Giáo Hội quy định gì về việc tuyên xưng lại thề hứa hôn phối?
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Ở một số nơi, tôi thấy một số cặp vợ chồng được mời tuyên xưng lại thề hứa hôn phối trong Thánh Lễ. Thưa cha, Giáo Hội có quy định gì về cách thức thực hiện việc này không? Việc này là thích hợp khi nào và nên thực hiện theo hình thức nào? – J. D., Leeton, Australia
Đáp: Giáo Hội phổ quát đã không đề xuất bất kỳ nghi thức nào cho việc tuyên xưng lại thề hứa hôn phối hoặc trong Thánh lễ hoặc ngoài Thánh Lễ
Đồng thời, Giáo Hội trao quyền cho các Hội đồng Giám mục Quốc gia trong việc soạn thảo nghi thức Hôn phối và đệ trình cho Tòa Thánh phê chuẩn.
Qua tiến trình này, nhiều quốc gia, đặc biệt là ở Bắc Mỹ và Nam Mỹ, đã đưa vào sách Nghi Thức Hôn phối một nghi thức cho việc tuyên xưng lại thề hứa hôn phối, đặc biệt là vào các dịp kỷ niệm Ngân khánh (25 năm) và Kim khánh (50 năm) Hôn phối.
Các nghi thức này có một phân biệt nhỏ nhưng có ý nghĩa, giữa lời thề hứa ban đầu và lời tuyên xưng lại thề hứa hôn phối. Tại Mỹ, công thức của lời thề hứa là hơi khác với công thức ban đầu, để phản ánh một sự canh tân tinh thần. Còn tại Canada, chính lời giới thiệu của linh mục giải thích ý nghĩa và lý do của việc tuyên xưng lại thề hứa hôn phối. Cũng có có các khoảnh khắc khác nhau trong thánh lễ cho việc tuyên xưng lại thề hứa hôn phối. Trong một số nước, việc tuyên xưng lại thề hứa hôn phối vào dịp Ngân khánh hoặc Kim khánh được thực hiện sau bài giảng, trong khi ở một số nước khác, việc này được thực hiện sau lời nguyện hiệp lễ.
Lý do cho các thay đổi nhỏ nhưng có ý nghĩa, là bởi vì một cách thiết yếu, việc tuyên xưng lại thề hứa hôn phối là không hứa điều gì mới. Việc tuyên xưng lại thề hứa hôn phối được xem như là hình thức bí tích, và do đó là chỉ dành riêng cho cùng một cặp vợ chồng như khi họ nói lời hứa ban đầu. Thông qua sự đồng ý của họ, hai người hiến dâng cho nhau và đón nhận nhau, thông qua một giao ước vĩnh viễn và không thể đổi thay, để thiết lập hôn phối. (xem khoản luật 1057.2 của Bộ Giáo Luật, và Sách Giáo Lý, số 1638).
Quả thật rằng hàng năm người Công giáo tuyên đọc lại lời hứa rửa tội, các linh mục tuyên đọc lại lời hứa truyền chức và nhiều tu sĩ tuyên đọc lại lời khấn Dòng. Tuy nhiên, các lời hứa này là bổ túc cho bí tích, và không tạo nên hình thức bí tích thật sự. Không ai tuyên đọc lại lời hứa rửa tội hoặc lời hứa truyền chức vì mục đích sùng đạo cả.
Đây là lý do tại sao các công thức tuyên xưng lại thề hứa hôn phối cần soạn thảo một cách cẩn thận, và phải tránh bất kỳ sự diễn tả nào có thể gợi ý sự đổi mới mối dây bí tích ban đầu. Một ví dụ khá tốt có thể được lấy từ một nghi thức bằng tiếng Anh được sử dụng trong thập niên 1960:
“Việc tuyên xưng lại thề hứa hôn phối:
“Hai vợ chồng nắm tay phải của nhau và lặp lại theo linh mục, người chồng đọc trước:
“Anh (em) là T… tái khẳng định lời thề hôn nhân của anh (em) 25 (hay 50) năm trước đây, và tái hiến dâng đời anh (em) trong cùng một tinh thần mà anh (em) đã kết hôn với em (anh) là T…, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu, để yêu thương và tôn trọng em (anh), cho đến khi cái chết chia lìa chúng ta”.
“Kế đó, người vợ cùng lặp lại công thức, sau đó linh mục nói …”
Ngoài việc tuyên xưng lại thề hứa hôn phối, Giáo Hội có nhiều cách khác để tôn vinh sự kiên trung trong đời sống hôn nhân.
Sách Lễ Rôma có ba Thánh lễ đặc biệt cho ngày kỷ niệm, đặc biệt là cho lễ mừng Ngân khánh và Kim khánh. Sách các Phép chứa nhiều kinh nguyện đẹp, và lời chúc lành cho các cặp vợ chồng, cả trong và ngoài Thánh Lễ
Các văn bản này có thể được sử dụng bất cứ nơi nào trên thế giới, trong khi việc tuyên xưng lại thề hứa hôn phối trong Thánh Lễ chỉ có thể được sử dụng, ở nơi nào nó được chính thức đưa vào trong sách nghi thức, hoặc đã được phê chuẩn cách đặc biệt.
Từ những gì tôi có thể đánh giá từ sự nhận xét đơn giản, sự áp dụng việc tuyên xưng lại thề hứa hôn phối dường như phổ biến nhiều trên khắp châu Mỹ. Tuy nhiên, nó dường như là ít phổ biến ở châu Âu. (Zenit.org 5-2-2013)