Đức Maria 

Nội dung Tông thư về Kinh Mân Côi của Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Ngày 16 tháng 10 năm 2002 nhân dip kỷ niệm 25 năm được bầu làm Chủ Chăn Giáo Hội Hoàn Vũ, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã công bố Tông thư ”Kinh Mân côi của Đức Trinh Nữ Maria”. Kể cả 8 số phần mở đầu và 5 số phần kết luận tài liệu gồm tất cả 43 số. Chương I nói về việc cùng Mẹ Maria chiêm ngằm Chúa Kitô; chương II trình bầy các mầu nhiệm của Chúa Kitô và của Đức Mẹ; chương III tựa đề ”Đối với tôi sống là Chúa Kitô”.

Vào cuối phần dẫn nhập Tông thư Đức Gioan Phaolô II khẳng định rằng có nhiều dấu chỉ chứng minh cho thấy cả ngày nay nữa, qua lời kinh này, Mẹ Maria cũng muốn biểu lộ ra biết bao nhiêu sự ân cần hiền mẫu, mà Chúa Cứu Thế đang hấp hối đã phó thác cho Mẹ trong con người của môn đệ được yêu nhất, mọi con cái Giáo Hội: ”Thưa Bà, này là con Bà” (Ga 19,26). Trong nhiều trạng huống khác nhau được ghi nhận giữa thế kỷ XIX và thế kỷ XX, trong một nghĩa nào đó, Mẹ Chúa Kitô đã cho nghe thấy sự hiện diện và tiếng nói của Mẹ để khích lệ Dân Chúa sử dụng hình thức cầu nguyện chiệm niệm này. Đức Gioan Phaolô II cũng đặc biệt ước mong nhắc tới các lần Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức và Fatima, là hai trung tâm hành hương, nơi nhiều tín hữu tới kiếm tìm sự vơi nhẹ khổ đau và niềm hy vọng, vì ảnh hưởng sâu đậm được duy trì trong cuộc sống của các tín hữu kitô và vì việc thừa nhận uy tín của Giáo Hội (s. 7)

Trong hàng ngũ các Thánh có biết bao nhiêu vị đã tìm thấy nơi Kinh Mân Côi một con đường thánh hóa đích thực. Điển hình như thánh Luigi Maria Grignion de Montfort, tác gỉa một tác phẩm qúy về Kinh Mân Côi, và gần với chúng ta hơn là Cha Thánh Pio thành Pietrelcina. Thế rồi còn có Chân phước Bartolo Longo, Tông đồ của Kinh Mân Côi. Con đường tu đức của thánh nhân dựa trên sự linh hứng nghe được trong sâu thẳm của con tim: ”Ai phổ biến Kinh Mân Côi thì được cứu rỗi!”. Chính dựa trên đó thánh nhân cảm thấy tiếng gọi xây cất đền thánh Đức Bà Mân Côi tại Pompei, trên dấu tích của thành phố cổ xưa mới được loan báo tin mừng kitô, trước khi bị chôn vùi bởi vụ phun lửa của núi Vesuvio vào năm 79, và nổi lên bao thế kỷ sau đó từ đống tro tàn chứng tích của các ánh sáng và bóng tối của nền văn minh cổ điển. Với toàn tác phẩm của mình và đặc biệt qua ”Mười lăm Thứ bẩy” Bartolo Longo đã phát triển linh hồn kitô học và chiêm niệm của Kinh Mân Côi, được sự khích lệ và nâng đỡ đặc biệt của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, ”Vị Giáo Hoàng của Kinh Mân Côi” (s. 8).

Trong chương I tựa đề ”Cùng Mẹ Maria chiêm ngắm Chúa Kitô” Đức Gioan Phaolô II giới thiệu Mẹ Maria như mẫu gương của sự chiêm niệm, các kỷ niệm của Mẹ, cùng Mẹ nhớ đến Chúa Kitô, cùng Mẹ trở nên đồng hình dạng với Chúa Kitô, cùng Mẹ khẩn nài Chúa Kitô, và cùng Mẹ loan báo Chúa Kitô.

Trước hết Tông thư nhắc tới biến cố Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor, khi đó mặt Người rạng rỡ như mặt trời (Mt 17,2). Cảnh Chúa Kitô hiển dung như trình thuật trong Phúc Âm cho thấy ba tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan như bị xuất thần vì vẻ đẹp của Chúa Cứu Thế. Nó có thể là hình ảnh của sự chiêm niệm kitô. Gắn chặt đôi mắt trên gương mặt Chúa Kitô, thừa nhận mầu nhiệm của Người trên con đường bình thường và khổ đau của nhân tính Người, cho tới chỗ tiếp nhận được ánh quang thiên linh được biểu lộ một cách vĩnh viễn nơi Đấng Phục Sinh vinh hiển bên hữu Thiên Chúa Cha, là nhiệm vụ của mỗi một người môn đệ của Chúa Kitô. Và như thế cũng là bổn phận của chúng ta. Khi chiêm ngưỡng gương mặt này, chúng ta rộng mở cho việc tiếp nhận mầu nhiệm sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, để được sống kinh nghiệm tình yêu của Thiên Chúa Cha một cách mới mẻ luôn mãi, và hưởng nếm niềm vui của Chúa Thánh Thần. Như thế cũng được thực hiện cho chúng ta lời thánh Phaolô: ”Khi phản chiếu vinh quang của Chúa như một tấm gương, chúng ta được biến đổi nên giống cùng một hình ảnh đó, ngày lại ngày càng trở nên rực rỡ hơn, như do tác động của Thần Khí Chúa” (2 Cr 3,18) (s. 9). Đức Maria là mẫu gương không thể vượt qua được của việc chiêm ngắm Chúa Kitô. Gương mặt của Con thuộc về Mẹ một cách đặc biệt. Chính trong cung lòng Mẹ mà Người đã được nhào nặn, khi nhận lấy từ Mẹ cả nhân tính gợi lên sự mật thiết tinh thần chắc chắn lại còn lớn lao hơn nữa. Đã không có ai tận hiến cho việc chiêm ngắm gương mặt của Chúa Kitô với sự kiên trì như Mẹ. Trong một cách nào đó, các con mắt của trái tim Mẹ đã tập trung nơi Người trong biến cố Truyền Tin, khi Mẹ thụ thai Người bởi công trình của Chúa Thánh Thần. Trong các tháng tiếp theo Mẹ bắt đầu cảm thấy sự hiện diện và thấy trước các đường nét của Người. Sau cùng, khi Mẹ cho Người chào đời tại Bếtlêhem, cả đôi mắt thịt dịu dàng của Mẹ cũng hướng tới gương mặt của Con, trong khi Mẹ cuốn tã cho Người và đặt Người nằm trong máng cỏ (x. Lc 2,7).

Kể từ lúc đó cái nhìn của Mẹ, luôn đầy sự kinh ngạc thờ lậy, sẽ không rời khỏi Người nữa. Đôi khi nó sẽ là một cái nhìn dò hỏi, như trong vụ lạc mất trong Đền Thờ: ”Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy?” (Lc 2,48); trong mọi trường hợp, nó sẽ là một cái nhìn thấu suốt có khả năng đọc được tâm hồn của Chúa Giêsu, cho tới độ cảm biết các tâm tình dấu ẩn và đoán được các lựa chọn của Chúa, như ở Cana (x. Ga 2,5); các lần khác nữa nó sẽ là một cái nhìn đau đớn, nhất là dưới chân thập giá, nơi trong một nghĩa nào đó, sẽ còn là cái nhìn của ”người đang sinh con”, bởi vì Mẹ Maria sẽ không hạn chế trong việc chia sẻ cuộc khổ nạn và cái chết của Con Một, nhưng sẽ tiếp nhận người con mới được phó thác cho Mẹ trong người môn đệ yêu dấu (x. Ga 19,26-27); trong buổi sáng ngày Phục Sinh nó sẽ là một cái nhìn rạng rỡ vì niềm vui của sự sống lại, và sau cùng, một cái nhìn nồng cháy vì được đổ tràn đầy Thần Khí trong ngày lễ Ngũ Tuần (x. Cv 1,14) (s. 10).
Đức Gioan Phaolô II viết tiếp trong Tông thư: Mẹ Maria sống với đôi mắt nhìn Chúa Giêsu và thu tích mọi lời của Người làm kho tàng: ”Mẹ giữ gìn tất cả những điều ấy và suy gẫm trong tim” (Lc 2,19; x. 2,51). Các kỷ niện về Chúa Giêsu, in sâu trong tâm hồn Mẹ, đã đồng hành với Mẹ trong mọi hoàn cảnh, đưa Mẹ lần trở lại, bằng tư tưởng, các thời điểm khác nhau trong cuộc sống của Mẹ bên cạnh Con. Các kỷ niệm đó, trong một nghĩa nào đó, đã làm thành ”chuỗi hoa hồng”, mà chính Mẹ đã liên tục lần trong các ngày sống của cuộc đời dương thế.

Và cả giờ đây nữa, giữa các bài ca tươi vui của thành Giêrusalem trên trời, các lý đo tạ ơn và chúc tụng của Mẹ vẫn không thay đổi. Chính các bài ca ấy đã linh hứng cho sự vội vã hiền mẫu của Mẹ đối với Giáo Hội lữ hành, trong đó Mẹ tiếp tục phát triển câu chuyện loan báo Tin Mừng của Mẹ. Mẹ Maria liên tuc tái đề nghị với tín hữu các ”mầu nhiệm” của Con Mẹ, với ước mong chúng được chiêm ngắm, để có thể phóng ra tất cả sức mạnh cứu độ của chúng. Khi đọc Kinh Mân Côi, cộng đoàn kitô hòa điệu với kỷ niệm và cái nhìn của Mẹ Maria (s. 11). Chính từ kinh nghiệm của Mẹ Maria, Kinh Mân Côi là một lời cầu chiêm niệm cao độ. Không có chiều kích này, nó sẽ bị lạc bản chất, như Đức Phaolô VI đã nêu bật: ”Không có sự chiêm niệm, Kinh Mân Côi là một cái xác không hồn, và việc đọc nó có nguy cơ trở thành việc máy móc lập đi lập lại các công thức và chống lại lời cảnh cáo của Chúa Giêsu: ”Khi các con cầu nguyện, đừng nhiều lời như dân ngoại, họ cho rằng cứ nói nhiều là được nhận lời” (Mt 6,7). Vì bản chất của nó, việc đọc Kinh Mân Côi đòi hỏi một tiết nhịp khoan thai và hầu như suy tư, tạo ra nơi người đọc sự thuận tiện cho việc suy niệm các mầu nhiệm cuộc đời của Chúa, được nhìn qua Trái Tim của Đấng gần gũi với Chúa nhất, và mở ra các kho tàng không thể dò thấu được”

Chúng ta hãy để một bên việc dừng lại trên tư tưởng sâu xa này của Đức Phaolô VI, để nêu bật vài chiều kích của Kinh Mân Côi có thể định nghĩa tốt hơn đặc tính riêng của việc chiêm niệm có tính cách kitô học (s. 12)

Trước hết là cùng Mẹ Maria nhớ lại Chúa Kitô. Việc chiêm niệm của Mẹ Maria trước hết là một việc nhớ lại. Tuy nhiên cần hiểu lời này trong nghĩa kinh thánh của ký ức (zakar), thời sự hóa các công trình do Thiên Chúa hoàn thành trong lịch sử cứu độ. Thánh Kinh kể lại các biến cố cứu độ, đạt tột đỉnh nơi chính Chúa Kitô. Các biến cố này không chỉ là một ”hôm qua”, nhưng cũng còn là ”hôm nay” của ơn cứu rỗi nữa. Việc thời sự hóa này được thực hiện một cách đặc biệt trong Phụng Vụ: điều Thiên Chúa đã hoàn thành từ bao thế kỷ qua không chỉ liên quan tới các chứng nhân trực tiếp của các biến cố đó, nhưng đạt tới con người ngày nay với ơn thánh của nó. Trong một cách thế nào đó, điều này cũng có giá trị đối với mỗi tiếp xúc đạo đức với các biến cố đó.: ”nhớ lại điều ấy”, trong thái độ của đức tin và tình yêu, có nghĩa là rộng mở cho ơn thánh, mà Chúa Kitô đã lấy đươc cho chúng ta với các mầu nhiệm cuộc sống, cái chết và sự sống lại của Người.

Vì thế, trong khi cùng với Công Đồng Chung Vaticăng II nệu bật rằng Phụng Vụ, việc thực thi nhiệm vụ linh mục của Chúa Kitô và phụng tự công cộng, là ”tột đỉnh mà hành động của Giáo Hội hướng tới, và đồng thời là suối nguồn từ đó phát xuất ra tất cả sức mạnh”, cũng cần phải nhớ rằng cuộc sống tinh thần ”không cạn đi trong việc tham dự vào Phụng Vụ thánh mà thôi. Tín hữu kitô được mời gọi cầu nguyện chung với nhau, nhưng không vì thế mà không vào phòng mình để cầu nguyện với Thiên Chúa Cha trong kín ẩn (x. Mt 6,6); Còn hơn thế nữa, tín hữu phải cầu nguyện liên lỉ như Tông Đồ Phaolô dậy (x. 1 Tx 5,17). Với tính cách chuyên biệt của nó, Kinh Mân Côi nằm trong khung cảnh đa dạng của lời cầu nguyện ”không ngừng”, và nếu Phụng Vụ, là hành động của Chúa Kitô và của Giáo Hội, là hành động cứu rỗi một cách tuyệt diệu, thì Kinh Mân Côi như là việc cùng với Đức Maria suy niệm về Chúa Kitô, là việc chiêm niệm cứu độ. Thật thế, từ mầu nhiệm này sang mầu nhiệm khác, việc chìm đắm trong cuộc sống của Đấng Cứu Thế, khiến cho những gì Người đã làm và Phụng Vụ thời sự hóa, được thấm nhuần một cách sâu đậm và nhào nặn cuộc sống (s. 13).

Mẹ Maria 356

Linh Tiến Khải

R/Vatican

Related posts