Công bố Văn kiện Mục vụ về việc cử hành Năm Đức Tin
VATICAN – Thứ bảy 7-1-2012, Bộ Giáo lý Đức tin sẽ công bố Văn kiện Mục vụ về việc cử hành Năm Đức Tin do ĐTC Bênêđictô XVI ấn định từ ngày 11-10 năm nay đến 24-11 năm 2013.
Trong Tông thư “Porta fidei” (Cánh cửa Đức tin), công bố ngày 11-10-2011, ĐTC đã uỷ thác cho Bộ Giáo lý Đức tin soạn một Văn kiện với những chỉ dẫn mục vụ để cử hành Năm Đức Tin. Trong thời gian qua, Bộ Giáo lý Đức tin đã cộng tác với một số cơ quan trung ương của Toà Thánh cùng với Uỷ ban chuẩn bị Năm Đức Tin để soạn thảo Văn kiện này. Uỷ ban có các thành viên gồm các HY Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, Bộ Truyền giáo, Bộ Giám mục, Bộ Giáo sĩ, Bộ Giáo dục Công giáo, Hội đồng Toà Thánh về Giáo dân, ĐHY Bagnasco (Italia), Jean-Pierre Ricard (Pháp, Christoph Schoenborn (Áo), và 5 GM khác.
Văn kiện đề ngày 6-1-2012, Lễ Chúa Hiển Linh 2012, và sẽ được công bố ngày 7-1-2012.
– Trong phần nhập đề, Văn kiện tái khẳng định: “Năm Đức Tin nhắm góp phần vào sự hoán cải được đổi mới, trở về cùng Chúa Giêsu và tái khám phá đức tin, để mọi thành phần Giáo Hội trở thành chứng nhân đáng tin cậy và hân hoan làm chứng về Chúa Phục Sinh, cũng như có khả năng chỉ dẫn cho bao nhiêu người khác đang tìm kiếm cánh cửa đức tin”.
Năm Đức Tin trùng vào dịp kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng Chung Vatican II (11-10-1962) và 20 năm công bố Sách Giáo lý chung của Hội thánh Công giáo. Vì thế, Năm này là cơ hội tốt đẹp để cổ vũ sự hiểu biết và phổ biến nội dung của Công Đồng cũng như Sách Giáo lý của Giáo Hội.
Những chỉ dẫn mục vụ trong Văn kiện nhắm tạo điều kiện dễ dàng cho “sự gặp gỡ với Chúa Kitô, qua những chứng nhân đức tin, cũng như ngày càng hiểu biết hơn về nội dung đức tin”.
Văn kiện trình bày những đề nghị trên bình diện: Giáo Hội hoàn vũ, các HĐGM, các giáo phận, và sau cùng là các giáo xứ, cộng đoàn, hiệp hội và phong trào.
– Ví dụ, bên cạnh việc cử hành trong thể để khai mạc Năm Đức Tin và các biến cố khác có sự tham dự của ĐTC như Thượng HĐGM Thế giới lần thứ 13 năm nay, hoặc Ngày Quốc tế Giới trẻ năm tới (2013) tại Brazil, nên có những sáng kiến đại kết để “kêu cầu và cổ vũ sự tái lập hiệp nhất giữa tất cả các tín hữu Kitô, và nên có một buổi cử hành đại kết trong thể để tái khẳng định niềm tin nơi Chúa Kitô của tất cả các tín hữu đã chịu phép rửa”.
– Ở bình diện các HĐGM, nên khuyến khích gia tăng chất lượng việc huấn giáo và kiểm chứng các sách giáo lý ở địa phương cũng như các tài liệu giúp giảng dạy giáo lý, để các sách này được hoàn toàn phù hợp với Sách Giáo lý chung của Hội thánh Công giáo. Ngoài ra, nên cổ vũ việc sử dụng rộng rãi các ngôn ngữ truyền thông và nghệ thuật, các chương trình truyền hình, phát thanh, phim ảnh, sách báo, ở trình độ bình dân, về đức tin.
– Ở cấp giáo phận, Năm Đức Tin được coi như “cơ hội mới mẻ để đối thoại trong tinh thần sáng tạo giữa đức tin và lý trí, qua các hội nghị, các cuộc hội thảo, những ngày học hỏi, đặc biệt là trong các Đại hội Công giáo”, và như một thời điểm thuận tiện cho “những buổi cử hành thống hối xin Chúa tha thứ, đặc biệt về những tội chống lại đức tin”.
– Trên bình diện giáo xứ, đề nghị chủ yếu vẫn là cử hành đức tin trong phụng vụ, nhất là Thánh Lễ, vì “trong Thánh Lễ, Mầu nhiệm Đức tin và nguồn mạch của công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng, đức tin của Giáo Hội được công bố, cử hành và củng cố”. Từ sáng kiến đó cũng được kêu gọi đề ra, phát triển và phổ biến những đề nghị khác, trong đó chắc chắn là có những sáng kiến do nhiều hội dòng, cộng đoàn mới và các phong trào của Giáo Hội.
Sau cùng, tại Hội đồng Toà Thánh Tái Truyền giảng Tin Mừng sẽ thành lập một Văn phòng Tổng Thư ký về Năm Đức Tin để phối hợp các sáng kiến do các cơ quan Trung ương Toà Thánh nhắm tới Giáo Hội hoàn vũ. Văn phòng này cũng có thể “gợi ra những đề nghị cho Năm Đức Tin và có một Website riêng trên Internet để phổ biến những tin tức hữu ích về Năm Đức Tin.
Những chỉ dẫn mục vụ do Văn kiện của Bộ Giáo lý Đức tin trình bày với mục đích mời gọi tất cả các thành phần của Giáo Hội dấn thân trong Năm Đức Tin để tái khám phá và chia sẻ điều quý giá nhất đối với Kitô hữu, đó là chính Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc con người, là Vua Vũ Trụ, là tác giả và là người kiện toàn đức tin” (Dt 12,2). (SD 5-1-20120)
G. Trần Đức Anh OP
R.Vatican