LƯỢC SỬ GIÁO XỨ SƠN NGUYÊN
Phần đất giáo xứ Sơn Nguyên hiện nay gồm các xã Sơn Nguyên, Sơn Hà, Suối Bạc, Sơn Xuân, Sơn Long, Sơn Định thuộc huyện Sơn Hòa và xã Hòa Hội thuộc huyện Phú Hòa. Trên tuyến liên tỉnh lộ số 07 ( Quốc lộ 25) từ Tuy Hòa đến ngã ba Ngân Điền, rẽ phải theo đường liên xã khoảng hơn 03km, nhà thờ Sơn Nguyên thuộc thôn Nguyên Cam xã Sơn Nguyên ở hướng Tây cách đường liên xã hơn 01km. Nhìn nhà thờ có tính tạm thời không lộng lẫy nhưng ấm cúng, vì nơi đây là chổ dựa tinh thần cho đoàn tín hữu đã phải rời bỏ chốn an sinh đi xây dựng đời sống mới.
II. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ :
Giáo xứ Sơn Nguyên vừa mới được Đức Giám Mục Giáo Phận quyết định nâng lên hàng giáo xứ vào ngày 01/07/2003. Là một giáo xứ non trẻ nhưng vùng đất thuộc giáo xứ Sơn Nguyên hôm nay đã đón nhận hạt giống Tin Mừng rất sớm.
Trong danh sách nhà thờ, nhà nguyện năm 1747 của cha Guillaume Rivoal ghi phần thừa sai Paris có Lo-Rao (Lỗ -rong) 40 tín hữu , ngày nay thuộc thôn Nhất Sơn, xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa.
Sau phong trào Văn Thân, năm 1890 Đồng Cam (xã Hòa Hội) là một giáo điểm được các linh mục ở Hoa Vông như cha Guitton, cha Phục đến truyền giáo và chăm sóc mục vụ (Mm. 1927, p.30). Hiện nay còn chút dấu vết của nền nhà thờ xưa.
Suối Sậy, một giáo họ được thành lập từ những năm đầu thế kỷ 20. Theo lời viết của ông Simon Trần Nhơn (*) trong tộc phả họ Trần ở Tuy Hòa:“ Lúc ấy người (cha của ông) giúp cho cha Nhi ở họ Tịnh Sơn ( tháng 02/ 1895 đến 14/07/1901, Mm. 1927, p.31), Sau khi cha Nhi đổi đi nơi khác, cha ta mới qui dân lập ấp trên vùng đất mới, ở tả ngạn sông Ba về hướng Tây gọi là họ Bằng Ké (có lẽ vùng nầy đất bằng và có nhiều cây Ké ). Làm ăn giàu có, song vì nước độc địa, sinh con đều chết, nên đã bỏ đem tất cả gia nhân về phá vỡ rừng, lập họ Suối Sậy. Cha ta thì đau luôn, bị chứng sưng lá lách, bụng to vì rét rừng, mọi sự đều ở tay, miệng mẹ ta. Người đàn bà gương mẫu cần mẫn. Người lo cất nhà thờ, nhà cha xứ, chuồng ngựa qui mô, trang hoàng cho thành một sở họ…nhà thờ, nhà mẹ ta và hầu hết tất cả gia đình con dân trong họ nầy đều bị bom xăng thiêu rụi năm 1950, mất cả di tích xưa”. Người phụ nữ nầy thường được gọi là Bà Tám, vùng đất được bà khai hoang lập nghiệp đến nay vẫn còn mang tên của bà : Phường Bà Tám.
Tháng 03 năm 1979 một số đông giáo dân từ Cam Ranh, Nha Trang mang hạt giống Tin Mừng đến ươm trồng và tung gieo trên vùng kinh tế mới Hòa Nguyên ở gần sát Phường Bà Tám. Thời gian này số giáo dân từ vùng Kinh Tế Mới đã cùng với giáo dân của giáo họ Suối Sậy đi lễ ngày Chúa nhật tại nhà thờ Củng Sơn thuộc giáo xứ Tịnh Sơn do cha Phêrô-Tuần Nguyễn Cao Hiên làm cha sở.
* Đến năm 1987 giáo dân đã mời cha sở đến nhà kẻ liệt để ngài ban Bí tích và dâng lễ tại nhà, trước đó chỉ đến ban bí tích xức dầu chứ không dâng thánh lễ.
* Ngày 26/06/1989 giáo dân đã tự ý dựng một nhà thờ trên nền nhà thờ cũ của họ Suối Sậy, nhà thờ này mái lợp bằng tranh và không có vách.
* Đến ngày 05/07/1989 thì nhà thờ mái tranh vách đất được hoàn thành và cha sở đã về đây dâng lễ hằng tuần vào Chúa nhật, việc làm này dần dần trở thành thông lệ. Lúc này sinh hoạt của giáo họ dần dần được củng cố, kết quả Ban Hành Giáo Lâm Thời đã ra đời: Các ông Nguyễn Ngọc Cương, Đặng Đình Duệ đại diện cho giáo dân thôn 2, ông Nguyễn Quang Khâm, ông Trương Thu đại diện cho giáo dân thôn 1, ông Lê văn Phú, ông Nguyễn Đáng đại diện cho giáo dân Suối Sậy cũ và ban cố vấn gồm các cụ cao tuổi : ông Huỳnh Tấn Công, ông Nguyễn Hót và ông Nguyễn Tung (thường được gọi là ông Thị)
* Tháng 6 năm 1991 sau khi tham khảo ý kiến cha sở và giáo dân trong khu vực, Ban Hành Giáo Lâm Thời quyết định di dời nhà thờ đến khu vực thôn Nguyên Cam (thôn 2 trước đây) để đa số bà con giáo dân tập trung về nhà thờ được thuận tiện hơn. Địa điểm dựng nhà thờ Sơn Nguyên là đất thổ cư của ông Lê Đình Cát và một lô gia cư khác. Lúc đầu nhà thờ chỉ được dựng lên có tính hình thức thô sơ tạm thời.
* Ngày 17/08/1991 nhà thờ Sơn Nguyên đã được hợp pháp hóa và được phép xây dựng tại địa điểm nầy.
* Ngày 20/11/1991 bắt đầu đổ nền nhà thờ mới.
* Ngày 08/12/1991(Chúa nhật II mùa vọng) di dời nhà thờ cũ sang địa điểm mới. Nhà thờ tạm được dựng lên lúc này mái lợp tole cũ và bốn bên trống vách. Ban hành giáo đã vận động giáo dân đi lên rừng chặt cây lấy gỗ, xin Đức Giám Mục giáo phận giới thiệu đi các xứ trong nước quyên tiền để tu bổ và nới rộng thêm.
* Ngày 28/01/1992 khởi công mở móng xây dựng nhà thờ. Cùng với tình yêu quan phòng của Chúa, sự giúp đỡ của các ân nhân, lòng nhiệt thành, tình đoàn kết của cha sở và giáo dân, nhà thờ dần dần được hoàn thành.
* Ngày 08/05/1992 giáo họ Sơn Nguyên đón mừng Cha Giuse Lê Thu Thâu, người con của giáo họ vừa thụ phong linh mục hôm 01/05/1992 . Cha Thâu được bổ nhiệm làm phó xứ Tịnh Sơn , thường trực tại Sơn Nguyên .
* Ngày 09/07/1992 Giáo họ Sơn Nguyên đón mừng Đức Giám Mục PhaoLô Huỳnh Đông Các về cử hành Thánh Lễ, làm phép nhà thờ.
Ngày 06/12/1992 giáo dân đã bầu Ban hành giáo chính thức của giáo họ , kết quả gồm có 08 vị với nhiệm kỳ làm việc là 03 năm. Ban hành giáo đầu tiên gồm có các ông :
– Ông Đặng Đình Duệ : Trưởng giáo họ
– Ông Nguyễn Quang Khâm : Phó giáo họ
– Ông Lê Văn Phú : Thư ký
Và 05 ủy viên :
– Ông Nguyễn Ngọc Long
– Ông Lê Hoành
– Ông Nguyễn Đáng
– Ông Nguyễn Diên
– Ông Nguyễn Văn Lang
Ban hành giáo này đã được cha sở chuẩn y.
* Họ Sơn Nguyên lúc này được phân chia thành 03 giáo khóm theo khu vực địa lý có các tên gọi như sau
1. Thánh Tâm ( gồm thôn 1 và thôn 3), nay là thôn Nguyên An và Nguyên Trang.
2. Thánh PhaoLô (thôn 2), nay là thôn Nguyên Cam.
3. Thánh Giuse (phường Bà Tám cũ), nay là thôn Nguyên Hà.
* Đến tháng 12/1994 họ Sơn Nguyên được chia thành 04 giáo khóm như hiện nay.
Ngày 01/07/2003 giáo họ Sơn Nguyên được Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn Giám Mục Giáo phận Qui Nhơn nâng lên hàng giáo xứ và bổ nhiệm Cha Phanxicô Xaviê Trần Đăng Đức làm cha sở tiên khởi. Sau khi chịu chức linh mục vào ngày 04/12/2007 cha Phêrô Nguyễn Xuân Bá được Đức cha bổ nhiệm làm cha phó giáo xứ Sơn Nguyên.
Nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua ắt phải nói lên lời tạ ơn, tạ ơn Chúa luôn hiện diện , bao bọc dân Chúa dù là một nhóm dân nhỏ bé và bất xứng. Trong tâm tình tạ ơn, dân Chúa ở Sơn Nguyên kiên trì sống đức tin, hôm sớm kinh lễ, dâng mình trong đời sống thánh hiến :
Maria Madalêna Nguyễn Thị Lan dòng Đa Minh Tam Hiệp, khấn lần đầu năm 1999.
Rosa Huỳnh Ngọc Đỗ Quyên dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn, Khấn lần đầu năm 2004.
và những người con khác đang âm thầm phục vụ trong linh đạo Tu Hội Đời.
‘Mượn màu một chút làm duyên, Mấy đời gỗ mục làm nên thuyền rồng’, tất cả chỉ là những cố gắng mọn hèn để đáp đền Tình Chúa quan phòng quá cao dày, quá rộng lượng và bền vững tín trung.
———————————————–
(*) Ông Simon Trần Nhơn sinh năm 1915 tại Suối Sậy, qua đời ngày 30/07/1986 tại Tuy Hòa. Cha là Micae Trần Lịch sinh năm 1874 tại Triều Thủy, qua đời năm 1919 tại Suối Sậy. Mẹ là Anna Nguyễn Thị Sáng sinh năm 1880 tại Quảng Nam, qua đời năm 1947. Ông Trần Lịch là em út của cha Giuse Trần Nhi trong gia đình có 07 anh em :
1. Trần Châu (có đi tu ở Tiểu Chủng Viện Làng Sông)
2. Trần Nhi ( làm linh mục)
3. Cô Năm (không ghi tên)
4. Trần Phục
5. Trần Thỉ
6. Cô Bảy (không ghi tên)
7. Trần Lịch