Tin thế giới 

Thảm cảnh của các người di cư Mêhicô

Phỏng vấn Linh Mục Alejandro Solalinde Guerra

tinSáng ngày 29-10-2012 Đức Hồng Y Antonio Maria Veglio, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Mục Vụ cho người di cư và lưu động đã chủ tọa cuộc họp báo giới thiệu sứ điệp của Đức Thánh Cha cho Ngày thế giới di dân và tỵ nạn lần thứ 99, sẽ được cử hành ngày 13-1-2013. Sứ điệp của Đức Thánh Cha mang tựa đề ”Di dân: cuộc lữ hành của đức tin và hy vọng”.

Theo thống kê năm 2011 của Liên Hiệp Quốc hiện nay trên thế giới có khoảng 214 triệu người di dân ra nước ngoài, tức chiếm 3% dân số toàn thế giới. Trong khi thống kê năm 2010 cho biết có 740 triệu người di dân trong nội địa, tức chiếm một phần bảy dân số thế giới.

Có nhiều lý do khiến cho các các anh chị em này bị bắt buộc phải di cư: chiến tranh, xung khắc, bắt bớ, thiên tai, nghèo đói, khiến cho họ tuyệt vọng và ước muốn có một tương lai và một cuộc sống an lành, tốt đẹp hơn. Họ ra đi mang theo đức tin và niềm hy vọng trong hành trang nghèo nàn của mình. Nhiều người di dân khám phá ra Thiên Chúa, là Đấng dang tay ra cho họ, đặc biệt trong các nước có nền văn hóa và truyền thống kitô. Và các anh chị em này có thể sống kinh nghiệm lòng tốt đích thật của tín hữu các cộng đoàn tiếp đón và trợ giúp họ.

Quả thật ngày nay ”Di dân qủa là một hiện tượng đáng báo động, vì số đông những người di dân, vì những vấn đề xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa và tôn giáo mà hiện tượng di dân đặt ra, và vì những thách đố bi thảm mà hiện tượng này đặt ra cho các cộng đồng quốc gia và quốc tế” (Caritas in Veritate, s. 62), vì mỗi người di dân là một nhân vị, có những quyền lợi bất khả xâm phạm mà mọi người phải tôn trọng trong mọi hoàn cảnh”.

Chính vì thế Giáo Hội diễn tả sự quan tâm hiền mẫu của mình đối với các anh chị em di dân trong nhiều cách thế khác nhau: trợ giúp các nhu cầu cấp thiết của họ qua các cơ cấu mục vụ, cũng như đánh giá cao và và nêu bật các khía cạnh tích cực, các tiềm năng và tài nguyên mà họ có thể cống hiến cho các cộng đoàn tiếp đón họ. Sự hiện diện của các anh chị em di dân bắt buộc phải có sự đối chiếu giữa các kiểu sống, các niềm tin tôn giáo và các nền văn hóa khác nhau, nhưng nó cũng kích thích việc tìm hiểu, thông cảm và xây dựng các tương quan mới.

Thống kê năm 2012 của ”Trung tâm nghiên cứu PEW” liên quan tới niềm tin của người di dân cho thấy trong các năm qua có 10 quốc gia tiếp nhận nhiều người di cư nhất là: Hoa Kỳ, Liên Bang Nga, Đức, Arập Sauđi, Canada, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Ấn Độ và Ukraine. Hoa Kỳ đã tiếp nhận 43 triệu người tức chiếm 13,5% tổng số dân, trong đó có 32 triệu người kitô, đa số đến từ Mêhicô. Tiềm năng tôn giáo này là một kho tàng tinh thần phong phú cho xã hội Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, trên con đường sang Hoa Kỳ các anh chị em di dân này đã gặp rất nhiều khó khăn, và nhiều người đã bỏ mạng trên đường di cư. Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Linh Mục Alejandro Solalinde Guerra, về thảm cảnh của các anh chị em di dân Mêhicô, do phóng viên Francesca Sabatinelli của chương trình Ý ngữ đài Vaticăng thực hiện hồi thượng tuần tháng 6 năm 2012.

Cha Solalinde năm nay 67 tuổi và từ lâu đã dấn thân bênh vực các anh chị em di cư Trung Mỹ Latinh vượt biên giới Mêhicô để tìm sang Hoa Kỳ sinh sống. Từ năm 2007 cha làm việc trong tiểu bang Oaxaca, là một trong các tiểu bang nghèo nhất nước Mêhicô. Cha hiện điều khiển một nhà tạm trú cho các người di cư gọi là nhà ”Anh em trên đường”. Cha tiếp đón các người Honduras, Guatemala, El Salvador, Nicaragua và tất cả những ai tìm sự trợ giúp nhân đạo và cần nghỉ ngơi trên đường đi tìm một cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Đã có hàng ngàn người dừng chân tại trung tâm này và được cha giúp đỡ, trong đó cũng có nhiều phụ nữ và trẻ em, nạn nhân của các vụ bắt cóc tập thể, tra tấn, hãm hiếp và tàn sát từ phía các tổ chức tội phạm.

Trong vài trường hợp các tổ chức tội phạm này đụng độ với lực lượng cảnh sát và các nhân viên công lực. Chỉ trong vòng 6 tháng, từ tháng tư tới tháng chín năm 2010, đã có 11.333 người di cư bị bắt cóc. Cha Solalinde đã nhiều lần bị đe dọa giết. Liên đới với cha và công việc của cha có tổ chức ”Ân Xá Quốc Tế” và tổ chức các ”Lữ Đoàn Hòa Bình Quốc Tế” là hai tổ chức đã mạnh mẽ yêu cầu chính quyền bảo vệ cha.

Hỏi: Xin cha cho biết tình hình tại Mêhicô hiện nay ra sao?

Đáp: Nước Mêhicô hiện đang trải qua một cuộc khủng hoảng rất khó khăn, nhất là vì bạo lực do cuộc chiến chống lại các tổ chức buôn bán ma túy gây ra, nhưng cũng do nạn gian tham hối lộ trong các cơ cấu chính quyền nữa, và cảnh không trừng phạt các tội phạm. Các anh chị em di cư cũng đau khổ vì nạn bạo lực này tại Mêhicô.

Hỏi: Ai là những người thi hành bạo lực trên các người di cư thưa cha?

Đáp: Đó là tất cả những người thuộc các tổ chức tội phạm, thành viên của các tổ chức buôn bán ma túy, nhưng cũng có cả các cảnh sát viên, các nhân viên của văn phòng di trú, và các nhân viên của chính quyền nữa. Nạn tội phạm có tổ chức đã len lỏi vào trong 75% cơ cấu quốc gia. Tôi không nói là có sự đồng lõa từ phía toàn chính quyền, nhưng từ phía rất nhiều công nhân viên nhà nước.

Hỏi: Thưa cha, cha đã mạnh mẽ tố cáo các vụ tra tấn, mất tích, bắt cóc và hãm hiếp bạo hành tiếp diễn trên các phụ nữ di dân, có đúng thế không?

Đáp: Vâng đúng vậy. Nhất là đối với các phụ nữ, xảy ra cho họ những điều thật là khủng khiếp. Đây khÔng phải là việc bạo hành để thỏa mãn bản năng dục vọng, mà là sự thù ghét. Mêhicô là quốc gia có số phụ nữ bị ám sát cao nhất. Cả trong số các nhà báo bị các tay tội phạm nhắm tới – cho tới nay đã có 107 nhà báo bị giết – đa số các nạn nhân là nữ giới.

Hỏi: Ở Mêhicô đã không có ai thành công trong việc đưa ra con số các vụ mất tích, xem ra số người mất tích rất cao. Nhưng chúng ta biết là hằng năm có hàng ngàn người bị bắt cóc và bị đòi tiền chuộc. Vậy ai là người trả tiền chuộc cho họ thưa cha?

Đáp: Một thân nhân hay một người tiếp xúc nào đó bên Hoa Kỳ nhận tìm ra tiền để trả tiền chuộc. Trước khi được trả tự do, nạn nhân bị bạo hành và tra tấn, rồi sau đó phải lo tìm một việc làm và nai lưng làm việc để trả nợ. Sau cùng thì chính người bị bắt cóc phải trả tiền chuộc.

Hỏi: Tổ chức ”Anh em trên đường” của cha yểm trợ và tiếp nhận các người di cư. Thế thì ai là những người tìm đến với cha và họ ở trong tình trạng nào?

Đáp: Họ đến đây trong tình trạng rất mệt mỏi và kiệt lực. Tất cả họ đều là những người nghèo, và đa số là người trẻ đã rời bỏ quê hương để có thể đi học, đi làm việc hay trốn chạy bạo lực. Họ đến với chúng tôi sau khi đã ngồi trên trần các chuyến xe lửa chở hàng nhiều giờ dưới mưa gió lạnh lẽo hay nắng cháy da. Họ đến đây trong tình trạng đói khát, và đôi khi không có quần áo và tiền bạc gì cả.

Hỏi: Thưa cha, cha tiếp tục bênh vực các người di cư, mặc dù từ lâu nay cha đã nhận được các lời đe dọa giết. Thế cha không sợ sao?

Đáp: Thật ra tất cả cuộc đời tôi đã nguy hiểm. Trong hai tháng 4 và tháng 5 năm nay (2012) tôi đã nhận được 6 lời đe dọa giết. Các bề trên của tôi và cả tổ chức Ân Xá Quốc Tế và Lữ Đoàn Hòa Bình Quốc Tế đã yêu cầu tôi rút lui một thời gian, đồng thời cũng là để nghỉ ngơi dưỡng sức cho tới tháng 7. Trong thời gian đó thì các cuộc điều tra sẽ tiếp diễn để xem ai là người trả tiền cho các kẻ được mướn giết tôi, bởi vì dây là các chính trị gia. Nhưng tôi không sợ, mạng sống của tôi ở trong tay Thiên Chúa. Tôi không lo lắng cho chính tôi, nhưng lo cho các người di cư và cho tình hình đất nước Mêhicô đang sống hiện nay. Tôi tự hỏi: khi nào chúng tôi mới thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này? Mà không phải chỉ có cuộc khủng hoảng kinh tế mà thôi, có cả cuộc khủng hoảng luân lý nữa. Có một dấu chỉ tốt đến từ các bạn trẻ Mêhicô. Họ thực sự là một sức mạnh nói lên tiếng ”không” với tình hình hiện nay của đất nước Mêhicô. Họ muốn có sự thay đổi và họ đang hoạt động để có sự thay đổi đó. Đa số họ là tín hữu công giáo và đại diện cho tương lai và cho cả Giáo Hội của chúng tôi nữa.

Hỏi: Cha vừa mới kết thúc một vòng thăm viếng vài nước Âu châu để tố cáo những gì đang xảy ra tại Mêhicô, cha chờ đợi gì nơi Âu châu?

Đáp: Điều tôi chờ đợi trước hết là Âu châu đóng góp phần mình với các người di cư của nó, giải quyết vấn đề của họ, nhớ rằng họ là các anh chị em của chúng ta, rằng họ là sự hiện diện của Chúa Giêsu. Chúng tôi ở qúa xa để Âu châu có thể giúp chúng tôi, nhưng ít nhất Âu châu hãy trợ giúp những người di cư vào trong biên giới của Âu châu.

Hỏi: Trong chuyến công du mới đây tại Mêhicô Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã kêu gọi chống lại nạn bạo lực trong nước. Có thể giải thích sứ điệp của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI như thế nào?

Đáp: Tôi nghĩ rằng tiếng nói của Đức Thánh Cha luôn luôn là một tiếng nói mạnh mẽ cần được diễn tả ra bằng các hành động cụ thể. Vậy chúng ta có thể làm gì đây? Hãy hạ mình xuống và lắng nghe con người, lắng nghe các bạn trẻ, các phụ nữ; hãy ra ngoài đường và sống thực tại của những gì vây quanh chúng ta. Tôi tin rằng đó là điều chúng ta phải làm.

(RG 11-6-2012)

Linh Tiến Khải

R.Vatican

Related posts