Chủ đề của Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội năm 2012: “Thinh lặng và Lời nói: Con đường Phúc âm hóa”
Chủ đề của Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội năm 2012: “Thinh lặng và Lời nói: Con đường Phúc âm hóa”
Hội đồng Tòa Thánh về Truyền thông Xã hội giải thích: Thinh lặng không đơn thuần là “phương thuốc chữa trị các dòng chảy thông tin liên tục và không ngừng” vốn là đặc trưng của xã hội hiện đại. Đúng hơn, thinh lặng cần thiết cho sự tiêu hóa thông tin ấy.
Việc tập trung một biến cố vào sự thinh lặng là cần thiết dưới ánh sáng của “bản chất vô cùng đa dạng” của truyền thông hiện đại.
“Chính vì thinh lặng giúp cho thói quen phân định và suy tư, nên về mặt thực tế có thể được coi như một phương tiện chủ yếu đón nhận lời nói”.
Thinh lặng và truyền thông bổ sung cho nhau và có thể là những yếu tố then chốt của “Tân Phúc âm hóa”.
Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội là Ngày cử hành trên quy mô quốc tế duy nhất được Công đồng Vatican II ấn định với Sắc lệnh Inter Mirifica (1963). Tại hầu hết các quốc gia, Ngày này được tổ chức vào Chúa nhật trước Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Năm 2012, Ngày này rơi vào ngày 20 tháng Năm. Theo truyền thống, Sứ điệp của Đức giáo hoàng cho sự kiện này được công bố ngày 24 tháng Giêng, lễ kính Thánh Phanxicô Salêsiô, bổn mạng các nhà văn.
Rõ ràng là Đức Thánh Cha muốn liên kết chủ đề của Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội năm 2012 với chủ đề của Thượng hội đồng Giám mục Thế giới sắp tới (tháng Mười 2012): “Tân Phúc âm hóa để truyền bá Đức Tin Kitô giáo”.
Sứ điệp của Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội năm 2011 có chủ đề: “Sự thật, Việc Loan báo và Cuộc sống thực trong thời đại kỹ thuật số”. Trong Sứ điệp này Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI kêu gọi Kitô giáo hiện diện trên các trang mạng xã hội.
Ngài nói rằng công nghệ mới đang làm “nảy sinh một lối học tập và suy nghĩ mới, với những cơ hội chưa từng có cho việc thiết lập các mối quan hệ và tình thân hữu”. Và ngài cảnh báo về mối hiểm họa tạo ra một “sự hiện hữu song song”, tạo ra một hình ảnh giả tạo về mình trên mạng; vì thế nếu được sử dụng cách khôn ngoan, công nghệ mới này có thể góp phần làm thỏa mãn niềm khao khát về ý nghĩa, sự thật và sự hiệp nhất”.
(Tổng hợp từ CNA, 29-09-2011 và nguồn khác)