Tin Giáo hội Việt Nam 

Hội thảo Thánh nhạc Toàn quốc lần thứ 32 tại TTMV TGP Saigon

TGP SAIGON – Thánh Augustinô, Tiến Sĩ Giáo Hội, đã so sánh: “Hát hay là cầu nguyện hai lần”. Điều đó chứng tỏ Thánh Nhạc có vị trí quan trọng trong Phụng vụ của Giáo hội Công giáo. Theo thông lệ, Thứ Tư ngày 10-4-2013, đã diễn ra buổi hội thảo của Ban Thánh Nhạc (BTN) toàn quốc lần thứ 32 tại TTMV TGP Saigon.

Chủ tọa đoàn là ĐGM Vinh-sơn Nguyễn Văn Bản (Giám mục GP Ban Mê Thuột, đặc trách BTN) và LM Rôcô Nguyễn Duy (Thư ký BTN). Tham dự buổi hội thảo có LM Đỗ Xuân Quế (nguyên Trưởng ban Thánh nhạc), LM Tiến Lộc (Ủy viên Ban thường vụ), LM Xuân Thảo (phụ trách nội san Hương Trầm),… và khoảng 100 hội thảo viên (các linh mục, các tu sĩ nam nữ, các nhạc sĩ sáng tác, nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh, nhóm sáng tác Sao Mai, và một số ca trưởng) thuộc các giáo phận của Giáo hội Công giáo Việt Nam. MC là NS Minh Tâm, thư ký là NS Anh Tuấn.

Buổi hội thảo khai mạc lúc 8 giờ 15. Lần này vẫn tiếp tục đào sâu Bản hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc để hoàn thiện dần. Tiếp theo là LM NS Ân Đức (Dòng Xitô Thiên Phước, Vũng Tàu) giới thiệu một số cung hát Thánh Vịnh mà Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam đã sử dụng trong các giờ kinh Thần Vụ từ hơn 30 năm qua, với phần hát minh họa của các nữ tu Xita và một số ca viên.

9 giờ 30, các hội thảo viên chia thành 3 nhóm để họp bàn. Sau khi họp nhóm, ghi nhận có mấy điểm cần lưu ý:

– Dùng từ “bình dân” la chưa thực sự chính xác, nên bỏ và dùng từ “trần tục”. Vì những gì bình dân vẫn cần thiết, có thể là chất xúc tác tốt để tạo cảm hứng sáng tác cả nhạc tôn giáo và nhạc đời. Như vậy, chất bình dân không xấu, chỉ những gì trần tục mới không phù hợp với Thánh Nhạc.

– Các linh mục xứ nên quan tâm các ca trưởng, có thể “ưu tiên” điều gì đó để họ có thêm phấn khởi mà phụng sự Thiên Chúa, phục vụ giáo xứ qua việc ca hát để giúp cộng đoàn cầu nguyện.

– Bản văn chi phối âm nhạc, nghĩa là bản văn phụng vụ cố định, người soạn nhạc phải dựa trên bản văn đó mà dệt nhạc. Nhưng nên dùng bản dịch Kinh Thánh nào? Vấn đề vẫn chưa dứt khoát.

– Cách dùng Cha hay Chúa, Người hay Ngài cũng chưa có quy định rõ, tùy theo cảm nhận của mỗi người. Bài Thánh ca nào được sửa lời cho phù hợp cũng chưa được phổ biến, mỗi nơi hát mỗi kiểu, thiếu tính thống nhất.

– Về “cung hát Thánh Vịnh”, phong phú về cung cách, kết hợp dân ca (cung) và bình ca (tiết tấu, không phân ô nhịp), nhưng có lẽ việc này phù hợp hơn với các cộng đoàn tu, các giáo xứ khó áp dụng. Tiết tấu có thể hát cho phù hợp, sao cho cảm thấy không quá chậm và cũng không nhanh.

– Nhạc đệm là phần phụ, không được át tiếng hát, đa số các ca đoàn thường mắc lỗi này. Ca trưởng phải hiểu Phụng vụ để có thể chọn bài phù hợp. Mùa Vọng và Mùa Chay nên “hạn chế” dùng đàn. Vấn đề khó là việc dạo nhạc, vì có những nơi đã lạm dụng việc dạo đàn, độc tấu hoặc hòa tấu.

Nói chung, vẫn còn nhiều nỗi ưu tư và trăn trở đối với nền Thánh nhạc Việt Nam.

ĐGM Vinh-sơn chia sẻ: “Nên đề cao chức năng của ca đoàn, nhưng cũng nên cho cộng đoàn tham gia hát. Ca đoàn không nên độc diễn. Ca đoàn nên giúp cộng đoàn cầu nguyện chứ không nên biểu dương tài năng”.

Buổi hội thảo kết thúc lúc 11 giờ 30. Mọi người cùng dùng bữa trưa thân mật trong tình đoàn kết, yêu thương, và bình an của Chúa Giêsu Phục Sinh. Sau đó, mọi người chia tay. Hẹn gặp nhau tại Hội thảo Thánh nhạc Toàn quốc lần thứ 33 cũng sẽ diễn ra tại TTMV TGP Saigon, ngày Thứ Ba, 15-10-2013, và cũng sẽ tiếp tục góp ý về cuốn “Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc” để khả dĩ sớm có bản văn hoàn chỉnh và chính thức áp dụng trên toàn quốc Việt Nam.

Related posts