Tin thế giới 

Bầu khí mừng lễ Giáng Sinh tại vài nước bên Tiểu Á và Á châu

Kính mời qúy vị và các bạn cùng chúng tôi đi một vòng tìm hiểu bầu khí mừng lễ Giáng Sinh tại một số nước Á châu.

Trước hết là tại thành phố Bếtlêhem bên Thánh Địa, nơi Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa nhập thể làm người đã sinh ra cách đây hơn 2.000 năm. Cha Stephane Milovitch, dòng Phanxicô, quản thủ Vương cung thánh đường Giáng Sinh cho biết tình hình chiến sự trong vùng Gaza hồi tháng 11 năm 2012 đã khiến cho số tín hữu và du khách hành hương Thánh Địa giảm sút. Đa số các đoàn hành hương đã hủy bỏ chuyến đi.

Nhưng trong các ngày vừa qua số tín hữu đến Bếtlêhem để mừng lễ Giáng Sinh lại đã gia tăng. Giới chức làm việc trong lãnh vực du lịch cho biết các tín hữu đã giữ chỗ cho tới tháng 4 năm 2013. Và Bộ du lịch Israel hy vọng có khoảng 75.000 tín hữu viếng thăm Bếtlehem. Cha Milovitch còn cho biết bầu khí tại Bếtlehem rất an bình. Cha khích lệ tín hữu đừng sợ hãi và mời gọi các đoàn hành hương đến Thánh Địa. Họ sẽ được tiếp đón trong tươi vui. Cộng đoàn Kitô địa phương cần sự hiện diện của các Kitô hữu và du khách hành hương để có thể sống còn.

Tại Bếtlêhem tín hữu Kitô đã chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh với tuần cửu nhật và chuông nhà thờ rộn rã đổ hồi mỗi ngày. Từ ngày 15-12-2012 chính quyền thành Bếtlêhem đã cho trồng một cây thông giáng sinh rất lớn tại quảng trường và trang hoàng các đường chung quanh vương cung thánh đường Giáng Sinh với hoa đèn nhiều màu sắc.

Các lễ nghi do Đức Thượng Phụ Latinh Giêrusalem Fouad Twal chủ sự theo một chương trình đã có từ nhiều thập niên qua. Chiều 24 tháng 12 Đức Thượng Phụ được các hướng đạo sinh và dân chúng tiếp đón khi đến Bếtlêhem, và ngài chủ sự buổi hát Kinh Chiều I trọng thể trong vương cung thánh đường Giáng Sinh. Sau đó Đức thượng Phụ chủ sự buổi rước kiệu xuống Hang Đá, xông hương nơi Chúa Giêsu đã sinh ra, Hang Đá và bàn thờ Ba Vua, rồi đi ngang qua các hang dưới lòng đất có các bàn thờ kính Thánh Giuse, các Thánh Anh Hài, rồi lên nhà thờ thánh nữ Catarina ở bên cạnh. Tiếp theo đó là bữa ăn tối. Sau đó có giờ Kinh Phụng Vụ các bài đọc và Thánh Lễ nửa đêm. Tham dự thánh lễ do Đức Thượng Phụ cử hành, có tổng thống Abu Mazen, bà thị trưởng Bếtlêhem Vera Baboun và các vị lãnh đạo chính trị xã hội, cùng với các vị lãnh sự các nước Italia, Pháp, Tây Ban Nha và Bỉ và hơn 1.500 tín hữu. Sau thánh lễ tượng Chúa Hài Đồng được rước xuống Hang Đá Giáng Sinh và được đặt ở đây cho tới ngày mùng 6 tháng Giêng, rồi sau đó được rước trở lại nhà thờ thánh nữ Catarina.

Trong toàn vùng Trung Đông, Kitô hữu không được an bình mừng lễ Giáng Sinh vì tình hình chính trị kinh tế xã hội đã trở nên tồi tệ hơn.

Tại Gaza tình hình vẫn căng thẳng kể từ khi bạo lực gia tăng hồi tháng 11 năm 2012, và tình trạng cấm vận khiến cho cuộc sống thường ngày của 1,4 triệu dân Palestine rất khốn khổ, dưỡng nuôi tâm tình thù nghịch thường xuyên chống lại Israel. Ngoài ra cũng còn có khuynh hướng tôn giáo cuồng tín gây nguy hại cho cuộc đối thoại và chung sống giữa các tôn giáo, và sự kinh khiếp trước các vụ xúc phạm tới các nhà thờ, tu viện, hội đường do thái và đền thờ hồi giáo. Ngày 16-12-2012 Đức Thượng Phụ Latinh Giêrusalem Fouad Twal đã đến viếng thăm và dâng thánh lễ cho cộng đoàn công giáo bé nhỏ gồm 200 tín hữu tại đây.

Bên Siria, niềm vui Giáng Sinh bị lu mờ vì cuộc nội chiến khốc liệt kéo dài từ 20 tháng qua đã khiến cho hơn 44.000 người thiệt mạng, trong đó có 4.000 trẻ em và hơn 2 triệu người phải tị nạn, trong đó có gần 300 ngàn tại Giordania và 150 ngàn bên Libăng. Giáo Hội Latinh Giêrusalem đang hết sức cộng tác vào việc cứu trợ các anh chị em Siri tị nạn bên Giordania. Trong mấy ngày vừa qua các cuộc dội bom và pháo kích vào các lò làm bánh mì đã khiến cho thêm hàng chục người chết và hàng trăm người bị thương khi đứng xếp hàng đợi mua bánh.

Đức Tổng Giám Mục Mario Zenari Sứ Thần Tòa Thánh tại Siria cho biết mặc dù có chiến tranh, nhưng các tín hữu Kitô vẫn cố gắng làm những gì có thể để các giáo xứ có bầu khí Giáng Sinh trong các giáo xứ trong thủ đô Damasco cũng như nhiều nơi khác. Đức Tổng Giám Mục Zenari đã đi thăm nhiều giáo xứ vùng ngoại ô và nhiều dòng tu nam nữ. Các linh mục tu sĩ vẫn hàng ngày tiếp tế lương thực cho dân nghèo. Có một trung tâm bác ái tại Badgdad mỗi ngày phân phát 6.500 phần ăn nóng cho dân không phân biệt ai. Và các bạn trẻ Kitô và hồi giáo sát cánh với nhau trong công tác bác ái này. Những nghĩa cử tình yêu đó là cách thức cử hành lễ Giáng Sinh một cách ý nghĩa nhất trong bầu khí chiến tranh chết chóc và đổ nát tại Siria hiện nay.

Bên Irak Kitô hữu mừng lễ Giáng Sinh trong âu lo vì các căng thẳng, các cuộc khủng bố bằng bom và tấn kích vẫn tiếp tục. Đức Cha Shlemon Warduni, Giám Mục Phụ tá Baghdad, cầu mong lễ Giáng Sinh đem lại một chút hòa bình và ổn định cho Kitô hữu và nhân dân Irak đã phải sống trong các thử thách khó khăn và khủng bố kể từ năm 2003 tới nay. Vì tình hình thiếu an ninh nên các thánh lễ Giáng Sinh được cử hành lúc 7 giờ chiều thay vì nửa đêm.

Trong các nhà thờ tại thủ đô đều có trang hoàng hang đá và cây thông Giáng Sinh. Đức Cha Warduni cho biết các chia rẽ vẫn tồn tại trong ba vùng bắc trung nam Irak. Kitô hữu Irak cũng chờ đợi có vị Thượng Phụ mới sẽ được các Giám Mục Giáo Hội công giáo Canđê bầu trong phiên họp vào cuối tháng giêng năm 2013, thay thế Đức Hồng Y Emmanuel Delly nghỉ hưu. Giáo Hội Công Giáo Canđê là Giáo Hội có đông tín hữu nhất Irak, tuy trong các năm qua đã có hàng trăm ngàn người tìm di cư ra nước ngoài sinh sống. Đức Cha Louis Sako, Tổng Giám Mục Kirkuk, cho biết thật là quan trọng việc lựa chọn một vị tân thượng phụ có khả năng hiệp nhất các Kitô hữu, có các chương trình cải tổ mục vụ, phụng vụ và cơ cấu các giáo phận cũng như việc đào tạo các chủng sinh và giáo dân và tổ chức các cơ cấu của Tòa thượng phụ. Trên bình diện quốc gia người phải nắm giữ vai trò hòa giải nữa.

Từ Irak chúng ta sang Nepal. Năm nay Kitô hữu có thể cử hành lễ Giáng Sinh mà không sợ các nhóm ấn giáo cuồng tín khủng bố. Từ ngày chấm dứt chế độ quân chủ hồi năm 2006 tới nay chính quyền Nepal đã khiến cho Giáng Sinh là ngày lễ nghỉ trên toàn nước để lôi cuốn các khách du lịch. Sự kiện này đã giúp Kitô giáo công khai trưng bầy các ảnh tượng và các trang hoàng hoa đèn trong các hàng quán, trong các nhà thờ và tại tư gia. Hiện nay số tín hữu công giáo Nepal được khoảng 10.000, tức gia tăng 4.000 so với năm 2006, khi Nepal tuyên bố trở thành quốc gia đời. Tự do tôn giáo đã cho phép các Kitô hữu công khai biểu lộ đức tin. Các nhà thờ đều loan báo chương trình lễ, dựng cây thông, làm hang đá, và treo đèn trang hoàng. Hàng trăm tín hữu, kể cả tín hữu Ấn giáo và Phật giáo chờ tham dự thánh lễ đêm Giáng Sinh trong nhà thờ chính tòa Đức Mẹ hồn xác lên trời trong thủ đô Katmandu.

Từ nhiều năm qua tín hữu các tôn giáo khác cũng xin được tham dự các lễ nghi với tín hữu Kitô. Trong thánh lễ lần này có 24 tân tòng giới trẻ lãnh bí tích Rửa Tội. Họ là các tín hữu Ấn giáo xin gia nhập Công giáo. Cha Robin Rai cha sở nhà thờ chính tòa đã mời gọi tín hữu lãnh bí tích Hòa Giải và phổ biến sứ điệp Giáng Sinh cho mọi người trên toàn nước.

Trong các năm qua tại Nepal đã xảy ra các vụ khủng bố chống các Kitô hữu và các tôn giáo thiểu số do các nhóm Ấn giáo cuồng tín chủ mưu. Trầm trọng nhất là vụ đặt bom nhà thờ chính tòa Katmandu khiến cho 2 ngừơi chết và 13 người bị thương hồi năm 2009.

Sang đến Pakistan, năm nay Kitô hữu tại đây vui mừng tiếp đón tượng ”Chúa Giêsu Hài Đồng Praha”. Do sáng kiến của linh mục Emmnauel Parvez, cha sở giáo xứ thánh Phaolô tông đồ tại Pansara giáo phận Faisalabad, bang Punjab, cha Anastasio Roggero, dòng Cát Minh, giám đốc đền thánh Chúa Giêsu Hài Đồng Praha đã gửi một bức tượng sang Faisalabad. Tượng được đặt trong nhà nguyện ”Chúa Giêsu Hài Đồng Praha” của một làng quê, nơi có một số gia đình Kitô sinh sống về nghề nông và thợ thuyền.

Đức Cha Joseph Coutts, Tổng Giám Mục Karachi kiêm Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Pakistan ưởc mong phổ biến lòng tôn sùng Chúa Giêsu Hài Đồng đặc biệt trong các trường học công giáo. Vì thế ngài đã mời các cha dòng Cát Minh đến Pakistan để giúp phát động phong trào tôn sùng này qua các buổi dậy giáo lý Chúa Nhật.

Lòng tôn sùng Chúa Giêsu Hài Đồng đã lan sang nhiều nước Á châu như: Ấn Độ, Singapore, Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Mông Cổ. Và tại các nước này đều đã có các nhà thờ và nhà nguyên dâng kính Chúa Giêsu Hài Đồng Praha. Cha Roggero đi khắp nơi trên thế giới để phổ biến lòng tôn sùng này. Cách đây mấy tuần cha đã sang Ấn Độ và chủ sự thánh lễ tại Đền Thánh Chúa Giêsu Hài Đồng Bangalore với sự tham dự của 5.000 tín hữu.

Lòng tôn sùng Chúa Giêsu Hài Đồng trong tu viện Cát Minh Praha bên Tiệp đã bắt nguồn từ cha Giovanni Ludovico của Đức Mẹ hồn xác lên trời, Tu viện trưởng, hồi năm 1628. Tượng Chúa Giêsu Hài Đồng mặc áo choàng đỏ, đầu đội triều thiên vàng, tay phải chúc lành tay trái cầm qủa địa cầu nhỏ.

Tại Sri Lanka Kitô hữu các vùng bị lụt đã không thể mừng lễ Giáng Sinh như thường lệ, vì đã có trên 6.300 người gồm gần 1800 gia đình bị di tản. Đó là dân chúng sống trong các quận: Galle, Matale, Mkandy, Nuwara Eliya, Polonnaruwa, Badulla, Baticaloa, Hambantota, Moneragala và Kurunegala. Hiện nay số người nói trên phải sống trong 29 trung tâm tiếp cư, đa số là các trường học, và các cộng đoàn. Cho tới nay mưa lũ đã gây khó khăn cho 20.000 người sống trong 6 trên tổng số 9 tỉnh của Sri Lanka, khiến cho 600 nhà bị phá hủy hay hư hại nặng. Nơi có đng người chết nhất là Matale miền trung Sri Lanka, là vùng vị lụt nặng nhất nước.

Tình trạng bão lụt tại đảo Mindanao bên Philippines cũng khiến cho bầu khí Giáng Sinh năm nay bớt vui, vì có hơn hơn 700 người chết, hàng chục người mất tích và hàng ngàn người không nhà không cửa. Đây là vùng có đa số dân theo Hồi giáo, nhưng cũng có một số nhỏ là Kitô hữu. Dân chúng đã bắt tay vào việc tái thiết ngay, nhưng dấu vết tàn phá của bão lụt còn ghi dấu trên nhà cửa và ruộng đồng vì cùng với nhà cửa người dân đã mất hết mùa màng.

Sang đến Malaysia thiểu số Kitô hữu có thể hài lòng mừng lễ Giáng Sinh, vì chính quyền đã hủy bỏ các hạn chế số người hành hương Thánh Địa, sau tranh luận dài giữa chính quyền và thiểu số Kitô hữu.

Malaysia là quốc gia có đa số dân theo Hồi giáo. Trước đây chính quyền cho phép các tín hữu Kitô, hồi giáo và Do thái tự do hành hương Thánh Địa. Sau đó chỉ cho phép mỗi năm 700 người đi hành hương, tức mỗi cộng đoàn tôn giáo chỉ có thể gửi một nhóm 40 người. Nhưng nay sự hạn chế này không còn nữa và giấy phép hành hương kéo dài 21 ngày.

Theo sau các vụ tranh cãi liên quan tới việc tín hữu Kitô cũng có quyền dùng từ Allah để gọi Thiên Chúa và các Kitô hữu đã thắng kiện, thiểu số Kitô Malaysia đã gặp các khó khăn, căng thẳng, bạo lực, kể cả các vụ tấn kích các nhà thờ và dinh thự Kitô. Cha Lawrence Andrew, cựu giám đốc Tuần san công giáo ”Người đưa tin Malaysia” bầy tỏ hài lòng vì các quyết định mới này của chính quyền, khiến cho tín hữu Kitô yên trí mừng lễ Giáng Sinh.

Tại Indonesia để mừng lễ Giáng Sinh, giới nhà giáo, linh mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh cũng như giới trẻ Kitô đã tham gia chiến dịch chống tham nhũng do Hội Đồng Giám Mục phát động. Nạn tham nhũng là một trong những thách đố cam go và cổ xưa nhất mà Giáo Hội và xã hội nước này phải đương đầu ngay từ thời hậu thực dân. Nạn tham nhũng lan tràn trong các cơ quan nhà nước và công quyền gây ra nhiều hậu qủa tai hại cho sự tiến triển xã hội và đất nước. Hiện nay có một nhóm thiện nguyện do linh mục Edy Purwanto và Linh Mục Royani Lim phát động trước lễ Giáng Sinh. Tham dự chiến dịch có cả các bác sĩ như bác sĩ Prastowo, các thương gia như ông Wisnu Rosariastoko và giáo sư như bà Wiwiek Widiarti.

Cha Adisusanto dòng Tên chuyên viên truyền thông cho biết cha ủng hộ chiến dịch chống tham nhũng này ngay lập tức vì nó thăng tiến công ích. Cách đây không lâu các Giám Mục Linh Mục và tín hữu Indonesia cũng đã phát động chiến dịch chống cai trị yếu kém và các dịch vụ buôn bán vô luân.

Sau cùng bên Nam Hàn bà tân tổng thống Park Geun Hye đã cho tái lập thói quen dựng cây thông Giáng Sinh trong vùng biên giới giữa hai miền Nam và Bắc Hàn, như dấu chỉ của tinh thần hòa giải, hòa bình và yêu thương giữa người dân hai bên. Thói quen này đã bị ngưng từ năm 2003. Ông Kim Min-Seok phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nam Hàn cho biết cây thông Giáng Sinh khổng lồ được trang hoàng nhiều đèn sáng có mặt tại vùng biên giới từ ngày 22 tháng 12 cho tới ngày mùng 2 tháng Giêng năm 2013.

Linh Tiến Khải

Related posts