Làm phép đài kỷ niệm tại Nước Mặn
Ngày 05/08/2011 Đức Cha giáo phận Phêrô Nguyễn Soạn đã về tại Nước Mặn để làm phép đài kỷ niệm tại Nước Mặn vừa mới xây dựng xong. Tháp tùng với Đức Cha còn có Đức Cha Phó Matthêô, Cha Tổng Đại diện Phêrô Hoàng Kym, cha Hạt trưởng Bình Định Lê Kim Ánh, cha Giám đốc Chủng viện Giuse Huỳnh Văn Sỹ, cha Quản lý Gioan Võ Đình Đệ, cha đặc trách Văn phòng TGM Anrê Huỳnh Tấn Nha và cha Phêrô Võ Tá Khánh. Sau khi làm phép phái đoàn về đền thánh Stêphanô tại Vĩnh Thạnh để xem công việc sửa chữa đền thờ nhằm chuẩn bị cho kỷ niệm 150 năm ngày tử đạo của thánh nhân vào tháng 11/2011 sắp tới. Cha sở Phaolô Trương Đình Tu và cha phó F.X Phan Văn Mạnh túc trực để hướng dẫn thợ làm cho nhanh kịp ngày mừng lễ sắp đến.
Đối với đài kỷ niệm, được biết đài được xây dựng theo hình dáng của gốc cây đa với 16 nhánh tượng trưng cho 16 giáo phận từ Huế trở vô hiện nay: Huế, Đà Nẵng, Kontum, Qui Nhơn, Ban Mê Thuột, Nha Trang, Phan Thiết, Xuân Lộc, Sài Gòn, Đà Lạt, Mỹ Tho, Cần Thơ, Phú Cường, Vĩnh Long, Long Xuyên, Bà Rịa. Xung quanh, tháp vào gốc đa có đặt 7 tấm bia, mỗi bia được khắc một thứ tiếng là Việt, Ý, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Nho và Latin.
Theo cha Quản lý Gioan Võ đình Đệ, ngày 18/01/1615, các thừa sai Dòng Tên đặt chân lên cửa biển Đà Nẵng, sau đó không lâu, cư sở (residentia) Hội An được thành lập. Nước Mặn là cư sở thứ hai được thành lập vào Tháng 7-1618. Cư sở thứ ba được thành lập tại Thanh Chiêm vào năm 1623. Đây là ba trung tâm truyền giáo được các thừa sai Dòng Tên thiết lập mở màn cho công cuộc loan báo Tin Mừng tại Đàng Trong[1].
Báo cáo thường niên năm 1620, các thừa sai tại Nước Mặn đã rửa tội được 180 người. Các thừa sai thường xuyên ở tại Nước Mặn trong những năm đầu: Cha Francesco Buzomi (quốc tịch Ý), Cha Cristoforo Borri (Ý), Cha Francisco de Pina (Bồ), Tu huynh Antonio Dias (Bồ Đào Nha)[2].
Trung tâm truyền giáo Nước mặn được các thừa sai Dòng Tên phụ trách cho đến khoảng tháng 02 năm 1665. Sau khi các thừa sai Dòng Tên không còn làm việc ở vùng nầy, các thừa sai MEP nối tiếp công việc của các thừa sai Dòng Tên.
Trong chuyến kinh lý mục vụ đầu tiên tại Đàng Trong vào cuối năm 1671 đến đầu năm 1672, Nước Mặn là điểm dừng chân của Đức Cha Lambert de La Motte. Tại Nước Mặn, Đức cha Lambert lâm bệnh, liệt giường suốt 6 tuần lễ, cha Vachet phải ban bí tích xức dầu cho ngài. Ngày 01.11.1671, lễ Các Thánh, Đức cha Lambert rời Nước Mặn, lên đường đi Quảng Ngãi, sau đó đi Hội An.
Vì sự nài nỉ chí tình với những lời lẽ rất cảm động của giáo dân Nước Mặn, trên đường từ Hội An trở về Thái Lan, Đức cha Lambert đã ghé lại Nước Mặn. Đức cha ở đây 08 ngày, thăm viếng, ban các bí tích và ban 06 bài sai cắt đặt các thầy giảng và một số giáo dân đứng đầu một số nhà thờ. Và để cho niềm vui của giáo dân Nước Mặn được trọn vẹn, Đức cha Lambert đặt cha Giuse Trang, linh mục người Việt[3], ở tại Nước Mặn, có quyền hạn như một cha sở. Ngoài nhiệm vụ đặc biệt trên, Đức cha còn ban cho cha Giuse quyền cai quản tổng quát toàn vùng (Nước Mặn). Sau cha Giuse Trang, thời điểm (1683-1709) một mình Cha Ausiès de Fonbone (MEP) ở Nước Mặn phụ trách từ Bình Định đến Phú Yên.
Trong thống kê của Đức Cha Cuénot Thể năm 1850, Bình Định được chia làm 04 Paroeciae. Nước Mặn thuộc Paroecia vocatur Tam Thuộc : Đại An 71 ; Tân Hội 98 ; Nước Mặn 44 ; Xóm Bắc 327 ; Xóm Nam 280 ; Vườn Vông 50 ; Mĩ Cang 78 ; Gò Thị 750 ; Gò Dài 442 ; Quán Ngỗng 83 ; Kẻ Thử 45 ; Diêm Điền 193 ; Xóm Quán 244 ; Làng Sông 265 ; Cây Da 128 ; Sông Cát 175 ; Hội Lộc 40.[4]
Trải qua thời gian lịch sử khá dài, các cơ sở vật chất của trung tâm truyền giáo Nước Mặn không còn. Nền nhà thờ Nước Mặn ngày nay được xác định tại vườn nhà ông Võ Cự Anh, thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước. Sau khi được gia đình ông Võ Cự Anh đồng ý, ngày 17 tháng 9 năm 2009, bằng văn thư số 3170/UBND-NC, UBND tỉnh Bình Định chấp thuận cho Tòa Giám Mục Qui Nhơn được xây dựng một hòn non bộ với diện tích 64 m², có dòng chữ kỷ niệm việc các thừa sai Dòng Tên đầu tiên đến lập cơ sở truyền giáo. Ngày 09 tháng 04 năm 2010, Sở Tài Nguyên Môi Trường Bình Định cấp Giấy Chứng Nhận Quyền Sử Dụng Đất cho Tòa Giám Mục. Ngày 01 tháng 11 năm 2010, Sở Xây Dựng Bình Định đã cấp cho Tòa Giám Mục Qui Nhơn Giấy Phép Xây Dựng số 215/GPXD để xây dựng ‘hòn non bộ’ nầy.
Sau đây là nội dung nguyên văn tiếng Việt đã được khắc trên bia đá đặt tại gốc đa của đài kỷ niệm nầy.
ĐỂ MUÔN ĐỜI GHI NHỚ
Tại nơi đây, Nước Mặn
– Ba linh mục Dòng Tên: Francesco Buzomi người Ý, Francisco de Pina người Bồ Đào Nha, Cristoforo Borri người Ý, và tu huynh António Dias người Bồ Đào Nha, đã đến lập cơ sở truyền giáo đầu tiên vào tháng 7 năm 1618, do lời mời của quan Trần Đức Hòa, Khám lý phủ Qui Nhơn.
– Đức Giám mục Phêrô Lambert de La Motte, Đại diện Tông tòa tiên khởi Giáo phận Đàng Trong, tiền thân của Giáo phận Qui Nhơn, đã đến vào tháng 10 năm 1671. Đầu năm 1672, khi trở lại, ngài bổ nhiệm một linh mục Việt Nam đầu tiên như là quản xứ; đó là cha Giuse Trang, quê Quảng Ngãi, vị linh mục Việt Nam tiên khởi, do ngài truyền chức vào ngày 31 tháng 3 năm 1668 tại Juthia, Thái Lan. Cũng chính ngài lập Dòng Mến Thánh Giá ở Đàng Trong, tại An Chỉ, Quảng Ngãi, vào cuối năm 1671.
Qui Nhơn, ngày 15 tháng 7 năm 2011
X Phêrô NGUYỄN SOẠN
Giám mục Giáo phận Qui Nhơn