Trách nhiệm lớn của những ai làm việc trong vườn nho của Chúa
Trách nhiệm lớn của những ai làm việc trong vườn nho của Chúa
Sau 3 tháng nghỉ hè, trưa Chúa Nhật 2-10-2011 lần đầu tiên Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã có buổi đọc kinh Truyền Tin chung với hàng ngục ngàn tín hữu và du khách hành hương tại quảng trường thánh Phêrô. Ngài mời gọi mọi người, đặc biệt là những ai cầm quyền, ý thức trách nhiệm của mình khi làm việc trong vườn nho của Chúa. Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến, Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay kết thúc với lời Chúa Giêsu cảnh cáo một đặc biệt nghiêm khắc các mgười lãnh đạo giới tư tế và kỳ mục trong dân: ”Nước Thiện Chúa sẽ bị cất khỏi các ông và sẽ được ban cho một dân tộc sinh hoa trái” (Mt 21,43). Đó là các lời khiến chúng ta nghĩ tới trách nhiệm lớn của con người trong mọi thời đại được mời gọi làm việc trong vườn nho của Chúa, đặc biệt là những người nắm vai quyền bính, và chúng thúc đẩy canh tân lòng trung thành trọn vẹn với Chúa Kitô. Người là ”hòn đá mà các thợ xây đã loại bỏ” (x. Mt 21,42), bởi vì họ xét đoán Người là kẻ thù của lề luật và nguy hiểm cho trật tự cộng cộng. Bị khước từ và đóng đanh, nhưng chính Người đã sống lại và trở thành ”hòn đá góc”, trên đó có thể đặt các nền móng của mọi cuộc sống con người và của toàn thế giới một cách tuyệt đối vững chắc. Dụ ngôn các người làm vườn nho bất trung nói về sự thật này. Họ được một người giao pho cho vườn nho của ông để vun trồng và thu hoa trái. Chủ vườn nho là chính Thiên Chúa, trong khi vườn nho biểu tượng cho dân Người cũng như sự sống mà Chúa trao ban cho chúng ta, để chúng ta làm việc thiện với ơn thánh của Người và sự dấn thân của chúng ta. Thánh Agostino chú giải rằng: ”Thiên Chúa vun trồng chúng ta như một cánh đồng để khiến cho chúng ta trở nên tốt lành hơn” (Sermo 87,1,2: PL 38,531).
Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Thiên Chúa có một dự án cho các bạn hữu của Người, nhưng rất tiếc câu trả lời của con người thường hướng tới sự bất trung, được diễn tả ra bằng sự khước từ. Sự kiêu căng và tính ích kỷ ngăn cản con người nhận ra và tiếp nhận ơn cao trọng nhất của Thiên Chúa: đó là Con Một của Người. Thật thế, thánh sử Mátthêu viết: ”Ông chủ sai con mình đến với các tá điền… nhưng họ bắt lấy anh, đuổi anh ra khỏi vườn nho và giết đi” (Mt 21,37). Thiên Chúa tự nộp mình trong tay chúng ta, chấp nhận trở thành mầu nhiệm khôn dò của sự yếu đuối và bầy tỏ quyền năng của Người trong sự trung thành với chương trình tình yêu, mà sau cùng cũng thấy trước cả việc trừng phạt công bằng đối với các kẻ gian ác nữa (x. Mt
21,41). Rồi Đức Thánh Cha khuyến khích mọi người như sau:
Cắm neo một cách vững vàng trong niềm tin nơi đá góc là Chúa Kitô, chúng ta hãy ở lại trong Người như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái nếu không ở lại trong cây nho. Chỉ trong Người, cho Người và với Người Giáo Hội dân của Giáo Ước mới, mới được xây dựng. Đức Phaolô VI, vị Tôi tớ Chúa đã viết về điểm này như sau: ”Hoa trái đầu tiên của ý thức được đào sâu của Giáo Hội về chính mình là việc canh tân khám phá ra tương quan sinh động của mình với Chúa Kitô. Đây là điều rất được biết tới, nhưng nền tảng, cần thiết, và không bao giờ được hiểu biết, suy niệm và cử hành đủ” (Enc. Ecclesiam suam, 6-8-1964: AAS 56 (1964) 622).
Các bạn thân mến, Thiên Chúa luôn luôn gần gữi và hoật động trong lịch sử nhân loại, và Người đồng hành với chúng ta bằng cả sự hiện diện đặc biệt của Người nơi các Thiên thần, mà hôm nay Giáo Hội tôn kính như ”các Thiên thần Bản mệnh”, nghĩa là các thừa tác sự lo lắng của Thiên Chúa đối với từng người. Từ khởi đầu cho tới giờ chết, cuộc sống con người được bao bọc bởi sư che chở liên lỉ của các ngài. Và các Thiên thần làm thành triều thiên của Nữ Vương oai nghiêm chiến thắng, là Đức Trinh Nữ Maria Mân Côi, Đấng trong ngày Chúa Nhật đầu tháng mười, và chính trong lúc này đây, từ Đền Thánh Pompei và từ toàn thế giới tiếp nhận lời Khẩn cầu sốt mến, để sự dữ bị đánh bại và lòng lành của Thiên Chúa được vén mở trọn vẹn.
Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
Sau Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau.
Bằng tiếng Pháp, nhân dịp các đại học khai giảng, Đức Thánh Cha mời gọi các giáo sư thông truyền cho sinh viên tình yêu đối với sự hiểu biết và chân lý qua lời giảng dậy của mình. Sự hiểu biết quan trọng, nhưng quan trọng hơn là việc đào tạo con người biết nhận định đâu là chân lý để có thể tự đo lựa chọn. Cũng cần đào tạo người trẻ sống các giá trị luân lý và tinh thần đích thật, để giúp họ tìm ra ý nghĩa cuộc sống. Trong tháng mười này xin Đức Bà Mân Côi đồng hành với tất cả những ai dấn thân trong việc đào tạo và giáo dục.
Trong tiếng Anh và tiếng Ba Lan Đức Thánh Cha gửi lời chào các tham dự viên đại hội quốc tế Lòng Từ Bi Chúa đang diễn ra tại Cracovia và cầu mong sứ điệp tươi vui vềè Lòng Từ Bi Chúa là suối nguồn hy vọng được đem tới khắp nơi trên thế giới.
Trong tiếng Ý ngài mời gọi mọi người cảm tạ Thiên Chúa về gương mặt rạng ngời của nữ tu Antonia Maria Verna, sống giữa thế kỷ XVIII-XIX, mẫu gương của phụ nữ thánh hiến và là nhà giáo dục. Chị là sáng lập viên dòng các Nữ tu Bác ái của Đức Mẹ Vô Nhiễm Ivrea và sẽ được Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, phong Chân phước chiều Chúa Nhật tại Ivrea.
Ngoài ra Đức Thánh Cha cũng nhắc tới sáng kiến truyền giáo tháng 10 có khẩu hiệu là ”Chúa Giêsu ở giữa”, do văn phòng mục vụ giới trẻ giáo phận Roma phát động cho các bạn trẻ.
Linh Tiến Khải
nguon VR