Ý nghĩa của câu: ”Có phúc đúng hơn là những ai lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa.”
Ý nghĩa của câu: ”Có phúc đúng hơn là những ai lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa.”
(Blessed rather are those who listen to the Word of God and keep it.)
I. Chữ ”phúc” ngoài đời
”Phúc” (福) là ”phước”, tức ”điều, sự tốt lành, may mắn” cho con người. Chữ ấy quan trọng nhất trong đời vì nó được ”viết, nói” trước chữ ”Lộc” và chữ ”Thọ”! Cho nên, ở Việt Nam, trong ngày Tết, chữ ”phúc” được viết trên miếng giấy đỏ hay trên thiệp treo ở cành hoa mai…
Có chuyện kể như sau: Ngày xưa, ở Việt Nam, Đức Vua hỏi người (đã lập nhiều công trạng) muốn ngài thưởng gì. Người ấy thưa: ”Tâu Hoàng Thượng, hạ thần xin ngài ban cho chữ PHÚC là đủ.” Đức Vua trả lời: “Ta có thể cho vàng bạc, chức tước. Còn PHÚC thì chỉ có TRỜI ban!”
Có lẽ vì thế mà Triều Nguyễn đã chọn PHÚC làm chữ lót cho tên của mình, chẳng hạn: Nguyễn Phúc Ánh là Vua Gia Long!
II. Chữ ”phúc” trong Kinh Thánh
Sách Sáng Thế Ký cho biết rằng Thiên Chúa nhận thấy mọi sự mà Ngài đã dựng nên đều là ”tốt lành” hoặc ”tốt lành quá đỗi”. Đã vậy, ”mọi sự ấy” còn được Ngài chúc phúc. (STK 1,22) Nhưng, trong STK 1,28, chữ ”CHÚC PHÚC” có nghĩa khác, tức là ”siêu nhiên” bởi vì con người được dựng nên theo Hình Ảnh của Thiên Chúa! Như vậy, theo thiển ý của tôi, câu ”nhân chi sơ tính bổn thiện” được dùng cho Adam-Eva là chính xác bởi vì, ban đầu, hai ông bà chưa phạm tội kiêu ngạo là muốn được bằng Thiên Chúa!
Ngoài khái niệm ”phúc” như đã nêu, chữ ấy còn được dùng quá nhiều lần trong Cựu và Tân Ước, nhất là trong ”Tám Mối Phúc Thật” (Bài giảng trên núi, Hiến Chương Nước Trời) theo Thánh Matthêô 5,1-12. Như vậy, ”Phúc của Kitô hữu” khác với quan niệm của người đời bởi vì ”bị bắt bớ, bị lăng mạ, bị vu khống đủ điều xấu xa vì Chúa Giêsu” là có ĐẠI PHÚC ở trên Trời!
III. Chữ ”phúc” trong Luca 11,27–28
”Phúc thay lòng dạ đã cưu mang Thầy và vú cho Thầy bú. Nhưng Ngài trả lời: Có phúc đúng hơn là những ai lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa.” (Heureux le sein qui T’a porté et les mamelles qui T’ont allaité! Et il répondit: Heureux plutôt ceux qui écoutent la Parole de Dieu, et qui La gardent!)
Nhắm làm sáng tỏ khái niệm ”phúc” trong các câu ở trên, tôi xin nêu lên một vài thắc mắc và xin mạo muội trả lời.
1. Chẳng lẽ chỉ Mẹ của Chúa Giêsu là ”Bà Có Phúc”? Tại sao phụ nữ kia phát biểu như thế?
– Luca 11,14-26 giúp người đọc hiểu rõ lý do người phụ nữ tôn vinh Mẹ của Thầy Giêsu. Mà tôn vinh Mẹ của Thầy là gián tiếp tôn thờ Chúa Cứu Thế. Xét cho cùng, chẳng có ai trong thọ tạo ”hơn được” Trinh Nữ Maria bởi vì Luca 1,28-38 (về ”Thiên Thần truyền Tin Mừng”) đã mạc khải Thiên Chúa là Tình Yêu Cứu Độ và về Đấng Hồng Ân (Gratia Plena) là Trinh Nữ sẽ là Mẹ của Thiên Chúa Ngôi Hai! Luca 1,39-56 là KIỆT TÁC CỦA TIN MỪNG làm nổi bật ĐẤNG TÂN SÁNG THẾ là Chúa GIÊSU vì lời chào của Trinh Nữ đã khiến thai nhi trong bụng bà Êlidabet NHẢY MỪNG, vì Thánh Linh đã phán qua ”miệng lưỡi” của bà ấy: ”Em là người được DIỄM PHÚC trong nữ giới, cho nên TRÁI của LÒNG DẠ EM cũng DIỄM PHÚC!” (Benedicta TU in mulieribus ET benedictus FRUCTUS VENTRIS TUI!) Người Pháp nói: ”Thượng Đế làm nên nhiều kỳ quan, kỳ công. Nhưng kỳ quan lớn nhất vẫn là trái tim của người Mẹ!” thì huống chi là Thân Xác và Lòng Dạ của MẸ-THIÊN-CHÚA-CỨU-THẾ!!!
Ngoài ra, câu 49 ở Luca 1 càng chứng minh rằng Thiên Chúa đã biệt tuyển ”Đền Thánh Giêrusalem Mới” cho Ngài như sau: ”Vì Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều cao cả. Vì Danh Ngài là Thánh.” Như vậy, Đấng Thánh đã ”kén chọn” cho Ngài ”Đền Thánh Hồng Ân” là Maria như Cứu Ước đã báo: ”Vui ca lên nào, thiếu nữ Sion vì Đấng Cứu Chuộc rất oai hùng đến ngự trong nhà ngươi!”
2. Có phải Chúa đã ”phủ nhận” lời ca ngợi của phụ nữ kia về Mẹ Ngài?
– Không! Ngàn lần không! Cũng là Đấng Toàn Tri, Chúa Giêsu càng ”rất tế nhị” trong việc tôn vinh Mẹ Ngài trước mặt công chúng đang lắng nghe Ngài giảng dạy. Xin lấy ví dụ khác về ”người phàm”: Ông A là Tổng Thống, được bà kia khen: ”Phúc cho bà Cụ đã sinh ra Ngài Tổng Thống!” Nếu vị Tổng Thống trả lời: ”Vâng, bà nói quá đúng!” thì còn gì là ”tiếng thơm” cho bản thân Tổng Thống và Đấng sinh thành ông ta!!! Vậy, theo thiển ý của tôi, ông Tổng Thống ”nên” trả lời: ”Có phúc đúng hơn là những công dân lắng nghe và thực hành lời dạy của Tổ Tiên.”
François La Rochefoucauld, là nhà văn và nhà luân lý, nhận xét về tâm lý người đời như sau: ”Từ chối một lời khen tức là muốn được khen thêm nữa.” Còn Gilbert Keith Chesterton thì nói: ”Sự khiêm tốn là mồi tốt nhất để đi câu lời khen.” thì huống chi Thiên Chúa là Lời của Sự Khôn Ngoan! Thật ra, câu trả lời của Chúa Giêsu có ý nghĩa như sau:
a. Ngài muốn dạy cho người (đang nghe LỜI THIÊN CHÚA chính là Ngài) phải thực hiện Điều Ngài đã từng dạy như trong Luca 8,15: ”Hạt giống rơi vào đất tốt là những người nghe LỜI với thành tâm, thiện chí, rồi nắm giữ và sinh hoa kết quả bằng sự kiên nhẫn.”
b. Ngài cho dân chúng (đang tin vào Ngài) càng thêm phấn khởi vì họ là ĐỐI TƯỢNG ĐANG LẮNG NGHE LỜI THIÊN CHÚA. Ralph Waldo Emerson phát biểu về lòng phấn khởi như sau: ”Không phấn chí, chẳng bao giờ thành đại sự.” (Rien de grand ne se fit jamais sans enthousiasme.)
c. Ngài muốn dân chúng càng ”tin, cậy, mến” thì càng biết Ngài là Đấng Cứu Thế sinh bởi Trinh Nữ mà Sách Tiên Tri Ysaya 7,14 đã báo trước: ”Này, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh con trai và sẽ đặt tên cho con trẻ là Emmanuel.” (Thiên Chúa ở giữa chúng ta)
d Đã hiểu được như thế, đã thấy ”Emmanuel” sống động thì dân chúng càng thấm thía lời khen của phụ nữ kia và câu trả lời của Chúa Giêsu vốn khiến họ càng cảm phục Đấng sinh thành, nuôi dưỡng Thầy Giêsu bởi vì ”lòng dạ đã cưu mang Thầy” chính là Miêu Duệ mà Chúa hứa trong Vườn Địa Đàng, vì Bà ấy là Eva Mới, là ”Đấng Đại Phúc” (La Bienheureuse) như Thánh Augustinô nhận định: ”Mẹ đã cưu mang Chúa Giêsu trong TIM trước khi cưu mang Ngài trong THÂN XÁC.” (Elle a conçu Jésus dans son COEUR avant de LE concevoir dans son CORPS.)
IV. Ý nghĩa của các chữ ”nhưng, đúng hơn” (mais, plutôt)
Thánh Luca là người rất khéo chọn từ để diễn đạt ý tưởng. Cho nên, tôi xin mạo muội giải thích ý nghĩa của hai từ vừa nêu:
A. Chữ ”nhưng: mais”
Ngoài nghĩa ”ngược lại”, chữ này còn có ”giá trị” như chữ ”và” để làm sáng tỏ thêm ý trong mệnh đề trước, ví dụ: Tôi không chỉ mời bạn của mình, nhưng cũng mời ba của anh ta. (J’ai invité non seulement mon ami, mais aussi son père.) Nếu viết: ”J’ai invité mon ami et son père” thì ý không được nhấn mạnh.
B. Chữ ”đúng hơn: plutôt”
Trong văn mạch (context) của Thánh Luca, chữ này dùng để bổ sung cho ý trong câu trước hay để làm cho ý ấy ”được hay hơn” (améliorer), ví dụ khác: Anh ta là người đồng hành, nhưng đúng hơn là bạn tốt. (Il est un compagnon, mais plutôt / pour mieux dire un ami.)
Là ”Lời ở trong Cha” và ”đã nhập Thể trong Lòng” Thánh Mẫu Maria, Chúa Giêsu ”tiếc gì” mà không tôn vinh Mẹ theo cách của Người Con có hiếu đúng với Điều Thứ 4 trong Mười Giới Răn!!!
V. So sánh ”phúc” nơi bà Maria, em của Martha, với ”PHÚC” nơi Bà Maria, Mẹ Chúa Giêsu
A. Nơi Maria, em của Martha
Luca 10,38-42 cho thấy ”hình ảnh tương phản” giữa hai chị em Martha và Maria. Trong khi Martha tất bật lo việc phục vụ thì Maria, là em, cứ ngồi bên chân Chúa mà lắng nghe Lời Ngài. Để trả lời cho Martha phân bì với em, Chúa bèn phán: ”Martha, Martha, con lo lắng và nhọc nhằn quá. Nhưng chỉ cần một điều thôi. Maria đã chọn phần TỐT HƠN vốn không bị ai giựt mất.”
Người em của Martha chỉ lắng nghe Lời Chúa trong hôm Ngài ghé thăm. Vậy mà Giáo Hội đã gọi đó là gương mẫu của ”đời sống chiêm niệm” (vie contemplative) cho Kitô hữu.
B. Nơi Bà Maria, Mẹ Chúa Giêsu
Ngoài việc ”đã cưu mang Chúa Giêsu trong TIM trước khi cưu mang NGÀI trong THÂN XÁC” như nhận định của Thánh Augustinô, Mẹ Maria còn ”luôn ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” như ở Luca 2,19!!! Chẳng những thế, cùng với Dưỡng Phụ Giuse, Mẹ Maria là Đấng mà Luca 2,51-52 kể lại thế này: ”Sau đó, Ngài đi xuống cùng với Cha Mẹ, trở về Nadarét và luôn vâng phục các Ngài. Mẹ Ngài ghi lòng, tạc dạ tất cả những điều đã xảy ra. Còn Chúa Giêsu càng lớn lên, càng thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta.”
VI. Lời kết
Tân Ước ghi lại Lời Chúa ”công khai khen ngợi” nhiều người, trong đó, có Gioan Tẩy Giả, bà già cúng tiền, dù rất ít, mà đó là tất cả những gì bà ”gom góp” được,… Bà Maria, em của Martha, cũng được Chúa khen ”đáo để” như trên. Ngược lại, Ngài chẳng bao giờ ca tụng Mẹ Maria bởi vì Ngài biết rõ Mẹ là Trinh Nữ khiêm nhượng, luôn giữ kín mọi điều. Người đời còn biết nói: ”Hữu xạ tự nhiên hương!” Người Pháp lại nhận định: ”Rượu ngon không cần nhãn hiệu.” (A bon vin, point d’enseigne) thì huống chi Trinh Nữ là Mẹ của Chúa Cứu Thế.
”Nhìn trái biết cây!” (On connaît l’arbre à ses fruits!) Trong ”thiên hạ” xưa nay, ngay cả trên Thiên Đàng, không có người nữ nào sánh bằng THÁNH MẪU HẬU, MẸ của ”VUA” GIÊSU: Thiên Chúa Cứu Chuộc.
Đức Quốc, 20.12.2012