Toà Thánh quyết định tăng cường việc học triết trước khi học thần học

VATICAN – Ngày 22-3-2011, Bộ Giáo dục Công giáo đã công bố nghị định cải tổ việc học triết trong chương trình học đạo: từ 2 năm được tăng lên 3 năm trước khi học thần học.

ĐHY Zenon Grocholewski, Tổng trưởng Bộ Giáo dục Công giáo, cùng với vị Tổng Thư ký là Đức TGM Jean Louis Brugès, OP, và Cha Charles Morerod, OP, Viện trưởng Giáo hoàng Đại học Thánh Tomaso Aquino ở Roma, đã mở cuộc họp báo tại Phòng Báo chí Toà Thánh để giới thiệu nghị định mới.

ĐHY Tổng trưởng cho biết nghị định này tiếp theo sau các văn kiện trước đây của Bộ cải tổ việc học giáo luật năm 2002, và về các học viện cao đẳng các khoa học tôn giáo năm 2008. Sở dĩ Bộ ban hành nghị định mới là vì sự yếu kém trong việc huấn luyện triết trong tại nhiều tổ chức đào tạo của Giáo Hội, thiếu những điểm tham chiếu vững chắc, nhất là về bộ môn giảng dạy và chất lượng của giáo chức. Sự yếu kém này đi kèm cuộc khủng hoảng về việc học triết nói chung, trong một thời đại mà chính lý trí bị đe doạ vì trào lưu duy lợi ích, vì chủ thuyết nghi ngờ và duy tương đối, thái độ ngờ vực của lý trí trong việc nhận viết chân lý liên quan đến những vấn đề cơ bản của đời sống”.

ĐHY Grocholewski cũng nhắc đến Tông huấn Hậu Thượng HĐGM “Pastores davo vobis” (Thầy sẽ ban cho các con những mục tử), công bố hồi năm 1992, với đoạn khẳng định rằng việc chuẩn bị triết học cho các ứng sinh linh mục “là một giai đoạn thiết yếu trong việc huấn luyện trí thức cho họ: chỉ có một triết học lành mạnh mới có thể giúp các ứng sinh linh mục phát triển một ý thức có suy tư về mối quan hệ thiết yếu giữa tinh thần con người và chân lý, chân lý được mạc khải trọn vẹn cho chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô”.

Tiến trình soạn thảo Nghị định cải tổ việc học triết trong các trường đạo được khởi sự năm 2004, và tiến hành qua 2 khoá họp toàn thể của Bộ Giáo dục Công giáo vào năm 2005 và 2008. Sau cùng, hồi tháng giêng năm nay, ĐTC Bênêđictô XVI, đã phê chuẩn nghị định này “theo thể thức đặc biệt” trong buổi tiếp kiến dành cho ĐHY Tổng trưởng Grocholewski.

Nghị định là một tập sách nhỏ, gồm có 2 phần: trước tiên là phần tiền đề trình bày những lý do và tinh thần của cuộc cải tổ; tiếp đến là phần chứa đựng những quy luật mới, thay thế các quy luật trước đây trong Tông hiến “Sapientia christiana” (Sự Khôn ngoan Kitô giáo), và những qui luật áp dụng đi kèm.

Nghị định mới phân biệt rõ ràng giữa Phân khoa của Giáo Hội về Triết học, với chương trình 2 năm triết học như thành phần của chương trình thần học trong các phân khoa và các chủng viện của Giáo Hội. Cả hai thực tại trên đây đều được duyệt lại theo Nghị định mới.

– Từ nay, chương trình 2 năm triết trước khi bắt đầu thần học trước đây sẽ được kéo dài thành 3 năm, hoặc 6 bán niên, và theo quy định hiện hành ở Âu Châu trong tiến trình Bologna, nó phải gồm 180 tín chỉ.

Nghị định mới cũng thiết định phẩm trật các môn trong 3 năm triết: gồm các môn bắt buộc, như triết học hệ thống và lịch sử triết học; tiếp đến là những môn bắt buộc bổ túc, như phương pháp luận, sinh ngữ, và sau cùng là các môn bổ túc nhiệm ý như các yếu tố văn chương hoặc nhân văn.

Đức TGM Brugès, người Pháp, nhận xét: “Cho đến nay, quá nhiều khi các sinh viên trong ban triết cũng như thần học chỉ đọc các thủ bản giáo khoa mà không đi đến tận nguồn. Vì thế Nghị định cải tổ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đọc chính các băn bản của các tác giả quan trọng nhất” (Ord. art. 60,1).

Việc học triết không phải chỉ giới hạn vào Thánh Tomaso Aquino và các giáo phụ khác, nhưng cũng phải cởi mở đối với các trào lưu mới. Khoa siêu hình học phải có một chỗ đứng đặc biệt trong học trình, ngoài ra cũng cần để ý đến các trường phái tư tưởng bản xứ, ví dụ hướng đi ở Á châu hoặc Phi châu.

Nghị định cũng nói về ban giảng huấn triết học với các điều kiện cần phải có, chu kỳ học trình, việc cải tổ các học viện triết được tháp nhập vào các phân khoa của Giáo Hội… Các phân khoa triết học Công giáo phải có ít nhất 7 giáo sư có bằng tiến sĩ triết học.

Văn kiện mới của Bộ Giáo dục Công giáo có ảnh hưởng tới khoảng 400 phân khoa thần học và 40 phân khoa triết học của Giáo hội Công giáo. Tại 10 nước Âu Châu, có những phân khoa thần học Công giáo ở trong khuôn khổ của đại học công lập. Văn kiện này cũng ảnh hưởng tới hàng ngàn chủng viện trong toàn thể Giáo Hội.

Nghị định mới có hiệu lực từ tháng 1-2012, và cho đến niên khoá 2012-2013 phải được áp dụng tại tất cả các trung tâm đào tạo của Giáo Hội.

Trong cuộc họp báo, Cha Charles Morerod, OP, Viện trưởng Đại học Thánh Tomaso Aquino, trình bày về tầm quan trọng của khoa siêu hình học đối với việc học thần học và nhấn mạnh rằng “một nền thần học mà không có triết học là điều không thể có được”. “Tầm quan trọng của triết học cũng gắn liền trực tiếp với ước muốn của con người được biết chân lý và tổ chức chân lý”.

(SD 22-3-2011)

G. Trần Đức Anh OP

Related posts

Leave a Comment