Tin Giáo hội 

Video: Thế giới nhìn từ Vatican 20/1 – 27/01/2012

Giáo Hội là cộng đoàn nảy sinh từ lời cầu linh mục của Chúa Giêsu

Giáo Hội là cộng đoàn nảy sinh từ lời cầu linh mục của Chúa Giêsu và bao gồm những người được thánh hiến cho Thiên Chúa, hoàn toàn tùy thuộc Thiên Chúa và tất cả mọi người được sai ra đi để đem thế giới trở về với Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã khẳng định như trên với gần 5.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung với Đức Thánh Cha trong đại thính đường Phaolô VI, sáng thứ tư 25 tháng Giêng.

Sau hàng loạt bài suy niệm về các kinh nguyện, Đức Thánh Cha đã đề cập đến lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trước cuộc Thương Khó.

Ngài nói “Chúa Giêsu, vị thượng tế và đồng thời là của lễ, cầu nguyện xin Chúa Cha tôn vinh Ngài trong giờ phút này, giờ của hy lễ hòa giải” cho tội lỗi của tất cả mọi người. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:

“Lời cầu linh mục của Chúa Giêsu do đó có thể được xem như việc thiết lập Giáo Hội, cộng đoàn của các môn đệ, là những người thông qua niềm tin vào Ngài, được nên một và chia sẻ trong sứ vụ cứu độ của Ngài.”

Trong bài suy niệm, Đức Thánh Cha cũng nói về tầm quan trọng của việc nhớ đến các nhu cầu của những người chung quanh ta và mọi người trên thế giới. Ngài cũng chỉ ra rằng mặc dù Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo đã trôi qua, ý hướng đó vẫn còn tiếp tục trong lời cầu nguyện của một người. Đức Thánh Cha nói:

“Chúng ta cũng cầu nguyện như đã làm trong Tuần Cầu Nguyện Hiệp Nhất Kitô Giáo, để hồng ân hiệp nhất của tất cả những người theo Chúa Kitô trở nên tỏ tường, để thế giới tin nơi Chúa Con và Chúa Cha là Đấng đã sai Ngài đến trong thế gian.”

Do thời tiết giá lạnh, các buổi triều yết chung vẫn đang được tổ chức tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục. Buổi triều yết chung hôm nay có sự tham dự đông đảo của một nhóm đến từ Ba Lan.

httpv://vimeo.com/35783820

Kết thúc tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô

Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô bắt đầu ngày 18 tháng Giêng đã kết thúc với buổi hát Kinh Chiều trọng thể do Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 chủ sự tại Đền thờ thánh Phaolô ngoại thành chiều Thứ tư 25 tháng Giêng.

Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô bắt đầu ngày 18 tháng Giêng đã kết thúc với buổi hát Kinh Chiều trọng thể do Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 chủ sự lúc 5 giờ 30 tại Đền thờ thánh Phaolô ngoại thành chiều Thứ tư 25 tháng Giêng.

Hiện diện tại buổi cầu nguyện, ngoài 26 vị Hồng Y, còn có đông đảo các Giám Mục, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân Roma, nhiều đại diện của các cộng đoàn Kitô khác, đặc biệt là Đức Tổng Giám Mục Ghennadios của Giáo Hội Chính Thống tại Italia và Malta, Kinh Sĩ Richardson, Đại diện Đức Tổng Giám Mục Canterbury, Giáo chủ Liên hiệp Anh Giáo, nhóm làm việc gồm nhiều đại diện các Giáo hội Kitô ở Ba Lan, là nhóm đã soạn tài liệu cho tuần cầu nguyện hiệp nhất năm nay, các sinh viên Học viện đại kết ở Bossey, Thụy Sĩ.

Trước khi kinh chiều bắt đầu, Đức Hồng Y Kurt Koch, người Thụy Sĩ, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, đã đại diện mọi người hiện diện chào mừng và cám ơn Đức Thánh Cha đã đến chủ sự Kinh Chiều này. Đức Hồng Y ghi nhận sự hiện diện của đông đảo đại diện các tín hữu Kitô trong buổi hát kinh chứng tỏ lời mời gọi của Đức Thánh Cha cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô được nhiều người lắng nghe đón nhận.

Tưởng cũng nên nhắc lại là trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 15 tháng Giêng và trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 18 tháng Giêng, Đức Thánh Cha đã mời gọi các tín hữu sốt sắng hiệp ý cầu nguyện cho ngày hiệp nhất trọn vẹn giữa mọi tín hữu Kitô mau tới. Ngỏ lời với 8.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến trong đại thính đường Phaolô VI, Đức Thánh Cha đã nhắc lại lịch sử của Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các tín hữu Kitô.

Thói quen của Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu đã được đưa ra vào năm 1908, bởi Cha Paul Wattson, sáng lập viên một cộng đoàn dòng tu Anh Giáo, sau đó gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Sáng kiến này được Đức Giáo Hoàng Pio thứ 10 chúc lành, được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 thăng tiến và khuyến khích cử hành trong toàn Giáo Hội Công Giáo với Tông thư Romanorum Pontificum công bố ngày 25 tháng 2 năm 1916.

Tuần cầu nguyện đã được khai triển và hoàn bị trong thập niêm 1930 của thế kỷ vừa qua bởi linh mục Paul Couturier tỉnh Lyon, là người đã ủng hộ việc cầu nguyện “cho sự hiệp nhất Giáo Hội như Chúa Kitô muốn”.

Đề tài năm nay 2012 lấy từ thư thứ I gửi tín hữu Côrintô: “Tất cả chúng ta sẽ được biến đổi bởi chiến thắng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”. Đề tài do một nhóm đại kết Kitô Ba Lan đề nghị muốn nhấn mạnh sức mạnh sự nâng đỡ của đức tin Kitô giữa các thử thách và đảo lộn của cuộc sống như trong trường hợp của lịch sử Ba Lan.

Chiến thắng của Chúa Kitô là chiến thắng đối với tình yêu khổ đau, đối với việc phục vụ nhau, sự trợ giúp, niềm hy vọng mới và sự an ủi cụ thể những người rốt hết, những người bị quên lãng và bị khước từ. Chúng ta có thể tham dự vào “chiến thắng” biến đổi đó, nếu chúng ta để cho mình được Thiên Chúa biến đổi.

Đức Thánh Cha khẳng định rằng sự hiệp nhất tràn đầy và hữu hình của các tín hữu Kitô đòi buộc chúng ta phải để cho mình thay đổi, và ngày càng đồng hình đạng hoàn thiện hơn với hình ảnh của Chúa Kitô. Sự hiệp nhất mà chúng ta cầu xin đòi buộc một sự hoán cải nội tâm, trên bình diện cá nhân cũng như trên bình diện cộng đoàn. Nhiệm vụ đại kết là một trách nhiệm của toàn thể Giáo Hội và mọi tín hữu đã được rửa tội.

Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền Thông Năm 2012.

“Trong các cụm từ ngắn gọn, thường không quá một câu Kinh Thánh, những suy tư sâu sắc có thể được truyền đạt” Bênêđíctô thứ 16 đã nhấn mạnh như trên trong sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông năm 2012.

Ngài lưu ý rằng hiệu quả của truyền thông đòi hỏi một sự im lặng và suy tư. Đức Thánh Cha ghi nhận rằng ngày nay nhiều câu hỏi và câu trả lời quan trọng trong cuộc sống đang được tìm kiếm thông qua internet, nơi các câu hỏi và câu trả lời có thể trở nên một sự “dội bom” thông tin trên tư duy con người thông qua các công cụ tìm kiếm và mạng xã hội.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong sứ điệp công bố hôm 24 tháng Giêng là lễ kính thánh Phanxicô đệ Salê, nhân Ngày Thế giới truyền thông xã hội lần thứ 46 sẽ được cử hành vào Chúa Nhật 20 tháng 5 tới đây, với chủ đề “Thinh lặng và lời nói: con đường truyền giảng Tin Mừng”. Sứ điệp được Đức Tổng Giám Mục Claudio Marie Celli, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về truyền thông xã hội, cùng với các vị phụ tá, giới thiệu trong cuộc họp báo lúc 11 giờ rưỡi sáng 24 tháng Giêng tại Phòng Báo chí Tòa Thánh.

Đức Thánh Cha khẳng định rằng “thinh lặng và lời nói là hai yếu tố của truyền thông, phải được quân bình, nối tiếp và hội nhập với nhau để có thể có một cuộc đối thoại đích thực và sự gần gũi sâu xa giữa con người với nhau. Khi lời nói và thinh lặng loại trừ nhau, thì truyền thông bị suy thoái, hoặc nó tạo nên một sự choáng váng, hoặc trái lại, nó tạo nên một bầu không khí lạnh lùng”.

Theo Đức Thánh Cha, “Thinh lặng là thành phần của truyền thông và nếu không có nó thì sẽ không có những lời nói với nội dung xúc tích. Nơi nào các sứ điệp và thông tin dồi dào, thì thinh lặng càng trở nên thiết yếu để phân định điều gì là quan trọng và điều gì là vô ích hoặc phụ thuộc. Sự suy tư sâu xa giúp chúng ta khám phá quan hệ giữa các biến cố, thoạt nhìn chúng có vẻ không liên hệ với nhau. Nó cũng giúp thẩm định, phân tích các sứ điệp. Vì thế cần kiến tạo một môi trường thích hợp, giống như một hệ thống môi sinh biết giữ quân bình giữa thinh lặng, lời nói, hình ảnh và âm thanh”.

Cũng trong Sứ điệp, Đức Thánh Cha nhận xét rằng thinh lặng là điều quí giá để dễ dàng có sự phân định cần thiết giữa bao nhiêu điều kích thích và bao nhiêu câu trả lời mà chúng ta nhận được, để nhận ra và tập trung vào những câu hỏi thực sự quan trọng.

Ngài viết: “Con người không thể chỉ hài lòng với một sự trao đổi trong tinh thần bao dung về những ý kiến ngờ vực và về kinh nghiệm cuộc sống: tất cả chúng ta hãy trở thành những người tìm kiếm chân lý và chia sẻ ước muốn sâu xa này, nhất là trong thời này, “khi con người trao đổi thông tin với nhau, họ cũng đang trao đổi chính bản thân, vũ trụ quan, những hy vọng và lý tưởng của họ cho nhau”.

Trong chiều hướng đó, Đức Thánh Cha cũng đề cao các mạng Internet, các thảo chương và mạng xã hội có thể giúp con người ngày nay sống những lúc suy tư và tự hỏi đích thực, cũng như tìm được những khoảng thinh lặng, cơ hội cầu nguyện, suy niệm hoặc chia sẻ Lời Chúa. Nếu Thiên Chúa nói với con người cả trong lúc thinh lặng, thì con người cũng có thể khám phá trong thinh lặng khả năng nói với Thiên Chúa và về Thiên Chúa”.

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Lời nói và thinh lặng, và việc tự giáo dục về truyền thông có nghĩa là học cách lắng nghe, chiêm niệm, ngoài lời nói, và điều này đặc biệt quan trọng đối với những ai rao giảng Tin Mừng. Thinh lặng và lời nói, cả hai đều là những yếu tố thiết yếu và bổ túc cho nhau trong hoạt động truyền thông của Giáo Hội, để loan báo Chúa Kitô một cách mới mẻ trong thế giới ngày nay”

Đức Thánh Cha chúc các Dân tộc mừng Tết Nguyên Đán một năm đầy Công lý và Hòa bình 

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 22 tháng Giêng, Đức Thánh Cha đã ra cửa sổ phòng làm việc của ngài để đọc kinh Truyền Tin chung với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu. Nhân dịp Tân Xuân Nhâm Thìn Đức Thánh Cha đã chúc Tết các dân tộc Viễn Đông như sau:

Anh chị em thân mến, trong các ngày này nhiều dân tộc Viễn Đông tươi vui mừng Năm Mới Âm Lịch. Trong tình trạng khủng hoảng kinh tế xã hội hiện nay tôi cầu chúc tất cả các dân tộc ấy một năm mới thực sự ghi dấu công lý và hòa bình, đem lại thoa dịu cho người khổ đau; tôi đặc biệt cầu chúc cho các bạn trẻ, với lòng hăng hái và sự thúc đẩy của lý tưởng, có thể cống hiến cho thế giới một niềm hy vọng mới.

Đức Giáo Hoàng chào đón hai con chiên đã được chúc lành vào ngày lễ Thánh Agnes

Sau khi được chúc lành tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Agnes, hai con chiên đã được đưa đến trước Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 tại Điện Tông Tòa của Vatican.

Len chiên sẽ được sử dụng để làm những dây Pallium mà các vị Tổng Giám Mục chánh toà sẽ mặc vào ngày 29 Tháng Sáu, là ngày lễ kính Thánh Phêrô và Thánh Phaolô.

Dây Pallium hay Dây Quàng Cổ có hai dải phía trước và phía sau, quàng bên ngoài áo lễ, được dệt bằng lông chiên màu trắng có thêu 6 thánh giá mầu đen, hai dải cũng kết thúc bằng len mầu đen. Nó biểu hiệu cho sự hiệp nhất của các Tổng Giám Mục Trưởng các Giáo Tỉnh trên toàn thế giới với Đức Giáo Hoàng, Chủ Chăn của Giáo Hội Hoàn Vũ, cũng như biểu hiệu cho quyền bính trên các Giám Mục khác thuộc giáo tỉnh.

Truyền thống của Dây Quàng Cổ có từ thế kỷ thứ 4, và di tích các hình vẽ có từ thế kỷ thứ 5. Từ thế kỷ thứ 5 trở đi nó thuộc phẩm phục của Đức Giáo Hoàng và các Tổng Giám Mục Trưởng. Theo thời gian, đặc biệt trong thời Trung Cổ, các dây Pallium này biến dạng với các hình thánh giá khác nhau, có khi là mầu hồng ám chỉ Chúa Kitô là Chủ chiên lành kiếm tìm con chiên lạc và hối thúc đoàn chiên trở về. Trừ các Giáo Hội Công Giáo đông phương Maronít, Malankara và Malabar không dùng Dây Palliun, trong các Giáo Hội Đông Phương khác. Dây Pallium rộng tới hai vai và có hai dải phía trước và phía dài xuống tới chân, có thêu thánh gía mầu đen hay mầu hồng.

Vào thời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị các chiên con được dâng trong dịp lễ Phục Sinh sẽ được giao cho các nữ tu dòng kín nuôi và lấy len của chúng để làm dây Pallium. Từ hậu bán thế kỷ thứ 9 trở đi các Tổng Giám Mục Trưởng Giáo Tỉnh có thói quen xin Dây Pallium này, trong thời gian 3 tháng sau khi được chỉ định làm Tổng Giám Mục. Ngày nay, nghi lễ trao dây Palllium được tổ chức tại Roma ngày 29 tháng 6 hàng năm nhân dịp lễ trọng kính hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô. Nếu vì lý do ngăn trở vị Tổng Giám Mục không thể đến Roma được, Dây Pallium sẽ được gửi tới cho đương sự.

Video nhân hội nghị thế giới gia đình: Các cặp vợ chồng thảo luận làm thế nào để giải quyết các vấn đề gia đình thường gặp

Tổng Giáo Phận Milan đã phát động một sáng kiến độc đáo để chuẩn bị cho Hội nghị Thế giới sắp tới về gia đình. Trong một loạt các videos, các gia đình đã nói về những vấn đề thường phải đối mặt trong đó các cặp vợ chồng tập trung cụ thể về cách họ giải quyết những vấn đề đó.

Loạt videos này có tựa đề là “Phong cách sống” và đã được thực hiện bằng tiếng Ý. Nhưng cuối cùng loạt videos này sẽ được dịch sang các ngôn ngữ khác. Cho đến nay, 5 videos trong tổng số 10 videos đã được thực hiện.

Một số trong những chủ đề bao gồm cách thế những cặp vợ chồng đối phó với việc mất công ăn việc làm, khám phá ra họ không thể có con, hoặc thậm chí việc gia đình ly tán gây ra bởi di cư.

Một trong các video có tiêu đề “Gia đình là bằng chứng sống.” Trong đó, một cặp vợ chồng người Peru nói về sự tách biệt tình cảm họ cảm thấy giữa họ, sau khi chuyển đến Milan, Ý. Họ đã đề cập đến cách đối phó với vấn đề này, bao gồm cả những gì họ đã làm gì để vượt qua nó.

Một câu chuyện khác là của Leo. Sau khi làm việc 30 năm trong cùng công ty, ông bị mất việc làm. Trong video, ông nói về cách thích ứng với tình hình, và tác động của nó đã có với gia đình của mình.

Năm nay, Hội nghị thế giới các gia đình đang tập trung vào sự cân bằng giữa công việc, gia đình và thời gian nghỉ ngơi. Sáng kiến này sẽ cố gắng giúp đỡ các gia đình để họ có thể giải quyết, các vấn đề thông thường mỗi ngày theo chiều hướng Kitô Giáo.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 phê chuẩn Phụng Vụ khai tâm Kitô giáo của Con Đường Tân Dự Tòng

Tòa thánh Vatican đã phê chuẩn Phụng Vụ lễ khai tâm Kitô giáo của Con Đường Tân Dự Tòng. Biến cố này đã diễn ra trong một cuộc họp rất xúc động với Kiko Argüello và 7.000 thành viên Con Đường Tân Dự Tòng. Đức Thánh Cha đã giải thích các yếu tố của sắc lệnh mới. Ngài nói:

“Việc phê chuẩn này là một yếu tố nữa cho thấy Giáo Hội kiên trì đồng hành cùng các bạn trong một nhận thức sâu sắc để vừa giúp các bạn tăng trưởng vừa bảo vệ sự hiệp thông và hài hòa nội bộ trong toàn thể Giáo Hội.”

Cùng với ông Kiko, người sáng lập Con Đường Tân Dự Tòng còn có các nhà lãnh đạo quốc tế khác như Carmen Hernandez và Mario Pezzi. Cùng tham dự còn có 5 Hồng Y và 50 vị Giám Mục.

Đức Thánh Cha sau đó thông báo rằng 18 gia đình trong phong trào Con Đường Tân Dự Tòng sẽ được gửi đến các địa điểm nơi ảnh hưởng Kitô Giáo đã bị phai tàn. Mỗi người trong số họ sẽ được đi kèm với một linh mục để giúp họ truyền giáo. Họ sẽ sớm lên đường đến với đất nước Gabon ở châu Phi, vùng Riviera của Pháp ở Marseille, và Venezuela. Đức Thánh Cha nhấn mạnh:

“Một trăm gia đình sắp tham gia công tác Truyền Giáo cho muôn dân. Tôi mời gọi các bạn đừng sợ, vì người loan báo Tin Mừng không bao giờ đơn độc. “

Ông Kiko đã cảm ơn Đức Thánh Cha vì tất cả các hỗ trợ mà ngài dành cho phong trào. Ông giải thích rằng những hỗ trợ này sẽ giúp phong trào có thêm điều kiện để giúp những người không có tiếp xúc với Giáo Hội biết đến Thiên Chúa và lớn lên trong đức tin. Ông nói:

“Các cử hành đã được phê chuẩn có một sức mạnh rất lớn. Hãy tưởng tượng chúng được tổ chức tại châu Phi, Madagascar, hay với các thổ dân. Chúng tôi đã có kinh nghiệm về động lực lớn lao này. Hôm nay Giáo Hội phê duyệt các lễ kỷ niệm này với tất cả các ý nghĩa lịch sử của nó đối với Con Đường Tân Dự Tòng”

Con Đường Tân Dự Tòng bắt đầu vào năm 1964, trong một khu ổ chuột của Madrid. Ngày nay, Con Đường có mặt tại 100 quốc gia và khoảng 6.000 giáo xứ.

Một thành viên Con Đường Tân Dự Tòng nói:

“Chúng tôi gia nhập Con Đường tháng ba năm ngoái và sau đó chúng tôi đến đây bởi vì Chúa đã kêu gọi chúng tôi. Cùng với gia đình tôi, con gái của tôi, các anh em trong cộng đồng, và với vợ tôi. “

Trong cuộc họp, các bài hát ‘Sword’ và ‘Resurrexit’ đã được trình bày bởi dàn nhạc giao hưởng Con Đường Tân Dự Tòng như một món quà đặc biệt cho Đức Giáo Hoàng.

Đức Giáo Hoàng kêu gọi cho các chủng sinh hỗ trợ cho việc Tân Phúc Âm Hoá

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã gặp gỡ với các chủng sinh và linh mục trẻ đến từ Học Viện Capranica. Ngài nói rằng Giáo Hội hy vọng nhiều nơi họ “trong công tác rao giảng Tin Mừng và Tân Phúc Âm Hoá”.

Ngài khích lệ các chủng sinh và linh mục hãy “gần gũi với tất cả mọi người, và không cho phép bất kỳ nền văn hóa nào trở nên một rào cản đối với Lời Hằng Sống mà tất cả anh em rao giảng dù phải trả giá ngay cả bằng mạng sống của mình”.

Cuộc gặp gỡ đã quy tụ 70 đại diện của Học Viện Capranica tại Almo, một chủng viện của giáo phận Rôma đã có 555 năm lịch sử. Chủng viện đã được thành lập để đào tạo linh mục cho những chủng sinh không có khả năng kinh tế. Cựu sinh viên cũ của nó bao gồm cả các vị Giáo Hoàng như Đức Giáo Hoàng Piô thứ 12 và Đức Giáo Hoàng Biển Đức thứ 15.

Đức Giáo Hoàng đề cập với các Giám Mục Hoa kỳ về chính trị, chủ nghĩa thế tục, và nền văn hóa Kitô giáo

Một nhóm các giám mục Mỹ đã gặp gỡ với Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 trong chuyến thăm Ad Limina của các ngài tại Rôma. Đức Hồng Y Donald Wuerl của Washington DC đã phát biểu thay mặt cho các giám mục và cám ơn Đức Thánh Cha dành cho các vị buổi tiếp kiến hôm 19 tháng Giêng.

Trong bài phát biểu của mình Đức Thánh Cha nói:

“Việc tách biệt đúng đắn giữa Giáo Hội và nhà nước không thể hiểu là Giáo Hội phải câm nín trước một số vấn đề, cũng không phải là Nhà nước có thể chọn không để tính đến, hoặc lờ đi, tiếng nói của các tín hữu trong việc xác định các giá trị định hình nên tương lai của dân tộc”.

Đức Thánh Cha đã bày tỏ mối quan tâm của ngài về sự thù địch chống lại truyền thống Do Thái-Kitô giáo. Ngài nói “thật là cấp bách để toàn bộ cộng đoàn Công Giáo tại Hoa Kỳ nhận ra những mối đe dọa nghiêm trọng đối với chứng tá đạo đức công khai của Giáo Hội gây ra bởi một thứ chủ nghĩa thế tục cấp tiến đang ngày càng được thể hiện trong các lĩnh vực chính trị và văn hóa”.

Đức Thánh Cha nói:

“Khi một nền văn hóa cố gắng ngăn chặn chiều kích siêu nhiên, và đóng kín với những sự thật minh bạch, nó chắc chắn sẽ trở thành nghèo nàn và trở thành mồi ngon cho các lạm dụng.”

Đức Thánh Cha cũng hoan nghênh “nỗ lực để duy trì liên lạc với những người Công Giáo tham gia vào đời sống chính trị,” và nói thêm rằng các chính trị gia Công Giáo cần phải tôn trọng các giá trị phò sinh, nhân phẩm con người, và nhân quyền.

Ngài lưu ý rằng một đức tin mạnh mẽ sẽ giúp người Công Giáo Hoa Kỳ đóng góp vào công cuộc đổi mới xã hội và các nỗ lực truyền giáo trong nền văn hóa Mỹ.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 cũng ghi nhận tầm quan trọng của giáo dân trong việc đề cao viễn kiến Kitô giáo trong xã hội. Ngài nói rằng đó là một nhiệm vụ chính cho Giáo Hội tại Hoa Kỳ.

Các giám mục trong chuyến thăm ad limina lần này đến từ Washington DC, Maryland, Delaware, Virginia, West Virginia, US Virgin Island, và Tổng Giáo Phận Quân Đội Mỹ bao gồm các cha tuyên úy cho tất cả các lực lượng vũ trang của Hoa Kỳ.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16: “Sự hiệp nhất Kitô Giáo đòi hỏi sự kiên nhẫn”

Đức Thánh Cha đã tiếp một phái đoàn đại kết từ Phần Lan được dẫn đầu bởi Đức Giám Mục Công Giáo Teemu Sippo Helsinki và giám mục Seppo Häkkinen của giáo phận Mikkeli của giáo hội Lutheran.

Đức Thánh Cha đã nói rằng sự hiệp nhất Kitô giáo “đòi hỏi sự kiên nhẫn chờ đợi trong tín thác, không phải trong một tinh thần bất lực hoặc thụ động, nhưng với sự tin tưởng sâu sắc rằng sự hiệp nhất của tất cả các Kitô hữu trong một Giáo Hội thực sự là món quà của Thiên Chúa chứ không phải là một thành đạt riêng của chúng ta.”

Cuộc họp này được tổ chức trong Tuần lễ Hiệp nhất Kitô giáo.

Eduardo Verastegui đã thu âm một bài hát dành riêng cho Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16

Diễn viên và nhà sản xuất phim Eduardo Verastegui đã thu một bài hát mới cho chuyến thăm sắp tới của Đức Giáo Hoàng tại Mễ Tây Cơ. Trong tháng ba, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 sẽ thực hiện chuyến tông du đầu tiên đến đất nước này. Ngay khi chương trình tông du chính thức cho chuyến thăm được xác nhận, tài tử chính trong bộ phim “Bella” đã muốn làm gì đó để chào đón Đức Thánh Cha.

Verastegui là một thành viên trong nhóm Kairo là nhóm cũng vừa phát hành một album những bài đơn ca. Trong quá khứ, ông đã hát cùng với các ca sĩ như Alejandro Sanz, Shakira và Gloria Estefan trong bài “Lần tạm biệt sau cùng “, một bài hát rất xúc động dành riêng cho các nạn nhân của các cuộc tấn công ngày 11 tháng 9.

Giai điệu của bài hát dành riêng cho Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 vẫn còn trong vòng bí ẩn. Tuy nhiên, bài hát này dự kiến sẽ được phát hành trong một vài tuần tới và có lẽ sẽ trở thành một trong những bài hát phổ biến nhất trong âm nhạc Latin tháng Ba này.

Vietcatholic News

Related posts