Cảm nhận và chia sẻ 

Giữa ‘đầy xuân’ đi tìm ‘chút thiếu’

GIỮA “ĐẦY XUÂN” ĐI TÌM “CHÚT THIẾU”
(Cảm nhận ngày gặp mặt đầu năm Xuân Tân Mão của Sinh viên Công giáo Tuy Hòa)

Micae Trần

Tràn ngập tin nhắn nơi các điện thoại di động nhân dịp năm mới là những câu chúc được lập trình sẵn như: Chúc năm mới phát tài, phát lộc, tiền vào cửa trước, vàng vào cửa sau, hai cái gặp nhau chui vào két sắt, một phần mua đất , một phần mua đô, một nửa mua ô tô, loại Camry HOT ! Không đi đường nhánh, cứ đi đường to, thiên hạ hô to: “ Hoan hô tỷ phú” hoặc một câu khác : Năm hết tết đến, rước lộc vào nhà, quà cáp bao la, cả nhà no đủ, vàng bạc đầy tủ, gia chủ phát tài, già trẻ gái trai, sum vầy hạnh phúc…Nếu gặp nhau, họ nắm tay và kèm theo câu chúc : Vạn sự như ý…chúng ta khó nghe thấy câu chúc nào mang bóng dáng tiêu cực, u buồn. Khi trang trí, chuẩn bị cho năm mới, chúng ta còn ao ước mọi điều tốt lành qua tên gọi của cây cảnh được dùng như phải là hoa Vạn Thọ, cây Lộc Vừng, cành Sung, cây Quất trỉu trái tượng trưng cho sự sung túc, giàu sang. Có cụ già khi được đề nghị muốn con cháu chúc cho điều gì? Cụ bảo: Chúc cho sống thêm được chín mười năm nữa, người ta hỏi: Sao lại muốn chúc điều này? Cụ bảo: Vì trước đây cùng khổ, không chết, nay nhà cửa khang trang, chết uổng lắm, như thế đủ biết khát vọng trường thọ và giàu sang là cái canh cánh bên lòng. Đây cũng là lẽ thường tình của con người, ai lại chẳng hiếu sinh úy tử.

Qua những câu chúc, người ta có thể dễ dàng nhận ra sự ước mong được sung túc thịnh vượng nhưng đến với đêm họp mặt truyền thống dịp đầu năm(Mùng 4 tết), sinh viên công giáo Tuy hòa lại chọn cho mình cách đặt vấn đề có vẻ hoài nghi nội dung của những lời chúc trên, đó là: CÓ THIẾU GÌ KHÔNG? Phải chăng các bạn muốn tìm thêm bên kia giá trị nơi những câu chúc thường nghe đó còn có điều gì khác nữa? Và như thế hơn 70 sinh viên công giáo – những đứa con của giáo xứ Tuy Hòa thuộc các thế hệ 8X, 9X từ Huế đến Sài Gòn đã ngồi lại với nhau đi tìm câu giải đáp cho những ai muốn hoàn thiện đời mình khi còn đang ngồi trên ghế giảng đường đại học.

Các bạn trẻ đã hỏi và trả lời về cái THIẾU đầu tiên khiến cho ai ai tham dự buổi gặp gỡ đều ngỡ ngàng – THIẾU NGÔN NGỮ – Chẳng phải một ngôn ngữ nước ngoài nào đó, chẳng phải trình độ bằng A, bằng B như yêu cầu của những cơ quan thi tuyển công chức nhưng thiếu ngôn ngữ giao tiếp hay nói đúng hơn lạm dụng tiếng mẹ đẻ Việt Nam để họ thấy rằng phải chăng chúng ta đang quá thực dụng, quá đơn giản để chúng ta tha hồ MÚA cải biên tiếng Việt, một thứ cải biên không theo khuôn mẫu nào, chẳng hạn đâu nhất thiết phải là BIẾT, có thể BIT hay BIK cũng là BIẾT cơ mà; như thế, họ đâu có thiếu, họ đang thừa đấy chứ! Nhưng có thứ tự họ không cho phép mình phá cách…Các bạn sinh viên đã đưa dần người tham dự đi tìm thứ ngôn ngữ mà bản thân họ – Sinh viên CÔNG GIÁO – gần như chưa có, ngôn ngữ Tình yêu để trình bày, để giới thiệu Đức Ki tô trong môi trường đại học. Từ thứ ngôn ngữ trần thế, các bạn trẻ đi tìm ngôn ngữ Nước Trời.

Muốn lấp đầy lỗ hổng ngôn ngữ siêu nhiên, ngôn ngữ làm thăng hoa đời sống, ngôn ngữ cứu độ, các bạn sinh viên khiêm tốn thừa nhận rằng lâu nay họ quá mải mê đi tìm thứ ngôn ngữ khác, ngôn ngữ âm nhạc như SuperJunior, tìm tòi để biết các ban nhạc nổi tiếng lừng danh… Họ sẵn sàng bỏ đi một buổi học để tìm cho mình chiếc vé vào của, quá say mê những HOT…những Scandal của các nhân vật trẻ, họ quá thuộc lý lịch của các thần tượng…nhưng họ chẳng biết gì nhiều về Giáo Hội Hoàn vũ, về Giáo hội Việt Nam, về những khốn khó Giáo hội đang gặp phải nơi này nơi khác, vì VÔ TRI, họ nhận rằng mình thiếu lửa nhiệt tình sống đạo và họ cũng thờ ơ luôn đối với quê hương, cũng chẳng màn đến chuyện sống còn của tổ quốc, dù chẳng giàu có gì nhưng thích sống hưởng thụ, một tiểu phẩm nho nhỏ được sáng tác và chuẩn bị trong năm ba phút diễn lại cảnh yêu cuồng sống vội đủ để chúng tôi nhận ra rằng qua cách diễn của họ, tiểu phẩm này không khó sáng tác, nó là cảnh thường gặp mỗi ngày. Trái tim họ dành chỗ cho những cuôc tình mau đến chóng đi để còn đâu khoảng trống dành cho Niềm tin và Thao thức sống cuộc đời nhân chứng?

Nhận biết mình ĐANG THIẾU là tín hiệu báo trước mình đang dần lấp đầy chỗ trũng. Tín hiệu rõ nhất là họ chia sẽ ngôn ngữ biểu tượng qua hình ảnh linh mục liên tiếp trao ban Thánh Thể cho rất nhiều người, cử chỉ Trao Ban khiến họ định lại sứ vụ của mình, sứ vụ biết chia phần cho anh chị em xung quanh. Lời chia sẻ ấy khiến mọi thành phần tham dự buổi gặp gỡ thêm niềm hy vọng vào một lớp trẻ Công Giáo, một lớp trẻ dám gắn liền tên tuổi mình vào Đức Kitô; một lớp trẻ hăng say, nhiệt tình ra đi dựng xây thế giới; một lớp trẻ biết sống hiệp nhất, yêu thương, sẵn sàng kết nối anh em dù phú quý mọn hèn; một lớp trẻ tin yêu, phó thác – vì Chúa họ ra đi – Có Chúa họ không lo gì (bài hát Tuổi trẻ Đức Kitô-Nhân Văn).

Buổi gặp gỡ đầu năm của sinh viên công giáo Tuy hòa được kết thúc trước di tượng An rê Phú yên qua tâm tình trong ca từ của An rê Phú Yên – LM Võ tá Khánh, Nhạc LM Sơn ca Linh : Tình yêu đáp trả tình yêu “ Anh chị em ơi, thủy chung một lòng, ta giữ nghĩa cùng Chúa Giê su”sau khi được mời gọi bằng lời nguyện xin : Nguyện xin Cho Con biết Chúa
Nguyện xin cho con biết Con
Để con được tìm thấy Chúa
Và để con tìm lại chính Con.

Không thấy Chúa sao được khi giờ đây những lời chúc xuân của con người nơi thế gian đã lặn đi để nhường chỗ cho tiếng mời gọi nơi Đức Ki-tô nhân ngày đầu năm:
Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó
Phúc cho ai hiền từ
Phúc cho ai khao khát nên người công chính
Phúc cho ai giữ lòng sạch sẽ
Phúc cho ai kiến tạo hòa bình… ( Mt 5/1-12)

Bước về lại giảng đường, dường như họ nhận ra mình không còn THIẾU nữa khi đã biết nói lời tạ ơn: Tạ ơn Chúa, Cảm ơn Cha sở, Cảm ơn Hội Đồng Chức việc, cảm ơn nhau vì cuộc gặp gỡ xuân Tân Mão này giúp họ xác định rõ họ là ai, họ phải làm gì trong gia đình Giáo hội Việt nam hôm nay.

Related posts

Leave a Comment