Tin Giáo hội 

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 11-3-2012


VATICAN – Trưa chúa nhật 11-3-2010, gần 20 ngàn tín hữu đã tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin với ĐTC tại Quảng trường Thánh Phêrô dưới bầu trời nắng xuân.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ngài diễn giải về ý nghĩa bài Phúc âm chúa nhật thứ ba mùa chay hôm qua, kể lại sự tích Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ, đánh đuổi những người buôn bán súc vật và đổi tiền ra khỏi nơi thánh. Sau đó, ĐTC cũng lên tiếng kêu gọi cứu trợ các nạn nhân thiên tai ở Madagascar:

Anh chị em thân mến,

Tin mừng chúa nhật thứ ba mùa chay này – theo thánh Gioan – nói về biến cố nổi tiếng Chúa Giêsu đánh đuổi ra khỏi đền thờ Jerusalem những người bán súc vật và đổi tiền (Xc Ga 2,13-25). Sự kiện này – được tất cả các thánh sử Tin Mừng thuật lại, – xảy ra gần ngày lễ Vượt Qua và gây ấn tượng mạnh nơi dân chúng cũng như nơi các môn đệ. Chúng ta phải giải thích thế nào về cử chỉ này của Chúa Giêsu? Trước tiên, cần ghi nhận rằng sự kiện ấy không gây ra sự đàn áp nào nơi những người bảo vệ trật tự công cộng, vì nó được coi như một hành động ngôn sứ tiêu biểu: thực vậy, nhân danh Thiên Chúa, các ngôn sứ vẫn thường tố giác những lạm dụng, và nhiều khi các vị làm như thế qua những cử chỉ biểu tượng. Vấn đề nếu có là quyền bính của các vị. Vì thế người Do thái đã hỏi Chúa Giêsu: “Ông tỏ cho chúng tôi dấu chỉ nào để làm như vậy?” (Ga 2,18), hãy chứng tỏ cho chúng tôi thấy ông thực sự hành động nhân danh Thiên Chúa”.

Việc đánh đuổi những người bán súc vật ra khỏi Đền thờ cũng được giải thích theo nghĩa chính trị-cách mạng, đặt Chúa Giêsu theo chiều hướng của phong trào những người theo phái Zelote. Những người này, vốn là những người ”hăng say nhiệt thành” đối với Luật Chúa, và sẵn sàng dùng bạo lực để buộc người ta phải tôn trọng luật Chúa. Vào thời Chúa Giêsu họ mong chờ một Đấng Messia đến giải thoát Israel khỏi sự thống trị của người La Mã. Nhưng Chúa Giêsu làm cho sự mong đợi của họ bị thất vọng, đến độ một số môn đệ đã bỏ Chúa và thậm chí Giuda Iscariote đã phản bội Ngài. Trong thực tế, không thể giải thích Chúa Giêsu như một người bạo lực: bạo lực là điều trái ngược với Nước Thiên Chúa, là một dụng cụ của ma quỷ. Bạo lực không bao giờ phục vụ nhân loại, nhưng chỉ làm cho con người mất nhân tính.

Vậy chúng ta hãy nghe những lời Chúa nói khi đánh đuổi con buôn: “Các ngươi hãy mang những thứ này đi và đừng biến Nhà Cha Ta thành chợ búa!” Và các môn đệ bấy giờ nhớ lại điều đã được viết trong một Thánh Vịnh: ”Lòng nhiệt thành đối với nhà Chúa làm con hao mòn” (69,10). Thánh vịnh này là một lời cầu cứu trong một tình cảnh hết sức nguy ngập vì sự oán ghét của quân thù: tình trạng mà Chúa Giêsu sẽ trải qua trong cuộc khổ nạn của Ngài. Lòng nhiệt thành đối với Chúa Cha và Nhà Chúa đưa Ngài đến tận thập giá: lòng nhiệt thành của Ngài là lòng nhiệt thành vì yêu thương mà Ngài trả giá bằng chính bản thân, chứ không phải là thứ nhiệt thành muốn phụng sự Thiên Chúa bằng bạo lực. Thực vậy, ”dấu chỉ” mà Chúa Giêsu đã nêu lên như bằng chứng về uy quyền của Ngài sẽ chính là cái chết và sự sống lại của Ngài. ”Các Ông hãy phá hủy đền thờ này đi, và trong 3 ngày tôi sẽ dựng lại”. Và thánh Gioan ghi chú: ”Ngài nói về Đền thờ là thân mình Ngài” (Ga 2,20-21). Với cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu, bắt đầu một việc phụng tự mới, việc phụng tự vì tình yêu, và một đền thờ mới là chính bản thân Ngài, Đức Kitô Phục Sinh, nhờ đó mỗi tín hữu có thể thờ lạy Thiên Chúa Cha ”trong tinh thần và chân lý” (Ga 4,23).

Và ĐTC kết luận rằng: ”Các bạn thân mến, Chúa Thánh Linh đã bắt đầu xây dựng Đền thờ mới này trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria. Qua sự chuyển cầu của Mẹ, chúng ta hãy cầu nguyện để mỗi Kitô hữu trở thành viên đá sống động của tòa nhà thiêng liêng này.

Kêu gọi cho Madagascar và chào thăm

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC đã lên tiếng kêu gọi cho nhân dân nước Madagascar bị thiên tai:

”Anh chị em thân mến, trước tiên tôi nghĩ đến nhân dân yêu quí của nước Madagascar mới bị thiên tai nặng nề, với những thiệt hại trầm trọn về nhân sự, cơ cấu và mùa màng. Trong khi tôi đoan hứa cầu nguyện cho các nạn nhân và những gia đình bị thử thách nặng nề, tôi cầu chúc và khuyến khích sự cứu trợ quảng đại của cộng đồng quốc tế.”

Trận bão Irina và mưa lũ từ hôm 26-2 và kéo dài 1 tuần lễ đã làm cho ít nhất 72 người chết và gần 78 ngàn người bị nạn. Trong số những người bị thiệt mạng có 47 người tại huyện Ifanadiana, cách thủ đô 400 cây số về mạn đông nam. 1.300 nhà bị hoàn toàn phá hủy. Trước đó, trận bão Giovanna ngày 14-2-2012 đã làm cho 35 người chết, 284 người bị thương và gần 250 ngàn người bị thiệt hại.

Trong những lời chào thăm các tín hữu hành hương bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, ĐTC nhắc nhở họ về ý nghĩa các bài đọc Chúa nhật thứ 3 mùa chay. Chẳng hạn với các tín hữu nói tiếng Pháp, Ngài nói: ”Chúa nhật thứ 3 mùa chay này, Chúa mời gọi chúng ta hoán cải. Mùa chay này là một mùa ân phúc, được ban cho chúng ta, để chúng ta có thể thanh tẩy tâm trí và giải thoát chúng ta khỏi mọi sợ hãi và ngờ vực. Với tất cả lòng tín thác chúng ta hãy để cho Chúa Kitô biến đổi chúng ta và đừng sợ thay đổi tập quán và cách cư xử của chúng ta. Xin Mẹ Maria giúp chúng ta dành thời giờ để cầu nguyện, vì trong sự phong phú của thinh lặng và kinh nguyện, Thiên Chúa sẽ cho chúng ta được cảm nghiệm hạnh phúc đích thực”.

Bằng tiếng Anh, ĐTC đặc biệt chào thăm Cộng đoàn Tân Dự Tòng từ thành phố Bristol bên Anh quốc. Ngài cầu mong các tín hữu, khi suy niệm về bài Tin Mừng chúa nhật hôm nay, qua đó Chúa Giêsu báo trước sự sống lại và cho thấy ngôi đền thờ là Thân Mình Ngài, là Giáo Hội, mỗi người được đào sâu sự hiệp thông với Chúa và Giáo Hội”.

Bằng tiếng Đức, ĐTC đặc biệt nhắc đến các tham dự viên hành hương 7 thánh đường Roma do Học viện Đức và Hungari tại đây tổ chức. Ngài cũng nhắc lại giáo huấn của thánh Phaolô Tông Đồ dạy rằng thân xác chúng ta cũng là Đền thờ đích thực nếu chúng ta để cho Chúa Kitô sống trong chúng ta. Trong bí tích thống hối, Chúa ban cho chúng ta cơ hội ngày càng canh tân hình ảnh Chúa Kitô trong chúng ta. Mỗi khi chúng ta xưng tội, Chúa tái biến chúng ta thành Đền thờ trong đó Chúa cư ngụ. Xin Chúa ban cho anh chị em niềm vui và niềm tín thác trên mọi nẻo đường đời”.

G. Trần Đức Anh OP

R.Vatican

Related posts