Tin Giáo hội 

Tổng kết chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Đức (22 – 25/09/2011)

Tổng kết chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Đức (22 – 25/09/2011)

WHĐ (26.09.2011) – Trong chuyến tông du bốn ngày vừa qua tại Đức từ ngày 22 đến 25 tháng Chín, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã cảnh báo rằng tình trạng vô thần và sự thờ ơ tôn giáo đã phá hoại nền tảng đạo đức của xã hội và khiến cho các thành viên yếu nhất gặp phải những nguy cơ mới.

Nhiều lần ngài nói đến nhiệm vụ bảo vệ thai nhi, và cho rằng người công giáo và người không công giáo có thể cùng nhau làm chứng trong lĩnh vực này để giúp chống xói mòn đạo đức.

Ngay khi đặt chân đến quê hương Đức trong chuyến viếng thăm cấp nhà nước chính thức đầu tiên vào ngày 22 tháng Chín, Đức Thánh Cha Bênêđictô đã tuyên bố ngài đến để “gặp gỡ mọi người và nói về Thiên Chúa.” Ngài nói điều đó với các nhà lãnh đạo chính trị, với các nhà lãnh đạo tôn giáo, với các tín hữu Công giáo và, qua các phương tiện thông tin đại chúng, với người dân Đức.

Vị giáo hoàng 84 tuổi đôi khi có vẻ mệt mỏi vì chương trình dầy đặc các sự kiện, nhưng nói chung được tổ chức tốt. Ngài cười rạng rỡ khi những người Công giáo nhiệt thành ở miền trung và miền nam nước Đức hô vang tên ngài và vẫy các biểu ngữ với khẩu hiệu của chuyến tông du: “Ở đâu có Thiên Chúa, ở đó có tương lai.”

Khi Đức Thánh Cha bước ra khỏi máy bay tại thủ đô Berlin, ngài đã được Tổng thống Christian Wulff và Thủ tướng Angela Merkel chào đón. Đức Thánh Cha mỉm cười khi hai em bé dâng hoa cho ngài, và đại bác nổ 21 phát súng chào mừng.

Trong buổi lễ chào đón tại Dinh Tổng thống Bellevue ở Berlin, Đức Thánh Cha mạnh mẽ bảo vệ tiếng nói của Giáo Hội trong các vấn đề chung và nói rằng bác bỏ các giá trị tôn giáo như những gì chẳng liên quan sẽ “cắt đứt nền văn hóa của chúng ta.”

Tổng thống Wulff, trong bài phát biểu với Đức Thánh Cha, đồng ý rằng sứ điệp của Giáo Hội là cần thiết trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, vị Tổng thống 52 tuổi –là một người Công giáo đã ly dị và tái hôn–, nói thêm rằng Giáo Hội cũng phải đối mặt với các thách đố quan trọng của ngày nay: “Làm thế nào để đối xử một cách thương xót với những đổ vỡ trong cuộc sống của các cá nhân? Làm thế nào đề cập đến những đổ vỡ trong chính lịch sử Giáo Hội hoặc với hành vi sai trái của các thành viên trong hàng giáo sĩ?”

Sự kiện chính ở Berlin của Đức Thánh Cha là bài phát biểu với Quốc hội Đức. Đây là lần đầu tiên ngài ngỏ lời với một cơ quan lập pháp. Mặc dù có hàng chục nghị sĩ tẩy chay sự kiện này, ngài đã được toàn thể Quốc hội hoan nghênh nhiệt liệt.

Bài phát biểu của Đức Thánh Cha, với cung giọng triết học, lập luận rằng niềm tin vào Thiên Chúa là nền tảng cho sự tiến bộ của phương Tây về pháp luật, công bằng xã hội và các quyền con người qua nhiều thế kỷ.

Ngài nói, Đức Quốc Xã là một minh họa cho thấy nếu không có công lý, nhà nước sẽ trở thành “một băng cướp có tổ chức cao, có khả năng đe dọa cả thế giới và dẫn đưa thế giới đến bờ vực thẳm.”

Ngài nói, hôm nay với những cơ hội chưa từng có để thao túng con người, mối đe dọa thậm chí còn kinh hoàng hơn. Ngài chỉ ra rằng phong trào sinh thái của Đức là một bước đi đúng hướng, nhưng ngài cũng nói một “nền sinh thái về con người” là cần thiết để bảo vệ phẩm giá con người.

Sau đó Đức Thánh Cha đã gặp các đại diện Do Thái. Ngài nhắc lại “triều đại khủng bố” của Đức Quốc xã tại quê hương ngài và nói rằng nó cho thấy con người có khả năng làm điều gì khi họ từ chối Thiên Chúa.

Người được gán cho là “toàn năng” Adolf Hitler là một thần tượng ngoại giáo, người muốn chiếm chỗ của Thiên Chúa trong Kinh Thánh là Đấng sáng tạo và là cha của mọi người.

Cử hành Thánh Lễ tại sân vận động Olympic Berlin cho 70.000 người, Đức Thánh Cha kêu gọi hãy hiểu biết Giáo Hội nhiều hơn, một sự hiểu biết vượt lên các tranh cãi hiện tại và các thiếu sót của các thành viên Giáo Hội.

Trên chiếc máy bay khởi hành từ Roma, Đức Thánh Cha nói với các phóng viên rằng ngài hiểu cảm xúc của những người Công giáo Đức đã rời bỏ Giáo Hội vì những tiết lộ về việc lạm dụng tình dục của giáo sĩ, nhưng ngài kêu gọi họ hãy hành động chống lại tội ác như thế “từ bên trong Giáo Hội.” Sau đó Đức Thánh Cha đã gặp năm nạn nhân bị lạm dụng tình dục ở Erfurt, một cuộc gặp gỡ mà Vatican cho biết khiến cho Đức Thánh Cha “xúc động và rất bàng hoàng.”

Ngày 23 tháng Chín, Đức Thánh Cha chủ trì sự kiện đại kết lớn tại Erfurt, nơi Martin Luther thụ phong linh mục và nơi có tu viện Augustinô mà Luther đã sống nhiều năm. Gặp gỡ các nhà lãnh đạo Giáo hội Luther, Đức Thánh Cha cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo và nói rằng phong trào đại kết hiện nay phải đối mặt với mối đe dọa từ cả trào lưu tục hóa lẫn não trạng chính thống cực đoan Kitô giáo.

“Thiên Chúa ngày càng bị đẩy ra khỏi xã hội chúng ta… Chúng ta có chịu khuất phục trước áp lực của thế tục hóa, và trở thành hiện đại bằng cách pha loãng đức tin hay không?”

Đức Thánh Cha cũng cảnh báo cần chống lại quan điểm về đại kết như là một loại đàm phán. Con đường tốt nhất cho sự hiệp nhất Kitô giáo là can đảm làm chứng cho Tin Mừng trong một xã hội thường là thù địch với đức tin.

Gặp các đại diện Chính Thống giáo ngày 24 tháng 9, Đức Thánh Cha kêu gọi các Giáo Hội Kitô giáo ở Đức cùng nhau lên tiếng bảo vệ cuộc sống con người “từ lúc thụ thai đến khi chết tự nhiên” và bảo vệ “hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, chống lại bất kỳ giải thích sai lạc nào.”

Trong cuộc gặp gỡ với các tín hữu ở Erfurt và Freiburg, Đức Thánh Cha đã không đi vào chi tiết của các vấn đề tranh cãi đã chia rẽ những người Công giáo Đức, chẳng hạn như độc thân linh mục, phong chức cho phụ nữ và giáo huấn của Giáo hội về đồng tính. Thay vào đó, Đức Thánh Cha giảng về tầm quan trọng sống Tin Mừng và nêu gương các vị thánh Đức như mẫu gương của việc kết hợp mật thiết với Chúa Kitô.

Trong một Thánh lễ tại Erfurt, một thành phố ở Đông Đức cũ, Đức Thánh Cha nói rằng chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản giống như “cơn mưa axít” đối với Kitô giáo. Nhưng sự đàn áp và những khó khăn trong những năm đen tối ấy đã khiến nhiều người Công giáo có được một đức tin mạnh mẽ hơn, có lẽ mạnh mẽ hơn là khi được tư do như hiện nay.

Ngỏ lời với các giáo dân lãnh đạo tại Freiburg ngày 24 tháng Chín, Đức Thánh Cha nói Giáo Hội Đức rõ ràng là “được tổ chức một cách tuyệt vời.” Rồi ngài đặt câu hỏi: “Nhưng đằng sau những cấu trúc ấy, liệu cũng có một sức mạnh tinh thần tương ứng hay không?” Ngài đề nghị rằng các cộng đoàn Kitô hữu nhỏ có thể là con đường hứa hẹn nhất trong việc đổi mới tác động của Giáo Hội trên xã hội.

Tại buổi canh thức cầu nguyện ở Freiburg, Đức Thánh Cha đi trên chiếc chuyên xa giữa các bạn trẻ reo hò và chụp ảnh bằng điện thoại di động. Một tấm biển chỉ đường khổ lớn viết bằng tiếng Anh: “Đường lên trời – B16”.

Bài nói chuyện với giới trẻ của Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng nỗ lực của con người để kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn không bao giờ đủ, chỉ có đức tin vào Thiên Chúa mới vượt qua được “bóng tối và u ám” của đau khổ và sự ác.

Trong Thánh Lễ vào ngày cuối cùng –25 tháng Chín– ở Freiburg, Đức Thánh Cha nói với khoảng 100.000 người tham dự rằng những người theo thuyết bất khả tri là những người loay hoay với vấn đề Thiên Chúa còn gần vương quốc Thiên Chúa hơn những người Công giáo “theo thói quen”, những người mà đức tin chẳng chạm được đến trái tim họ.

Đức Thánh Cha cho biết Giáo Hội Đức chỉ có thể tác động đến xã hội nếu mọi người cùng “trung thành với ơn gọi của mình” trong sự hợp nhất với giám mục và Đức Thánh Cha.

Trong một cuộc gặp gỡ sau đó với người Công Giáo tham gia vào các tổ chức Giáo Hội, các phong trào giáo dân và đời sống chính trị, Đức Thánh Cha nói rằng cách tốt nhất mà Giáo Hội có thể ảnh hưởng đến xã hội là “loại bỏ tính trần tục của Giáo Hội” và đừng áp dụng các tiêu chuẩn của xã hội thế tục cho Giáo Hội. Lịch sử đã chỉ ra rằng khi được giải thoát khỏi những gánh nặng về tổ chức và chính trị, chứng tá truyền giáo của Giáo Hội sẽ ngời sáng hơn.”

(John Thavis, Catholic News Service, 25-09-2011)

Nguồn:  WHĐ

Related posts