Những vụ án của phép hôn phối, một thách đố mới
(Marriage Cases or Annulments)
“Sự gì Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được phân ly.” (Mt. 19:6). “Hôn phối đã được thành nhận và hoàn hợp (“ratum et consummatum” hay “ratified and consummated”) không thể bị tháo gỡ bởi một quyền bính nhân loại hay một nguyên do nào, ngoài sự chết.” (Giáo Luật, điều 1141). Với lời giảng dạy của chính Chúa Kitô và luật điều của giáo hội ghi trên, người ta không thể nào làm mất đi tính chất gía trị hay hữu hiệu (valid – thành) và hợp lệ (licit – nên) của phép hôn phối Công Giáo.
Tuy nhiên, có những trường hợp mà phép hôn phối, tự bản tính, đã không hữu hiệu vì lý do này hay lý do khác. Ở những trường hợp đó, giáo hội đã cho phép các tín hữu được quyền thỉnh nguyện tòa án hôn phối (Tribunal) của giáo phận, tái xét trường hợp hôn nhân của mình. Sau một thời gian, trung bình khoảng18 tháng, nhanh hay chậm còn tùy ở mỗi giáo phận, điều tra và thẩm định các dữ kiện qua “canonnical jurisprudence” (việc hiểu và áp dụng giáo luật), tòa án hôn phối có thể tuyên bố là phép hôn phối đó đã vô hiệu (invalid) ngay từ bản tính. Do đó, người tín hữu sẽ được nhận bí tích hôn phối với người khác cách hoàn hảo hơn, có khi được gọi nôm na là “tái hôn.”
Mục đích của bài này là trình bày những lý do được giáo hội kể là chính đáng để giải quyết các trường hợp hôn phối, đồng thời giúp người tín hữu giáo dân nhìn thấy quyền lợi của mình và những cơ hội có thể được tòa án hôn phối tuyên xử rằng phép hôn phối đã lãnh nhận là vô hiệu tự bản tính.
Ðể hiểu vấn đề nhiều hơn, đề nghị quí độc giả tìm đọc thêm những tài liệu giá trị như các quyển “Annulments” của Linh Mục Lawrence G. Wrenn do Cannon Law Society of America (CLSA) xuất bản; “The Tribunal Reporter, bộ I, do Adam J. Maida diễn giải và cũng do CLSA xuất bản; “Marriage, Divorce and Nullity” sách hướng dẫn thủ tục xin toà án hôn phối xét xử các trường hợp hôn nhân, do Ðức Giám Mục Geoffrey Robinson viết.
Qua những tài liệu nói trên, người ta có thể ghi nhận những lý do chính để tòa án hôn phối thẩm định các trường hợp. Thứ nhất là lý do bất lực (impotence), về cả phía nam lẫn nữ (GL điều 1084). Thứ hai, hoàn toàn giả vờ (total simulation. Ðiều 1101). Thứ ba, nhất định không muốn có con (1055 và 1061). Thứ tư, loại bỏ tính cách vĩnh viễn của hôn nhân (exclusion of perpetuity. 34, 809; 48, 256). Thứ năm, bất trung (exclusion of fidelity). Thứ sáu, áp lực và sợ hãi (1103). Thư bảy, mắc các bệnh tâm thần (psychoses), phản xã hội tính (sociopathy), đồng tính luyến ái (homosexuality), bệnh ngoài da, hay có cảm giác bất thường (hyperaesthesia), bệnh nghiện rượu v.v.. Sau này, một số lý do nữa đã được ghi thêm như bệnh động kinh (epilepsy), sự thiếu trưởng thành (Immaturity), thần kinh bị qúa giao động (depressive neurosis), và có những điều làm cho hôn phối bất thành từ phía nạn nhân (error and defective convalidations).
1. Trường hợp bất lực (GL. điều 1084)
a. “Bất lực để giao hợp, có trước khi kết hôn và vĩnh viễn, hoặc về phía người nam, hoặc về phía người nữ, dù tuyệt đối, dù tương đối, tự bản tính của nó khiến cho hôn phối vô hiệu.”
b. “Nếu ngăn trở bất lực có tính cách hoài nghi, dù hoài nghi về luật hay về sự kiện, thì không nên ngăn cản hôn phối hay tuyên bố vô hiệu bao lâu còn hồ nghi.”
c. “Sự son sẻ không ngăn cấm cũng không tiêu hủy hôn phối, không kể quy định của điều 1098” (lường gạt để kết hôn).
2. Gỉa vờ (total simulation. GL 1101)
a. “Sự ưng thuận bên trong của tâm hồn được suy đoán là tương hợp với những lời lẽ và cử chỉ bộc lộ lúc kết hôn.”
b. “Tuy nhiên, nếu một bên hay cả hai bên, do một hành vi tích cực của ý chí, lọai bỏ chính hôn phối hay một yếu tố chính yếu nào, hoặc một đặc tính chính yếu nào của hôn phối, thì việc kết hôn vô hiệu.”
3. Không muốn có con (contra bonum prolis, GL 1055 và 1061)
a. (1055): “Do giao ước hôn phối, người nam và người nữ tạo nên với nhau một cuộc thông hiệp trọn cả cuộc sống. Tự bản tính, giáo ước hôn phối hướng về thiện ích của đôi bạn và việc sinh sản cùng giáo dục con cái. Chúa Kitô đã nâng giáo ước hôn phối giữa những người đã được chịu phép rửa tội lên hàng bí tích.”
b. “Bởi vậy, giữa những người đã chịu phép rửa tội, không thể có khế ước hôn phối hữu hiệu nếu đồng thời không phải là bí tích.”
c. (1061): “Hôn phối hữu hiệu giữa những người đã chịu phép rửa tội được gọi là chỉ mới thành nhận (ratified), nếu chưa có sự hoàn hợp (hay “giao hợp,” consummated); hôn phối là thành nhận và hoàn hợp khi đôi bạn đã giao hợp với nhau một cách hợp với nhân tính. Sự giao hợp là hành động hướng đến việc sinh con cái, tức là một mục tiêu tự nhiên của hôn nhân, và do hành dộng ấy, đôi bạn trở nên một xác thể.”
d. “Sau khi đã cử hành hôn phối, nếu đôi bạn đã sống chung với nhau thì sự hoàn hợp được suy đoán (là đã có) cho đến khi chứng minh ngược lại.”
e. “Hôn phối vô hiệu được gọi là gỉa định, nếu đã được cử hành với sự ngay tình, ít ra là của một bên, cho đến khi cả hai bên biết chắc chắn về sự vô hiệu của hôn phối.”
4. Loại bỏ tính cách vĩnh viễn của hôn nhân (contra bonum sacramenti)
Xin xem lại GL 1101 về sự thực tâm. Sự “vĩnh viễn” của hôn phối được hiểu là trọn đời, không thể chấm dứt và được gọi là “bonum sacramenti.” Sự vĩnh viễn thuộc về bản tính của hôn phối, thể hiện qua các điều 1056, 1057 và 1134.
5. Bất trung (contra bonum fidei)
Cũng nằm trong điều 1101. Một vài thí dụ dẫn chứng: Ðược gọi là bất trung nếu một người kết hôn nhưng vẫn có chủ tâm rằng anh/chị ta sẽ có người tình khác khi cơ hội xảy đến. Hay một người có chủ tâm chỉ trung thành với vợ/chồng mình khi người phối ngẫu còn duyên dáng và làm cho mình thích mà thôi. Hoặc một người đã lập gia đình nhưng vẫn dành nhiều thì giờ hơn với cả vợ/chồng mình để đi lại, thăm viếng cách công khai với người tình cũ của mình.
6. Áp lực và sợ hãi (GL 1103)
“Hôn phối sẽ vô hiệu nếu được kếp lập vì áp lực hay sợ hãi trầm trọng do một nguyên cớ ngoại tại (bên ngoài), mặc dù không chủ ý trực tiếp gây ra, nhưng để thoát khỏi nó, người ta bị bó buộc đành phải lựa chọn kết hôn.”
Áp lực (Vis hay force) là sự cưỡng chế (coactio moralis) làm thay đổi ý chí dưới sự đe dọa của một sự dữ trong một cách mà ở tình trạng bình thường ý chí không thể chấp nhận được.
Sợ hãi (Metus) là sự dọa nạt (trepidatio mentis), hậu qủa của áp lực. Ðể phép hôn phối không có hiệu lực, sự sợ hãi phải trầm trọng (grave), ngoại tại (extrinsic), và có nguyên cớ (causative).
7. Các bệnh tâm thần
GL 1095: “Những người sau đây không có khả năng kết hôn:
a. (Lack of Due Reason) “Những người thiếu khả năng xử dụng trí khôn một cách vừa phải.”
b. (Lack of Due Discretion) “Những người thiếu sót trầm trọng trong sự nhận định về những quyền lợi và bổn phận thiết yếu của việc trao ban và đón nhận trong hôn nhân.”
c. (Lack of Due Competence) “Những người vì lý do tâm lý, không thể đảm nhận những nghĩa vụ thiết yếu của hôn nhân.”
8. Sự thiếu hiểu biết (Ignorance, GL 1096)
a. “Ðể có sự ưng thuận kết hôn, điều cần thiết là hai người kết hôn phải biết ít ra rằng: Hôn nhân là đời sống chung vĩnh viễn giữa người nam và người nữ, nhằm đến việc sinh sản con cái bằng việc giao hợp sinh lý cách nào đó.”
b. “Sau tuổi dậy thì, phải suy đoán là họ đã biết những điều đó rồi.”
9. Hôn phối bất thành từ phía nạn nhân (Imposed error hay error dolosus. GL 1098)
“Ai kết hôn do một sự (bị) lường gạt được bày ra vì mưu chước để cho mình ưng thuận, nếu sự lường gạt ấy liên hệ đến một tư cách của người bạn, mà tự nó, tư cách này có thể làm phiền nhiễu nặng nề cuộc sống chung của vợ chồng, thì sự kết hôn đó vô hiệu.”
Trường hợp này, không phải người lường gạt nhận một hôn phối vô hiệu, nhưng chính nạn nhân (người bị lường gạt) đã nhận một hôn phối vô hiệu.
VỚI ANH EM GIÁO SĨ
Xã hội Việt Nam từ ngàn đời vẫn giữ gìn những truyền thống đạo đức cao đẹp của tình nghĩa phu thê và lấy chữ Trung, Trinh, Hiếu, Nghĩa làm đầu. Giáo hội Công Giáo càng phù hợp hơn với những giáo huấn về sự ràng buộc chặt chẽ trong phép hôn phối. Vấn đề li dị đã ít khi là mối bận tâm của giáo hội. Những tòa án hôn phối ở các địa phận được thành lập theo giáo luật, nhưng việc phải xét xử một trường hợp hôn phối đã rất họa hiếm.
Tuy nhiên, từ ngày dân Việt nói chung, giáo hữu Công Giáo nói riêng ra sống ở nước ngoài mà hầu hết là ở những nước thuộc Âu, Mỹ hay Úc châu, theo truyền thống văn hóa phương Tây, việc li dị đã trở thành một vấn đề lớn. Ðiều này đã khiến một vài linh mục quản nhiệm các cộng đoàn người Việt Công Giáo (đặc biệt là những vị đã thụ phong LM ở bên nhà) ít nhiều bị bối rối. Một vấn đề qúa mới đối với các ngài, mặc dù trên thực tế nó đã không mới chút nào hết. Khi còn ở chủng viện, các ngài đã được huấn luyện về các trường hợp hôn phối, nhưng học mà không phải hành, nên đến khi thình lình phải đương đầu với vấn đề này, có người đã bị hụt hẫng và không biết phải giải quyết ra sao.
Thêm vào đó, còn là lương tâm nhiệm nhặt của các ngài, một phần do ảnh hưởng nếp văn hóa, truyền thống cổ kính của dân tộc. Trong qúa khứ ở quê nhà, thỉnh thoảng có giáo dân nào “lỡ” li dị, thì lập tức bị gán cho chữ “rối” và hầu như đương nhiên bị đẩy ra ngoài lề giáo hội. Đa số những người đó chẳng bao giờ được sống lại đời sống bí tích, nhiều khi cho đến lúc chết! Hơn nữa, có linh mục đã nghĩ rằng vào trường hợp này, các ngài vẫn có quyền “xử” theo phán đoán riêng của mình, chứ không phải theo quyền lợi đáng được hưởng của người giáo dân. Vấn đề ở đây là trách nhiệm của vị linh mục trước nhu cầu thiêng liêng của các giáo dân. Vị linh mục chính xứ, quản nhiệm hay bất cứ linh mục nào khi được yêu cầu, đều có bổn phận giúp đỡ người giáo dân đang muốn xin tòa án hôn phối tái xét trường hợp hôn nhân của mình. Có thể họ sẽ được tòa tuyên bố rằng hôn phối trước của họ đã vô hiệu từ bản tính, có thể là không; nhưng đây không phải là “quyền phán xét” của cha, mà là quyền của tòa án hôn phối. Vị linh mục được nhờ, trong trường hợp này sẽ chỉ là “luật sư” (Procurator-Advocate) giúp đỡ người tín hữu của mình.
Dĩ nhiên, cha sở có quyền lấy lý do này hay lý do khác để tránh né trách nhiệm về các vụ án hôn phối; nhưng con chiên của ngài sẽ phải chạy tìm sự giúp đỡ của một chủ chăn khác! Nếu không, họ sẽ trở thành chiên lạc. Nếu họ trở thành chiên lạc, ai sẽ là người chịu trách nhiệm tìm kiếm, đưa họ về đàn? Nếu không phải là chính chủ chăn của họ?
Trong lần nói chuyện với một LM người Việt đang làm việc trong toà án hôn phối của một giáo phận ở Mỹ, người viết bài này đã tâm sự rằng mình gặp trường hợp một đôi hôn phối xin “annulment” đã ba năm mà không thấy cha quản nhiệm “nói” gì hết. Cứ mỗi lần nhắc đến thì cha bảo rằng “đang lo.” Cuối cùng khi được gạn hỏi thì cha đó lôi tập hồ sơ từ ngăn kéo của ngài trao lại cho họ và nói, “Thôi các con tìm cha nào lo cho thì lo, cha bận lắm không lo được!” Hồ sơ của họ đã “ngủ quên” trong ngăn kéo của ngài đến ba năm! Vị LM người Việt nói trên đáp lại trong sự ngạc nhiên hơn của người viết: “Anh không biết đâu, em đang phải lo cho một vụ đã bị “dìm” đến năm năm rồi!” Thái độ tắc trách của những linh mục nói trên dĩ nhiên là không thể chấp nhận được.
Người mục tử kêu mời, khuyến khích và ngay cả thách đố giáo dân của mình sống và thực hành đức tin, nhưng người mục tử nhất định không khi nào lại trở thành vật cản, gây trở ngại cho những giáo dân của mình muốn sống đời sống bí tích (sacramental life.) Giáo luật là lề luật chung của giáo hội hoàn vũ, áp dụng bình đẳng, hữu hiệu và hợp lệ trên khắp thế giới, trong mọi giáo hội địa phương (quốc gia), cho tất cả các sắc dân và đến từng giáo hữu. Nói khác đi điều đó hay tìm cách lý giải với mục đích trốn tránh trách nhiệm là không tuân phục, là không chấp hành giáo luật vậy!
VỚI ANH CHỊ EM GIÁO DÂN
Người tín hữu giáo dân, nhất là dân Việt, ít khi được nghe nói đến “quyền lợi” của mình. Nhưng ở đây, thực sự anhchị có “quyền” được thỉnh nguyện xin tòa án hôn phối thẩm định trường hợp hôn nhân của mình. Dĩ nhiên, tòa có thể tuyên bố thuận cũng như nghịch, nhưng việc đưa vấn đề ra tòa là quyền của anhchị, và cha sở của anhchị sẽ có trách nhiệm giúp đỡ anhchị đến nơi đến chốn. Nếu ngài từ chối giúp đỡ, anhchị có thể xin một vị linh mục khác, nên trong cùng một địa phận, để lo cho anhchị. Ðôi khi một giáo dân cũng có thể được ủy thác làm công việc này (Proxy-Advocate). Tốt nhất, nên liên lạc với tòa án hôn phối (Tribunal) của giáo phận mình để nhận thêm những hướng dẫn. Hiện nay tại nhiều giáo xứ, đặc biệt giáo xứ Mỹ, có những “chuyên viên” (đã được huấn luyện) tình nguyện giúp các giáo hữu viết đơn, thu thập hồ sơ… chuẩn bị cho trường hợp hôn phối của họ. Điều này sẽ giúp giảm gánh nặng cho tòa án hôn phối rất nhiều và các “vụ án” cũng được giải quyết nhanh chóng hơn.
Tuy nhiên, người viết bài này không bao giờ chủ trương khuyến khích li dị. Ðây là một tiến trình không bao giờ đem lại nguồn vui cho các đôi hôn phối. Chỉ khi nào vấn đề trở nên bất khả kháng và đã xảy ra, các đôi hôn phối đã gãy đổ mới nên nghĩ đến việc tái xét trường hợp hôn phối của mình, để có thể được tiếp tục sống đời sống bí tích của một tín hữu Công Giáo. Đặc biệt, không bao giờ nên tìm hiểu xem hôn nhân của mình có hữu hiệu (valid) hay không, để “lỡ ra” sau này còn có thể xin tái xét! Nên nhớ rằng sau khi đã kết hôn, nếu có một lý do chính đáng cho thấy phép hôn phối trên đã không hữu hiệu (Trường hợp giả định. Thí dụ như đã có sự lừa dối) nhưng đôi hôn phối, nhất là nạn nhân, vẫn tha thứ và chấp nhận, thì phép hôn phối đó vẫn hữu hiệu (GL 1061).
Ðã nhiều lần, kẻ viết bài này được nghe cùng một câu nói có cùng một âm điệu bi ai và tiếc nuối như nhau: “Cha ơi, ước chi con được sống lại đời mình thì con sẽ chẳng bao giờ li dị người chồng/vợ đầu tiên của con!” Những người đã có một lần gãy đổ hôn nhân, thường hay bị thêm những lần thất bại nữa. Mong anhchị suy nghĩ thật chín chắn và cầu nguyện thật nhiều trước khi làm sự quyết định trọng đại này.
—————-
LM. Phaolô Nguyễn Văn Tùng