Truyện ngắn - Bước tranh Tình Yêu

Thứ bảy - 19/10/2024 03:59 134 0

Truyện ngắn - Bước tranh Tình Yêu

Sáng nay tôi được cùng Ba tôi đi xem cuộc triễn lãm các bức tranh mang tính tôn giáo và có bản sắc Á Châu do Giáo phận tổ chức.
Tôi ngạc nhiên, sau khi đi xem một vòng các bức tranh trong phòng trưng bày ảnh họa, Ba tôi cứ đảo qua đảo lại chỗ một bức tranh cảnh vùng ngoại ô, có nét thành thị hòa lẫn cảnh thôn quê. Rồi Ba dừng lại ngắm nghía, gật gù. Tôi thắc mắc hỏi:
  • Ba thích bức tranh này lắm ha?
  • Trông giống cảnh quê nhà mình con à.
  • Ba giàu tưởng tượng nha.
  • Con ngắm kỹ xem, rồi con sẽ thấy.
  • Ba có thể giải thích cho con?
  •  Này nhé: Mặt trời đang mọc trên cao, về phía hướng đông, rực sáng, tỏa những tia nắng lung linh đủ màu sắc xuống trần gian, như phô bày ân phúc của Chúa Trời ban cho nhân loại, tất cả không trừ ai. Kế đó, Một dãi mây trắng, chen vào một vùng mây ít trắng hơn, phải tinh tế lắm mới nhận ra hình “Chim bồ Câu”, biểu trưng Chúa Thánh Thần, bay rất chậm dưới ánh mặt trời, và vờn quanh áng mây màu nâu nhạt, điểm trong vùng mây hồng đậm, có hình chữ thập, nhưng cánh dọc dài hơn cánh ngang, ở giữa hai thanh giao nhau nổi lên màu hồng vàng đậm: một khuôn mặt từ bi - nhân hậu, đầu đang đội vòng gai, ai biết Thánh Giá thì nhận ra ngay, đó là hình ảnh Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh.
  • A… con thấy rồi, có lẽ tác giả bức tranh muốn diễn tả  mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi chăng?
Tôi im lặng và tư tưởng về Chúa Ba Ngôi chợt hiện ra trong tâm trí tôi. Ba Ngôi hoạt động chung với nhau trong quỹ đạo yêu thương nhưng theo cách thức riêng của mỗi Ngôi vị: Chúa Cha sáng tạo, Chúa Con cứu chuộc, Chúa Thánh Thần thánh hóa. Ba Ngôi nhưng chỉ một Chúa, duy nhất. Ba Ngôi hoạt động cùng một mục đích, tất cả vì nhau và cho nhau. Ba Ngôi là nguồn gốc đời sống của người Kitô giáo. Như mô hình Chúa Ba Ngôi được thể hiện trong cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên tại Giêsusalem, và theo thời gian, mẫu gương mô hình Chúa Ba Ngôi được thực hiện một cách nào đó nơi các Giáo xứ, Giáo họ, Dòng tu và phổ quát nhất là nơi Hội thánh, và sau cùng là quê hương - Nước Trời. Nhưng tôi thắc mắc, tại sao tác giả lại họa hình Chúa Ba Ngôi ở bức tranh này?
  • Con đang nghĩ gì vậy?
  • Dạ…
Thấy tôi ấp úng, Ba tôi hăng hái vừa nói vừa chỉ vào bức tranh:
  • Nhìn vào khoảng không gian hướng dần về phía nam của bức tranh, cảnh vật lớn dần từ các con đường to/ nhỏ, cây cối, nhà cửa, xe cộ, người đi đường… cảnh vật đan xen nhau, nổi bật lên những ngôi nhà lầu, với những mái nhà trệt, có những ngôi thánh đường lớn như giáo xứ, có những nguyện đường nhỏ như Giáo họ.
  • Sao Ba biết đó là Giáo xứ và Giáo họ?
  • Nhà Chúa tự nhiên mình nhìn là biết ngay. Có cây thánh giá, có tháp chuông, sạch sẽ luôn vì có giáo dân tự nguyện quét dọn, và có tín hữu sáng chiều đến dâng lễ, đọc kinh. Đó là hình thức bên ngoài, nếu đi sâu vào nguồn gốc và yếu tố nền tảng, chỉ có Hội thánh Công giáo mới có 4 đặc tính: Duy nhất [vì Hội thánh có nguồn gốc và khuôn mẫu là Chúa Ba Ngôi; có Đấng sáng lập là Đức Kitô, có Chúa Thánh Thần hợp nhất các tín hữu với Đức Kitô; có một đức tin, một đức cậy, một đức mến, một đời sống bi tích và có một sự kế nhiệm tông tuyền duy nhất ][1]. Thánh thiện  [vì Hội thánh bắt nguồn từ Thiên Chúa là Đấng Chí Thánh; được Đức Kitô thánh hóa và làm cho có khả năng thánh hóa; và được Chúa Thánh Thần làm cho sống động phát sinh nhiều hoa trái thánh thiện][2]. Công giáo [vì Hội thánh loan báo toàn bộ đức tin và đức tin toàn vẹn; Hội thánh gìn giữ và quản lý đầy đủ các phương tiện cứu độ; và Hội thánh được sai đến với muôn dân thuộc mọi thời đại][3]. Tông truyền   [ vì Hội thánh được xây trên nền tảng các tông đồ; Hội thánh gìn giữ và lưu truyền giáo huấn các tông đồ; và Hội thánh vẫn tiếp tục được giáo huấn, thánh hóa và hướng dẫn bởi các đấng kế nhiệm các Tông đồ là các Giám mục hiệp thông với Đức Giáo Hoàng] [4].
  • Cám ơn Ba, hay quá! Con hiểu rồi. Còn, tại sao chú họa sĩ lại đưa hình ảnh Chúa Ba Ngôi vào bức tranh này?
  • Bỡi vì căn tính Chúa Ba Ngôi là tình yêu và sự hiệp thông. Con thấy không, trong bức tranh này, các Giáo xứ/ Giáo họ sáng lên màu xanh hi vọng, màu xanh của cây lá, tác giả muốn nhấn mạnh: Cây xanh cung cấp nhiều ích lợi, như giúp làm sạch không khí, vì cây cối hít vào các chất ô nhiễm có chất carbon dioxide (CO2) và thở ra oxy (O2) là chất cần cho con người hít thở. Cây xanh giúp giảm căng thẳng, cho việc làm có năng xuất hơn, cho bóng mát, làm sạch nước dùng, cung cấp thức ăn như rau quả, vv. Nói tóm lại, cây xanh phát triển tươi tốt là nhờ ánh nắng mặt trời, và qua qúa trình quang hợp, cây xanh cho con người khí thở cũng như dịp lục tố bổ ích… tác giả đã áp dụng màu xanh tô điểm các ngôi thánh đường Giáo xứ / Giáo họ, có lẽ tác giả muốn nói rằng: “Nhờ ân sủng Chúa Ba Ngôi, như tia nắng ấm của yêu thương, như sương sa mưa móc của tình hiệp thông ban cho mỗi tín hữu, nên họ đã một lòng một ý, góp công góp sức tùy khả năng mỗi người để xây dựng Giáo hội địa phương của mình. Thật vậy, nhìn cộng đoàn dân Chúa nơi Giáo xứ / Giáo họ hay cộng đoàn Dòng tu… nếu không nhờ ơn Chúa và được nhen nhúm bỡi lửa mến tình yêu và sự hiệp nhất của Chúa Ba Ngôi, thì làm sao họ tự nguyện chia sẻ công việc lớn nhỏ của Giáo xứ / Giáo họ, để từ nhóm nhỏ rồi dần dần lớn lên thành Giáo họ, Giáo họ biệt lập rồi mới thành Giáo xứ. Giống dụ ngôn, hạt cải bé tí được gieo xuống đất, dù có bão tố hay sự cố gì, Thiên Chúa vẫn quan phòng cho mọc lên thành cây cải lớn, lớn hơn mọi thứ rau cỏ, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng (x. Mc 4, 31-32). Đây là hình ảnh Nước Trời, nhưng sẽ tỏ hiện cách trọn vẹn và thực thụ vào ngày cánh chung. Nói cách khác, Giáo xứ / Giáo họ là thành phần của Hội thánh hoàn vũ. Hội thánh hoàn vũ là hình bóng Nước Trời.
  • Ba có trải nghiệm khi ở 2 Giáo xứ / Giáo họ, xin Ba kể cụ thể hơn cho con biết với?
  •  Ở Giáo xứ / Giáo Họ có nhiều thành phần dân Chúa cộng tác vào công việc chung vì lòng yêu mến Chúa, để tôn vinh Chúa và mưu ích cho Giáo xứ / Giáo họ và Hội thánh, ví như:
  • Chú từ: ý thức và trung thành để rung chuông đúng giờ, dù sáng sớm hay trưa tối. Đến sớm để dọn đồ lễ chuẩn bị thánh lễ / chầu Thánh Thể, về muộn hơn để xếp cất đồ phụng vụ sau lễ. Hằng ngày tưới cây, chăm sóc vườn hoa nhà thờ và các việc linh tinh khác.
  • Ca đoàn: chịu khó đi tập hát, hi sinh thời gian để tham dự thánh lễ đều đặn, có khi hai, ba lễ một ngày, để cùng ca đoàn hát phụng sự Chúa và phục vụ dân Chúa thêm sốt sắng với sứ vụ hát ca, bắt kinh, ghi bảng đáp ca hay bài hát. Công bố Lời Chúa  và đọc lời nguyện giáo dân.
  • Bà quản: Thường đi đến nhà thờ sớm hơn các tín hữu khác để chuẩn bị bắt kinh, có khi đọc kinh đau cả cổ nhưng vì tình yêu Chúa và tha nhân không nề hà sự mệt mỏi của mình và trung thành với bổn phận.
  • Ban giáo lý: Dành thời gian soạn bài, kiên nhẫn giảng dạy, chăm sóc và đồng hành cùng các em thiếu nhi. Có nơi ban Giáo lý kiêm thêm ban lễ sinh, ca đoàn…Ban huấn giáo và giáo lý viên cống hiến cho Chúa và Giáo xứ / Giáo họ nhiệt huyết của mình, không cần thưởng công. Chỉ mong thế hệ trẻ tương lai của Giáo hội được thành chứng nhân cho Tin mừng, giúp ích cho Giáo hội và xã hội.
  • Các bé thiếu nhi: chăm chỉ học hành ở trường đạo cũng như trường đời. Siêng năng đi đọc kinh, dâng lễ. Biết vâng lời, lễ phép với ba mẹ, thầy cô, và anh chị. Trẻ thơ đơn sơ trong trắng, hồn nhiên là bông hoa trang điểm Giáo xứ / Giáo họ. Là mầm non của Giáo hội. Được Chúa yêu thích và nêu gương sự chân thành của các bé cho mọi ngươi noi theo.
  • Hội hiền mẫu: Quét nhà thờ, quét sân, cắm hoa, thỉnh thoảng dâng hoa, dâng hạt. Đọc sách thánh, lo cho các bé giáo lý điểm tâm sáng (miễn phí) sau thánh lễ thiếu nhi để các bé tiếp tục học giáo lý.
  • Hội Legio Mariae: Đọc kinh, họp hội theo chương trình và nội quy của Hội. Đi thăm người đau yếu, người đau khổ, không phân biệt tôn giáo, để đem Chúa đến cho họ, cầu mong cho họ được sự bình an và niềm tin cậy trông vào Chúa, vào ơn Trên, khi đối diện với thử thách.
  • Hội Lòng Chúa Thương Xót: Ngày nào 15g00, các thành viên cũng đến nhà thờ đọc kinh Lòng Chúa Xót Thương, thay mặt Giáo xứ / Giáo họ để thống hối những lỡ lầm chung đã qua, tôn vinh Chúa và cầu xin cho nhân loại được nhận ra lòng Chúa thương xót tất cả mọi người, để ai cũng có niềm hi vọng và lạc quan tựa nương vào trái tim lân tuất của Ngài.
  • Hội bác ái: Quyên tiền và đôi khi bỏ tiền túi để mua sắm chút quà vật chất đi thăm người già yếu, ốm đau bệnh tật và gia cảnh gặp khó khăn, không phân biệt lương giáo. Mong họ ấm áp hơn từ người Kitô hữu đã dành thời gian thăm viếng và chia sẻ một chút gọi là “lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá nát”… để họ suy đến tình Chúa. Hi vọng từ nghĩa cử ưu ái và chân thật này, người chưa biết Chúa nhận ra tấm lòng người môn đệ của Chúa và họ tìm hiểu Chúa là ai.
  • Hội cao niên: Dù các vị tuổi cao, sức lực không còn như lúc thanh niên, tuy đã dành một khoảng đời phục vụ Giáo xứ / Giáo họ rồi, nay cũng nhiệt thành trong việc phụng sự Chúa qua những công việc mình có thể tham gia được, như vào ca đoàn cao niên, đọc kinh liên gia. Cộng tác vào công việc chung của Giáo xứ / Giáo họ các ngày lễ lớn, tùy theo khả năng và sức khỏe mỗi người. Bên Chúa và công việc của Chúa họ thấy mình luôn tươi trẻ và lạc quan, nhất là trong tinh thần mến Chúa và yêu người.
  • Hội Gia trưởng: Phần đông là tuổi trung niên. Họ đọc kinh liên gia. Giữ xe chiều Thứ Bảy, ngày Chủ nhật và các ngày lễ trọng. Tham gia công việc trang trí và các nhu cầu liên quan đến các ngày lễ lớn và theo Mùa chay - Phục sinh, Mùa vọng- Giáng sinh và mùa Tết. Đây là sức sống nổi trội của Giáo xứ / Giáo họ. Vì việc gì cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên. Dù là “người cha” của gia đình và là lao động chính, nhưng họ dành phần ưu tiên để lo cho việc Chúa. Họ tin tưởng rằng: “Chúa không bao giờ thua lòng quảng đại của họ”.
  • Hội Mai táng: Thay nhau túc trực, đọc kinh cầu nguyện khi có người tín hữu hấp hối, có khi hiện diện cả ngày lẫn đêm, không mong sự đền đáp nào. Khi tín hữu qua đời, họ nhiệt tình cùng tang quyến lo hậu sự, đưa người quá cố đến nhà thờ rồi ra nghĩa trang…họ thực hiện tình: “nghĩa tử là nghĩa tận”.
  • Ban thừa tác viên: giúp quý Cha trao Mình Thánh Chúa cho giáo dân. Đem Mình Chúa cho người già yếu, bệnh tật. Họ cũng tham gia vào một vài sinh hoạt của ban khác nữa, như vào ca đoàn, hay các việc trong thời gian chuẩn bị các ngày lễ lớn.
  • Ban Hành Giáo của Giáo xứ / Giáo họ: tuy làm việc cùng một ban nhưng mỗi vị phụ trách một việc liên quan đến việc tổng quát, như Trưởng ban, phó nội vụ, phó ngoại vụ, thư ký, thủ quỹ…, hiệp thông hài hòa bên sự hướng dẫn Cha xứ / Cha đặc trách Giáo họ Biệt Lập/ Cha phó. Họ sát cánh bên các ngài trong tinh thần sẵn sàng và hiệp nhất để đem sự thăng tiến về mọi phương diện cho Giáo xứ / Giáo họ trong sứ vụ mà giáo dân đã tín nhiệm bầu chọn họ vào Ban Hành Giáo.
  • Cha xứ / Cha đặc trách Giáo họ Biệt Lập/ Cha phó … là người lãnh đạo chính của Giáo xứ / giáo họ với tư cách là chủ chăn/ là mục tử. Ngài chịu trách nhiệm trên mọi sinh hoạt thiêng liêng và những gì liên quan đến Giáo xứ / Giáo họ, nên từng phút giây các ngài đã hi sinh sống chết cho đoàn chiên của mình. Không có gia đình như người đời, nhưng gia đình của các ngài là Giáo xứ / giáo họ. Đại gia đình thiêng liêng này ra sao là nhờ ơn Chúa và sự gắn bó hiệp thông của giáo dân với sự lãnh đạo khôn ngoan của các ngài. Giáo dân hợp tác chặc chẽ trong việc phụng vụ Chúa hay phục vụ công việc Giáo xứ / Giáo họ cùng với tấm lòng, đời chứng nhân, và sự hướng dẫn của các ngài. Nên là giáo dân, cần nhận thức Giáo xứ / Giáo họ là đại gia đình đích thực của mình. Có như vậy, mỗi phần tử trong đại gia đình này mới tích cực cầu nguyện, cộng tác, cảm thông, và chia sẻ để các ngài đủ sức mạnh thiêng liêng cũng như sức khỏe thể lý đồng hành với đoàn chiên, để lái chèo con thuyền Giáo xứ / Giáo họ về bến bình an.
  • Những vị ẩn danh: Mặc dù Cha sở / Cha phó đã khích lệ mỗi giáo dân nên vào một Hội hay một Ban ngành nào đó, nhưng vì có những lý do chính đáng họ không thể vào Hội hoặc Ban nào, nhưng họ vẫn âm thầm cộng tác bằng những hi sinh chu toàn bổn phận người Kitô hữu, không gây phiền toái cho tha nhân, và nhất là họ cầu nguyện tích cực cho Giáo xứ / Giáo họ cũng như mau mắn thi hành những hướng dẫn / đề nghị của vị chủ chăn cũng như các thành viên cộng tác của ngài về các việc liên quan đến sinh hoạt của Giáo xứ / Giáo họ, cũng như nổ lực làm triển nở đời sống đức tin và lãnh nhận các bí tích.
  • Sự hợp tác thấy rõ nhất là vào các ngày lễ lớn, hay những ngày phụng vụ theo mùa, tất cả các ban nghành cùng nhau chia sẻ công việc: người bắt đèn điện trang hoàng trước cổng nhà thờ đến cả lối đi dài, người làm các pano với hình vẽ và câu Lời Chúa thích hợp, người dựng mô hình theo mùa, treo cờ, làm cổng chào, dọn vệ sinh, trang hoàng trong và ngoài nhà thờ… mùa Tết lại vui nữa, nào là gói bánh chưng, bánh tét tặng người nghèo, ai không gói được thì lau lá, xé lá, xếp lá; có mấy chú đứng giặt khăn cho các phụ nữ lau, rồi đi xả khăn, thay nước, hốt lá rách - lá bỏ…đêm đến các thanh niên thức nấu bánh tét… niềm vui lan tỏa đến mọi nhà.
Sau cùng, vấn đề mối chốt là: Từ Cha sở / Cha phó, giáo chức hay giáo dân, tất cả đều sống lại ký ức tình yêu và sự hiệp thông của Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha yêu quý, gìn giữ và khích lệ Chúa Con, như khi tại sông Jordan cũng như núi Tabor, với sự hiện diện Chúa Thánh Thần (hình Bồ Câu) Chúa Cha đã tuyên bố: “Đây là Con của Ta, người Con Ta yêu dấu, Ta hết lòng quý mến.’ Tiếng đó, chính chúng tôi đã nghe thấy từ trời phán ra, khi chúng tôi ở với Người trên núi thánh” (2 Pr 1,16-18). Chúa Giêsu tôn vinh Chúa Cha và một mực làm vui lòng Cha khi Ngài quả quyết: “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30) và “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14, 9b). Ngài vâng lời Chúa Cha như lương thực hằng ngày và vâng lời cho đến chết  “Lương thực của Ta là làm theo ý Đấng đã sai Ta và chu toàn công việc của Người” (Ga 4, 34); Và “Người đã hạ mình thấp hèn, trở thành vâng phục cho đến chết và là cái chết thập giá.” (Pl 2, 6-8). Chúa Giêsu giới thiệu Chúa Thánh Thần: “Nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em” (Ga 16, 7b). Ngài nêu tầm quan trọng vai trò thánh hóa của Chúa Thánh Thần: “Ai nói phạm đến Thánh Thần thì chẳng đơi nào được tha” (Mc 3,29).
Noi theo mẫu gương Ba ngôi, từng thành viên trong Giáo xứ / Giáo họ cùng quan tâm, lắng nghe nhau. Không sợ thử thách nào quấy phá, nhưng cùng nhau đoàn kết, tin tưởng. Và vì là cuộc sống còn ở trần gian, nên không thể tránh những khuyết điểm. Không quá ngạc nhiên khi thấy trong Giáo xứ / Giáo họ có vài thành phần: Không làm mà hay phê phán, không giữ đạo tốt mà lại chê bai và làm cản trở việc sống đạo của người khác. Trước nghịch cảnh này ta chấp nhận “cỏ lùng mọc chung với lúa”, sẽ có ngày cỏ lùng được gom lại bỏ vào lửa thiêu đốt, rụi tàn. Vì có ân sủng Chúa nâng đỡ và phù trì, như Hội thánh vào các thế kỷ đầu, cũng bị bách hại dữ dội thời bạo chúa Neron, hay với một số vua chúa quan quyền khác, tưởng chừng như Hội thánh không còn tồn tại nữa. Nhưng với ơn Chúa quan phòng, ngày nay, thế kỷ XXI, Hội thánh đã phát triển khắp nơi trên thế giới. Đó cũng là hình ảnh của hạt cải bé tí thành cây cải lớn mạnh qua thời tiết đổi thay. Nói vắn tắt, chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì có Giáo xứ / Giáo họ để mình thuộc về, sống chan hòa, chung tay mỗi người một việc, được Chúa chúc lành, ban ơn ngày đêm, dù mình ngủ hay thức, dù cuộc sống thăng trầm, không có gì tách người Kitô hữu xa Chúa và Giáo xứ / Giáo họ, với công việc làm dù nhỏ bé để cộng tác cho vinh danh Chúa qua Nước Trời thu nhỏ tại Giáo xứ / Giáo họ thân yêu. Quả là một bức tranh thiêng liêng và đầy ý nghĩa. Là một đại gia đình là Giáo hội hoàn vũ. Hãy tri ân Chúa, cầu nguyện cho ai chưa cảm nhận được mái âm thiêng liêng này, cho họ được biết Chúa và nhận ra được tình yêu thương Chúa Ba Ngôi hằng an ủi, đỡ nâng từng người con trong mái ấm gia đình của Giáo xứ / Giáo họ chúng ta, và tất cả mọi người.
  • Con phục Ba luôn… Ba ơi, còn ngôi nhà kia giống Ngôi Chùa phải không Ba?
  • Đúng rồi, gần Giáo họ biệt lập của mình cũng có một ngôi chùa. Các Thầy rất thân thiện với Giáo họ mình, những ngày lễ lớn các Thầy tặng lẵng hoa. Lễ lạc gì trọng thể Giáo họ mời, các Thầy cũng tham gia. Đáp lại bên mình cũng vậy, Cha đặc trách và ban hành giáo của Giáo họ cũng quan tâm đến các Thầy, cũng đến thăm và tặng hoa ngày đại lễ bên đạo các Thầy. Hằng ngày tiếng gõ mõ/ tiếng chuông bên chùa và tiếng chuông bên nhà thờ thường cách nhau khoảng thời gian mươi phút, giao hòa âm thanh giữa đất trời như cùng ca tụng Đấng Tạo Hóa, và nói lên tinh thần đối thoại liên tôn của các tôn giáo bạn.
  • Ba ơi, Ba có định mua bức tranh này không?
  • Khi nãy, Ba có hỏi vị hữu trách phòng triển lãm để mua, mà bác ấy nói, tranh này không bán.
  • À, con nhớ ra rồi. Nhà mình cũng có bức tranh giống bức tranh này nè.
  • Thật không, sao Ba không biết?
  • Bí mật! Về nhà, con sẽ chỉ cho Ba chỗ cất của bức tranh. Ba phải thưởng cho con đó nhen.
  • Chuyện nhỏ, ngay bây giờ, Ba thưởng cho con một bữa cơm ở nhà hàng Bác Sáu được không?
  • Ba của con“number one”.
Đến nhà hàng, lúc đợi dọn thức ăn. Tôi giải đáp chỗ cất “bức tranh” cho ba nghe:
  • Ba còn nhớ bức tranh trong phòng triển lãm có 2 phần: phần trên bầu trời, phần còn lại là cảnh sinh hoạt của dân cư gồm có nhà cửa, xe cộ và cây cảnh… Như vậy bức tranh - mà con nói nhà mình có - thì phần trên bầu trời thì nó ở trên bầu trời, Ba cứ nhìn lên bầu trời sẽ thấy ngay, nhất là lúc bình minh hay hoàng hôn, hay đêm trăng sáng là Ba sẽ thấy Chúa Ba Ngôi được minh họa ở đó, rõ lắm ạ, và sống động linh thiêng nữa. Phần còn lại thì Ba cứ nhìn vào Giáo xứ / Giáo họ của mình Ba cũng thấy ngay. Muốn rõ toàn cảnh thì ba lên hành lang ở tầng ba nhà mình, Ba thấy rõ hơn từng cảnh vật; còn Ba muốn nhìn sinh hoạt và thực chất của sự hiệp thông trong Giáo xứ / Giáo họ thì mỗi lần đi đến nhà thờ, nhất là khi dâng thánh lễ, ba quan sát từ chủ tế đến hết các thành phần dân Chúa, rồi mọi sự sắp xếp và diễn tiến từ hình thức mọi nơi khu vực nhà thờ đến nội dung thì ba tìm ngay bức tranh đẹp mà Ba thích. Ba có đồng ý với con không?
  • Cái con nhỏ này, thông minh đó chứ!
  • “Con nhà tông không giống lông thì cũng giống cánh” mà Ba. Hi hi.
  • Thôi dùng cơm đi con. Hôm nay Ba con mình ăn mừng để tạ ơn Chúa đã cho họ hàng mình biết Chúa và được sống sự hiệp thông với tình yêu Chúa Ba Ngôi, và thực tập cho cuộc sống ở Nước Trời mai sau ngay ở đời này. Nhớ cầu nguyện cho những ai chưa có niềm tin và chưa mến cảm nguồn hạnh phúc này con nhé. Tối nay Ba sẽ đưa má và các anh em con ra hưởng mát ở bờ sông, vừa giải khát vừa kể lại cho cả nhà nghe niềm vui hôm nay của ba con mình.
  • Con tạ ơn Chúa và cám ơn Ba. Con thích nhất là Hội thánh mình duy nhất, đi Giáo phận nào, Nước nào, cách tổ chức Giáo xứ / Giáo họ cũng giống nhau. Đi dâng lễ, ở ngoại quốc, dù không hiểu tiếng, cũng hiểu nội dung của thánh lễ, vì nghi thức và nội dung giống nhau hay gọi là duy nhất trong một cách thể (vâng theo huấn quyền, cách riêng là theo luật Hội thánh, nhất là luật “chữ đỏ”), nội dung cũng tông truyền (có nguồn gốc từ Chúa ba Ngôi, và Thánh Thể được trối lại từ Chúa Giêsu vào bữa tiệc ly, bửu bối của tình yêu trao hiến thân mình, điều này được các tông đồ kế thừa và các Giám mục truyền lại từ đời này qua đời kia). Hội thánh thánh thiện vì Đấng sáng lập Hội thánh là Đấng Thánh, nên muốn là thành viên Công giáo thực thụ phải trở thành thánh, “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”(Mt 5, 8), bây giờ chưa thánh, chưa hoàn thiện thì phải khao khát và cố gắng tập luyện để nên thánh, nên hoàn thiện… Thôi, con xin dừng ở đây, nha Ba. Hẹn tối nay sum họp gia đình mình, mình sẽ bàn tiếp vấn đề này Ba nhen.
 
 

[1] Bản Toát Yếu : Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo , số 161.
[2] Sđd, số 165.
[3] Sdd, số 157.
[4] Sdd, số 164.

Tác giả bài viết: Sr. Maria Vũ Tuyết

 Tags: Văn hóa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây