Tin Giáo hội Xã hội 

Không có tình yêu nào là không có luật lệ

Phỏng vấn bà Eva Illouz, giáo sư xã hội học người Do thái



Từ nhiều năm qua thế giới đang chứng kiến cảnh nhiều chính quyền Tây âu theo nhau hợp thức hóa hôn nhân đồng phái và chấp nhận cho các cặp này có quyền nhân con nuôi. Song song với luật hôn nhân đồng phái là mưu toan loại bỏ các từ truyền thống ”cha”, ”mẹ”, và thay thế chúng bằng từ ”người phối ngẫu”. Thế giới xem ra ngày càng bước sâu vào cảnh hỗn loạn tâm lý và lạc lõng tinh thần, đến không còn biết phân biệt, phải trái, tốt xấu, lành dữ nữa. Những tấn kích chống lại gia đình tự nhiên, tế bào nòng cốt của xã hội, và chống lại hôn nhân giữa một người nam và một người nữ là bằng chứng cụ thể chứng mình cho tình trạng hỗn loạn và lầm lạc này.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn bà Eva Illouz, giáo sư xã hội học tại đại học Giêrusalem về quan niệm lệch lạc về tình yêu trong thế giới ngày nay.

Giáo sư Illouz sinh năm 1961 tại Fes bên Marốc, nhưng di cư sang Phàp năm lên 10 tuổi. Bà đã theo học các môn xã hội, truyền thông và văn chương tại Paris và lấy luận án tiến sĩ về truyền thông và nghiên cứu văn hóa tại đại học Pensuylvania Hoa Kỳ năm 1991. Sau đó bà Illouz trở thành giáo sư thỉnh giảng tại đại học Princeton và trường Cao đẳng khoa xã hội tại Paris và Học viện cao đẳng Berlin. Hiện này bà là giáo sư môn xã hội học tại đại học Giêrusalem. Bà đã viết nhiều sách. Cuốn ”Thiêu đốt ảo tưởng thơ mộng: Tình yêu và các mẫu thuẫn văn hóa của chủ thuyết tư bản” (1997) đã được giải thưởng của Hiệp hội xã hội học Hoa Kỳ năm 2000. Các cuốn khác như: ”Nền văn hóa của chủ thuyết tư bản” (2002); ”Các thân tình lạnh lẽo: Kiểu làm của chủ thuyết tư bản cảm động” (2007); ”Cứu rỗi linh hồn tân tiến: Liệu pháp, các cảm xúc và nền văn hóa tự giúp mình” (2008). Năm 2012 giáo sư Illouz mới cho xuất bản cuốn sách tựa đề ”Tại sao tình yêu gây đau khổ: Một giải thích xã hội học” trình bầy về tình yêu, hôn nhân, và các liên hệ giữa nam nữ trong môi trường tư bản và tân tiến hiện đại.

Hỏi: Thưa bà Illouz, cuốn sách mới xuất bản của bà cho thấy rằng khổ đau vì yêu có các gốc rễ xã hội, chứ không phải chỉ có gốc rễ tâm lý mà thôi. Tại sao nó lại không hiển nhiên đối với chúng ta như vậy?

Đáp: Ngày nay người ta tin rằng các tai nạn tình yêu là hậu qủa trực tiếp lịch sử tâm thần của chúng ta. Lý thuyết của ông Freud, mà chúng ta chìm ngập trong đó từ Đệ Nhị Thế Chiến tới nay, khiến cho chúng ta quen với ý tưởng lý do các thất bại tình yêu của chúng ta là nơi chính chúng ta, trong lịch sử cá nhân của chúng ta, trong tiềm thức của chúng ta… Tôi đã muốn phản đối quan niệm này. Đối với tôi xem là điều cấp thiết phải khẳng định rằng các thất bại tình yêu trong cuộc sống riêng tư của chúng ta không phải hay không chỉ là hậu qủa của các bản vị tâm thần giòn mỏng, mà cũng là sản phẩm của các cơ cấu, các căng thẳng văn hóa và xã hội của thời đại tân tiến, của các tiến triển trong các tương quan xã hội giữa người nam và người nữ, của một thị trường tình yêu mới nổi lên, và các thất bại tình yêu của chúng ta cũng là hậu qủa của các giá trị thân thiết với chúng ta nhất như là sự tự do.

Hỏi: Chủ nghĩa cá nhân khiến cho các cá nhân dễ bị thương tích một cách qúa sức. Tại sao vậy thưa giáo sư?

Đáp: Trong Âu châu thời tiền tư bản, các người nam và người nữ đã gặp gỡ nhau trong một vũ trụ, trong đó họ được che chở trên bình diện cảm xúc và trên bình diện luân lý bởi sự hiện diện của nhóm. Đã có các luật lệ được chia sẻ của cuộc gặp gỡ và dấn thân yêu thương. Theo đuổi tán tỉnh một phụ nữ nào đó có các nghi thức rõ ràng của nó. Nghi thức đó đã có hiệu qủa trong việc xây dựng cuộc sống cảm xúc, điều hành các rung cảm và giảm thiểu sự không chắc chắn. Trong mô thức truyền thống nếu một người nam theo đuổi tán tỉnh một người nữ mà không dấn thấn và bỏ đi, thì bị mọi người kết án: từ phía người nữ, từ phía những ai sống chung quanh người nữ đó, và từ chính đương sự biết mình đã phạm một sai lầm. Sự minh bạch luân lý đó đã biến mất khỏi các tương quan tình yêu, và điều này khiến cho chúng ta trở nên dễ bị thương tích hơn.

Hỏi: Như thế thì ngày nay, sự nguy hiểm và không chắc chắn đang thắng thế hay sao thưa giáo sư?

Đáp: Vâng. Ngày nay tương quan tình yêu đã bị xác định, nếu tôi có thể nói như vậy, bởi sự không chắc chắn và bởi ý thức về sự liều lĩnh. Người ta không biết người ta cảm thấy gì, người ta không biết người khác cảm thấy gì, và còn hơn thế nữa người ta không biết đâu sẽ là các dấu chỉ của tình yêu và của sự dấn thân, đối với mình và đối với người khác. Dĩ nhiên, luôn luôn có những trường hợp, trong đó người ta biết một cách rất rõ ràng mình yêu hay không yêu. Nhưng nếu chúng ta loại trừ hai thái cực này đi, thì các tương quan được sống một cách hoàn toàn dưới dấu chỉ của sự không chắc chắn. Nhà xã hội học Ulrich Beck đã nói tới ”sự hỗn loạn của các tương quan yêu thương”. Đó là một kiểu nói rất đúng, bởi vì tình yêu đã trở thành một môi trường, trong đó không còn có luật lệ nào cả. Chắc chắn là người ta có thể đòi hỏi các luật lệ, nhưng một cách đương nhiên là người ta mau chóng tìm thấy rằng mình đòi hỏi một mình…

Hỏi: Thưa giáo sư, có người nói rằng sự đau khổ trong tình yêu đã luôn luôn hiện hữu. Thế thì cái gì phân biệt sự đau khổ trong tình yêu trong xã hội tân tiến ngày nay?

Đáp: Tôi không cho rằng sự đau khổ yêu thương là một hiện tượng chưa từng có, nhưng nó có một cái gì đó chưa từng có, trên bình diện phẩm chất, trong kinh nghiệm tân tiến của sự khổ đau. Thí dụ ngày nay sự khổ đau yêu thương được nhận thức như là một kinh nghiệm đe dọa sự toàn vẹn của cái tôi của các cá nhân, bởi vì tình yêu đã có một vai trò đè bẹp trong việc xây dựng sự tự đánh giá mình trong các xã hội của chúng ta. Tình yêu trao ban cho chúng ta ý thức giá trị của chúng ta.

Hỏi: Như thế nói cho cùng, đó là điều mà giáo sư miêu tả là sự trồi lên của ”thị trường tình yêu” có phải thế không?

Đáp: Vâng. Sự thay đổi lớn của các cuộc gặp gỡ yêu thương là kết qủa sự không có luật lệ của chúng, của một tiến trình ”tách rời” cuộc gặp gỡ yêu đương khỏi các khung cảnh luân lý truyền thống điều hành nó. Người ta đã bắt đầu đưa ra môt sự cạnh tranh mạnh mẽ liên quan tới cuộc gặp gỡ yêu đương. Không phải tất cả mọi cá nhân đều có cùng các khả năng để đương đầu với sự cạnh tranh này. Sự tự do tính dục giống như sự tự do kinh tế: nó tổ chức, đóng khung và hợp thức hóa các bất đồng đều.

Hỏi: Không thảo luận nó trở lại giáo sư cho thấy rằng cuộc cách mạng tính dục đã không duy trì các lời hứa của nó. Tại sao vây?

Đáp: Chủ thuyết nữ quyền đã vứt bỏ các cấu trúc quyền bính mà không đụng tới các hạ tầng cơ sở. Trong xã hội phụ hệ trước hết đã có sự cân đối giữa đàn ông và đàn bà, bởi vì cả hai phía đều tìm lấy nhau. Trong chế độ truyền thống ấy người nam tự định nghĩa qua việc kiểm soát được việc thực thi trên một người nữ và trên con cái và muốn truyền bá tên tuổi của mình. Đối với các người nam hôn nhân rất thường khi cũng đã là hoạt động tài chánh quan trọng nhất cuộc sống của họ. Như thế ngày xưa người nam muốn một hôn nhân và một gia đình cũng như người nữ. Tình trạng này đã triệt để thay đổi vào hậu bán thế kỷ XX. Chủ thuyết tư bản đã khiến cho nam giới ra khỏi gia đình và đã cho phép họ kiếm sống ở bên ngoài. Nó đã khiến cho họ ít lệ thuộc hơn vào lãnh vực riêng tư. Thêm vào đó là các hiệu quả của cuộc cách mạng tính dục trong các thập niên 1970. Nam giới tự do tiếp xúc với tính dục mà không qua hôn nhân nữa. Các thay đổi đó là lý do sự bất bình đẳng, bởi vì phụ nữ tiếp tục ước mong có con cái và một gia đình ổn định. Thế rồi còn có các yếu tố khác khiến cho sự bất bình đẳng ấy gia tăng như: sự kiện nam giới không phải tuân hành đồng hồ sinh học như nữ giới, họ đã theo một tính dục hàng loạt ít dấn thân hơn trên bình diện cảm xúc, họ có khả thể lớn hơn trong việc lựa chọn các phụ nữ trẻ hơn hay già hơn. Họ có quyền bính, bởi vì quyền bính gắn liền với một khả thể lựa chọn lớn hơn.

Hỏi: Trong mức độ nào giáo sư tin rằng có thể nối liền luân lý đạo đức với sự sự tự do yêu đương và tự do tính dục?

Đáp: Tôi không biết, và không phải bởi vì tôi đã không suy tư điều đó. Tôi gặp khó khăn tin rằng có thể đi tới một thuyết nhân bản thứ hai của tình yêu, như triết gia Luc Ferry đề nghị. Điều này bao hàm khả thể thánh thiêng hóa tha nhân, nhưng chúng ta lại thiếu chính khả thể này. Sự tự lập, sự tự do, việc lựa chọn tạo ra một cái gì giống như chủ thuyết tương đối của cảm xúc. Làm sao có thể hạn chế tiến trình này, có thể hạn chế nó không? Tôi không biết, bởi vì không thể vẽ chân dung của sự tự do. Sự tự do tính dục có một khía cạnh mà người ta thường không muốn thấy: đó là người ta vật dụng hóa tha nhân. Tha nhân trở thành một dụng cụ, một phương tiên cho khoái cảm của tôi. Đó là điều mà triết gia Kant cấm chúng ta làm: đối xử với người khác như là một phương tiện. Ngoài ra nó khiến cho các nhân đức truyền thống như sự kiên trì, sự liêm chính, khả năng hy sinh chính mình … trở thành khó hơn. Weber là nhà xã hội học đầu tiên đã khiến cho chúng ta nghi ngờ sự tự do tân tiến, bằng cách nói rằng nó cũng là một cái ”cũi sắt”. Quan niệm của ông về sự tân tiến có một cấu trúc thê thảm. Weber có cảm tưởng rằng mình đang mất đi những điều sẽ không thể nào thu hồi được nữa và phải chịu vậy thôi.

Hỏi: Thưa giáo sư Illouz, đâu là vai trò của các nền luân lý, có tính cách tôn giáo hay ít có tính cách tôn giáo, trong việc tiếp tục hiệp nhất luân lý đạo đức và cuộc sống yêu thương?

Đáp: Tôi tin rằng một cuộc đối thoại giữa tất cả các thành phần xã hội là điều nòng cốt. Các thành phần xã hội: các người ủng hộ nữ quyền, các giới chức tôn giáo, các người đời cần phải nói với hhau, đối thoại, trao đổi với nhau. Như là nhà xã hội học, vai trò của tôi là minh giải các từ của cuộc thảo luận, mà chúng ta phải chú ý trong xã hội dân sự. Tôi sẽ không bao giờ nói rằng các nền luân lý truyền thống không có gì để đem đến cho chúng ta. Trái lại là đàng khác.

(Avvenire 23-5-2013)

Linh Tiến Khải

Related posts