước vị;
60 Không được hưởng quyền ứng cử hoặc bầu cử theo giáo luật và tham dự với quyền bỏ phiếu trong các ban cố vấn hay trong các hiệp đoàn thuộc Giáo hội;
70 Không được mang áo giáo sĩ hay tu sĩ.

§4. Tước bỏ:
10 Tất cả hay một số giáo vụ, công việc, thừa tác vụ hoặc nhiệm vụ hay chỉ một vài bổn phận gắn liền với giáo vụ hoặc công việc;
20 Năng quyền giải tội hay năng quyền thuyết giảng;
3Quyền lãnh đạo thụ uỷ;
40 Một số quyền lợi hay đặc ân hay phù hiệu hay tước vị;
50 Toàn bộ lương bổng hay một phần, tuỳ theo quy luật do Hội đồng Giám mục ấn định, trừ những gì quy định ở điều 1350, §1.
 
KẾT LUẬN

Giáo hội Việt Nam còn non trẻ, còn thuộc miền truyền giáo. Mãi đến ngày 24-11-1960, Đức Giáo hoàng Gioan XXIII, với sắc chỉ Venerabilium Nostrum mới nâng các hạt Đại diện Tông Tòa lên hàng các giáo phận. Việc quản trị tài chánh của Giáo Hội ở Việt Nam còn chưa được thực hiện nghiêm chỉnh theo các nguyên tắc luật của Hội Thánh. Thực ra những vi phạm cũng đã gây một số điều bất ổn, làm cho các Đấng Bản quyền hiện nay cũng cảm thấy khó xử.

Giáo Hội đang tiến triển giữa lòng trần thế, hoạt động kinh tế ngày càng nhiều và phức tạp, dễ bị các thế lực, lợi dụng những bất ổn đó, tìm cách chống phá, hãm hại, gây phân rẽ Giáo Hội. Vì vậy, vấn đề kinh tế tài chánh trong các giáo phận, giáo xứ, tu hội đời sống thánh hiến và các pháp nhân khác, cần phải thực hiện theo nguyên tắc của Giáo Luật, để không những tránh được những tai hại từ bên ngoài mà còn tránh được những bất ổn từ bên trong nội bộ.
 

[1] Một số hiến pháp hay hiến chương của hội dòng có nhầm lẫn khi nói mỗi cộng đoàn đều có tính cách pháp nhân.
[2] x. BEAL J.P. et alii, New Commentary on the Code of Canon Law, Paulist Press, New York 2000, 1478.
[3] x. BEAL J.P. et alii, New Commentary..., 1499. 
[4] x. Chú thích đáy trang số 148 trong BEAL J.P. et alii, New Commentary..., 1497-1498.
[5] Xem https://www.usccb.org/committees/canonical-affairs-church-
governance/complementary-norms§tab--canon-1292-%C2%A71-minimum-and-maximum-sums-alienation-of-church-property.


 

Tác giả bài viết: JB. Lê Ngọc Dũng

Nguồn tin: http://giaoluatconggiao.com

 Tags: Giáo Luật

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây