Tin Giáo Phận-Giáo xứ 

Mừng bổn mạng HĐGX giáo xứ Tuy Hòa

Trong không khí nóng bức của những ngày cuối hè. Hợp với toàn thể Giáo phận Qui Nhơn mừng lễ Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông – trùm cả tử đạo.

Hôm nay, các chức việc giáo xứ Tuy Hòa trong tinh thần phục vụ nhà Chúa đã quy tụ với nhau để nhận lấy nguồn sinh lực qua gương Anrê Kim Thông hầu phục vụ cộng đoàn giáo xứ tốt hơn.

Về tham dự buổi tĩnh tâm, có cha sở, ngài vừa tiếp quản giáo xứ chưa đầy 3 tháng, Cha Phaolô – Trưởng ban truyền thông giáo phận, đại diện các đoàn thể Công giáo Tiến hành.

Mở đầu là lời nhắn nhủ của cha sở mới vì đây là lần đầu tiên gặp mặt Hội đồng chức việc đầy đủ nhất.

Trong cương vị là cha sở mới, xin cám ơn tất cả quí chức đã phục vụ giáo xứ những năm qua. Tuy rằng mọi công tác mục vụ, sinh hoạt còn mới lạ, vì thế những gì đã làm thì cứ tiếp tục. Cho dầu cha sở là ai thì quí chức vẫn cố gắng cộng tác để làm cho giáo xứ ngày một phát triển.

Kinh nghiệm khi làm việc, nếu thấy mặt nào tích cực, tốt đẹp thì phát huy, nâng cao để làm thăng hoa. Nếu cần phải thay đổi, xin hãy nhiệt tình đóng góp ý kiến.

Sau phần khai mạc là bài chia sẻ nhân ngày tĩnh tâm của Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính với nội dung: “Ý Nghĩa và nguồn gốc của tinh thần phục vụ”.

Chúa là Thiên Chúa của trật tự được nhìn thấy trong khắp vũ trụ. Các ngôi sao luôn đi theo quỹ đạo, cây nào sinh quả đó, đường luôn luôn ngọt. Như vậy sự hỗn loạn, vô trật tự chỉ có thể là do ma quỷ, hoặc vâng mặt Thiên Chúa. Cơ cấu của dân Do Thái cổ xưa phản ánh trật tự này với hệ thống các thượng tế, tư tế, hệ thống hy lễ, hội đường và luật lệ của họ, hội đồng Sanhedrin và chế độ quân chủ thần quyền. Khi cộng đoàn Kitô giáo xuất hiện thì đồng thời cũng tìm kiếm một trật tự nào đấy ngay từ khi khai sinh, bắt đầu từ thời Tân Ước với các thừa tác vụ đoàn sủng. Chúng ta thấy điều đó trong việc tìm người thay thế cho Giuđa, chỉ định 7 người, thẩm quyền của nhóm 12, “hình thức lãnh đạo” hoặc “quản trị” của Thánh Phaolô, chỉ định các trưởng lão, thẩm quyền của “các tông đồ và các trưởng lão” trong Cv 15 và các nơi khác (Cv 1-6, đặc biệt 1, 15-26 và 6, 1-6; Mc 3, 13-19; 1 Cr 12, 28; Cv 14, 23)

Không thể nói rằng Chúa Giêsu đã ban truyền hết mọi cơ cấu của Giáo Hội như Thiên Chúa đã thiết lập Giáo Ước cũ với Abraham và sau này canh tân với Môisen. Nhưng rõ ràng là các Tin Mừng nói rằng Chúa Giêsu đã có hướng dẫn các cấu trúc tổ chức của Giáo Hội. Thánh Gioan ghi lời Chúa Giêsu đã nói: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến” (Ga 16, 12-13).

Chúa Giêsu không ban lệnh chi tiết phải thành lập cơ cấu Giáo Hội như thế nào bởi vì Ngài sẽ trở lại trong ngôi vị của Chúa Thánh Thần để làm nguyên lý cho một Giáo Hội theo Giao Ước mới. Những gì Chúa Giêsu làm là ban một thẩm quyền khởi đầu cần thiết khi ủy nhiệm cho 12 tông đồ, cho Thánh Phaolô và có lẽ cho các tông đồ khác trong những năm đầu tiên của Giáo Hội. Điểm nhấn mạnh của Ngài về quyền bính của các tông đồ đó là một quyền bính để phục vụ. Trách nhiệm được trao ban cho các tông đồ là mở rộng công việc rao giảng và chữa lành của Chúa Giêsu, đem Tin Mừng đến cho toàn thể thế giới, rửa tội cho họ, và tha thứ tội lỗi (Mc 3, 14-15; Lc 24, 46-48; Cv 1, 8; Mt 28, 19; Ga 20, 23)

Hai từ có thể tóm tắt những đặc tính cơ bản của cả Chúa Giêsu lẫn những ai thi hành những thừa tác vụ khác nhau trong Giáo Hội. Họ được “sai đi” (apostellein) và “phục vụ” (diakonein).

SAI ĐI
Chúa Giêsu biết mình được sai đi, Luca thuật lại câu chuyện trong Hội Đường Nazareth khi Ngài đứng lên và đọc đoạn sách Isaia: “Thánh thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi để mang Tin Mừng cho người nghèo khó. Ngài đã sai tôi đi giải thoát những ai bị giam cầm và phục hồi ánh sáng cho người mù”. Ngay sau đó, Ngài nói: “Hôm nay ứng nghiệm lời Sách Thánh mà anh em vừa nghe” (Lc 4, 16-21). Trong bối cảnh khác, Ngài nói: “Bất cứ ai đón tiếp tôi là đón tiếp không phải tôi mà là Đấng đã sai tôi” (Mc 9, 37).

Và rồi sau đó, Chúa Giêsu sai nhóm 12. Ban đầu, họ chỉ được sai đến với “chiên lạc nhà Israel” nhưng sau này sứ mệnh của họ đã trở nên phổ quát (Mt 10, 5-6; Mc 6, 7-13; Mt 28, 16-20; Cv 1, 8). Luca ghi nhận rằng ban đầu chỉ có nhóm 12 được chỉ định và sai nhưng sau này được mở rộng đến nhóm 70 người. Điều đó cho thấy rằng con số được sai đi đã vượt qua nhóm 12 (Lc 9, 1-6; 10, 1-12). Rồi Chúa Thánh Thần sai Barnabas và Saul sau khi họ được tuyển chọn (Cv 13, 2-4). Chính Thánh Phaolô cũng xem mình là người được sai đi “Vì Đức Kitô đã không sai tôi đi làm phép rửa những để laon báo Tin Mừng” (1 Cr 1, 17; Cv 26, 16-17).
Sự kiện Chúa Giêsu sai Giáo Hội vào trong thế giới bao hàm các hình thức sứ vụ là những ân huệ của Giáo Hội: tông đồ, ngôn sứ, rao giảng Tin Mừng, chủ chăn, và thầy dạy (Eph 4, 11)

Chúa Giêsu có cả năng lực và thẩm quyền từ Thiên Chúa đến đọ người dân kinh ngạc (Mc 1, 22.27). Ngài sửa đổi luật Môisen mà đối với người Israel là do Thiên Chúa thiết lập (Mt 5, 22.28.32.34.39.44). Ngài trừ quỷ (Lc 11, 14-20) và chữa lành mọi bệnh tật (Mt 4, 23-24, Mc 1, 23-45). Ngài thứ tha tội lỗi, một quyền năng thuộc về Thiên Chúa (Mc 2, 3-12). Ngài khẳng định thẩm quyền trên cái chết vì đã được Chúa Cha trao ban (Ga 10, 18; 17, 2). Thật vậy, Ngài được trao ban “mọi thẩm quyền trên trời và dưới đất” (Mt 28, 18; Eph 1, 21-23). Ý tưởng “sai đi” có lien hệ mật thiết với “thẩm quyền” này của Thiên Chúa, đặc biệt là nhóm 12. Họ được đặc biệt trao ban thẩm quyền chữa bệnh và đuổi quỷ, rao giảng và rửa tội (Mc 3, 14-15; Mt 10, 7-8; 28, 19; Lc 9, 1-2. 21). Nhóm 70 được sai đi với thẩm quyền chữa lành và “có quyền hành … trên mọi quyền lực của kẻ thù” (Lc 10, 9.10). Thánh Phêrô được quyền tháo cởi, một quyền sau này được mở rộng cho “các môn đệ” (Mt 16, 19; 18, 18). Như vậy, Chúa Giêsu sai các môn đệ ra đi với năng lực và thẩm quyền riêng của mình “Như Cha đã sai Ta, ta cũng sai các con” (Ga 20, 21-23). Lưu ý rằng Thánh Phaolô cũng được trao ban thẩm quyền (2 Cr 10, 8) và được gọi là tông đồ (Rm 1, 1; Gl 1, 1)

PHỤC VỤ
Khi Giáo Hội được sai đi với năng lực và thẩm quyền của Chúa Giêsu và để mở rộng công việc của Chúa Giêsu trên thế giới này, thì đặc tính đầu tiên của công việc này được gói ghém trong từ “phục vụ” (diaconia), đó là đặc tính của công việc Chúa Giêsu làm lẫn công việc của Giáo Hội.

Từ diakonos theo nghĩa đen trước hết có nghĩa là người tôi tớ hay người phục vụ. Tuy nhiên, nghĩa đen của “người phục vụ” không có nghĩa chỉ là công việc hầu hạ hoặc chỉ hạn chế trong công việc bác ái. Người phục vụ có muốn nói lên thái độ của các môn đệ Chúa Giêsu là khiêm nhường khi phục vụ người khác.

Phần lớn cách dùng diakonos, diakonia, diakoneo trong Tân Ước rõ ràng mang ý nghĩa phục vụ và được áp dụng cho Đức Kitô và mọi hạng người khác. Hình thức danh từ diakonos được sử dụng khoảng 30 lần trong Tân Ước và mang ý nghĩa từ công việc hầu hạ như trong Mc 9, 35 cho đến công việc phục vụ cho Thiên Chúa như trong Col 1, 23. Chúa Giêsu đã dùng từ này cho chính mình: “Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà, Thầy đây,Thầy sống giữa anh em như người phục vụ (diakoneo) anh em” (Lc 22, 27), ngữ cảnh của câu cho thấy công việc phục vụ ở đây là “phục vụ bàn ăn”. Một lần nữa, khi Gioan và Giacôbê xin ngồi chỗ vinh dự, Chúa Giêsu đã đặt đối nghịch giữa lối sống thế gian với gương mẫu đời sống của Ngài khi nói: “Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ (diakoneo), và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”. (Mc 10, 43-45; Mt 20, 26-28, Lc 22, 24-27; Mc 9, 35). Ngài cũng ngầm ý áp dụng từ này cho mình khi nói rằng chủ nhà trở về sau đám tiệc cưới và thấy tối tớ vẫn còn chờ, “ông ấy sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ (diakoneo) họ” (Lc 12, 37).

Thánh Phaolô nói rằng Chúa Giêsu trở thành “tôi tớ” (diakonos) cho dân Do Thái để chứng tỏ lòng trung thành của Thiên Chúa rằng lời hứa với các tổ phụ đã được khẳng định và dân ngoại có thể tôn vinh Thiên Chúa (Rm 15, 8). Một lần nữa thánh Phaolô áp dụng từ diakonos cho Chúa Giêsu khi luận rằng nếu vì muốn trở nên công chính trong Đức Kitô mà chúng ta trở nên người tội lỗi thì hóa ra Đức Kitô là “người phục vụ (diakonos) tội lỗi” sao? (Gl 2, 17)

Thánh Phaolô cũng dùng từ này để nói về chính mình và sứ vụ của mình: Ngài là “tôi tớ” (diakonos) của Tin Mừng” (Ep 3, 7; Gl 1, 23) và của Giáo Hội (Cl 1, 23.25). Ngài mô tả Epaphrus như là một “tôi tớ” (diakonos) của Đức Kitô và Timôthê là “người cộng sự” yêu quý của Ngài và là “người phục vụ (diakonos) trung thành của Đức Kitô” (Cl 1, 7; 1 Tx 3, 2) và dùng hình thức số nhiều của từ này để nói về chính mình và nhiều người khác (1 Cr 3, 5; 2 Cr 3, 6; 6, 4; 11, 23). Ngài cũng nói thẩm quyền dân sự như là “tôi tớ (diakonos) của Thiên Chúa” (Rm 13, 4) và người tông đồ giả là tôi tớ của satan (2 Cr 11, 15).

“Sứ vụ” của nhóm 12 được xem như là sự phục vụ diakonia khi tìm người thay thế cho Giuđa (Cv 1, 17.25). Có nhiều sự phục vụ khác nhau được Thánh Phaolô đề cập đến bao gồm “phục vụ (diakonia) Lời”, “sứ vụ (diakonia) hòa giải” và “sứ vụ (diakonia) của Chúa Thánh Thần” (1 Cr 12, 5; Cv 6, 4; 2 Cr 5, 18, 3, 8). Trong thư Roma, Thánh Phaolô xem sứ vụ của mình tại Giêrusalem là diakonia (Rm 15, 31) và sứ vụ tại Corintô cũng là diakonia (2 Cr 9, 1).

Trong Tin Mừng, người ta nói các phụ nữ Galilê “giúp đỡ (diakoneo)” cho Chúa Giêsu (Mc 15, 41; Mt 27, 55). “Phục vụ bàn ăn” cũng là ngầm ý của Luca khi liên kết với công việc của Martha (Lc 10, 40) và được Gioan nói cách rõ ràng (Ga 12, 2). Có hàm ý về tài chánh khi Luca ghi rằng một số phụ nữ “lấy tài sản mình” mà “giúp đỡ” (diakoneo) cho Chúa Giêsu và các 12 tông đồ (Lc 8, 3). Phaolô lên Giêrusalem “để phục vụ (diakoneo) dân thánh” tại đó (Rm 15, 25). Timôthê và Eratus là những người giúp đỡ (diakoneo) Phaolô (Cv 19, 22).

Từ những trích dân trên, ta thấy rõ ràng từ “phục vụ” (diakonia) có nghĩa rộng và bao gồm nhiều hình thức phục vụ. Đồng thời sự phục vụ này cũng có hai chiều hướng. Trước hết, sự phục vụ này được sai đi do Thiên Chúa trong Đức Kitô và do đó có Thiên Chúa là nguồn mạch và là điểm quy chiếu. Thứ đến, được sai đi để phục vụ người khác nhưng đặc biệt là những ai ở trong Giáo Hội (Gl 6, 10; Ga 13, 34).

Qua bài chia sẻ của Lm. Phaolô – Trưởng ban Văn Hóa Truyền thông giáo phận, các quí chức tham đóng góp gia ý kiến sôi nổi để nhận ra đâu là được “Sai đi” hay do mình tự ý thực hiện. Buổi chia sẻ đã làm mất đi những sự nhọc nhằn trong chuyện giáo xứ và chuyện cá nhân. Buổi sôi nổi hứa hẹn trong tương lai gần, cung cách làm việc của các chức việc cùng các đoàn thể sẽ hiểu nhau hơn, gắn bó nhau hơn, ý thức trách nhiệm nhiều hơn…

Buổi chia sẻ phải dừng lại nửa chừng trong tiếc nuối để nhường lại cho cao điểm lớn hơn: Thánh lễ mừng kính Thánh Anrê Kim Thông.
Qua buổi tĩnh tâm, qua thánh lễ, quí chức Tuy Hòa hiểu được sâu sắc lời của Thánh Anrê Kim Thông:

“Hãy để Thánh ý Chúa thành sự nơi tôi”
Ước mong được như vậy.

Gx. Tuy Hòa




Related posts