GIÁO XỨ ĐA LỘC
(Bổn mạng Thánh Giuse 19/3)
I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
Phần đất giáo xứ Đa Lộc bao gồm xã Đa Lộc và xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Trung tâm sinh hoạt tôn giáo của giáo xứ là nhà thờ Đa Lộc tại thôn 5, xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.
II. ĐÔI DÒNG LƯỢC SỬ
1. Cộng đoàn đầu tiên:
Đa Lộc, một nơi mà từ thập niên 50-60 thế kỷ 18 đã từng ghi dấu một cộng đoàn nhỏ giáo dân như lời tường thuật của Đức cha Edmond Bennetat, Giám mục phó Đàng Trong (1748-1758) về việc bốn thừa sai Dòng Phanxicô bị bắt :“ Tỉnh (Qui Nhơn) này là tỉnh rộng hơn tỉnh tôi vừa đi qua. Đường từ Bắc xuống Nam đi bộ mất hơn bốn ngày. Ở vài nơi chiều Đông sang Tây có thể đi đến hai ngày. Ở đây không có quan cai trị thường xuyên. Ở tỉnh nầy có 20 nhà thờ, có nhà thờ lớn, có nhà thờ nhỏ. Lúc đến một họ đạo nhỏ gọi là Deatlaoc, họ đạo địa đầu tỉnh nầy về phía Nam, tôi yêu cầu lính cho tôi vào nhà một thầy giảng, hầy nầy đã đợi chúng tôi mấy ngày nay và đã chuẩn bị đủ để đón tiếp chúng tôi…” [11]
2. Cộng đoàn mới thời cha Phêrô Bùi Huy Bích, cha sở Đồng Tre :
Đa Lộc, một vùng rừng núi của huyện Đồng Xuân, nơi người Bana sinh sống từ lâu đời bên cạnh những con suối nhỏ của Hòn Đát. Một số ít cư dân người kinh cũng quần tụ sinh sống ở đây.
“Tiếng đồn Đa Lộc cam ngon
Muốn ăn cam Đa Lộc, sợ đi mòn gót chân”
Quả vậy, để đến Đa Lộc ngày nay có ba lối đường, lối đường nào cũng có gập ghềnh, có đèo dốc, có bụi mờ. Lối đường từ ngã ba Diêu Trì theo đường ĐT 641 đi Vân Canh. Lối đường ĐT 644 từ thị trấn Sông Cầu đi Đa Lộc. Lối đường từ thị trấn Chí Thạnh theo đường ĐT 641 đi Mục Thịnh. Theo con đường ĐT 641 từ Chí Thạnh đến chợ Xuân Lãnh đi về hướng Đông Bắc khoảng 7 km là trung tâm xã Đa Lộc. Trên con đường nầy, ngày mồng 08 tết Nguyên Đán năm Kỷ Mùi 1979, từng đoàn xe tải lắc lư qua suối, qua ổ gà, ổ voi trên con đường vừa mới được ủi tạm để đưa các gia đình từ Cam Ranh đến Đa Lộc lập vùng kinh tế mới theo quyết định số 74/CP ngày 02-3-1979 của Hội Đồng Chính Phủ.
Trong số gia đình đi kinh tế mới Đa Lộc có rất nhiều gia đình công giáo. Số giáo dân lúc mới đến Đa Lộc gần 800 người, được phân chia định cư từ thôn 2 đến thôn 6, trong đó thôn 2 và thôn 5 có số giáo dân nhiều nhất, thôn 6 hẻo lánh nhất. Lúc bấy giờ vùng kinh tế mới Đa Lộc được chia làm 06 thôn, thôn 1 là cư dân người Bana, thôn 3 cư dân địa phương, mỗi thôn cách nhau một con suối, ngày nay đã có cầu bắc qua những con suối nầy.
Khi mới đến Đa Lộc, mỗi gia đình được chỉ định một gốc cây hay một đám tranh săng vừa mới nhú trên sườn đồi. Mái nhà mỗi gia đình là những tấm tole, tấm bạt tạm bợ che mưa nắng do mỗi gia đình mang theo. Ban đêm những tiếng khóc ré của trẻ con lấn át tiếng côn trùng. Đâu đó tiếng gọi bà con đến cấp cứu người thân bị cơn sốt rét rừng hành hạ. Cuộc sống ban đầu ấy đã làm cho nhiều người hoảng sợ, tìm cách trốn thoát khỏi vùng kinh tế mới nầy. Số giáo dân còn lại từng bước khắc phục gian khó, ổn định cuộc sống.
Những giờ kinh đêm âm thầm từng gia đình rồi dần dần hình thành những ‘xóm đạo’ ở thôn 2, thôn 4, thôn 5, thôn 6, nương tựa nhau, cầu nguyện chung với nhau. Để được lãnh nhận các bí tích, ít là mỗi năm một lần, phải mòn gót chân đến ga xe lửa Phước Lãnh về Qui Nhơn hay Cam Ranh. Cha mẹ hoặc anh chị lớn trong gia đình là những giáo lý viên dạy cho con em của mình biết làm dấu thánh giá, biết có Chúa ở khắp mọi nơi, biết đọc kinh cầu nguyện, biết chào thưa lễ phép. Các em nhỏ vừa mới lớn chưa một lần tham dự thánh lễ với cộng đoàn nhưng cũng biết thưa đáp phần giáo dân trong thánh lễ nhờ ngày Chúa Nhật cả gia đình sum họp tham dự thánh lễ qua đài phát thanh Veritas.
Trước nhu cầu tôn giáo của giáo dân quá khẩn thiết nhưng hoàn cảnh quá khó khăn, cha Phêrô Bùi Huy Bích, cha sở Đồng Tre, ở tại Suối Ré, tìm mọi cách để thăm viếng và ban các bí tích cho giáo dân như một nguồn năng lực có khả năng vượt qua gian khó. Cha Bích đến Đa Lộc bằng nhiều hình thức, có khi làm người mua bò, có khi đi đổi chó săn, có khi đi tìm bắt ong mật. Qua nhiều lần tiếp cận, cha Bích cử hành thánh lễ kín đáo tại một nhà giáo dân ở thôn 6, tổ chức từng nhóm nhỏ dạy giáo lý xưng tội rước lễ lần đầu và giáo lý thêm sức.
3. Thời cha Giuse Trương Đình Hiền, cha sở Đồng Tre (1992-2002) :
Đầu tháng 3 năm 1992, Đức cha Phaolô Huỳnh Đông Các bổ nhiệm cha Phêrô Bùi Huy Bích làm cha sở Mằng Lăng, cha Giuse Trương Đình Hiền làm cha sở Đồng Tre.
Từ khi còn là Đại chủng sinh ở Mằng Lăng, cha Hiền đã thâm cảm hoàn cảnh giáo dân Đa Lộc, do đó những ưu tư mục vụ dành cho cộng đoàn giáo dân Đa Lộc là tầm ngắm đầu tiên trong kế hoạch mục vụ của cha khi làm cha sở Đồng Tre.
Cha Giuse Trương Đình Hiền năng lui tới Đa Lộc, tiếp cận, thăm viếng, qui tụ một số giáo dân thiện chí, kiên trì xuôi ngược xin được giấy phép làm nhà thờ tại Đa Lộc. Sau thời gian chuẩn bị, ngày 17 tháng 2 năm 1993, cha Hiền khởi công làm nhà thờ tại vị trí hiện nay. Hơn một tháng miệt mài công sức đêm ngày, ngày 29 tháng 3 năm 1993 nhà thờ mới với diện tích ( 9m X 16,5m ) đã nên hình nên dạng với cột kèo, đòn tay, rui mè, bằng các loại cây rừng Đa Lộc tươi rói.
Ngày 27-05-1993, giáo dân Đa Lộc đã rộn mừng đón tiếp vị mục tử của mình, Đức cha Phaolô Huỳnh Đông Các về khánh thành nhà thờ và ban phép Thêm sức cho trên 100 thiếu nhi và người lớn của giáo xứ Đồng Tre tại nhà thờ Đa Lộc. Cha Giuse Trương Đình Hiền đã chọn Thánh Giuse làm bổn mạng của giáo họ Đa Lộc.
Nhà thờ được hình thành, thánh lễ được cử hành hằng tuần, các sinh hoạt ca đoàn, giáo lý, gia trưởng, gia mẫu dần dần được đi vào nề nếp, một cuộc ‘sống đạo’ mới thay cho những ngày tháng sống đạo âm thầm. Ơn gọi tu trì được cha Hiền gieo trồng và cổ võ mà ngày nay đã đơm hoa kết trái :
*. Linh mục Phêrô Nguyễn Xuân Bá, Linh mục giáo phận Qui Nhơn.
*. Nữ tu Maria Phan Thị Tuyết Nhung, Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn.
*. Nữ tu Madalena Trần Thị Ánh Hồng, Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn.
*. Nữ tu Anna Nguyễn Thị Ái Vy, Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn.
*. Nữ tu Maria-Anrê Phú Yên Trần Thị Kim Phượng, Dòng Kín Nha Trang.
*. Thầy Phêrô Lê Hoàng Vinh, Đại chủng sinh giáo phận Qui Nhơn.
4. Thời cha Antôn Nguyễn Huy Điệp, cha sở Đồng Tre (2002-2009) :
Ngày 14-4-2002, Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn, Giám mục giáo phận Qui Nhơn bổ nhiệm cha Giuse Trương Đình Hiền làm cha sở Tuy Hòa, cha Antôn Nguyễn Huy Điệp làm cha sở Đồng Tre.
Tiếp nối kế hoạch mục vụ của cha sở tiền nhiệm, cha Antôn Nguyễn Huy Điệp đã khởi công xây lại nhà thờ mới khang trang, kiên cố thay cho nhà thờ cũ đã xiêu vì tính tạm thời khi làm nhà thờ nầy năm 1993.
Ngày 24-8-2002, Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn đã đặt viên đá đầu tiên cho nhà thờ mới. Những thiên đá chẻ theo qui cách mà cha Giuse Trương Đình Hiền đã chuẩn bị từ trước được cha Antôn Nguyễn Huy Điệp đặt vào nền móng. Trong ơn Chúa, sự năng động giao tế của cha Antôn, sự quảng đại của các ân nhân và sự nhiệt tình của bà con giáo dân đã được kết hợp cho ngôi nhà thờ mới được hoàn thành.
Ngày 29/01/2004, Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn chủ tế lễ khánh thành nhà thờ cùng với 40 linh mục đồng tế, một số Tu sĩ và khoảng 1.000 giáo dân rải rác từ các giáo xứ cùng về hiệp dâng thánh lễ.
Khi nhà thờ đã hoàn thành, cha Toma Nguyễn Công Binh, phó xứ Đồng Tre thường xuyên ở tại Đa Lộc, hôm sớm đồng hành với bà con.
5. Khởi hành chặng đường mới :
Ngày 28-5-2009, Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn quyết định thành lập giáo xứ Đa Lộc và bổ nhiệm cha Toma Nguyễn Công Binh làm cha sở.
Sau 30 năm kiên vững sống đạo, ‘Tam thập nhi lập’, một hành trình đức tin có nhiều thử thách, có đầy ơn Chúa, có nỗ lực dày công của con người, giờ đây cộng đoàn tín hữu Đa lộc với 488 người viết tiếp trang sử đức tin trên chặng đường mới. Xin thắp nén hương lòng tưởng nhớ những đồng đạo, những người đã hy sinh cho Đa Lộc lớn lên và trưởng thành.
——————————
[11] LAUNAY, Histoire Générale de la Société dé Mission Etrangères, Tome II, p.292-294. Trích theo Marie Antoine Trần Phổ Ofm. Tỉnh Dòng Anh Em Hèn Mọn Việt Nam, tr. 137-139.
————————————————–
https://picasaweb.google.com/104132889759738145604/GiaoXuALoc
++++++++++++++++
Lm. TÔMA NGUYỄN CÔNG BINH
Địa chỉ : Nhà thờ Đa Lộc,
Đa Lộc, Đồng Xuân, Phú Yên
Điện thoại: 0979078382; 0935424282
Email : tomcbinh09@yahoo.com