Đám Cưới Đất Trời
Từ tạo thiên lập điạ, Thiên Chúa đã tìm kiếm con người nhất là sau khi con người sa ngã. Công cuộc tìm kiếm ấy vẫn cứ tiếp tục tái diễn trong suốt lịch sử của dân Chúa dựa theo Thánh Kinh. Sách Diễm Tình Ca được xem là rất lãng mạng vì nói về tinh yêu nồng thắm. Những ngôn ngữ của đôi tình nhân dùng để trao tặng cho nhau như, “Bồ câu hơĩ em ơi em có hay”… “Người yêu của tôi ơi, tuyết đông qua rồi, mùa xuân đang tới, gíó thu đón mời” thật ra là để ám chỉ tình yêu giữa Thiên Chuá và con người. Cũng vậy, tiên tri Hôsê đã mô tả Thiên Chúa yêu thương dân Ngài như một chàng trai yêu say yêu đắm một nàng. Khổ nỗi là nàng ấy thuộc loại hư thân mất nết, cứ đi theo tiếng rủ rê của những gã đàn ông khác. Vì thế, chàng mới tìm cách quyến rủ nàng bằng những lời lẽ sau đây được diễn tả qua bài hát dựa theo sách Hôsê, 2: 16-22:
“Anh sẽ dụ dỗ nàng vào nơi sa mạc
Anh sẽ rót yêu thương vào tận trái tim
Lòng kề lòng anh trao hết tâm tình
Sẽ tặng nàng những vườn nho chín
Biến giọt nước mắt thành tia hy vọng
Và nàng sẽ nhớ những thời thơ ấu
Được giải thoát ách nô nệ khổ đau
Được no thoả nơi miền đất hưá
Mật ong và bơ sữa
Nàng sẽ thốt lên:
‘Hỡi người tôi yêu.’”
Từ tạo thiên lập địa đến Chúa giáng sinh, tình yêu của Thiên Chúa giành cho con người từ từ đuợc tăng cấp để rồi đến thời viên mãn chín mùi, Thiên Chúa trở nên con người. Sự gì sẽ đến phải đến cũng như cặp tình nhân yêu thương nhau và chờ đợi nhau tới một lúc họ
quyết định bước thêm một bước thật lớn là lấy nhau. Thánh Sử Gioan đã viết như sau, “Thiên Chúa đã qúa yêu thương thế gian đến nỗi trao ban Con Một của Ngài để những ai tin vào Ngừơi Con thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Gioan, 3:16).
Có thể nói cao điểm nhất của việc Thiên Chúa tìm kiếm con người chính là cuộc truyền tin cùa thiên thần Gabrien với Đức Trinh Nữ Maria. Maria là người phụ nữ đầu tiên đại diện cho con người đón chào tiếng ngỏ lời “cầu hôn” của Thiên Chúa qua biến cố truyền tin. Mẹ đã nói tiếng “xin vâng” và khai mào cho một cuộc tình huyền nhiệm, cuộc “đính hôn” giữa Thiên Chúa với con ngươì, giữa trời với đất. Hình ảnh mẹ Maria lên đường ra đi vội vã viếng thăm chị họ Elizabeth lại làm ứng nghiệm lời sách thánh, “Người yêu của tôi nhảy qua núi, băng qua đồi.”
Có nhiều cách để xét về tương quan giữa Thiên Chúa với con người. Thiên Chúa là vua là chủ trong khi con người là tôi tớ là điều rất tự nhiên đối với người Do Thái cũng như thời Cựu Ước. Có lẽ điều đó cũng đúng với các tôn giáo lớn khác như Hồi Giáo, Ấn Độ Giáo, và kể cả Kitô Giáo. Dân Do Thái vẫn hiểu Thiên Chúa là chủ là Chúa trong khi họ là những tôi tớ của Ngài. Câu nói của Đức Mẹ với thiên thần, “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền,” (Luca, 1:38) rất tự nhiên và dễ hiểu và ai nghe cũng lọt tai. Tuy nhiên, có một tương quan thân tình hơn trong Thánh Kinh, đó là tương quan cha con. Tác giả Kinh Lạy Cha là Chúa Giêsu đã mời gọi các môn đệ hãy gọi Thiên Chúa là Cha thay vì ông chủ. Thánh Phaolô đã bổ túc tư tưởng này bằng cách kêu mời những Kitô hữu hãy nghe theo Chúa Thánh Thần mà gọi Thiên Chúa là Abba là Cha. Dụ ngôn “Đứa Con Hoang Đàng” nói lên tình Chúa đối với con người là tình phụ tử trong đó người cha yêu con không điều kiện.
Chúa Giêsu cũng nói về tình bạn hữu giữa Ngài với các môn đệ trước khi chịu tử nạn, “Thầy không gọi anh em là tôi tớ vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Thầy gọi anh em là bạn hữu vì tất cả những gì thầy nghe biết nơi Cha thầy, thầy cũng cho anh em biết ” (Gioan 15,14-15). Sau biến cố Chúa chịu chết, sống lại, lên trời, và ban Thánh Thần xuống, các môn đệ mới bắt đầu suy gẫm, hiểu biết thêm, và rao giảng về một Thiên Chúa yêu thương con người một cách say đắm và điên cuồng. Thánh Phaolô đã ví tình yêu nơi thập giá Đức Kitô là tình yêu điên rồ và chính Ngài cũng đã ví tình yêu vợ chồng phải noi gương tình yêu của Đức Kitô yêu giáo hội và hiến mạng vì giáo hội (Ep 5:23).
Như vậy thì ta có thể kết luận như sau: Ban đầu, vì tình yêu mà Thiên Chúa đã cho con người làm tôi tớ của Ngài. Vì tình yêu bao la trời biển mà Thiên Chúa cho con người gọi Ngài là Cha “Abba.” Vì tình bằng hữu thân thiện mà Thiên Chúa đã trở nên như bạn đời để nói chuyện tâm sự vơí con người. Đặc biệt nhất, vì tình yêu điên cuồng, say đắm và đam mê, mà Thiên Chúa đã chọn con người làm ngươì tình người yêu của Ngài. Chỉ có trong tình yêu lạ lùng này, chúng ta mới không kinh ngạc về một Thiên Chúa từ trời giáng sinh xuống thế để kết hôn với người tình của Ngài. Những vị thánh chiêm niệm như Têrêxa Avila, Têrêxa Hài Đồng Giêsu rất đắc ý với tư tưởng Chúa chính là người tình của con. Chúng ta đã từng nghe hai bài thánh ca “Chúa ghi vào hốn con dấu ấn của Ngài” và “Lạy Đấng Tình Quân con tôn thờ.”
Lễ Giáng Sinh là lễ Thiên Chúa ở cùng con người được biểu lộ quachữ “Emmanuel.” Lễ Giáng Sinh là lễ Thiên Chúa kết hôn với con người. Chỉ có kết hôn là cách chắc chắn nhất để Thiên Chúa chiếm đoạt con người. Nhờ mầu nhiệm giáng sinh, Thiên Chúa cho chúng ta, người yêu của Ngài, có cơ hội gần gũi, chiêm ngắm, nhìn xem dung nhan của Ngài. Nhưng tình yêu Thiên Chúa vẫn chưa dừng lại qua việc ở cùng và nhìn ngắm. Chúa nghĩ ra phương cách để chiếm đoạt chúng ta và chúng ta chiếm đoạt Chúa một cách đầy đủ và hoàn toàn. Phương cách đó đuợc thực hiện qua biến cố tử nạn và phục sinh. Vì qua tử nạn và phục sinh,Thiên Chúa thiết lập một giao ước vĩnh cửu, giao ước trả bằng giá máu đổ ra cho người yêu và vì người yêu. Bởi lẽ chính Chúa đã quả quyết, “Không có tình yêu nào cao qúi hơn tình yêu của người hiến mạng vì người yêu” (Gioan, 15, 12). Chúa trở nên cuả ăn để đi vào người yêu và trở nên một với nàng. Nàng đây là giáo hội và cũng chính là mỗi người chúng ta.
Qua Mầu nhiệm Giáng Sinh và Phục Sinh, qủa thật Thiên Chúa đã yêu thương con người trọn gói, yêu từ xa đến gần, yêu từ trên xuống dưới, yêu từ ngoài vào trong, yêu thể xác linh hồn, yêu đời này đời sau. Tiếng Mỹ gọi là “God loves me with the whole package.”
Trong mỗi thánh lễ, chúng ta tái diễn lễ kết hôn giữa Thiên Chúa với con người đặc biệt qua câu, “Chúa ở cùng anh chị em” đồng nghĩa với “Emmanuel.” Trong bàn tiệc Thánh Thể, giao ước mới và vĩnh cửu được hiện tại hóa qua việc truyền phép. Khi rước Mình Máu Thánh là lúc tình yêu hiến mạng của Thiên Chúa đuợc trao ban và lãnh nhận.
Bây giờ chúng ta hiểu rõ hơn về những ngôn ngữ lãng mạng của tiên tri Hôsê và Sách Diễm Tình Ca. Thiết tưởng, “Emmanuel” dựa theo hai tác gỉả táo bạo và độc đáo này không có nghĩa gì khác ngoài, “Anh yêu em, muốn cưới em và ở cùng em luôn mãi.”
Lm Trịnh Ngọc Danh