Tài liệu 

Chia sẻ Lời Chúa phong phú hơn (phần II)

CHIA SẺ LỜI CHÚA PHONG PHÚ HƠN:
TRẦN THUẬT KINH THÁNH 
TRONG THÁNH LỄ

Goughlas Martis
Chicago Studies
Vol. 50, no. 3, số tháng 9–12/2012, tr. 272–282
(tiếp theo và hết)

PHỤNG VỤ GIỜ KINH

Một kho tàng nữa của Kinh Thánh thường hay bị bỏ quên, đó là Phụng Vụ Các Giờ Kinh. Trong câu Giáo Đầu, từ ngữ trong Thánh Vịnh 51 được đặt trên miệng chúng ta mỗi khi ngày bắt đầu: “Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con…,” là âm vang vọng của câu

Ephphetha trích từ Bí Tích Rửa Tội. Lời đầu tiên được thốt lên để mở đầu một ngày phụng vụ được lấy trực tiếp từ các trang sách thánh. Thêm vào các Thánh Vịnh và bài đọc, một yếu tố kiến tạo của Giờ Kinh được tìm thấy trong các thánh thi.

Một trong những khám phá lớn trong việc sưu khảo Kinh Thần Vụ là sự phục hồi các thánh thi vốn rất hợp với Phụng Vụ Các Giờ Kinh. Sau khi khảo cứu các thánh thi trong bản nguyên mẫu mà nguồn gốc của nó bén rễ sâu vào truyền thống, một bài hát như “Bình Minh Đã Rạng Ngời” dường như có vẻ quá mờ nhạt, yếu ớt không chuyển tải được giá trị thần học và thiêng liêng của kinh nguyện này.

Chúng ta cần nhớ rằng hầu hết các thánh thi chính thức ở Kinh Thần Vụ có tuổi đời từ thời các giáo phụ. Nhiều bài được sáng tác trong thời gian có những cuộc tranh cãi và rối loạn về thần học. Chúng được đưa vào Kinh Thần Vụ với hy vọng chiến thắng dị giáo và đặt niềm tin chân truyền vào môi miệng dân Kitô. Giai điệu bùi tai của ngụy thuyết bị áp đảo bởi việc lặp đi lặp lại và tích hợp các ca từ chân truyền.

Những thánh thi này cũng làm nổi bật một số khía cạnh của ngày và tuần lễ theo ý nghĩa Kitô Giáo. Khi tập chú vào sinh nhật của ngày mới, việc chết đi cho cái cũ, niềm vui sống lại hoặc việc phán xét của ngày cánh chung, dựa vào khi mỗi điều xảy ra trong tuần lễ.

Trong khi các bài thánh thi với chu kỳ năm, tập trung vào việc ca tụng Chúa tạo thành, cũng như nguồn gốc ánh sáng chân thật hướng dẫn con thuyền đời sống của ta qua việc sáng tạo và soi lối đời sống thiêng liêng của ta, các thánh thi dành cho các mùa được nêu ra như khởi điểm của mầu nhiệm cứu chuộc. Qua hết bài thánh thi này đến bài khác, chúng ta được hướng dẫn qua chủ điểm ca ngợi Thiên Chúa Đấng không những đã tạo dựng nên ta, mà còn cứu chuộc chúng ta theo cách hết sức ân cần qua Người Con của Ngài.

Một ví dụ hoàn hảo về sự tinh tế và giá trị của thi ca thánh có thể tìm thấy trong các bài thánh thi kinh chiều của tuần thứ nhất. Bắt đầu với Chúa Nhật là bài Lucis creator optimeHỡi Đấng Sáng Tạo Ánh Sáng, những thánh thi này dựa theo những tác phẩm của Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả. Chúng phác thảo nên việc sáng tạo thế giới bằng công trình tạo dựng mỗi ngày tương ứng với ngày trong tuần: việc sáng tạo vòm trời,[1] phân chia đất và biển,[2] tạo dựng các tầng trời,[3] và chim trời cá biển, v.v…[4]

Việc cử hành kinh Thần Vụ phải được làm thường xuyên, chứ không chỉ là việc ngẫu hứng, tạo nên đời sống mỗi Kitô hữu. Được cử hành không ồn ã khoa trương hoặc cuồng nhiệt, được đọc cách khoan thai là đặc tính của phụng vụ Rôma, nó có thể cổ võ các nhân đức vốn là thành phần của cảm nghiệm thiêng liêng của kinh Thần Vụ. Nó đòi phải có kiên nhẫn, thực tế, yêu mến và khiêm tốn.

Dư luận vốn truyền tụng một điều sai lầm là, cha sở không phải là đan sĩ, và hát kinh Thần Vụ thì lại là công việc của các đan sĩ. Tôi chưa từng đọc thấy điều này ở bất cứ đâu. Quả thực, Giáo Hội đã đề ra một điều khác hoàn toàn:

Việc hát kinh thần vụ cần phải được duy trì hơn nữa vì đó là bản tính của kinh và đó là một cách cử hành long trọng hơn và hợp nhất sâu xa hơn với các tâm hồn muốn dâng lời ca tụng lên Thiên Chúa. . . . Do đó rất khuyến khích những ai cử hành kinh phụng vụ này ở ca triều hay ở nơi chung hãy cử hành bằng việc hát kinh.[5]

Trong bất cứ tuần nào, Kinh Sách giúp cho chúng ta có một số bài suy niệm sâu xa về cầu nguyện:

Ôrigênê: Bài Giảng về Giosuê (PL 12, 842–843):

Vậy, bạn đừng tưởng rằng những gì đã xảy ra cho người thời xưa không còn xảy ra cho bạn là người hiện đang nghe kể lai: tất cả đang được hoàn tất nơi bạn cách thiêng liêng.  Thật vậy, khi đã lìa bỏ bóng tối, tức là việc thờ ngẫu tượng, bạn muốn dấn thân vâng theo luật Thiên Chúa, thì bạn đang bỏ đất Ai Cập xưa đấy.

Thánh Ambrôsiô: Giải Nghĩa Các Thánh Vịnh (Tv I, 4, 7–8; CSEL 64, 4–7):

Lịch sử thì giáo dục, luật pháp thì dạy dỗ, sấm ngôn thì loan báo, lời khiển trách thì sửa dạy, cách sống đạo đức thì thuyết phục, còn sách Thánh Vịnh thì làm cho tất cả nhưng điều trên được tiến triển, và là thần được để đem ơn cứu độ cho muôn người. Ai đọc cũng tìm được phương thuốc đặc biệt có thể chữa lành những vết thương do dục vọng của mình gây nên. Ai muốn tìm, như trong một thao trường thiêng liêng và đấu trường nhân đức, thì đều thấy đủ mọi môn thi đấu đã được bày sẵn, để mình chọn môn nào mình thấy thích hợp hơn, hầu để đat được vòng hoa chiến thắng hơn.
[….]
Vậy theo các thánh vịnh thì không những Đức Giê-su sinh ra cho chúng ta, Người còn đem thân đón lấy cuộc thương khó cứu độ, rồi Người nghỉ yên, chỗi dậy, và lên trời ngự bên hữu Chúa Cha. Điều đó, không một ai trong loài người dám nói tới, mà chỉ một mình vị ngôn sứ này đã loan báo, rồi về sau, trong sách Tin Mừng, chính Chúa đã rao giảng.

Còn gì thú vị hơn thánh vịnh? […]Đúng thế, thánh vịnh là lời chúc tụng của dân, là lời ngợi khen Thiên Chúa, là tiếng vỗ tay của muôn loài, là lời lẽ của vũ trụ, là tiếng nói của Hội Thánh, là lời tuyên tín vang lừng, là lòng sùng mộ đầy tràn và đích thực, là niềm hoan hỉ của con người tự do, là tiếng reo mừng, và là âm vang của niềm hoan hỉ. Thánh vịnh làm nguôi cơn giận, giúp trút bỏ gánh âu lo, làm vượt nỗi ưu phiền. Thánh vịnh là khí giới ban đêm, là thầy dạy ban ngày, là khiên che lúc sợ hãi, là lễ hội thánh thiện, là hình ảnh của yên tĩnh, là bảo chứng của bình an hòa thuận. Tựa cây huyền cầm, thánh vịnh tấu lên một ca khúc duy nhất gồm nhiều giọng khác nhau. Mặt trời ló rạng, tiếng thánh vịnh ngân lên. Mặt trời ngả bóng, tiếng thánh vịnh còn vang dội.

Trong thánh vịnh, giáo huấn và thi vị chen vai sát cánh. Ta hát để thưởng thức, đồng thời ta học để thông hiểu. Nào có chi bạn không được huởng khi đọc thánh vịnh? Trong thánh vịnh, tôi đọc thấy câu hát cho người yêu và trong tôi bừng lên lửa khát khao về một nguồn yêu mến thánh thiện.

Và sợ người ta có định kiến rằng tất cả những khái niệm trên là cổ điển rồi, tôi tìm thấy hạt ngọc này trong Tuần Lễ Phụng Vụ 1932 ở Bỉ. Chủ đề của tuần lễ này là Phụng Vụ và Đời Sống Kitô Hữu. Bernard Capelle là tu sĩ dòng Bênêđictô ở Maredsous. Sau này, chính ông đã trở thành đan viện trưởng của đan viện Mt. César ở Louvain.

Trên hết, phụng vụ là một lời cầu nguyện và lời nguyện tuyệt vời! Nó là một lời nguyện nhân bản: lời nguyện của thụ tạo trước Chúa của họ với một nhận thức rằng mọi sự đều dựa vào mối liên hệ này. Nó là lời nguyện của con trẻ nhìn lên cha mình; lời nguyện của tội nhân, một người con hoang đàng, của người vừa được cứu sống. Mọi sự đều được tìm thấy ở đây: ca tụng, cảm tạ, than thở, van nài, và trên hết, ước ao giữa tuyệt vọng của kẻ bị lưu đày.[6]

Nó là một lời nguyện đơn sơ và cao quí của Giáo Hội, không giả đò, không động lực nào khác ngoài việc ca tụng Thiên Chúa khiến cho nó trở nên có mãnh lực. Là một sinh hoạt thường ngày, nó luôn đặt Kinh Thánh trên môi miệng, trong tâm trí chúng ta.

THUẬT TRUYỆN KINH THÁNH

Phần cuối được đề cập là việc phục hồi thuật truyện Kinh Thánh. Như đã đề cập ở trên, nếu không hiểu bối cảnh văn hóa vì đó ngôn ngữ phụng vụ triển khai, chúng ta sẽ không thể cảm hưởng sự phong phú của các biểu cảm phụng vụ.

Những tâm tình đơn sơ có thể giúp ích rất nhiều trong việc nuôi dưỡng tốt hơn ý thức đối với câu chuyện Kinh Thánh ẩn sau các văn bản trong Nghi Thức Thánh Lễ. Ví dụ:

  1. Thánh Lễ bắt đầu và kết thúc bằng Kinh Thánh. Điều này khá cụ thể. Lời của Dấu Thánh Giá được lấy từ bản văn Matthêu 28, 19. Chúng gợi lên hình ảnh Thăng Thiên, nhưng cũng là hình ảnh của mọi thập giá được nói trong Kinh Thánh. “Hãy xem thập giá của Đức Kitô đã trở nên cây hằng sống như thế nào.” Chúng nhắc nhở cho chúng ta từng thập giá trong đời Kitô hữu: những thập giá thể lý, tinh thần, tình cảm, và phụng vụ nữa.
  2. Lời Chào đầu lễ gợi lên trong tâm trí chúng ta hình ảnh Thánh Phaolô, Sách Bà Rút và Phúc Âm Thánh Gioan.
  3. Trong phần chuẩn bị lễ vật, sau khi dân chúng và linh mục dâng lên của lễ, khi cúi mình người linh mục nhẩm đọc lời của Agiaria: “Nhờ dấu chỉ nước hòa rượu này, xin cho chúng con được tham dự vào thần tính của Ðấng đã đoái thương thông phần nhân tính của chúng con.”[7] Điều này sẽ gợi nhớ đến câu chuyện của ba thanh niên trong lò lửa cháy rực. Chuyện kết luận bằng Bài Ca của Ba Thanh Niên hát trong mỗi Kinh Sáng Chúa Nhật. Nếu không biết đến những tương quan Kinh Thánh này, những điều vừa nói có thể bị coi như những từ trống rỗng.
  4. Trong Lễ Qui Rôma (Kinh Nguyện Thánh Thể I), việc đề cập đến Aben người công chính, Abraham, và Melkisêđê sẽ gợi lại những trần thuật tương ứng trong Sáng Thế các chương 4, 14, 15, và 22.
  5. Trong Kinh Nguyện Thánh Thể II, nghi thức úp tay với lời đọc có thể đan quyện chung câu chuyện Manna trong sa mạc của sách Xuất Hành cũng như làn gió nhẹ “rì rào”[8] làm cho dịu mát lò lửa cháy rực trong sách Đanien.[9]
  6. Trong lời nguyện thánh hiến, người tinh ý am hiểu Kinh Thánh sẽ nghe lời vang vọng của tiên tri Isaia: “Tôi trung của Ta sẽ làm cho muôn người nên công chính.”[10]
  7. Lúc chuẩn bị Hiệp Lễ, chúng ta khơi dậy sự khiêm nhượng của viên Bách Quân Trưởng trong Tin Mừng Thánh Luca: “Lạy Chúa, con chẳng dám Chúa ngự vào nhà con…”[11]

Hầu như từ mỗi động thái của Thánh Lễ, bản văn phụng vụ mang lại cho chúng ta một hình ảnh, một minh họa, hoặc một câu chuyện lấy từ trong Kinh Thánh.

Nếu công cuộc canh tân của Công Đồng Vatican II giúp cho người tín hữu Công Giáo có dịp nghe trình bày sâu sắc hơn về Kinh Thánh thì trong thời đại này, chúng ta có cơ hội vượt lên từ bài đọc Thánh Lễ để khai thác kho tàng vô tận trong các Lễ Thường Niên và Các Mùa  khác.  Các thày dạy, giáo lý viên, và các cha sở ngày nay có nhiều điều phải làm hơn trong lãnh vực này. Là đoàn dân yêu mến Kinh Thánh, yêu mến Giáo Hội và phụng vụ, chúng ta không được chọn con đường dễ dãi nhất, nhưng đúng hơn chúng ta phải chọn con đường phong phú nhất.


[1] St 1, 6–8
[2] St 1, 9–13
[3] St 1, 14–19
[4] St 1, 20–23
[5] Hướng Dẫn Tổng Quát về Các Giờ Kinh Phụng Vụ, 268.
[6] La liturgie: Soutien de la vie morale.” Bernard Capelle, OSB; trong Prière liturgique et vie chrétienne. Questions actuelles. Course et Conférences des Semaines liturgiques (Namur 12–16 Juin 1932), Gembloux:: Imprimerie J. Duculot, Louvain: Abbaye de Mont-César, 1932, tr. 109–125.
[7] Xem Đn 3, 39–40
[8] Xh 16, 13
[9] Đn 3, 50
[10] Is 53, 11–12
[11] Lc 7, 6–7
Tác giả bài viết: Lm. Đaminh Phạm Đức Sỹ, CMC, chuyển ngữ

Related posts