Tin Giáo hội 

ĐGH Bênêđictô XVI công bố một “Năm ĐứcTin”

ĐGH Bênêđictô XVI công bố một “Năm ĐứcTin”

EMTY (Vatican, 16-10-2011, by David Kerr, CNA/EWTN News) – ĐGH Bênêđictô XVI công bố một “Năm Đức Tin” sẽ bắt đầu vào tháng 10-2012, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày khai mạc Công đồng Vatican II.

“Đây là sẽ khoảng thời gian của ân sủng và cam kết trở về với Chúa cách trọn vẹn hơn, để củng cố đức tin của chúng ta vào Ngài và loan báo Ngài cho mọi người trong thời đại chúng ta với niềm hân hoan”, ĐGH công bố trong Thánh lễ Chúa Nhật 16-10 tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Năm Đức Tin sẽ bắt đầu từ ngày 11-10-2012 đến hết ngày 24-11-2013, tức ngày Lễ Chúa Kitô Vua.

ĐGH nhấn mạnh rằng Năm Đức Tin sẽ truyền “những động lực mới cho sứ mệnh của toàn Giáo Hội nhằm đưa con người ra khỏi sa mạc khô cằn để đến nơi của sự sống, của tình bằng hữu với Đức Kitô”. Ngài nói rằng “những lý do, những mục đích và những chỉ dẫn” cho Năm Đức Tin sẽ được trình bày trong một Tông thư sẽ được công bố “trong những ngày sắp tới”.

Cộng đoàn đông đảo hiện diện trong Thánh lễ sáng Chúa Nhật 16-10 chủ yếu là các tham dự viên của Hội nghị về “Tân Phúc Âm hoá”, do Hội đồng Giáo hoàng về Cổ vũ Tân Phúc Âm hoá tổ chức hôm thứ bảy 15-10. Tân Phúc Âm hoá có mục đích làm hồi sinh Đạo Công giáo tại các quốc gia có truyền thống Kitô giáo đang bị ảnh hưởng bởi tục hoá trong những thập kỷ gần đây.

Khác với thường lệ – ĐGH Bênêđictô XVI đi bộ khoảng 100m ở giữa lối đi của Quảng trường Thánh Phêrô – hôm nay, vị Giáo hoàng 84 tuổi di chuyển trên một chiếc bục di động. “Điều này giúp ngài đỡ mệt”, Cha Federico Lobardi, SJ, phát ngôn viên của Vatican, chia sẻ với giới báo chí. Ngài nói thêm rằng “không có điều gì khác để nói về tình trạng sức khoẻ của ĐGH, ngoài việc ngài vẫn ‘khoẻ’.

Dựa vào những bài đọc Kinh Thánh Chúa Nhật 29 Thường Niên, ĐGH phác hoạ một lộ trình cho các nhà truyền giáo mới. Trong Bài đọc 1, Tiên tri Isaia thuật lại việc Vua Cyrus, Hoàng đế Ba Tư vào thế kỷ thứ 6 TCN, đã góp phần vào việc hoàn thành một kế hoạch thiêng liêng của Thiên Chúa mặc cho thực tế rằng ông “không biết” Chúa và thậm chí không phải là người Do Thái.

“Ngay cả Hoàng đế Ba Tư Cyrus hùng mạnh cũng là một phần trong một kế hoạch trọng đại hơn mà chỉ Chúa biết và tiến hành”, ĐGH nhận xét.

Điều này cho thấy – ngài nói – nhu cầu về một “thần học lịch sử” mới là “một phần thiết yếu” cho công cuộc Tân Phúc Âm hoá bởi vì “con người trong thời đại chúng ta, sau giai đoạn thảm khốc của các chế độ chuyên chế của thế kỷ 20, cần tìm ra một tầm nhìn toàn diện về thế giới và thời đại”, tương thích hơn với tầm nhìn của Giáo Hội.

Trong Bài đọc 2, trích từ Thư thứ nhất của Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Thessalonica, ĐGH nói: Các nhà truyền giáo mới cần nhớ lại rằng “chính Thiên Chúa tác động đến các tâm hồn bằng Lời và Thần Khí của Ngài, thông qua việc mời gọi mọi người đến với đức tin và sự hiệp thông trong Giáo Hội”.

Sự thật là chính Thiên Chúa – chứ không phải nhà truyền giáo – tác động đến các tâm hồn và bày tỏ tầm quan trọng của việc nhận biết Thiên Chúa như động lực hàng đầu trong các hoạt động tông đồ, điều phải luôn đặt trước, đi kèm và theo sau lời cầu nguyện”, ngài nói.

ĐGH Bênêđictô XVI cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc có được các cộng tác viên như Thánh Phaolô – người có Silvanus và Timothy như những người bạn đồng hành trong công việc – và ngài nói rằng các nhà truyền giáo mới ngày nay cũng nên tìm những cộng sự trong việc rao giảng Tin Mừng.

Sau đó, ngài chuyển sang bài Tin Mừng và nói: Đoạn Tin Mừng chính là thông điệp then chốt mà các nhà truyền giáo phải mang đến cho thế giới. Trong bài Tin Mừng, Đức Kitô nói với những người Pharisêu: “Của Cesar hãy trả lại cho Cesar, của Thiên Chúa hãy trả về cho Thiên Chúa”. Đây là một lời nhắc nhở rằng thông điệp của Giáo Hội không phải là một thông điệp mang tính chính trị – ĐGH nói.

“Sứ mệnh của Giáo Hội – giống như Đức Kitô – chính là nói về Chúa, tưởng nhớ uy quyền của Người, nhắc nhở mọi người – đặc biệt là các Kitô hữu, những người đánh mất căn tính của mình – về uy quyền của Chúa trên tất cả những gì thuộc về Người, chính là sự sống của chúng ta” – ngài nói.

Sau đó, ĐGH đã dùng diễn từ kinh Truyền Tin Chúa Nhật của ngài để giải thích thêm những kế họach của ngài về “Năm Đức Tin” trước hơn 40.000 khách hành hương tụ họp tại Quảng trường Thánh Phêrô. Ngài tóm tắt sáng kiến của mình như là một cách thức “loan báo Đức Kitô cho những ai chưa biết Ngài hoặc xem Ngài chỉ đơn thuần là một nhân vật lịch sử”.

Ngài kết thúc diễn từ bằng việc dâng tất cả các nhà truyền giáo mới dưới sự che chở của Đức Trinh Nữ Maria, Đấng “giúp cho mọi Kitô hữu trở thành chứng nhân kiên vững của Tin Mừng”.

Nghi Ân

Related posts

Leave a Comment