Giảng lễ chung 

Bài giảng lễ thánh Phaolô Tông Đồ trở lại (ngày Giáo hạt Bình Định cử hành Năm Đức Tin)

LỄ THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ TRỞ LẠI
Giáo hạt Bình Định cử hành Năm Đức Tin
Tại nhà thờ Chính tòa Qui Nhơn, ngày 25. 01. 2013

paoloNăm Đức Tin là cơ hội thuận tiện để cộng đoàn dân Chúa thực hiện một cuộc hành hương thiêng liêng nhằm củng cố và canh tân niềm tin vào Thiên Chúa. Cuộc hành hương thiêng liêng ấy được thực hiện một cách cụ thể qua cuộc hành hương trên địa bàn giáo phận, mà nhà thờ Chính tòa Qui Nhơn là trạm dừng chân đầu tiên dành riêng cho các tín hữu đang sinh sống và làm việc tại giáo hạt Bình Định. Do đó thánh lễ hôm nay còn được gọi là Lễ Trạm.

Hành trình đức tin của mỗi người chúng ta cũng tương tự như hành trình đức tin của thánh Phaolô tông đồ, bắt đầu từ sự hoán cải của ngài sau khi gặp gỡ Đức Kitô trên đường đi Đamát. Vì thế, trạm đầu tiên trong cuộc hành hương đức tin của chúng ta hôm nay được cử hành trong khung cảnh phụng vụ của ngày lễ kính thánh Phaolô tông đồ trở lại.

Cuộc đời của thánh Phaolô có thể được chia thành hai phần rõ rệt bởi một khúc ngoặt của niềm tin, bắt đầu từ biến cố ngài bị quật ngã dưới chân ngựa trên con đường bách hại các Kitô hữu. Đây là biến cố rất quan trọng nên đã được thuật lại ba lần trong sách Công vụ Tông đồ. Lần thứ nhất do thánh Luca thuật lại trong Cv 9,1-30; lần thứ hai được chính thánh Phaolô thuật lại trong Cv 22,3-16 để tự biện hộ trước những người Do-thái ở Giêrusalem, như chúng ta vừa nghe trong bài đọc I; và lần thứ ba cũng do chính thánh Phaolô thuật lại trong Cv 26,9-18 khi ngài tự biện hộ trước vị toàn quyền Rôma là ông Festus và vua Agrippa của người Do-thái. Theo sự đánh giá của các nhà chuyên môn thì biến cố ngã ngựa và việc thánh Phaolô trở lại với Đức Kitô là một trong những sự kiện nổi bật nhất trong lịch sử tôn giáo thế giới.

Thánh Phaolô vốn có tên Do-thái là Saolô, sinh ra và lớn lên tại một thành phố hải ngoại tên là Tácxô, xứ Kilikia. Vốn là người có tư chất thông minh và thuộc nhóm biệt phái, Phaolô được cha mẹ gửi du học tại Giêrusalem dưới chân một bậc thầy nổi tiếng thông thái lúc bấy giờ là ông Gamaliel, nhờ đó Phaolô có dịp hấp thụ mọi tinh túy của nền học thức uyên bác cộng với lòng nhiệt thành với đạo lý Do-thái giáo. Chính vì thế, Phaolô không thể chấp nhận việc một số người lìa bỏ truyền thống tôn giáo của tổ tiên để đi tôn thờ một người có tên là Giêsu đã bị chính các vị lãnh đạo tôn giáo Do-thái kết án. Và Phaolô đã tích cực nhúng tay vào việc bách hại Kitô giáo chỉ nhằm mục đích bảo vệ niềm tin Do-thái giáo. Ngài là người có lòng đạo đức sâu xa và đức tin mạnh mẽ nơi Thiên Chúa và ngài đã tự hào về đức tin ấy. Tuy nhiên đó là đức tin cũ, dựa trên lề luật và công sức của con người, chứ không dựa trên ân sủng của Thiên Chúa. Chính cuộc gặp gỡ Đức Kitô phục sinh đã hoàn toàn biến đổi cách thể hiện niềm tin nơi con người này.

Trên con đường Đamat, khi Phaolô đang hung hăng tàn phá đạo Chúa thì ơn gọi của Chúa đã đến với ngài, không phải một cách nhẹ nhàng và thơ mộng như trường hợp của các tông đồ khác, nhưng bằng một cú quật ngã. Nằm sóng soài dưới chân ngựa, Phaolô nghe được tiếng gọi trong luồng ánh sáng phát ra từ trời: “Saolô, Saolô, sao ngươi bắt bớ Ta?” Phaolô hỏi lại: “Thưa Ngài, Ngài là ai?” Tiếng từ trời đáp: “Ta là Giêsu Nadarét mà ngươi đang bắt bớ”. Không thể tin vào chính mình nữa, không ngờ ông Giêsu Nadarét, người đã bị đóng đinh vào thập giá như một tên tội phạm, lại chính là Thiên Chúa quyền năng đã quật ngã mình và đã tự đồng hóa với những Kitô hữu mà mình đang lùng bắt. Có lẽ chính từ sự kiện này mà sau này thánh Phaolô đã đưa ra giáo thuyết về Giáo Hội là nhiệm thể Chúa Kitô.

Hoàn toàn phó thác cuộc đời cho Thiên Chúa, thánh Phaolô đã thưa với tất cả tâm tình phục thiện : “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?” Con đường đức tin của thánh Phaolô đã hoàn toàn thay đổi kể từ lần gặp gỡ hi hữu ngoài sức tưởng tượng ấy. Dưới ánh sáng của Đấng Phục Sinh, đôi mắt của thánh Phaolô trở nên mù loà, nhờ đó ngài biết rằng trước đây mình thật là mù quáng. Nhưng sau đó, qua trung gian của Khanania, đại diện của Giáo Hội, ngài đã được sáng mắt về phần xác và cả phần hồn để nhìn thấy con đường mình được mời gọi bước vào.

Thánh Phaolô đã hoàn toàn để cho Thiên Chúa dẫn dắt trên con đường của Người. Giờ đây ngài mới hiểu được lộ trình đức tin không phải là con đường mà mỗi người tự vạch ra cho chính mình và được thực hiện bằng sức riêng của mình, nhưng là con đường Thiên Chúa mời gọi con người bước vào dưới tác động của ân sủng. Từ đây, đức tin của thánh Phaolô thực sự mang màu sắc Kitô giáo, với Đức Kitô phục sinh là trung tâm và nền tảng, như ngài đã viết cho các tín hữu Philipphê trong bài đọc II: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô” (Pl 3,8). Trọng tâm lời rao giảng của ngài cũng không còn là những kiến thức uyên thâm về lề luật hay sự khôn ngoan thế trần, nhưng là chính Đức Kitô chịu đóng đinh, điều bị coi là cớ vấp phạm đối với người Do thái và là sự điên rồ đối với dân ngoại (x. 1Cr 1,22-23; 2,1-5). Tất cả cuộc sống của ngài đã bị cuốn hút trọn vẹn bởi mầu nhiệm Đức Kitô, đến độ ngài đã tâm sự với các tín hữu Galata: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Chính niềm tin mãnh liệt đã khiến thánh Phaolô dâng hiến trọn quãng đời còn lại cho việc rao giảng Tin Mừng. Ngài bôn ba không biết mệt mỏi trên mọi nẻo đường của đế quốc Rôma, cả đường biển lẫn đường bộ, từ thành thị đến thôn quê, để rao giảng Đức Kitô cho mọi dân tộc, như lời Đức Kitô phục sinh đã nhắn nhủ trong đoạn Tin Mừng hôm nay (x. Mc 16,15). Ngài chính là lợi khí mà Đức Kitô đã tuyển chọn để đem Tin Mừng đến cho dân ngoại. Ngay từ chuyến hành trình truyền giáo đầu tiên, thánh Phaolô đã có một kinh nghiệm rất đặc biệt: ngài thấy người Do-thái thì chống lại Tin Mừng, trong khi đó dân ngoại thì đón nhận cách chân thành và đông đảo. Chính kinh nghiệm này đã khiến cho thánh Phaolô vững tin rằng tương lai của Kitô giáo là ở nơi dân ngoại và bản chất của Giáo Hội là công giáo, tôn giáo của mọi dân tộc (x. Cv 13,44-49). Sự kiện dân ngoại gia nhập Giáo Hội trước cả người Do-thái cũng làm nảy sinh nơi thánh Phaolô ý nghĩ rằng Đức Kitô sẽ đến lần thứ hai chỉ sau khi người Do-thái gia nhập Giáo Hội, tức là sau khi cả khối dân ngoại đã được nghe rao giảng Tin Mừng (x. Rm 9-11). Điều này sẽ đẩy lùi rất xa ngày Đức Kitô quang lâm, và như thế càng phải đẩy tới công cuộc truyền giáo nhiều hơn nữa.

Cũng như trường hợp của thánh Phaolô, cuộc sống Kitô hữu của mỗi người chúng ta cũng bắt đầu bằng cuộc hoán cải và gặp gỡ Đức Kitô trong bí tích rửa tội. Tuy nhiên, cuộc hoán cải và gặp gỡ ấy vẫn còn phải được thực hiện trong suốt hành trình đức tin, bao lâu chúng ta còn là những con người tội lỗi và chưa gặp gỡ Đức Kitô cách trọn vẹn trong Nước Trời. Chúng ta phải tiếp tục hoán cải để từ bỏ bóng tối tội lỗi và đến gặp gỡ Đức Kitô đang hiện diện trong ánh sáng của Lời Chúa và các bí tích. Cuối cùng, lễ trạm được cử hành hôm nay cũng mời gọi chúng ta bắt chước thánh Phaolô tự biến mình thành một trạm trung chuyển, để giới thiệu Đức Kitô mà chúng ta đã gặp gỡ ấy cho những người khác, bằng công tác tông đồ được thể hiện qua lời rao giảng và đời sống chứng nhân hằng ngày.

Tác giả bài viết: + GM Matthêô Nguyễn Văn Khôi

Related posts