Giảng lễ chung 

Giảng lễ Đêm Giáng Sinh

LỄ GIÁNG SINH 2012

(Lễ đêm )

Đêm nay, hòa chung niềm vui với toàn thể vũ trụ, chúng ta long trọng cử hành đại lễ Giáng Sinh mừng kỷ niệm lần thứ 2012 ngày Ngôi Hai Thiên Chúa từ trời sinh xuống trần gian để ở cùng chúng ta và giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ tội lỗi. Đặc biệt đại lễ Giáng Sinh năm nay được cử hành trong khung cảnh Năm Đức Tin của Giáo Hội hoàn vũ.

red-christmas-balls-on-green-spruce-branch-vector-1068333.jpg

Trong tự sắc Porta fidei về Năm Đức Tin, số 13, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã viết : « Trong thời điểm này, chúng ta hãy luôn hướng nhìn về Chúa Giêsu Kitô ‘là nguồn gốc và tận điểm của đức tin’ (Dt 12,2) : nơi Người mọi sóng gió và khát vọng của tâm hồn con người được hoàn tất. Niềm vui của tình yêu, lời đáp trả thảm trạng đau khổ, sức mạnh của tha thứ trước sự xúc phạm phải chịu và chiến thắng của sự sống trước cái trống rỗng của sự chết, tất cả đều tìm được sự hoàn tất trong mầu nhiệm Nhập Thể của Chúa, mầu nhiệm Chúa làm người, chia sẻ sự yếu đuối của chúng ta để biến đổi nó bằng quyền năng sự phục sinh của Người ».

Trọng tâm của đại lễ Giáng Sinh là mầu nhiệm Nhập Thể, tức là mầu nhiệm về một vị Thiên Chúa vô hình, ngự trị trong ánh sáng siêu phàm, đã tự nguyện trở thành một con người hữu hình trên trần gian. Đó là một mầu nhiệm của đức tin, vượt quá mọi khả năng hiểu biết của lý trí tự nhiên. Đó cũng là mầu nhiệm trung tâm của kinh Tin Kính mà trong tự sắc Porta fidei, số 8 và 9, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI mời gọi toàn thể Giáo Hội tuyên xưng cách đặc biệt trong suốt Năm Đức Tin này. Trong thánh lễ hôm nay, kinh Tin Kính thực sự đóng một vai trò quan trọng và lôi cuốn sự chú ý đặc biệt của toàn thể cộng đoàn phụng vụ khi mọi người cùng quì gối và đọc : « Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria và đã làm người ».

Người ta dễ dàng chấp nhận một vị Thiên Chúa cao cả ngự trị trong thế giới siêu phàm, Đấng sáng tạo trời đất và là Chủ Tể muôn loài. Người ta cũng dễ dàng tin có một nhân vật lịch sử tên là Giêsu, một con người trổi vượt về sự khôn ngoan và thánh thiện, Đấng sáng lập một tôn giáo lớn trên địa cầu. Tuy nhiên nhiều người không thể chấp nhận nối kết hai điều trên đây thành một trong mầu nhiệm Nhập Thể, nghĩa là họ không tin rằng Thiên Chúa cao cả lại có thể sinh xuống làm một con người nơi Đức Giêsu. Làm sao một vị Thiên Chúa quyền năng hằng hữu lại có thể sinh ra trong thời gian dưới hình hài một trẻ sơ sinh yết ớt, nằm trong máng cỏ bò lừa, để rồi sau đó sống một cuộc đời nghèo khó và cuối cùng phải chết đau đớn trên thập giá không một tấm áo che thân ?

Khi suy nghĩ về mầu nhiệm này, thánh Phaolô đã viết cho các tín hữu Philipphê : « Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự » (Pl 2,6-8). Đó là điều hoàn toàn ngược lại với lối suy nghĩ thường tình của con người khiến chúng ta vô cùng ngạc nhiên.

Người ta kể rằng tại miền Provence nước Pháp có một máng cỏ khá nổi tiếng. Trong số các nhân vật hiện diện tại máng cỏ, du khách thường chú ý đến một con người nhỏ bé với hai bàn tay mở ra trống trơn, nhưng gương mặt lại để lộ một vẻ ngạc nhiên khó tả. Chính vì thế mà người ta đã đặt tên cho nhân vật ấy là “anh chàng ngạc nhiên”. Người địa phương thường giải thích về sự ngạc nhiên trên gương mặt của nhân vật này bằng một câu chuyện như sau:

Một hôm tất cả các nhân vật trong máng cỏ, kể cả mấy chú bò lừa, đều tỏ ra khó chịu đối với nhân vật có tên là “ngạc nhiên” này, bởi vì anh ta không có gì để mang tặng Chúa Hài Nhi ngoài hai bàn tay trắng của anh. Họ sỉ vả anh như sau: “Mày không biết xấu hổ sao? Mầy đến chầu Hài Nhi Giêsu mà không mang theo gì cả?” Nhưng con người có tên là “ngạc nhiên” ấy không để lộ một phản ứng nào, đôi mắt anh vẫn mở to và chăm chú nhìn vào Hài Nhi Giêsu.

Những lời sỉ vả cứ tiếp tục trút xuống trên anh, đến độ Đức Maria phải lên tiếng để biện hộ cho anh như sau: “Quả thực anh “ngạc nhiên” đã đến với Hài Nhi Giêsu với hai bàn tay trắng, nhưng anh đã mang đến món quà cao đẹp nhất: đó là sự ngạc nhiên của anh. Điều này có nghĩa là tình yêu bao la của Thiên Chúa đã chiếm trọn tâm tư của anh”. Và Đức Mẹ kết luận như sau: “Thế giới này sẽ kỳ diệu biết bao nếu luôn có những con người như anh “ngạc nhiên”, biết ngây ngất vì ngạc nhiên”.

Có thể nói, lịch sử nhân loại là một cuốn sách chứa đầy những điều kỳ diệu, qua đó Thiên Chúa không ngừng bày tỏ tình yêu của Ngài, khiến cho chúng ta không thể không ngạc nhiên. Không tỏ ra ngạc nhiên trước biết bao điều kỳ diệu như thế mới là điều đáng ngạc nhiên hơn nữa. Không ngạc nhiên sao được khi Thiên Chúa hùng mạnh, vĩ đại đã tự nguyện trở thành một hài nhi bé nhỏ yếu ớt cho chúng ta trong đêm Giáng Sinh. Một Hài Nhi cho dù chưa biết nói, nhưng sự ra đời của Người đã nói lên tất cả và là tiếng nói cuối cùng của tình yêu không cùng của Thiên Chúa, vì Hài Nhi ấy chính là Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại tội lỗi đến độ tự nguyện trở thành một người như họ. Người là Con Thiên Chúa đã tự nguyện sinh ra làm con của loài người để loài người trở thành con cái Thiên Chúa.

Chắc hẳn các người chăn chiên thành Bêlem đã rất đỗi ngạc nhiên khi thấy mình được Thiên Chúa yêu thương cách đặc biệt đến độ đã sai sứ thần đến báo tin vui về sự ra đời của Đấng Cứu Thế. Họ chứ không phải là những người giàu có, thông thái, quyền quí, tại Grêrusalem. Điều khiến họ ngạc nhiên hơn nữa là dấu hiệu để nhận ra Người: đó là một hài nhi mới sinh nằm trong máng cỏ. Nhưng điều khiến chúng ta hết sức ngạc nhiên là chính đức tin của họ. Họ đã tin rằng hài nhi bé nhỏ nằm trong máng cỏ là chính Đấng Cứu Thế. Họ tin một cách đơn sơ chất phác, không đòi hỏi một dấu lạ nào. Khi ra về, họ vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa vì mọi điều họ đã mắt thấy tai nghe với một niềm tin mạnh mẽ khiến mọi người phải ngạc nhiên.

Mỗi năm Mùa Giáng Sinh lại về với mái tranh nghèo, hang đá lạnh lẽo, máng cỏ thô sơ, hài nhi bé thơ. Mọi sự xem ra xa lạ đối với cuộc sống con người văn minh đầy những tiện nghi sang giàu. Thế nhưng máng cỏ Chúa Giêsu có một sức hấp dẫn phi thường mà ai ai cũng muốn đến gần để chiêm ngắm, để cầu nguyện, để tìm cho chính mình một khoảnh khắc bình an giữa cuộc đời bon chen danh lợi đến độ hụt hơi, tơi tả.

Đêm nay, quì trước máng cỏ đơn sơ khó nghèo, một lối diễn tả kỳ lạ của một tình yêu bao la mà chỉ có Thiên Chúa mới nghĩ ra, chúng ta hãy dâng lên Người tâm tình ngạc nhiên thán phục của những người tự biết mình bé nhỏ nhưng được Thiên Chúa yêu thương cách đặc biệt. Chúng ta cũng dâng lên Người niềm tin và lòng yêu mến thiết tha cùng với tất cả lòng tri ân cảm tạ, như một món quà bé nhỏ đơn sơ, để đáp lại món quà cao cả tuyệt vời là chính Con Thiên Chúa đã được ban tặng cho chúng ta qua mầu nhiệm Giáng Sinh mà chúng ta đang cử hành.

+GM Matthêô Nguyễn Văn Khôi

Related posts