Tin Giáo Phận-Giáo xứ 

Bổn mạng và khánh thành nhà xứ Giáo họ Vĩnh Thạnh

Sau chuyến đi mục vụ tại Mỹ kéo dài 1 tháng rưởi, Đức cha Matthêô đã trở về giáo phận sáng ngày 14/8 để kịp dâng thánh lễ mừng bổn mạng và khánh thành nhà xứ Giáo họ biệt lập Vĩnh Thạnh vào lúc 9 giờ ngày 15/8, lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.  Trước thánh lễ, Đức cha đã làm phép nhà xứ Vĩnh Thạnh. Nhà xứ này đã được cha sở Nam Bình Phaolô Trương Đình Tu khởi công xây dựng đồng thời với công việc trùng tu nhà thờ Vĩnh Thạnh và được cha quản nhiệm F.X. Phan Văn Mạnh tiếp tục hoàn tất những công đoạn cuối cùng.

Bài giảng lễ được Đức cha dành trọn vẹn để nói lên những ân huệ của Đức Mẹ là sự khởi đầu cho những ân huệ mà Giáo hội sẽ được lãnh nhận: “Bài thánh ca Magnificat, “linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa”, chính là lời kinh mà các linh mục tu sĩ vào cuối ngày đã đọc lên để tạ ơn Thiên Chúa vì đã trải qua chuyến hành trình suốt một ngày và sắp được nghĩ yên. Sau khi đón nhận Ngôi Hai trong lòng mình, Đức Maria lên đường thăm bà chị họ Elisabeth, chuyến đi này có thể xem như hành trình của chúng ta xuyên qua trần gian. Sau khi nghe lời chào của Elisabeth, thì Đức Maria đã đọc lên bài Magnificat, trong đó Mẹ đã mô tả Thiên Chúa đã thực hiện bao nhiêu là kỳ công cho miêu duệ của Ngài là dân Israel và cho chính bản thân của Mẹ. Vốn Mẹ chẳng là gì nhưng được Thiên Chúa cất nhắc lên địa vị cao sang. Tín điều Đức Mẹ hồn xác lên Trời là kết quả của những ân huệ mà Giáo Hội vẫn tin nơi Đức Mẹ như ơn vô nhiễm nguyên tội, ơn đồng trinh trọn đời và là Mẹ Đấng Cứu Thế. Vì những ân huệ này, nên thân xác của Mẹ không hề bị hư nát như chúng ta, và vì thế việc Mẹ được đưa về Trời cả hồn lẫn xác là một điều hợp lý. Tuy nhiên, ân huệ này không chỉ dành riêng cho Đức Maria mà còn cho Giáo hội mà Đức Maria là khuôn mẫu… Đức Mẹ đã được gìn giữ khỏi tội tổ tông như thế nào thì Giáo hội cũng được gìn giữ khỏi sự tấn công của satan được biểu trưng bằng con rồng đỏ trong sách Khải Huyền ở bài đọc I trong thánh lễ hôm nay. Cũng như Đức Mẹ sinh Chúa Giêsu như thế nào thì Giáo hội cũng tiếp tục sinh Chúa Giêsu ra trong thế giới như vậy. Mỗi người chúng ta là con cái của Giáo Hội, chúng ta tôn kính Đức Mẹ, chúng ta cũng được mời gọi để sinh Đức Kitô ra trước hết trong lòng mình và sau đó là trong thế giới. Và cuối cùng thì cũng giống như Mẹ, chúng ta cũng được Chúa đưa về trời. Niềm tin Kitô giáo quả quyết rằng tất cả chúng ta rồi cũng sẽ được đưa về trời với Mẹ như Thánh Phaolô đã nói trong bài đọc thứ II … Ngày lễ hôm nay không phải là chúng ta mừng Mẹ được vinh quang trên Trời mà còn là một niềm hy vọng cho tất cả mọi người chúng ta đang đi trên con đường trần thế…”

Trở lại câu chuyện về nhà thờ Vĩnh Thạnh: có một giếng nước từ rất lâu đời trong khuôn viên nhà thờ mà trước đây mọi cư dân trong vùng đều đến đây để múc nước uống vì nước giếng này ngọt nhất trong cả vùng. Ngày nay, nước máy đã được dẫn đến từng nhà và người ta không còn nhớ đến giếng nước này nữa. Tuy nhiên, nước máy không được cung cấp thường xuyên. Những khi hết nước, người ta lại nhớ đến cái giếng cũ bị bỏ quên kia, nó vẫn hiện diện đấy và sẵn sàng thỏa mãn cơn khát cho những ai tìm đến. Hình ảnh này làm chúng ta nhớ đến Tv 42, 2-5 và nó nói đến một điều gì đó hơn là một nguồn nước…

Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong,
hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa.
……
Tôi thả hồn miên man tưởng nhớ
thuở tiến về lều thánh cao sang
đến tận nhà Thiên Chúa,
cùng muôn tiếng reo mừng tán tạ,
giữa sóng người trẩy hội tưng bừng.

Related posts