Tin Giáo hội Việt Nam 

Giáo hội đồng hành với lao động di dân

Khoảng 3.000 người lao động xa quê tham dự lễ bế mạc Tuần lễ di dân của Tổng Giáo phận TP.HCM hôm 13-1. Tuần lễ di dân diễn ra từ 6-13/1 do Ban Mục vụ di dân của tổng giáo phận tổ chức.

ucanewNăm nay kỷ niệm 10 năm Giáo hội địa phương đồng hành với lao động di dân ở thành phố.

Trong tuần lễ di dân này, một số giáo xứ tổ chức các giờ chầu Thánh Thể, đọc kinh ở phòng trọ, học hỏi về sứ điệp di dân, chia sẻ tâm tư giữa những người xa quê với nhau.

Anh Giuse Bùi Văn Liệu quê ở giáo phận Thái Bình chia sẻ tại ngày bế mạc trước các linh mục đại diện Ban mục vụ di dân 26 giáo phận rằng: “Chúng con may mắn vì được Giáo hội địa phương chăm sóc chúng con và xem chúng con như con cái trong gia đình. Chúng con được học hành, làm việc và được liên kết với Giáo hội hầu giữ vững đức tin của mình”.

Người công nhân ngành giày da hiện sinh sống tại giáo xứ Phaolô, nơi có khoảng 8.000 di dân Công giáo, bày tỏ lòng biết ơn giáo xứ đã đồng hành với họ trong đời sống đức tin cũng như đời sống thường ngày. Ở đó, di dân được hưởng lợi từ các lớp dạy nghề may, tin học, ngoại ngữ hoặc dịch vụ cưới hỏi giá rẻ.

Anh Liệu tự hào nói rằng Giáo hội đã đào tạo nên những di dân trưởng thành. “Những di dân ấy đã trở thành tu sĩ, giáo lý viên, ca trưởng, linh hoạt viên phục vụ nhiệt thành nơi giáo xứ họ sinh sống hoặc nhân viên giỏi trong các công ty”.

Linh mục Phaolô Phạm Trung Dong, trưởng ban mục vụ di dân, cho biết trong 10 năm qua, tổng giáo phận tổ chức tuần lễ di dân hằng năm, tổ chức các khóa huấn luyện  mục vụ di dân, mở các văn phòng tư vấn, các lớp giáo lý dự tòng cho 1.500 tân tòng di dân mỗi năm và các lớp thăng tiến hôn nhân gia đình, lớp học tình thương và ngoại ngữ, tổ chức các lớp Thánh kinh – giáo lý tại nhà thờ hoặc nhà trọ cho di dân, lập các đội trống, đội kèn, đội dâng hoa hoặc ca đoàn di dân, hình thành các nhóm chia sẻ Lời Chúa.

Cha nói tuần lễ di dân là dịp để các bạn trẻ gặp gỡ nhau và củng cố mối liên kết giữa di dân với Giáo hội địa phương.

“Sắp tới ban mục vụ di dân sẽ đào tạo kỹ năng sống cho người trẻ, đồng thời thúc đẩy họ tham gia các hội đoàn, các hoạt động mục vụ giáo xứ hầu giúp họ thực sự trở nên thành viên mới của Giáo hội địa phương và sau này khi trở về quê hương họ cũng phục vụ giáo xứ mình tốt hơn” – cha Dong, 67 tuổi, cho biết.

Ngài lo lắng nhiều cho di dân ở những vùng ven thành phố, nơi đó không có nhà thờ nên họ phải tự lo cho đời sống đức tin của mình. Ngay cả những di dân sống ở nội ô thành phố, thời gian làm việc khắt khe khiến họ khó tham gia các hoạt động mục vụ. Bên cạnh đó, việc kết hôn khác đạo, khác văn hóa vùng miền khiến cho di dân khó hòa hợp trong đời sống hôn nhân.

Tổng giáo phận hiện có 180.000 di dân Công giáo trong tổng số 2,2 triệu di dân trong toàn thành phố.

“Các giáo xứ ở thành phố lo ngày Tết đến vì di dân về quê đón Tết thì các ca đoàn không còn đủ người để hát lễ. Quả thực di dân góp phần quan trọng, làm phong phú và phát triển giáo hội địa phương” – cha Dong nhận xét.

Nguồn UCANEWS

Related posts