Cảm nhận và chia sẻ Tin Giáo Phận-Giáo xứ 

Ngày đầu tiên đi học

“NGÀY ĐẦU TIÊN” ĐI HỌC

Ngày đầu tiên đi học, tôi bắt gặp ý tưởng này khi chợt nghe một anh em cùng phòng mở lên từ chiếc radio trong một buổi chiều của ngày tựu trường. Lòng tôi chợt bâng khâng về những ngày đi học đầu tiên của tôi. Ngày đầu tiên còn nhiều bỡ ngỡ, rụt rè nhưng cũng không kém phần háo hức. Tâm trạng ấy cũng còn khắc khoải, lo lắng, bồn chồn trong tâm trí của bảy “ tân binh” trong ngày tựu trường vào ngôi nhà Đại Chủng Viện (ĐCV) Sao Biển hôm nay. Ai trong số những “ tân binh” này cũng đã từng trải qua môi trường Đại học, Cao đẳng rồi nhưng tại sao tôi lại nói họ là những người đầu tiên đi học, liệu có gì đó mâu thuẫn chăng? Ngày đầu tiên đi học của những “tân binh” này là một chuyển mình sang một giai đoạn mới, một cuộc đời mới, một cuộc sống mới. Và hôm nay theo một cách nào đó cũng là ngày đi học đầu tiên của họ trong giai đoạn mới ấy.

Với sự góp mặt của bảy “tân binh” này đã nâng con số chủng sinh Qui Nhơn đang tu học tại Đại Chủng Viện Sao Biển Nha Trang lên tới con số 42 chủng sinh (10 thầy Thần học III, 10 thầy Thần học I, 06 thầy mãn triết, 09 Triết học I và 07 thầy Tu đức). Trong số những con người ấy đã có biết bao nhiêu lần đi xa nhà để học tập, đi chơi xa hay làm gì đó mà hai, ba năm mới về nhà một lần, nghĩa là khoảng thời gian từng trải ngoài đời, kinh nghiệm xa nhà cũng đã được trang bị. Ấy vậy mà, ngày đầu tiên bước lên xe để vào ĐCV tôi đã chứng kiến những giọt nước mắt lăn dài trên những gò má của những “tân binh” này hoặc cũng có vài người trong số ấy cũng cay cay sống mũi, đo đỏ nơi khóe mắt hay táo bạo hơn có người biết mình không thể chịu được cảnh ấy nên vội vội vàng vàng để cha mẹ mình lên xe về nhà trước.

Có nhiều người sẽ không bao giờ hiểu và có lẽ sẽ không muốn hiểu tại sao ngày vào ĐCV kỳ này chỉ có 3;4 tháng sau là lại về nhà hay cũng có những tháng nghỉ hè như một sinh viên Đại học. Thế sao ngày ra đi lại đầy lưu luyến, bịn rịn và lo lắng đến thế. Ra đi rồi lại trở về mà, lẽ nào, đó cũng là những “cám dỗ” rất đỗi đời thường làm cho “ người chiến sĩ của Chúa Kitô” chùn bước chăng? Dường như trời đất, ngoại cảnh cũng thấu hiểu điều này nên cũng trút xuống những cơn mưa bất thường tỏ vẻ cảm thông cho những khó khăn, nỗi nhớ nhà của ngày đầu tiên đi học[1], sẽ có những giọt nước mắt khi bước vào một cuộc sống mới. Thật đúng khi nói “ người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Việc gì đến cũng đã đến và dường như thời gian chẳng chờ đợi ai. Khi chiếc xe đưa các “tân binh” lăn bánh khởi hành, còn lại dưới sân của Chủng Viện Qui Nhơn là những anh em trực nhà, các anh em lớp lớn và bà con thân thuộc họ hàng của các “tân binh” với những nét mặt khác nhau, ai cũng ngậm ngùi nhưng không thiếu phần vui mừng khôn xiết khi nói: “con, cháu, em đi mạnh khỏe, đừng lo gì ở nhà hết cố gắng học tốt, tu tốt nhen”. Thế nhưng tôi biết nơi cổ họng họ cứ nghẹn lời và run run lên những âm điệu khác với ngày thường. Có lẽ, trong số họ đã có những người đã khóc tuy không khóc thành tiếng nhưng cũng để lộ trên khuôn mặt họ một sự quyến luyến nhưng cũng có người đã nhanh chóng trấn tĩnh lại để sự quyến luyến ấy, những giọt nước mắt kia không làm cho các “tân binh” thêm bận tâm, nản lòng chiến sĩ….

Cha Giám Đốc Chủng Viện Qui Nhơn và Cha Văn Phòng Tòa Giám Mục như hai người bạn đồng hành đưa các “tân binh” đến “bến đổ” đầu tiên trong cuộc đời của một đại chủng sinh….

Ai vào việc nấy, những chiếc xe cuối cùng của những phụ huynh đưa các con em vào Chủng Viện cũng rời khỏi sân Chủng Viện Qui Nhơn sau những giây phút quyến luyến để rồi họ cũng trở lại những công việc thường ngày của gia đình, cuộc sống. Và chắc rằng kể từ đây trong những giờ kinh gia đình hay những phút chạnh lòng và ngay lúc này đây, họ cũng không quên cầu nguyện cho con em của họ được trung thành trong hành trình dâng hiến và cho họ được xứng đáng với ơn Chúa kêu gọi.

Tôi cũng lên xe để vào lại Nha Trang cho kịp giờ nhập học. Kể từ lúc ấy tôi không biết gì đến chuyến xe đưa các “tân binh” đi nhưng lòng vẫn nghĩ ngợi, và nói với các anh em cùng lớp với tôi đang đi vào Nha Trang trên chuyến xe Mai Linh tuyến Qui Nhơn- Nha Trang khởi hành lúc 7h15 ngày 03 tháng 9 năm 2012: “Chắc giờ này mấy ảnh (các tân binh) cũng buồn như mình hồi nào hả” có người nhanh nhảu đáp lại: “ không buồn, không nhớ mới là lạ”. Tôi cũng đã từng trải qua những giây phút này nên hiểu và thông cảm. Sau đó, tôi hỏi lại các “tân binh” thì biết chương trình và khung cảnh trên xe cũng chẳng khác gì ngày trước của tôi. Khi xe đi xa được một đoạn thì các “tân binh” hầu như nói thật nhiều, đùa giỡn hết cỡ như để che lấp đi nỗi nhớ nhà, nhớ người thân. Mặc dầu, miệng họ nói nói cười cười nhưng tôi biết trong lòng họ cũng không khỏi có những lúc bịn rịn lòng còn ngổn ngang đan xen những suy nghĩ về cuộc đời mình, gia đình, cha mẹ ra sao trong lúc này. Và trong số họ sẽ còn nhớ mãi những giây phút đầy lưu luyến của buổi sáng hôm nay:“cái thưở ban đầu lưu luyến ấy, ngàn năm hồ dễ mấy ai quên”. Cha Giám Đốc dường như cũng thấu hiểu những điều ấy, Cha cũng lặng im để cho mỗi người trong số họ có những khoảng tự do riêng. Khi đến Đèo Cả, Cha Giám Đốc cất lời nói với mọi người trong xe: “đến đây là hết Địa Phận Qui Nhơn rồi, giờ đây chúng ta lần hạt Mân Côi cầu nguyện cho công việc truyền giáo và xin ơn bình an trong chuyến đi”

Chuyến đi đã bình an, xe đã đến cổng Đại Chủng Viện. Mọi người cùng vào chào Cha Giám Đốc Đại Chủng Viện, sau đó mỗi người tự chuyển hành lý của mình lên phòng đã định và dùng bữa cơm thân mật với các Cha trong Ban Giám Đốc ĐCV và các anh em trong phiên trực nhà.

Buổi chiều đầu tiên trong môi trường ĐCV, tôi thoáng nhìn thấy cũng có vài “tân binh” bộc lộ với những anh em lớp trên với những tâm sự, nỗi niềm, nói chuyện theo nhóm cũng có và gặp gỡ riêng cũng không thiếu. Thế nhưng, cũng có một, hai “tân binh” thường đứng ở lan can nhìn về phía Giáo Phận mình, quê nhà mình với một cái nhìn bâng quơ, bịn rịn, và đầy lưu luyến như cô dâu mới về nhà chồng:

“Chiều chiều ra đứng ngõ sau,
ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều”.


Tôi xin biến tấu lại cho phù hợp với khung cảnh hôm ấy:
Buồn buồn ra đứng lan can
Ngó về quê nhà lòng man mác sầu

Thỉnh thoảng, trong số các “tân binh” ấy cũng nhận được những cái vỗ vai thân tình của những anh em lớp trên với những lời an ủi, chia sẻ kinh nghiệm để vượt qua nỗi nhớ nhà, nhớ người thân vì tâm sự của bạn, em bây giờ cũng giống như tâm trạng của tôi ngày nào.

Qua những gì kể trên và tôi viết ra đây như để chứng minh rằng hành trình bước theo Chúa của chúng ta sẽ không đơn lẻ, cô đơn. Vì có Chúa và mọi người luôn đồng hành, dõi mắt trông theo, những cái nhớ nhung lưu luyến rất đỗi bình thường kia sẽ dần vượt qua theo năm tháng. Còn nhiệm vụ mới của chúng ta là hãy bước tới trên hành trình và tin tưởng rằng:

Cuộc đời theo Chúa, Chúa ơi.
Một đời phục vụ một đời dấn thân
Hiện tại là một hồng ân
Chúa thương, Chúa dắt để nâng hành trình
Tháng ngày cố gắng hy sinh
Tháng ngày đáp trả trọn tình mến thương[2].

Và chúng ta cũng không quên bám víu vào Chúa và phó thác cho Người: “ mọi lo âu hãy trút cả cho Người vì Người chăm sóc anh em (1Pr 5,7) và Thánh Vịnh 54(55),23 cũng đã dạy: “hãy trút cả lo âu cho Chúa Ngài sẵn sàng bênh cứu chữa ngươi”. Cổ nhân cũng căn dặn thêm: “mưu sự tại nhân thành sự tại Thiên. Xin tạm dịch: mọi sự tính toán ở nơi con người nhưng thành công hay không là ở Trời. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta “khoán trắng” cho Chúa mà ta không làm gì, hay không cố gắng gì hết. Mỗi ngày chúng ta cố gắng từng chút, từng chút, góp nhặt những hạt cát nho nhỏ để mai ngày xây thành đắp lũy vì: “có công mài sắt có ngày nên kim”. Và cũng chẳng có con đường vạn dặm nào mà không khởi hành từ những bước chân nhỏ nhoi.

Mến chúc các thầy trong niên học mới thu hoạch được nhiều thành quả tốt đẹp. Chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau và nâng đỡ nhau trong cuộc sống, trong hành trình còn nhiều chông gai, thử thách đang chờ phía trước. Xin Mẹ Sao Biển, quan thầy của ĐCV soi sáng và chỉ dẫn cho mỗi người chúng ta.

Bình Khôi- Nguyễn Thanh Tú

Related posts