Bức tranh tuyệt vời
Có những lúc xa nhà, nhất là vào buổi chiều khi ánh dương còn sót lại những tia nắng cuối cùng trên những vòm cây, ngồi trên tàu lửa hay xe hơi, thỉnh thoảng chợt thấy hai bên đường cảnh gia đình đang ngồi quây quần dùng cơm tối, tự dưng nỗi nhớ gia đình trào dâng trong tôi, những kỷ niệm thời ấu thơ , những êm đềm , ấm áp, yêu thương giận hờn như những nốt nhạc trầm bổng du dương, trong bài ca nghìn trùng thương nhớ. Như những gam màu nóng lạnh, những sắc màu hoà điệu yêu thương diệu kỳ. Có ai đó đang hụt hơi đớp bóng, chạy theo hư ảo chóng vánh, mệt nhoài với giá trị bong bóng, diều cao… bong bóng có thể xì hơi, diều cao rồi cũng đứt dây.
Không có sắc đẹp nào bằng sắc đẹp tình thương
Lổ mũi em tám gánh lông,
Chồng thương chồng bảo râu rồng trời cho.
Không bữa ăn nào ngon bằng bữa ăn gia đình.
Râu tôm nấu với ruột bầu.
Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon.
Không có bao dung nào bằng tình thương vợ chồng
Yêu nhau trăm sự chẳng nề,
Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.
Không thể hiểu hết cái ấm áp, hạnh phúc diệu kỳ của tổ ấm gia đình, nếu bạn không thấy được cái cùng cực bất hạnh, cái khốn khổ tột cùng của những ai không có gia đình…ở bên Mỹ để diễn tả nỗi bất hạnh của mình để xin mọi người dủ lòng xót thương, người ấy liền đeo tấm bảng có chữ HOMELESS (vô gia cư, không có gia đình) Hay ai đã từng đọc SANS FAMILLE (vô gia đình) cũng thấy điều đó.
Chúng ta cùng đọc thêm câu chuyện BỨC TRANH TUYỆT VỜI để chân nhận một cách sâu xa hơn về gia đình
Một họa sĩ suốt đời ước mơ về một bức tranh đẹp nhất trần gian. Ông đến hỏi vị giáo sĩ để biết được điều gì đẹp nhất. Vị giáo sĩ trả lời: “Tôi nghĩ điều đẹp nhất trần gian là niềm tin vì niềm tin nâng cao giá trị con người”.
Hoạ sĩ cũng đặt câu hỏi tương tự với cô gái và được trả lời: “Tình yêu là điều đẹp nhất trần gian, bởi tình yêu làm cho cay đắng trở nên ngọt ngào, mang đến nụ cười cho kẻ khóc than, làm cho điều bé nhỏ trở nên cao trọng, cuộc sống sẽ nhàm chán biết bao nếu không có tình yêu”.
Cuối cùng họa sĩ gặp một người lính mới trở về từ trận mạc. Được hỏi, người lính trả lời: “Hòa bình là cái đẹp nhất trần gian, ở đâu có hòa bình là ở đó có cái đẹp.” Và họa sĩ đã tự hỏi mình: “Làm sao tôi có thể vẽ cùng lúc niềm tin, hòa bình và tình yêu ?…”
Khi trở về nhà, ông nhận ra niềm tin trong ánh mắt các con, tình yêu trong cái hôn của người vợ. Chính những điều đó làm tâm hồn ông ngập tràn hạnh phúc và bình an. Họa sĩ đã hiểu thế nào là điều đẹp nhất trần gian. Sau khi hoàn thành tác phẩm, ông đặt tên cho nó là: “Gia đình”.
Thật vậy, gia đình là nơi đầy ắp tiếng cười của trẻ thơ, tiếng hát của người mẹ và sức mạnh của người cha. Nơi đó có hơi ấm của những con tim biết yêu, là ánh sáng của đôi mắt tràn đầy hạnh phúc, là sự ân cần, là lòng chung thủy.
Gia đình là ngôi thánh đường đầu tiên cho tuổi thơ học những điều hay lẽ phải, niềm tin và lý tưởng sống.
Đó là nơi chúng ta tìm về để được an ủi, nâng đỡ.
Đó là nơi những món ăn đơn sơ cũng thành mỹ vị.
Đó là nơi tiền bạc không quí bằng tình yêu.
Đó là nơi ngay cả nước sôi cũng reo lên niềm vui hạnh phúc.
Hơn thế nữa cảm nghiệm từ gia đình cho ta thêm xác tín về một gia đình thần linh vĩnh cửu. Có Chúa Cha , Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Thư Chung Hậu Đại Hôi Dân Chúa 2010 Của HĐGM Việt Nam đã nhấn mạnh điều đó :
“Giáo Hội thực sự là gia đình của Thiên Chúa, có Thiên Chúa là Cha, có Đức Kitô là Trưởng Tử giữa đàn em đông đúc, và có Chúa Thánh Thần là tình yêu hiệp thông.[25] Các tín hữu là những “người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa” (Ep 2, 19).[26] Hình ảnh Giáo Hội-Gia Đình gần gũi với tâm thức, kinh nghiệm và suy nghĩ của tín hữu Việt Nam nói riêng và người dân Việt nói chung.[27] Hình ảnh đó trình bày Giáo Hội như một cộng đoàn hợp nhất yêu thương, liên đới, chung tay làm việc, chứ không nặng cơ cấu và luật lệ, nên dễ được đón nhận hơn đối với tâm thức người Việt.[28] Do đó, cần nghiên cứu, suy tư và trình bày Giáo Hội như gia đình của Thiên Chúa, để hội nhập thần học Kitô giáo vào xã hội Việt Nam.[29] Trên nền tảng thần học đó, các mục tử xây dựng những kế hoạch mục vụ “giáo xứ là gia đình của các gia đình”,[30] canh tân cử hành phụng vụ và cầu nguyện trong bầu khí hiệp thông gia đình, cũng như phát triển những hoạt động mục vụ gia đình.31’’
Phương Hạc