Cần phải thay đổi hệ thống kinh tế toàn cầu (2)
Phỏng vấn Đức Hồng Y Oscar Rodriguez Maradiaga, Tổng Giám Mục Tegucigalpa Honduras (2/2)
Từ năm 2008 tới nay vụ khủng hoảng kinh tế tài chánh kéo dài đã ảnh hướng trên cuộc sống của người dân đó đây trên thế giới. Nó vén mở cho thấy ách thống trị độc tài vô giới hạn của các tổ chức kinh tế tài chánh đối với các chính quyền và mọi dân tộc, và xem ra xã hội ngày nay không thể thoát ra khỏi nanh vuốt của chúng.
Theo Dức Hồng Y Oscar Rodriguez Maradiaga, Tổng Giám Mục Tegucigalpa Honduras, Chủ tịch tổ chức Caritas Quốc Tế, cần phải thay đổi hệ thống kinh tế thương mại, vì nó chỉ phục vụ lợi lộc của một số quốc gia, tạo ra qúa nhiều bất công xã hội, và không muốn bài trừ nạn nghèo đói trên thế giới.
Điển hình như thống kê của ”Ủy ban Diễn đàn thành thị thế giới” của Liên Hiệp Quốc cho thấy Châu Mỹ Latinh là vùng có nhiều chênh lệch giữa người giầu và người nghèo nhất thế giới. Khoảng gần 20% tổng số dân chiếm hữu 60% tài sản của toàn vùng này. Và tình trạng đã kéo dài từ nhiều thập niên qua này chẳng những đã không giảm bớt, mà lại ngày càng gia tăng.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn phần hai bài phỏng vấn Đức Hồng Y Oscar Rodriguez Maradiaga, Tổng Giám Mục Tegucigalpa, Honduras, về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống kinh tế thương mại trên thế giới hiện nay. Đức Hồng Y Maradiaga cũng là thành viên của nhiều Bộ và Hội Đồng, trong đó có Bộ Tu Sĩ, Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình, Hội Đồng Tòa Thánh về Truyên thông xã hội và Hội Đồng Tòa Thánh về Châu Mỹ Latinh.
Bài phỏng vấn do bà Maria Lorenzo thực hiện cho chương trình ”Nơi đâu Chúa khóc” của tổ chức Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ đăng trên hãng tin ZENIT trong hai ngày 18 và 19 tháng 12 năm 2012.
Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, Đức Hồng Y đã cho biết là chủ trương bao che thương mại của một số nước thống trị nền kinh tế toàn cầu bắt buộc các nước khác phải theo các luật lệ thương mại và giá cả do họ đưa ra cho các sản phẩm. Hệ thống này tạo ra bất công trên thương trường quốc tế. Vậy làm sao để có thể bẻ gẫy cái vòng luẩn quẩn này?
Đáp: Người ta nói tới tự do thương mại, nhưng thương mại không tự do. Với chủ trương bao che và các trợ giúp chúng ta không thể nói tới tự do thương mại. Thế nhưng hệ thống kinh tế được sắp xếp như vậy nhằm che chở vài nước… Tất cả mọi nhà kinh tế và chính trị có thể nói với tôi rằng: ”Thế giới là như vậy”. Dĩ nhiên rồi, nếu họ muốn tiếp tục như thế, thì bất công sẽ tiếp tục, nghèo đói sẽ tiếp tục, và các cuộc di dân sẽ tiếp tục, xảy ra không phải chỉ vì các lý do chính trị, mà bởi cả các lý do xã hội kinh tế, và bởi nghèo đói nữa.
Hỏi: Và có lẽ khi duy trì người dân trong cảnh nghèo đói, thì người ta cũng kiểm soát họ nữa, có đúng thế không thưa Đức Hồng Y?
Đáp: Chắc chắn rồi, và ở đây, ít nhất là tại Châu Mỹ Latinh chúng tôi còn có một trong các lý do khác của nạn nghèo túng nữa: đó là cảnh gia đình không có cha. Số con cái của các bà mẹ sống một mình rất đông trong các quốc gia của chúng tôi, và tình trạng gia đình không cha này khiến cho nạn nghèo túng tiếp tục triền miên.
Khi gia đình ổn định, có một người cha có trách nhiệm biết giáo dục con cái, thì tình trạng sống của gia đình khá hơn. Nhưng nếu gia đình không cha, thì việc giáo dục con cái bị ảnh hưởng, và cùng với nó là tình hình kinh tế. Rất tiếc nền giáo đục công ở trong tình trạng thê thảm. Tại Honduras, đôi khi học sinh không được học tới 200 ngày trong năm, vì các cuộc biểu tình đình công.
Hỏi: Giới giáo chức đình công à thưa Đức Hồng Y?
Đáp: Vâng, vì các giáo chức đình công. Đôi khi các hiệp hội giáo chức có lý để biểu tình phản đối, vì nếu họ không được trả lương đúng ngày, thì làm sao mà họ có thể sống được? Nhưng đôi khi các hiệp hội giáo chức cũng biến thành các nhóm tranh đấu ý thức hệ muốn bênh vực các hệ thống, và như vậy lại trở thành một cái vòng luẩn quẩn. Nếu chúng tôi không có một nền giáo dục có phẩm chất, thì không thể ra khỏi cảnh nghèo túng. Một người trẻ chỉ học có năm năm tiểu học có thể làm gì trong một thế giới toàn cầu như hiện nay?
Hỏi: Khi chúng con nói tới nghèo túng, người ta thường bảo các tín hữu công giáo chúng con rằng: ”Qúy vị hãy coi Tòa Thánh Vaticăng, hãy nhìn các Giám Mục và các Hồng Y coi”. Chúng con phải trả lời làm sao?
Đáp: Chỉ cần nhìn vào thực tế, chẳng hạn như so sánh ngân sách của Vaticăng mỗi năm đều được công bố với sổ chi thu rõ ràng, với bất cứ tổ chức xã hội nào khác, thì đủ biết. Ngân sách của Tòa Thánh “qúa tối thiểu và chả là gì cả”. Nó không bằng ngân sách của một tổng giáo phận lớn.
Sự giầu có của Tòa Thánh Vaticăng, nếu có, là giầu các tác phẩm nghệ thuật. Trên thế giới này ai mà có các nguồn lợi để có thể xây một đền thờ như đền thờ thánh Phêrô? Không có ai cả! Nhưng đền thờ thánh Phêrô được duy trì như một gia tài nghệ thuật, văn hóa của nhân loại. Và thật là sai lầm, khi nghĩ rằng việc bán các tác phẩm nghệ thuật là một giải pháp. Bán cho ai?
Nếu qúy vị muốn, qúy vị cũng có thể làm một cuộc điều tra về chính con người của tôi. Tôi đã khấn sống khó nghèo trong dòng Don Bosco cách đây 50 năm, và tôi vẫn còn sống lời khấn khó nghèo ấy. Tôi có những vật mà người ta đã cho tôi, nhưng chúng không phải là của tôi mà là của giáo phận, và ngày nào mà Chúa gọi tôi, thì các của cải đó tùy thuộc các người kế vị tôi.
Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, còn có một vấn đề khác gắn liền với sự nghèo túng: đó là nạn gian tham hối lộ. Hiện tượng này, như Đức Hồng Y đã nói, là một bệnh ung thư ngày nay đang gặm nhấm nhiều quốc gia trên thế giới. Căn bệnh ung thư này là một sự dữ cổ xưa hay mới có đây thôi?
Đáp: Nó là điều rất cổ xưa, và nó hầu như được đề ra để làm giầu cho các nhà chính trị một cách bất hợp pháp. Các nhà chính trị vào chính quyền và muốn ở đó cho tới chết, mà không làm việc. Tôi đã tham dự vào một Ủy ban quốc gia chống tham nhũng. Ý tưởng của Ngân hàng thế giới đã là một ý tưởng rất tốt, khi chủ trương rằng chúng tôi sẽ tiếp tục nâng đỡ các quốc gia, nhưng qúy vị hãy chống lại nạn gian tham nhũng. Trong nhiều nước hiện nay có một ủy ban chống tham nhũng có bổn phận truy tố việc làm giầu bất hợp pháp, nhưng rồi nó bị sa lầy trong trong vấn đề chính trị. Khi một chính trị gia tham nhũng, thì tìm cách làm giầu bất chính và phải tự bảo vệ mình. Và họ tự bảo vệ làm sao? Bằng cách hối lộ. Tại nước chúng tôi đôi khi người ta nói rằng công lý giống như một con rắn cắn người đi chân không, còn người đi giầy thì không bị gì cả, và điều này có một ý nghĩa rất lớn.
Thật là điều đáng buồn có cảnh không trừng phạt trong các nước của chúng tôi vì sự yếu kém của hệ thống công lý. Tôi nghĩ rằng phải tiếp tục củng cố tất cả mọi cơ cấu với công lý. Còn có một thứ gây chết chóc khác nữa là ma túy.
Ngày nay ma túy là một dịch vụ làm ăn rất lớn. Nó không chỉ là việc di chuyển chất ma túy, mà là một việc làm ăn xâm lấn toàn đại lục Mỹ châu. Qúy vị có thể nhận thấy tại Mêhicô, nơi có cuộc nội chiến giữa các tổ chức buôn bán ma túy, quân đội và chính quyền, bởi vì họ tranh giành vùng đất làm ăn, và các tai ương bắn giết xảy ra, bởi vì một tổ chức đã xác định một vùng đất, và khi có một tổ chức khác xâm lấn thì tổ chức đó phải chết. Và chúng tôi đau khổ lắm, vì ma túy có biết bao nhiêu quyền hành, một quyền hành có thể mua các thẩm phán và những người thi hành công lý. Theo thiển ý tôi, cách thức duy nhất giúp chặn đứng dịch vụ buôn bán ma túy vô luân và tội phạm tàn sát bao sinh mạng này là tịch thu tài sản của các tay buôn bán ma túy, lấy đi các giầu có bất hợp pháp của họ, vì không có tiền thì họ sẽ không mua chuộc được ai cả.
Hỏi: Người dân thường có thể làm gì để tranh đấu cho công lý và chiến đấu chống lại sự bất bình đẳng và nạn gian tham hối lộ không, thưa Đức Hồng Y?
Đáp: Có chứ, họ có thể làm qua chính lá phiếu của họ. Sức mạnh mà người dân có trong nền dân chủ là việc bỏ phiếu, và rồi nếu những người tham nhũng biết rằng dân chúng ý thức và không bỏ phiếu cho một người gian tham hối lộ, thì sự thay đổi bắt đầu. Khí giới của người dân là lá phiếu, và cần phải dùng nó với lương tâm của mình. Nhưng đây là điều thiếu tại nước tôi, chẳng hạn, bởi vì có người đi bỏ phiếu vì cha của họ thuộc đảng ấy, cả khi ông nội họ không thuộc đảng ấy nhưng phải trung thành với đảng, chứ không trung thành với lương tâm của mình. Chúng cũng là các hậu qủa của việc thiếu đào tạo giáo dục đối với các giá trị chính trị.
Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, nhiều lần Đức Hồng Y đã nói về niềm hy vọng. Niềm hy vọng vào một thế giới liên đới và công bằng hơn. Phải tìm niềm hy vọng ở đâu, khi có nhiều khổ đau và bất công trên thế giới như vậy?
Đáp: Nếu chúng ta là kitô hữu, thì mẫu gương sống của chúng ta là Chúa Giêsu Kitô. Chúa Giêsu đã phải chiến đầu chống lại mọi hy vọng. Chính thánh Phaolô đã nói lên điều đó một cách rõ ràng, và chúng ta lấy sức mạnh từ đó. Chúng ta biết rằng Thiên Chúa muốn một trời mới đất mới, và Người đã không làm điều đó với một chiếc đũa thần, nhưng Người sẽ làm điều này qua từng tín hữu kitô chúng ta, khi chúng ta xây dựng vương quốc này trong cuộc sống. Kết qủa là cộng đoàn là yếu tố nền tảng đức tin của chúng ta giúp sống niềm hy vọng. Thông điệp đầu tiên của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI ”Bác ái trong chân lý” đã quyến rũ tôi, nhưng thông điệp thứ hai cũng thế, nó giống như một trái anh đào nhỏ trên cái bánh ngọt, bởi vì thực sự ”Spe salvi” là tất cả một sức mạnh trao ban giáo huấn của Đức Thánh Cha cho chúng ta giúp tiếp tục tiến bước, nhất là tại Châu Mỹ Latinh.
(ZENIT 19-12-2012)
Linh Tiến Khải
R.Vatican