Các bài suy niệm trong Đàng Thánh Giá trọng thể ĐTC cử hành thứ Sáu Tuần Thánh: 6-4-2012
Các bài suy niệm trong Đàng Thánh Giá trọng thể ĐTC cử hành thứ Sáu Tuần Thánh: 6-4-2012
ROMA. Lần đầu tiên một đôi vợ chồng giáo dân được Tòa Thánh ủy thác soạn các bài suy niệm cho buổi đi Đàng Thánh Giá trọng thể ĐTC Biển Đức 16 cử hành lúc 21.15 tối thứ Sáu Tuần Thánh 6-4-2012 tại Hý trường Colosseo ở Roma.
Đó là ông bà Danilo và Anna Maria Zanzucchi, người Italia. Ông Danilo năm nay đã 92 tuổi, sinh năm 1920 tại Parma, tốt nghiệp kỹ sư, từng làm chủ tịch phong trào Công giáo tiến hành ở Parma từ năm 1956 đến 1959. Cách đây 59 năm (1953), Danilo thành hôn với cô Anna Maria, một dược sĩ trẻ hơn ông 9 tuổi. Do cuộc hôn nhân này hai người sinh được 5 người con và hiện có 12 cháu nội ngoại.
Năm 1967, cùng với Chị Chiara Lubich, ông bà Zanzucchi thành lập Phong trào các Gia Đình mới và hiện nay Phong trào có hơn 300 ngàn thành viên, với 4 triệu người thiện cảm tại 5 châu. Phong trào đề ra một phương thức mới để sống đời gia đình và canh tân nền văn hóa gia đình dựa trên 4 đường hướng chủ yếu là: linh đạo, giáo dục, xã hội tính và tình liên đới. Các thành viên phong trào dấn thân sống quyết liệt linh đạo hiệp nhất của Phong trào Tổ Ấm.
Các bài suy niệm của ông bà Danilo và Anna Maria Zanzucchi được công bố trước trên báo Quan sát viên Roma của Tòa Thánh, qua đó tác giả nhắc đến những tình trạng đau khổ trong đời sống gia đình: bất trung, ly dị hoặc bệnh tật, khó khăn tài chánh, nghèo đói, những lối cư xử vô luân, bất hòa với cha mẹ, thiên tai. Dưới đây là bản dịch nguyên văn.
Dẫn nhập
Chúa Giêsu nói: ”Ai muốn theo Thầy hãy bỏ mình đi, vác thánh giá hằng ngày mà theo Thầy”. Lời mời gọi này được gửi đến tất cả mọi người, người độc thân cũng như người có gia đình, người trẻ, người trưởng thành và người già, giàu cũng như nghèo, thuộc quốc tịch này hay quốc tịch khác. Lời mời gọi ấy cũng có giá trị đối với mỗi gia đình, mỗi thành phần gia đình hoặc toàn thể cộng đoàn bé nhỏ.
Trước khi bước vào cuộc khổ nạn chung kết, Chúa Giêsu, nơi Vườn Cây Dầu, đã bị các tông đồ say ngủ bỏ rơi một mình, Ngài lo sợ trước những gì đang chờ đợi và đã thưa cùng Chúa Cha: ”Lạy Cha, nếu có thể, xin cho con khỏi uống chén này”. Nhưng Ngài thêm ngay: ”Xin đừng theo ý con, một theo ý Cha mà thôi”.
Trong lúc bi thảm và trọng đại ấy, ta thấy có một giáo huấn sâu xa đối với tất cả những người bước theo Chúa. Mỗi Kitô hữu, mỗi gia đình đều có thánh giá riêng: bệnh tật, chết chóc, thiếu hụt tài chánh, nghèo khó, phản bội, những thái độ vô luân của người này hay người khác, bất thuận với cha mẹ, thiên tai. Nhưng mỗi Kitô hữu, mỗi gia đình, trên con đường đau khổ ấy, đều có thể hướng nhìn Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người.
Giờ đây chúng ta cùng nhau tái cảm nghiệm kinh nghiệm cuối cùng của Chúa Giêsu trên trần thế, được đôi tay Chúa Cha đón nhận: một kinh nghiệm đau thương và tột đỉnh, trong đó Chúa Giêsu cô đọng mẫu gương và giáo huấn quí giá nhất của ngài để sống trọn cuộc sống của chúng ta theo mẫu gương cuộc sống của Chúa.
Lời nguyện
Lạy Chúa Giêsu, trong giờ chúng con tưởng niệm cái chết của Chúa, chúng con muốn hướng cái nhìn yêu thương của chúng con vào những đau khổ khôn tả Chúa đã chịu.
Tất cả những đau khổ ấy được tóm gọn trong tiếng kêu huyền nhiệm của Chúa trên thánh giá trước khi trút hơi thở cuối cùng: ”Lạy Chúa, Lạy Thiên Chúa của con, sao Chúa bỏ con?”
Tiếng kêu thần linh và nhân trần ấy đã phá toang bầu không khí trên Núi Sọ, tiếng kêu ấy ngày nay vẫn còn nêu lên câu hỏi và làm cho chúng con kinh ngạc, tỏ cho chúng con thấy có một cái gì khác lạ xảy ra. Cái gì ấy thuộc về ơn cứu độ: từ cái chết nảy sinh sự sống, từ tăm tối nảy sinh ánh sáng, từ chia cách tột cùng nảy sinh sự hiệp nhất.
Lòng khao khát được trở nên đồng hình dạng với Chúa dẫn chúng con đến chỗ nhận ra Chúa bị bỏ rơi bất kỳ ở đâu và bằng mọi cách: trong những đau khổ cá nhân và tập thể, trong những lầm than của Giáo Hội Chúa và trong những đêm đen của nhân loại, để tháp nhập vào cuộc sống của Chúa bất cứ ở đâu và bằng mọi cách, tỏa lan ánh sáng của Chúa, sinh ra sự hiệp nhất của Chúa.
Ngày nay cũng như thời ấy, nếu Chúa không bị bỏ rơi, thì cũng chẳng có sự Phục Sinh.
** Chặng thứ I: Chúa Giêsu bị kết án tử hình
Philatô không tìm thấy những lỗi cụ thể nào để kết tội Chúa Giêsu, ông chiều theo sức ép của những kẻ tố cáo và thế là Đức Giêsu thành Nazareth bị kết án tử hình.
Chúng con dường như nghe thấy tiếng Chúa nói: ”Đúng vậy, Thầy bị kết án tử hình, bao nhiêu người có vẻ yêu mến Thầy và hiểu Thầy, nhưng họ đã nghe những lời dối trá và đã kết án thầy. Họ không hiểu điều Thầy đã nói. Phản bội Thầy, họ xét xử và lên án Thầy”. Họ kết án tử hình, đóng đanh, cái chết nhục nhã nhất”.
Không thiếu những gia đình đang đau khổ vì sự phản bội của người chồng hay người vợ, người thân yêu nhất. Niềm vui được gần gũi, sống hòa hợp, nay kết thúc thế nào? Đâu là sự cảm thấy trở thành một xương một thịt với nhau? Đâu là lời cam kết mãi mãi chung thủy với nhau?
Lạy Chúa Giêsu, nhìn Chúa, Đấng bị phản bội, và sống với Chúa giờ phút mà tình yêu và tình bạn trong các đôi vợ chồng chúng con bị tiêu tán, cảm thấy trong tâm hồn những vết thương do sự phản bội lòng tín nhiệm gây ra, vết thương vì sự tín nhiệm bị tan biến, sự an ninh bị chẳng còn nữa.
Lạy Chúa Giêsu, nhìn ngắm Chúa trong giờ con bị xét xử do kẻ không còn nhớ đến mối liên hệ nối kết chúng con, trong sự hiến thân trọn vẹn cho nhau. Lạy Chúa Giêsu, chỉ có Chúa mới có thể hiểu con, ban cho con can đảm, chỉ có Chúa mới có thể cho con lời sự thật, cho dù con khó hiểu được. Chỉ có Chúa mới có thể ban cho con sức mạnh giúp con đừng xét đoán, không sa ngã, vì lòng yêu thương những người đang chờ đợi con ở nhà và giờ đây con là nơi nương tựa duy nhất đối với họ.
** Chặng thứ II: Chúa Giêsu vác Thánh Giá
Philatô giao nạp Chúa Giêsu trong tay các thượng tế và lính canh. Quân lính đặt trên vai Ngài một áo choàng đỏ và trên đầu một mão gai. Họ chế nhạo Ngài trong đêm. Họ ngược đãi và đánh đòn Ngài. Rồi, ban sáng, họ chất một cây gỗ nặng, loại thập giá trên đó người ta vẫn đóng đanh những tên trộm cướp để mọi người thấy số phận của những kẻ bất lương. Bao nhiêu người thân của Chúa bỏ trốn hết.
Biến cố này cách đây 2 ngàn năm vẫn còn tái diễn trong lịch sử Giáo Hội và nhân loại. Ngày nay cũng vậy. Chính thân mình Chúa Kitô, chính Giáo Hội lại bị tổn thương.
Lạy Chúa Giêsu, khi thấy Chúa bị đẫm máu như thế, bị đơn độc, bị bỏ rơi, bị cười nhạo, chúng con tự hỏi: ”Những người mà Chúa yêu thương như thế, giúp ích và soi sáng, những người nam nữ ấy chẳng phải là chúng con ngày nay sao? Cả chúng con cũng trốn tránh vì sợ liên lụy, chúng con quên rằng mình là môn đệ của Chúa”.
Nhưng lạy Chúa Giêsu, điều trầm trọng nhất là chính con cũng góp phần làm Chúa đau khổ. Cả chúng con, các đôi vợ chồng và gia đình chúng con. Cả chúng con cũng đã góp phần chất lên vai Chúa một gánh nặng vô nhân đạo. Mỗi lần chúng con không yêu thương nhau, mỗi khi chúng con đổ lỗi cho nhau, mỗi lần chúng con không tha thứ cho nhau, mỗi khi chúng con không tái bắt đầu yêu thương nhau.
Trái lại, chúng con tiếp tục chiều theo tính kiêu ngạo của chúng con, chúng con luôn muốn mình có lý, hạ nhục những người gần chúng con, cả người gắn bó cuộc sống của họ với cuộc sống chúng con.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con không còn nhớ rằng chính Chúa đã nói với chúng con: ‘Bất kỳ những gì các con làm cho những người bé nhỏ này, tức là chúng con làm cho Thầy”. Chính Chúa đã nói: đó là các con làm cho Thầy”.
** Chặng thứ III: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ I
Chúa Giêsu ngã. Những vết thương, gánh nặng của thập giá, đường lên dốc, ngoằn nghèo. Và sự chen lấn của dân chúng. Nhưng không phải chỉ có những thứ ấy làm cho Ngài ngã. Có lẽ gánh nặng của thảm trạng mở ra trong cuộc sống của Ngài. Người ta không còn thấy được Thiên Chúa trong Đức Giêsu, con người tỏ ra mong manh yếu ớt, vấp và ngã xuống.
Chúa Giêsu ở đó, trên con đường, giữa tất cả dân chúng ta la hét và gào thét, sau khi ngã xuống đất, Ngài trỗi dậy và tìm cách tiếp tục đi lên dốc. Trong thâm tâm, Chúa biết rằng đau khổ này có một ý nghĩa, Chúa biết mình mang gánh nặng của bao nhiêu thiếu sót của chúng con, những phản bội và tội lỗi.
Lạy Chúa Giêsu, cái ngã của Chúa làm chúng con đau khổ vì chúng con hiểu rằng nguyên nhân chính yếu là chúng con; hay có lẽ sự yếu đuối của chúng con, không phải về thể lý mà thôi, nhưng nhất là lối sống của chúng con. Chúng con không bao giờ muốn ngã; nhưng rồi chỉ cần một chút xíu, một sự xô đẩy, một cám dỗ hoặc một tai nạn, đủ làm cho chúng con buông xuôi, và sa ngã.
Chúng con đã hứa theo Chúa Giêsu, tôn trọng và chăm sóc những người mà Chúa đã đặt cạnh chúng con. Đúng thế, trong thực tế chúng con yêu thương họ, hay ít nhất chúng con có vẻ yêu. Nếu thiếu họ, chúng con đau khổ không ít. Nhưng rồi chúng con lại nhượng bộ trong những hoàn cảnh cụ thể mỗi ngày.
Bao nhiêu sa ngã trong các gia đình chúng con! Bao nhiêu chia lìa, bao nhiêu phản bội! Và rồi những cuộc ly dị, phá thai, bỏ rơi! Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hiểu thế nào là tình yêu, xin dạy chúng con xin tha thứ!
** Chặng thứ IV: Chúa Giêsu gặp Mẹ Ngài
Khi tiến lên đồi Calvario, Chúa Giêsu thấy Mẹ Ngài. Mẹ con nhìn nhau và hiểu nhau. Mẹ Maria biết Con mình là ai. Mẹ biết Con mình từ đâu tới. Mẹ biết đâu là sứ mạng của Người. Mẹ Maria biết mình là Mẹ của Người, nhưng cũng biết mình là con của Người. Mẹ thấy Con chịu đau khổ, cho tất cả mọi người, hôm qua, hôm nay và ngày mai. Và Mẹ cũng đau khổ.
Lạy Chúa Giêsu, chắc chắn Chúa đau khổ vì làm cho Mẹ Chúa đau khổ như thế. Nhưng Chúa phải đưa Mẹ vào cuộc phiêu lưu thần linh và kinh khủng của Chúa. Đó là kế hoạch của Thiên Chúa để cứu độ toàn thể nhân loại.
Đối với mọi người nam nữ trên trần thế này, và đặc biệt là các gia đình chúng con, cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với Mẹ Ngài trên con đường Calvario là một biến cố rất sinh động, luôn luôn thời sự. Chúa Giêsu bị mất Mẹ để chúng ta, mỗi người chúng ta, cả các đôi vợ chồng, có được một người Mẹ luôn sẵn sàng và hiện diện. Rất tiếc là nhiều khi chúng ta quên điều ấy. Nhưng khi chúng ta nghĩ lại, chúng ta thấy rằng trong cuộc sống gia đình chúng ta có vô số lần chúng ta chạy đến cùng Mẹ. Mẹ gần gũi chúng ta dường nào trong những lúc khó khăn! Bao nhiêu lần chúng ta đã phó thác cho Mẹ con cái chúng ta, đã khẩn cầu Mẹ can thiệp cho sức khỏe thể lý của con cái và nhất là bảo vệ chúng về luân lý.
Và bao nhiêu lần Mẹ Maria đã nhậm lời chúng ta, chúng ta cảm thấy Mẹ gần gũi để an ủi chúng ta bằng tình mẫu tử của Mẹ.
Trong đàng thánh giá của mỗi gia đình, Mẹ Maria là mẫu gương về sự thinh lặng sinh ra sự sống mới, dù trong những đau khổ xé lòng nhất.
** Chặng thứ V: Chúa Giêsu được ông Simon vác đỡ thánh giá
Có lẽ ông Simon tượng trưng cho tất cả chúng ta khi bất chợt một khó khăn, một thử thách ập tới chúng ta, một thánh giá đôi khi rất nặng. Tại sao? Tại sao tôi lại phải chịu thánh giá như vậy? Tại sao chính trong lúc này? Chúa gọi chúng ta bước theo Ngài, chúng ta không biết ở đâu và ra sao?
Lạy Chúa Giêsu, điều tốt nhất là bước theo Chúa, ngoan ngoãn đối với những điều Chúa yêu cầu chúng con. Bao nhiêu gia đình có thể khẳng định điều đó do kinh nghiệm trực tiếp: nổi loạn chẳng ích gì, tốt hơn nên thưa xin vâng với Chúa, vì Chúa là Chúa Trời Đất.
Nhưng không phải vì vậy mà chúng con có thể và muốn thưa xin vâng với Chúa. Chúa yêu thương chúng con bằng một tình yêu vô tận. Hơn cả cha, mẹ, anh em, vợ chồng, con cái. Chúa yêu chúng con bằng một tình yêu nhìn xa trông rộng, một tình yêu dù gì đi nữa, kể cả tình trạng lầm than của chúng con, Chúa vẫn muốn chúng con được cứu thoát, được hạnh phúc mãi mãi với Chúa.
Cả trong gia đình, những lúc khó khăn, khi phải đi tới một quyết định cam go, nếu có an bình ở trong tâm hồn, thì ta sẽ chú ý đón nhận điều mà Thiên Chúa muốn chúng ta làm, chúng ta được soi sáng bằng một ánh sáng giúp chúng ta phân định và vác thánh giá của chúng ta. Ông Simon người xứ Cireneo cũng nhắc nhở chúng ta bao nhiêu khuôn mặt của những người đã gần gũi chúng ta trong những lúc một thập giá nặng nề đè xuống trên chúng ta hoặc gia đình chúng ta. Ông ta làm cho chúng ta nghĩ đến bao nhiêu người thiện nguyện ở nhiều nơi trên thế giới đang quảng đại hiến thân an ủi và giúp đỡ những người gặp đau khổ và túng quẫn. Ông dạy chúng ta hãy khiêm tốn để cho mình được giúp đỡ nếu cần, và cũng sẵn sàng giúp đỡ người khác.
** Chặng thứ VI: Bà Veronica lau mặt Chúa Giêsu
Veronica, một trong những phụ nữ theo Chúa Giêsu, đã trực giác thấy Ngài là ai, bà yêu mến Ngài và vì thế, bà đau khổ khi thấy Ngài đau khổ. Giờ đây, bà nhìn thấy rõ khuôn mặt Ngài, khuôn mặt mà bao nhiêu lần đã nói với tâm hồn bà. Bà thấy Ngài tiều tụy, rướm máu và biến dạng, dù Ngài vẫn luôn hiền lành và khiêm nhường.
Bà không chịu nổi nữa. Bà muốn làm dịu bớt những đau đớn của Chúa. Bà lấy một tấm khăn và tìm cách lau những giọt máu và mồ hôi từ khuôn mặt Chúa.
Đôi khi trong cuộc sống chúng ta cũng đó có cách lau nước mắt và mồ hôi của những người đau khổ. Có lẽ trong một khu phòng ở bệnh viên chúng ta giúp đỡ một bệnh nhân ở giai đoạn cuối đời, chúng ta giúp đỡ một người di dân hoặc một người thất nghiệp, chứng ta đã lắng nghe một tù nhân. Và để tìm cách nâng đỡ họ, có lẽ chúng ta cũng đã lau mặt họ, nhìn họ với lòng cảm thương.
Thế nhưng, ít khi chúng con nhớ rằng trong mỗi người anh em chúng con đang ở trong tình cảnh đau khổ, có Chúa là Con Thiên Chúa. Giả sử chúng con nhớ đến điều ấy thì cuộc sống chúng con sẽ khác biệt thế nào! Dần dần chúng con ý thức về phẩm giá của mỗi người sống trên Trái đất. Lạy Chúa Giêsu,mỗi người, đẹp hay xấu, tài giỏi hay không, ngay từ lúc đầu tiên trong lòng mẹ, hay là ở tuổi già, đều là đại diện của. Không những thế, mỗi anh em chúng con đều là Chúa. Khi nhìn Chúa tiều tụy trên đồi Calvario, chúng con hiểu cùng với bà Veronica rằng trong mỗi con người thụ tạo, chúng con có thể nhận ra Chúa.
** Chặng thứ VII: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ II
Trong khi bước đi trên con đường nhỏ hẹp dẫn lên đồi Calvario, Chúa Giêsu đã xuống đất lần thứ hai. Chúng ta đoán được sự yếu sức của Ngài, sau một đêm kinh khủng, sau những cực hành tra tấn mà họ gây ra cho Ngài. Có lẽ không phải chỉ có hình khổ, sự kiệt lực và gánh nặng của thập giá trên vai làm cho Ngài ngã. Đè nặng trên Chúa Giêsu còn có một gánh nặng không thể đo lường được, một cái gì thâm sâu mà Ngài cảm thấy với mỗi bước đi.
Chúng con thấy Chúa như một người tội nghiệp đã lầm lẫn trong cuộc đời và giờ đây phải trả giá. Và dường như Chúa không còn sức lực thể lý và tinh thần để đương đầu với một ngày mới. Và Chúa ngã xuống.
Lạy Chúa Giêsu, làm sao chúng con nhận ra bản thân chúng con trong Chúa, cả trong lần ngã thứ hai này vì kiệt lực. Còn Chúa thì trỗi dậy, Chúa muốn tiếp tục. Vì chúng con, vì tất cả chúng con, để mang lại cho chúng con can đảm trỗi dậy. Chúng con yếu đuối, nhưng tình thương của Chúa lớn hơn những thiếu sót của chúng con, Chúa có thể đón nhận và hiểu chúng con.
Những tội lỗi chúng con mà Chúa vác lấy, đè nặng trên Chúa, nhưng lòng từ bi Chúa thật là lớn hơn những lầm than của chúng con. Đúng vậy, lạy Chúa Giêsu, nhờ Chúa chúng con chỗi dậy. Chúng con đã sai lỗi. Chúng con đã chiều thao những cám dỗ của thế gian, vì những hào nhoáng thỏa mãn, để được nghe thấy nói rằng có người nào vẫn con mong ước chúng con, vẫn còn muốn và thậm chí yêu chúng con. Đôi khi chúng con khó tuân giữ sự cam kết chung thủy trong hôn nhân. Chúng con không còn sự tươi mát và hăng hái như trước nữa. Tất cả chỉ là lập đi lập lại, mỗi hành vi có vẻ nặng nề, và ước muốn chạy thoát xảy đến.
Nhưng lạy Chúa Giêsu, chúng con tìm cách trỗi dậy, không chiều theo cám dỗ lớn nhất, đó là cám dỗ không còn tin rằng Tình Yêu của Chúa có thể làm được mọi sự.
** Chặng thứ VIII: Chúa Giêsu gặp các phụ nữ thành Jerusalem khóc thương Ngài
Trong đám đông theo Chúa có một nhóm các phụ nữ thành Jerusalem: họ biết Ngài. Khi thấy Chúa trong tình cảnh ấy, họ trà trộn vào đám đông và đi lên, hướng về Calvario. Họ khóc thương Chúa.
Chúa Giêsu thấy họ, Ngài đón nhận tâm tình cảm thương của họ. Và cả trong lúc bi thảm ấy Chúa muốn để lại một lời đi xa hơn sự cảm thương thường tình. Ngài muốn rằng nơi họ, và cả nơi chúng ta, không phải chỉ có sự cảm thương nhưng là sự hoán cải tâm hồn, sự hoán cải nhìn nhận mình đã lầm lỗi, và xin tha thứ, bắt đầu lại một cuộc sống mới.
Lạy Chúa Giêsu, bao nhiêu lần vì mệt mỏi, hoặc vì vô tình, vì ích kỷ hoặc vì sợ hãi, chúng con đã nhắm mắt, chúng con không muốn nhìn thực tại! Nhất là chúng con không muốn can dự, không muốn dấn thân tham dự sâu xa và tích cực vào đời sống và những nhu cầu của anh chị em gần xa của chúng con. Chúng con tiếp tục sống thoải mái, nguyền rủa sự ác và những người làm sự ác, nhưng lại không thay đổi cuộc sống chúng con, và không đích thân trả giá để tình trạng được thay đổi, sự ác bị đánh bại và công lý được thực hiện.
Thường thường tình thế không được cải tiến vì chúng con không dấn thân thay đổi nó. Chúng con rút lui để không làm tổn thương cho ai, nhưng cũng chẳng làm điều thiện mà lẽ ra chúng con có thể và phải làm. Và có lẽ có người nào đó trả giá cho chúng con, vì sự ẩn nấp trốn tránh của chúng con.
Lạy Chúa Giêsu, ước gì những lời ấy của Chúa thức tỉnh chúng con, mang lại cho chúng con một chút sức mạnh, thúc đẩy các chứng nhân của Tin Mừng, và thường thường cả những vị tử đạo, các cha mẹ hoặc con cái, với máu được liên kết với máu Chúa, họ đã và đang còn mở ra ngày nay những con đường dẫn đến sự thiện trên thế giới.
** Chặng thứ IX: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ III
Con đường lên dốc tuy ngắn, nhưng sức lực yếu đuối của Chúa đã cạn. Chúa kiệt lực về thể lý, nhưng nhất là vềtinh thần. Ngài cảm thấy sự oán ghét của các thủ lãnh, của các tư tế, của đám đông đối với Ngài, dường như họ muốn trút lên Ngài tất cả sự thịnh nộ đã bị đè nén vì những cuộc đàn áp trong quá khứ và hiện tại. Hầu như họ muốn phục thù, chứng tỏ quyền lực của họ trên Chúa Giêsu.
Và Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã ngã lần thứ ba. Dường như Chúa quỵ luôn. Nhưng này đây với tất cả sự cơ cực vất vả, Chúa trỗi dậy, và tiếp tục hành trình kinh khủng tiến lên Núi Sọ.
Lạy Chúa Giêsu, chắc chăn bao nhiêu anh chị em chúng con trên thế giới cũng đang phải chịu những thử thách khủng khiếp vì họ theo Chúa. Họ đang cùng với Chúa leo lên đồi Calvario và cùng với Chúa họ cũng đang ngã xuống dưới các cuộc bách hại từ hai ngàn năm đang giáng xuống Thân Mình Chúa là Giáo Hội.
Cùng với những anh chị em ấy, trong tâm hồn chúng con muốn hiến dâng cuộc sống, sự dòn mỏng, những lầm than và đau khổ lớn nhỏ hằng ngày của chúng con. Chúng con thường trở nên vô cảm vì cuộc sống sung túc, không hết sức dấn thân để trỗi dậy và nâng nhân loại lên. Nhưng chúng con có thể trỗi dậy vì Chúa Giêsu đã tìm được sức mạnh để đứng lên và tiếp tục hành trình.
Cả gia đình chúng con cũng là thành phần của những lớp xã hội bị băng hoại, gắn bó với một cuộc sống sung túc, và coi đó là mục đích chính của cuộc sống. Các con cái chúng con lớn lên: chúng con cố gắng làm cho chúng quen sống điều độ, hy sinh, từ bỏ. Chúng con cố gắng mang lại cho chúng một đời sống xã hội mang lại mãn nguyện trong các môi trường thể thao, hội đoàn, giải trí, không để các hoạt động ấy trở thành một phương thức lấp đầy thời gian trong ngày và có tất cả những gì chúng mong ước.
Vì thế, lạy Chúa Giêsu, chúng con cần được lắng nghe Lời Chúa, những lời mà chúng con muốn làm chứng nhân: ”Phúc cho những người thanh bần, người hiền lành, người xây dựng hòa bình, phúc cho những người chịu đau khổ vì bị bách hại”
** Chặng thứ X: Chúa Giêsu bị lột áo
Chúa Giêsu ở trong tay bọn lính. Như mọi người bị kết án, Chúa cũng bị họ lột áo để hạ nhục, để biến Ngài thành đồ vô giá trị. Sự lãnh đạm, phỉ báng và bất chấp phẩm giá con người liên kết với lòng hám lợi, tham lam và mưu cầu tư lợi: ”Họ đoạt lấy áo Chúa Giêsu”.
Lạy Chúa Giêsu, chiếc áo của Chúa, không có đường chỉ khâu.
Điều này nói lên sự ân cần săn sóc mà Mẹ Ngài và những người theo Ngài đã dành cho Ngài.
Giờ đây, lạy Chúa Giêsu, Chúa trần trụi không còn áo mặc, Chúa cảm nhận sự khó chịu và khổ sở của kẻ bị nằm trong tay bọn người không biết tôn trọng nhân phẩm.
Biết bao nhiêu người đã và đang tiếp tục đau khổ vì sự thiếu tôn trọng phẩm giá con người, đời sống riêng tư của họ không được tôn trọng. Có lẽ nhiều khi cả chúng ta, cũng không tôn trọng cho đủ phẩm giá của những người ở cạnh chúng ta, tìm cách ”chiếm hữu” họ, con cái, chồng, hoặc vợ, hay là bà con thân thuộc, người quen hay người lạ. Nhân danh điều gọi là quyền tự do của mình, chúng ta làm thương tổn quyền tự do của người khác: biết bao chểnh mảng, cẩu thả lơ là trong cách hành xử và trong cách thức giới thiệu chúng ta với nhau.!
Lạy Chúa Giêsu, Đấng đã để mình bị phơi bày như thế trước mắt thế gian bấy giờ và trước mắt nhân loại mọi thời, Chúa nhắc nhớ cho chúng con sự cao cả của con người, phẩm giá cao trọng mà Thiên Chúa đã ban cho mỗi người nam nữ, phẩm giá mà đáng lý ra, không có gì và không ai được quyền vi phạm, bởi vì họ được tạo dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Chúng con được giao phó trách nhiệm thăng tiến lòng tôn trọng phẩm giá và thân xác con người. Đặc biệt chúng con là những đôi vợ chồng, chúng con có sứ vụ phải làm hòa hợp hai thực tại căn bản và không thể tách rời ra được: đó là phẩm giá và sự tận hiến cho nhau.
** Chặng thứ XI: Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập giá
Đến địa điểm gọi là Núi Sọ, bọn lính đóng đinh Chúa Giêsu trên thập giá. Quan Philatô truyền viết ”Giêsu người Nazareth, vua người Do Thái”, để nhạo cười Ngài và phỉ báng người Do thái. Thế nhưng dù muốn dù không, hàng chữ này là bảo chứng một thực tại, thực tại vương quyền của Chúa Giêsu, vua của một vương quốc không lệ thuộc biên giới, không gian hay thời gian.
Chúng ta chỉ có thể tưởng tượng ra sự đau đớn của Chúa Giêsu trong khi chịu đóng đinh trên thập giá, một cực hình dữ dằn và rất đau đớn. Đây là lúc đi vào mầu nhiệm: tại sao một vì Thiên Chúa, nhập thể làm người vì yêu thương loài người chúng ta, lại để cho mình bị đóng đinh vào cây thập giá và bị kéo lên khỏi mặt đất trong những cơn đau khủng khiếp về tinh thần cũng như về thể xác như thế?
Thưa vì tình yêu. Chỉ vì tình yêu. Đây là luật tình yêu dẫn đến chỗ hiến dâng cả mạng sống mình để mưu cầu hạnh phúc cho người mình yêu. Bằng chứng xác quyết điều này là những bà mẹ đã chấp nhận đối diện với cái chết để cho con mình được chào đời. Hay là nhưng bậc cha mẹ đã mất một người con trong trận chiến hay trong những cuộc khủng bố và đã quyết định không trả thù.
Lạy Chúa Giêsu, trên thập giá, Chúa là hiện thân của tất cả mọi người chúng con, tất cả những con người hôm qua, hôm nay và ngày mai.
Trên thập giá, Chúa đã dạy chúng con yêu thương.
Giờ đây, chúng con bắt đầu hiểu được bí quyết niềm vui toàn vẹn mà Chúa đã nói với các môn đệ trong bữa tiệc ly.
Chúa đã phải từ Trời xuống thế, trở thành một Hài Nhi, rồi làm người trưởng thành và chịu khổ hình trên Núi Sọ, để qua chính cuộc sống của Chúa, chỉ cho chúng con biết tình yêu chân thực là gì.
Khi nhìn Chúa trên cao, bị đóng đinh thập giá, chúng con, trong tư cách là gia đình, vợ chồng, cha mẹ, con cái, đang học biết yêu thương và yêu thương lẫn nhau, nuôi dưỡng trong chúng con tâm tình tiếp nhận bằng cách trao ban chính mình và biết đón nhận với lời tạ ơn. Biết chịu đau khổ, biết biến đau khổ thành tình yêu.
** Chặng thứ XII: Chúa Giêsu sinh thì trên thập giá
Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá. Những giờ phút kinh hoàng, những giờ phút khủng khiếp, những đau đớn thê thảm vô cùng tận. Chúa nói: ”Ta khát”. Và người ta lấy miếng bọt biển thấm đầy dấm đưa lên kề vào miệng Ngài.
Một lời than bỗng chợt vang vọng lên: Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi, sao Chúa bỏ rơi tôi?. Phải chăng là lời phạm thượng? Một tội nhân lại dám gào lên lời Thánh Vịnh sao? Làm sao có thể chấp nhận được một vì Thiên Chúa mà lại gào thét, kêu than, một Thiên Chúa mà lại không toàn tri, không hiểu thấu mọi sự sao? Đấng là Con Thiên Chúa nhập thể làm người lại đang sắp chết, chết trong cảnh bị Thiên Chúa Cha bỏ rơi như thế sao?
Lạy Chúa Giêsu, Chúa chịu trở thành một người như chúng con đến cảnh này sao! Một người như chúng con, ngoại trừ tội lỗi! Đấng là Con Thiên Chúa Nhập thể làm người, Người là Đấng Thánh, đã tự đồng nhất với chúng con đến độ sống trọn thân phận con người tội lỗi, xa rời Thiên Chúa, địa ngục của những kẻ không còn Thiên Chúa. Chúa đã sống kinh nghiệm đêm đen để đem lại cho chúng con ánh sáng. Chúa đã sống sự chia rẽ để hiến tặng chúng con sự hiệp nhất. Chúa đã chấp nhận khổ hình hầu để lại cho chúng con tình yêu. Chúa đã bằng lòng bị cô lập loại bỏ và treo lên giữa Trời và Đất, để đón nhận chúng con vào cuộc sống của Thiên Chúa. Mầu nhiệm bao phủ trọn chúng con mỗi lần chúng con đi lại từng bước trên cuộc Khổ Nạn của Người.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã không niêm phong sự đồng bản chất với Thiên Chúa Cha như một kho tàng đóng kín, nhưng Chúa đã lột bỏ tất cả, trở nên khó nghèo để cho chúng con được nên giàu có.
”Trong tay Cha con phó thác hồn con.” Lạy Chúa Giêsu, làm thế nào mà trong biển đau buồn sầu não ấy, Chúa còn có thể cậy trông vào Tình Yêu của Thiên Chúa Cha, buông mình vào trong tay Cha, chết trong Thiên Chúa Cha được? Chỉ khi nào biết hướng nhìn về Chúa, chỉ với Chúa, chúng con mới có thể đối diện với những thảm kịch, những đau thương của người vô tội, những sỉ nhục, lăng mạ và cái chết.
Chúa Giêsu đã sống cái chết của Ngài như một món quà tặng cho chính tôi, cho chúng ta, cho gia đình chúng ta, cho mỗi một người, mỗi một gia đình, mỗi một dân tộc, cho toàn thể nhân loại. Chính trong hành động này, sự sống đã được tái sinh.
** Chặng thứ XIII: Tháo xác Chúa Giêsu xuống và trao phó Ngài cho Đức Mẹ
Mẹ Maria đứng nhìn Con của Mẹ đang chết, Đấng là Con Thiên Chúa và cũng là Con của Mẹ. Mẹ biết là Con vô tội, nhưng đang mang trên mình gánh nặng toàn bộ những lỗi phạm nhỏ nhen của loài người. Người Mẹ hiến tế Con mình; Người con hiến tặng Mẹ mình. Cho môn đệ Gioan, cho mọi người chúng ta. Chúa Giêsu và Mẹ Maria, đây chính là một gia đình, trên Núi Sọ, đang sống
và chịu đau khổ vì chia lìa vĩnh viễn. Cái chết ngăn chia hai người, hay ít ra hình như chia rẽ Mẹ và Con, cắt làm đôi mối dây liên hệ vừa nhân bản vừa thánh thiêng không ai tưởng tượng ra nổi. Mẹ và Con tự hiến vì tình yêu. Cả hai tự phó thác cho Thánh Ý Thiên Chúa.
Trong hố sâu trống vắng mở ra nơi con tim của Mẹ Maria, một người con khác bước vào, người con tượng trưng cho toàn thể nhân loại. Và tình yêu mà Mẹ Maria dành cho mỗi người trong chúng ta chính là sự kéo dài tình yêu Mẹ đã dành cho Chúa Giêsu. Phải bởi vì trong mỗi tín hữu, Mẹ nhìn thấy khuôn mặt của người Con yêu dấu. Và Mẹ sẽ sống cho các con, để an ủi nâng đỡ các con, giúp đỡ chúng, khích lệ chúng, dẫn đưa chúng đến chỗ nhận biết tình yêu Thiên Chúa, để rồi chúng được hoàn toàn tự do tìm về với Thiên Chúa.
Người Mẹ và Người Con trên đỉnh Núi Sọ này muốn nói gì với tôi, với chúng ta, với gia đình chúng ta? Mỗi người chỉ có thể dừng lại sững sờ chiêm ngắm cảnh tượng ấy. Họ trực giác được rằng Người Mẹ ấy, Người Con ấy, đang ban tặng cho chúng ta một món quà duy nhất, không thể nào có lần thứ hai. Quả thật, trong hai vị, chúng ta tìm được khả năng rộng mở con tim và các chân trời của chúng ta cho chiều kích hoàn vũ.
Nơi ấy, trên đồi Calvario, bên cạnh Ngài, Lạy Chúa Giêsu, Đấng đã chết cho chúng con, các gia đình chúng con đớn nhận món quà của Thiên Chúa, món quà tình yêu có khả năng mở rộng đôi tay chúng ta đến vô cùng vô tận.
** Chặng thứ XIV: Táng xác Chúa Giêsu trong mộ đá
Sự im lặng sâu xa bao phủ trọn đồi Calverio. Thánh Gioan, trong sách Phúc Âm, đã chứng thực rằng Núi Sọ nằm trong một khu vườn, nơi có một ngôi mộ chưa chôn táng ai cả. Chính tại nơi đó, các môn đệ đã chôn táng xác Chúa Giêsu.
Chính Đức Giêsu, Đấng mà chỉ trước đó ít lâu họ đã dần dà nhận biết là Thiên Chúa nhập thể, đang là thi hài nằm đó. Trong sự cô đơn lạ lùng, các môn đệ cảm thấy lạc lõng, không biết phải làm gì, phải xử sự thế nào. Họ chỉ còn biết tự an ủi lẫn nhau. khích lệ nhau, nương tựa vào nhau. Nhưng cũng chính trong lúc ấy mà Đức Tin của họ trưởng thành khi họ nhớ lại những gì Chúa Giêsu đã nói và đã làm khi Ngài còn sống giữa họ mà hồi đó, họ chỉ hiểu được mỘt phần.
Chính khi ấy, họ bắt đầu trở thành Giáo Hội, đang chờ đợi sự Phục Sinh và Chúa Thánh Thần hiển linh. Ở giữa họ, có cả Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, người đã được Chúa Con ủy thác cho môn đệ Gioan. Các môn đệ tụ họp nhau quanh Mẹ, với Mẹ. Họ chờ đợi. Chờ đợi Thiên Chúa hiển linh.
Chúng ta biết rằng thân xác Chúa sau ba ngày đã phục sinh. Như thế Chúa Giêsu sống mãi mãi và chính Ngài đích thân đồng hành với chúng ta trong cuộc hành trình dương thế của chúng ta, giữa muôn vàn vui mừng và đau khổ.
Lạy Chúa Giêsu, xin làm cho chúng con biết yêu thương lẫn nhau. Để chúng con được có Chúa giữa chúng con mỗi ngày, như chính Chúa đã hứa ”nơi nào có hai hay ba người tụ họp nhau trong danh Ta, thì nơi đó, Ta ở giữa chúng.”
G. Trần Đức Anh OP – Mai Anh chuyển ý
R.Vatican