“Đi tu” có gì khác với “ngồi tù”?
Ngày lễ chúng ta mừng kính hôm nay có 4 tên gọi, mỗi tên gọi nói lên một khía cạnh của ngày lễ. Trước hết đây là ngày lễ “Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh”. Việc dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh có hai mục đích: trước hết là chuộc lại đứa con đầu lòng và thứ đến là thanh tẩy người mẹ. Theo sách Xuất Hành 13, 2 thì mọi con đầu lòng thuộc về Thiên Chúa, cả người và vật: “Hãy thánh hiến cho Ta mọi con so, mọi con đầu lòng trong số con cái Israel, dù là người hay là thú vật: nó thuộc về Ta”. Tuy nhiên sách Dân Số 18, 15 nói rằng có thể chuộc lại người con đầu lòng: “nhưng ngươi phải cho chuộc lại con đầu lòng của người ta”. Nếu gia đình có điều kiện thì sẽ dâng con chiên con 1 tuổi, nếu không họ sẽ chỉ phải dâng 2 con chim bồ câu. Vì thế, 40 ngày sau khi sinh, người Do Thái đem con đầu lòng đến Đền Thờ để tạ ơn Chúa, chuộc lại con theo luật định và thanh tẩy bà mẹ sau khi sinh theo như sách Lêvi 12. Vì thế, ngày lễ hôm nay còn được gọi là “Lễ thanh tẩy Đức Maria”. Việc thanh tẩy có thể được cử hành ở Hội Đường nơi mình cư trú, nhưng Đức Maria và Thánh Giuse quyết định đi Giêrusalem. Ngày lễ cũng là một bằng chứng cho ta thấy rằng Con Thiên Chúa đã thực sự làm người: Đức Maria và Thánh Giuse đem vào Đền Thờ một con trẻ, một con người bằng xương bằng thịt chứ không phải là một Thiên Chúa hay một thiên thần. Đây là lần thăm viếng Giêrusalem đầu tiên của Chúa Giêsu và cũng để làm tròn lời ngôn sứ Malakhi trong bài đọc thứ I: “… Và bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh Điện của Người. Kìa, vị sứ giả của giao ước mà các ngươi đợi trông đang đến…” (Ml 3, 1).
Hôm nay cũng là ngày hội ngộ giữa những người công chính là ông bà Simeon và Anna với Chúa Giêsu. Vì lý do này, truyền thống Đông phương gọi ngày lễ hôm nay là «Lễ hội ngộ» (Hypapante trong tiếng Hy Lạp) bởi vì trong khuôn viên Đền Thờ hôm nay đã xảy ra cuộc hội ngộ giữa Thiên Chúa và hai ông bà Simeon và Anna, đại diện cho khát vọng trông chờ sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế nơi dân Chúa.
Dâng Chúa Giêsu, Thanh tẩy và Hội ngộ là những tên gọi cho ngày lễ hôm nay, nhưng còn một cái tên nữa là “Lễ Nến” bởi vì những cây nến tượng trưng cho Chúa Giêsu là ánh sáng cho dân ngoại thế gian như lời ông Simeon khi bồng ẳm Chúa trên tay (Lc 2, 32). Thánh Anselmô đã triển khai ý nghĩa của mầu nhiệm nầy và giải thích 3 điều cần phải lưu ý trong cây nến: sáp là sản phẩm của con ong thợ trinh khiết tượng trưng cho thân thể Chúa Giêsu; tim nến là phần bên trong cây sáp tượng trưng cho trái tim của Ngài và ngọn lửa chỉ cháy ở phần đầu cây nến tượng trưng cho Thiên tính của Chúa Giêsu.
Với tất cả các ý nghĩa trên, Giáo Hội đã chọn ngày lễ hôm nay làm ngày dành cho những người thánh hiến. Có nhiều mục đích để cử hành ngày lễ hôm nay: trước hết là để tạ ơn Chúa vì Ngài đã ban cho loài người một đời sống khác với đời sống gia đình. Qua đời sống thánh hiến, Giáo Hội được phong phú thêm lên nhờ vô số ơn đoàn sủng của các dòng tu cũng như sự dấn thân trọn vẹn cho Thiên Chúa và cho anh chị em của người được thánh hiến. Thứ đến, là để phổ biến và đề cao đời sống thánh hiến cho mọi thành phần dân chúa. Sống đời thánh hiến là noi gương đời sống của Chúa Con hoàn toàn dâng hiến cho Chúa Cha: xem Thiên Chúa Cha như là tình yêu duy nhất qua qua lời khấn khiết tịnh, xem Thiên Chúa như là tài sản duy nhất qua lời khấn khó nghèo và xem Thiên Chúa như đối tượng duy nhất qua lời khấn vâng lời. Và cuối cùng, là để mời gọi những người sống đời thánh hiến cử hành những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đã thực hiện trong đời sống của mình, suy tư về những ân huệ mình đã lãnh nhận để tái khẳng định con đường đi mà mình đã chọn.
Nói đến “đường đi” thì không thể bỏ qua bài viết gần đây của Đức cha Matthêô đã đặt vấn nạn tại sao người ta nói “đi tu”, chứ không “đứng tu” hay “ngồi tu”? Và câu trả lời là: «bởi vì chữ “đi” nói lên một sự di chuyển, đổi đời. Trước hết, hai chữ “đi tu” làm chúng ta liên tưởng đến một sự di chuyển trong không gian:… Như vậy đi tu là thay đổi, là di chuyển, là ra đi từ cuộc sống này đến cuộc sống khác, một cuộc sống khác phải tích cực hơn cuộc sống này, phải đáp ứng ước mơ của người ra đi, … Sự di chuyển hay sự ra đi này là một cuộc hành trình không ngơi nghỉ cho đến chết. Vì thế hai chữ “đi tu” không phải chỉ áp dụng vào ngày tôi lên đường vào tu viện, nhưng nó mãi mãi đi theo tôi suốt cả cuộc đời. Toàn bộ đời tu là một cuộc ra đi, một chuyến hành trình liên tục.. …. Mơ ước lên đường thì bao giờ cũng đẹp, nhưng để thực hiện việc lên đường lại không dễ chút nào. Hạnh phúc đẹp chỉ dành cho những tâm hồn dám lên đường tìm kiếm”
Một cách giải thích có thể gọi là “chuẩn không cần chỉnh”! Tuy nhiên tôi có thể thêm vào một ý nghĩa khác: người ta nói “đi tu” là để tạo nên sự đối nghịch với “ngồi tù”! “Đi tu” là một vế đối của “ngồi tù”! Vậy “đi tu” có gì khác với “ngồi tù”? “Ngồi tù” là một trạng thái áp đặt, cưỡng bách, bị động và trái với ý muốn. Lên đường để “đi” nói lên một hành động có chủ ý và chủ động, gói trọn cả niềm hân hoan vui thích. Người “đi” có ý thức biết mình đi đâu về đâu. Ngay cả người “đi tự tử” cũng vậy, họ có ý thức và biết việc mình đang làm dù là đi đến chổ chết. Vì thế, “đi tu” là một hành động có tự do chọn lựa lẫn niềm vui nội tâm và chính điều đó sẽ tạo nên hạnh phúc. Nếu không có sự tự do chọn lựa và yêu thích, “đi tu” ắt sẽ đồng nghĩa với “ngồi tù” và từ đó chẳng mấy chốc “nhà tu” biến thành “nhà tù” đầy bất hạnh!
Hôm nay, Giáo phận dùng ngày lễ Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh để làm ngày cử hành Năm Đức Tin cho những người thánh hiến, hay nói cách chính xác hơn là những người được Thiên Chúa thánh hiến. Họ hoàn toàn tự do tự nguyện thuộc về Chúa cả tâm hồn lẫn thân xác. Ngày hôm nay, chúng ta cũng đặc biệt chiêm ngưỡng những nhân vật trong Tin Mừng như Simêon và Anna, hình ảnh của những người trông chờ và gặp gỡ Thiên Chúa. Người thánh hiến như Simêon mời gọi chúng ta nhớ lại ước vọng cơ bản của đời thánh hiến là nhìn thấy Thiên Chúa, suy niệm Ngài trong thinh lặng. Người thánh hiến như Anna mời gọi chúng ta kiên trì trong đời sống cầu nguyện, phục vụ bác ái và tự hiến mình để đón nhận Chúa trong đời sống mình. Chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ, Thánh Giuse, Thánh Simêon và Thánh Anna dạy chúng ta biết sống đời thánh hiến khi đón nhận Chúa Giêsu trên tay và trao ban Ngài là «ánh sáng soi chiếu muôn dân» cho những người chung quanh.